Skip to main content

Thẻ: Bán lẻ

Đường đến doanh số tỷ USD của Con Cưng

Sau khoảng 10 năm tăng trưởng mạnh về số cửa hàng và doanh thu, Con Cưng tiếp tục đặt mục tiêu đạt doanh số 1 tỷ USD năm 2023 và chiếm 30% thị phần vào năm 2025.

Khi tầng lớp trung lưu tăng nhanh kéo theo yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, những nhà bán lẻ như Con Cưng cần nhiều cơ sở để đáp ứng cũng như hoàn thành tham vọng chiếm lĩnh thị trường.

Tiềm năng ngành hàng tiêu dùng mẹ và bé.

Với quan niệm “con cái là của để dành”, người châu Á thường dùng phần nhiều tài sản đầu tư vào việc nuôi dạy trẻ.

Họ dành những điều tốt nhất trong khả năng, thậm chí chuẩn bị tài sản cho con khi trưởng thành. Ngay cả thời điểm nhiều khó khăn và biến động như dịch Covid-19, không ít gia đình vẫn cố gắng tìm kiếm sản phẩm chất lượng cao.

Chị Hà Minh (29 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) vốn không mấy để tâm đến nguồn gốc thực phẩm hay chất liệu vật dụng hàng ngày. Tuy nhiên từ khi sinh con gái đầu lòng cuối năm 2020, chị bỏ ra phần lớn thời gian để tìm hiểu và tham khảo những sản phẩm tốt cho bé.

“Tôi luôn ưu tiên thực phẩm hữu cơ và đồ dùng, quần áo nguồn gốc rõ ràng, làm từ chất liệu thân thiện, không gây kích ứng da.

Những năm đầu đời của con rất quan trọng, vợ chồng tôi không ngại đầu tư để bé phát triển tốt nhất. Cả khi dịch bệnh bùng phát khiến nguồn hàng hạn chế, tôi cũng cố gắng tìm kiếm địa chỉ uy tín chứ không mua đại”, chị Hà Minh chia sẻ.

Chị Hà Minh là một trong nhiều bà mẹ Việt sẵn sàng đầu tư sản phẩm chất lượng cho con. Truyền thống này kết hợp số lượng trẻ sinh ra hàng năm tăng tạo động lực cho ngành hàng tiêu dùng mẹ và bé tăng trưởng.

Theo BSC, dân số Việt Nam hơn 98 triệu và dự báo đạt 106 triệu năm 2050, với tốc độ tăng trưởng 1-2%/năm. Đây là dấu hiệu tốt cho các nhà bán lẻ khi tổng thị trường mở rộng, mang lại nhiều cơ hội kinh doanh hơn.

Thị trường tiêu dùng bán lẻ sôi động.

Ngành tiêu dùng bán lẻ Việt được dự báo ngày càng sôi động khi thu nhập người dân dần ổn định và tăng mức chi tiêu.

Số liệu từ BSC cho thấy, doanh thu bán lẻ quý III/2020 phục hồi tốt và kỳ vọng về mức 10,2%-10,5% năm nay. Cũng theo BMI, tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình sẽ phục hồi mạnh lên 9.69% YoY (chỉ số đo lường qua từng năm).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm do Bộ Công thương công bố đạt 1.985 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nielsen ước tính, doanh thu thị trường sản phẩm, dịch vụ dành cho mẹ và bé tại Việt Nam có thể đạt quy mô 7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 30-40%. Nhu cầu lớn trở thành động lực cho ngành tiêu dùng bán lẻ.

Đường đua tiêu dùng bán lẻ tại Việt Nam ngày càng tăng nhiệt khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng và gia nhập cuộc chơi. Điển hình, chuỗi Con Cưng nhận vốn lần đầu của Quỹ Daiwa-SSIAM II, trợ lực cho thương hiệu này vào top dẫn đầu quy mô.

Theo kết quả khảo sát của Nielsen tháng 7/2019, Con Cưng trở thành Chuỗi cửa hàng mẹ và bé được yêu thích nhất tại Việt Nam.

Đến nay, doanh nghiệp này có gần 500 cửa hàng trên cả nước, phục vụ hơn 6 triệu phụ huynh. Trung bình mỗi tháng, chuỗi bán lẻ cung cấp gần 400.000 gói tã; hơn 2,5 triệu sản phẩm sữa và dinh dưỡng các loại cho mẹ bầu, trẻ nhỏ.

Với thế mạnh sẵn có, Con Cưng có nhiều cơ hội mở rộng thị phần khi người Việt ngày càng chuộng hàng nội địa uy tín.

Nghiên cứu của Nielsen cho thấy, người tiêu dùng Việt ưu tiên hơn với sản phẩm địa phương. Cụ thể, 17% người cho biết chỉ mua hàng tiêu dùng nội địa và 59% chia sẻ đa phần mua của nội địa (so với mức trung bình toàn cầu là 11% và 54%).

Nền móng cho đích đến doanh số tỷ USD.

Con Cưng ra đời năm 2011 – giai đoạn ngành bán lẻ và thương mại điện tử bắt đầu lên ngôi. Dù chịu tác động không nhỏ từ suy thoái kinh tế thế giới, thị trường Việt Nam thời điểm này được đánh giá phát triển ổn định và đầy hấp dẫn với nhà bán lẻ nước ngoài.

Sau khi nhận khoản đầu tư năm 2016, chuỗi bán lẻ đẩy mạnh mở rộng thị trường và ghi nhận mức tăng trưởng phi mã.

Số cửa hàng tăng từ 100 năm 2016 lên 400 năm 2020, với hơn 2.000 mặt hàng tại 45 tỉnh của Việt Nam. Cũng giai đoạn này, tổng tài sản Con Cưng tăng 9 lần, đạt 1.610 tỷ đồng.

Từ người tiên phong cung cấp sản phẩm cho mẹ và bé tại Việt Nam, chuỗi bán lẻ nhanh chóng được biết đến và trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều gia đình.

Khi dịch bùng phát, nền kinh tế lao đao, nhưng Con Cưng vẫn tăng trưởng với doanh số 3.812 tỷ và lợi nhuận trước thuế đạt 86 tỷ trong năm 2020, tăng hơn 4 lần so với năm trước. Dự kiến, năm nay doanh nghiệp đạt mức doanh số 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 250 tỷ đồng.

Lời giải đầu tiên cho hành trình hơn 10 năm phát triển và vượt thăng trầm của Con Cưng là không ngừng đổi mới, ứng biến linh hoạt và áp dụng công nghệ hiện đại. Trong bối cảnh hoạt động mua sắm trực tuyến lên ngôi, chuỗi bán lẻ đầu tư mạnh cho mảng online.

Đồng thời, trải nghiệm tiêu dùng được chú trọng với dịch vụ giao nhanh trong 30 phút. Chiến lược thức thời giúp doanh thu online toàn chuỗi đạt gần 200 tỷ đồng/tháng trong giai đoạn giãn cách.

Một trong những điều doanh nghiệp này làm tốt, thu hút người dùng nằm ở việc hợp tác thương hiệu uy tín trong và ngoài nước mà không phải qua đơn vị phân phối trung gian, đảm bảo chất lượng sản phẩm chính hãng đến tay khách hàng.

Con Cưng cũng ngày càng tạo uy tín với các dòng cao cấp, đáp ứng nhu cầu khắt khe. Trong bối cảnh tỷ lệ người thuộc giới trung lưu Việt tăng nhanh, thu nhập và chất lượng sống cải thiện, đây được xem như chìa khóa mở cánh cửa thành công.

Nhìn lại chặng đường 10 năm, ông Lưu Anh Tiến – đồng sáng lập kiêm CEO Con Cưng – chia sẻ: “Một thập kỷ đã khép lại và Con Cưng đã sẵn sàng cho hành trình 10 năm phía trước với những bước đi mới tràn ngập sáng tạo, mở rộng mạnh mẽ.”

Doanh nghiệp này thể hiện tham vọng lớn với kế hoạch đạt doanh số 1 tỷ USD vào 2023; chiếm 30% thị phần để đạt doanh số 2 tỷ USD năm 2025, trong đó ít nhất 30% đến từ thương mại điện tử.

Con số này không nhỏ so với doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng cho mẹ và bé tại Việt Nam. Thế nhưng với nền tảng xây dựng từ khi thành lập và không ngừng củng cố, nhiều nhà đầu tư đánh giá tham vọng của Con Cưng hoàn toàn khả thi.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn

Google: Biến ‘những kỳ vọng đối lập’ của khách hàng thành cơ hội bán lẻ mới

Từ năm 2020, không chỉ các làn sóng mới của những người mua sắm ngoại tuyến tham gia vào thế giới thương mại điện tử mà những người vốn đã mua sắm trực tuyến thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào nó.

Google: Biến kỳ vọng đối lập của khách hàng thành cơ hội bán lẻ mới

Dưới đây là chia sẻ từ Ông Kiran Mani, Giám đốc phụ trách khách hàng toàn cầu và giải pháp Agency của Google tại APAC.

Khi hành vi mua sắm tiếp tục phát triển, một loạt những căng thẳng thú vị đã xuất hiện khi người tiêu dùng phải đối mặt với những lựa chọn dường như là đối lập.

Những kỳ vọng có vẻ mâu thuẫn hay đối lâp này có thể giống như một nghịch lý đầy thách thức đối với các thương hiệu.

Nhưng thay vì coi đây là sự đánh đổi tiềm năng, những thương hiệu tìm cách mang đến cho mọi người những điều tốt nhất của cả hai thái cực có thể đạt được những thành công không nhỏ trong việc xây dựng lòng trung thành và sự hài lòng của khách hàng.

Nghịch lý 1: Gặp gỡ người tiêu dùng ở giao điểm giữa hai thái cực – Trực tuyến và ngoại tuyến.

Mọi người không chỉ cảm thấy thoải mái với thương mại điện tử mà còn bắt đầu tỏ ra thích thú với nó hơn.

38% người tiêu dùng APAC (khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) không mua sắm trực tuyến trước đại dịch cho biết họ có ý định tiếp tục mua sắm trực tuyến và nhiều doanh nghiệp nhận thấy rằng ‘mặt tiền’ hay ‘cửa hàng chính’ của họ đã chuyển sang trực tuyến.

Trung Quốc trở thành thị trường đầu tiên mà doanh số thương mại điện tử vượt qua doanh số bán hàng tại cửa hàng, trong khi Hàn Quốc theo sát phía sau với 28,9% doanh số bán hàng trực tuyến dự kiến ​​trong năm nay.

Đặc biệt, mua sắm hàng tạp hóa (grocery) có mức tăng trưởng lớn nhất ở Châu Á – Thái Bình Dương, với trung bình 44% người tiêu dùng mua hàng tạp hóa trực tuyến trong quý 4 năm 2020 – cao hơn 1,6 lần so với các khu vực còn lại của thế giới.

Trong khi thương mại trực tuyến đang phát triển, mua sắm tại các cửa hàng vẫn không kém phần quan trọng, đặc biệt là đối với các thương hiệu CPG (hàng đóng gói tiêu dùng).

Ngay cả ở các quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, người mua sắm vẫn đang tiếp tục quay trở lại các cửa hàng truyền thống.

Mọi trải nghiệm mua sắm, dù là ngoại tuyến (offline) hay trực tuyến (online), đều có những thứ mà mọi người đánh giá cao.

Thay vì tập trung vào cái này hay cái kia, kênh này hay kênh kia, các thương hiệu cần suy nghĩ về cách họ có thể mang những điều tốt nhất của mỗi thứ vào hành trình mua hàng nhằm giúp người mua sắm di chuyển một cách dễ dàng giữa chúng.

Chúng tôi biết rằng, với trực tuyến, mọi người tận hưởng quyền truy cập thông tin, quyền riêng tư khi mua sắm, thanh toán liền mạch, khả năng tìm kiếm trên nhiều loại sản phẩm và chi nhánh khác nhau.

Vậy làm thế nào để các cửa hàng vật lý có thể tái tạo một số lợi ích này?

Thương hiệu có thể làm cho con đường đến cửa hàng để mua hàng của người tiêu dễ dàng hơn, nhiều thông tin hơn và hữu ích hơn với ‘trợ lý ảo’.

Điều này cho phép người mua sắm yên tâm mua sắm mà không cần phải nhờ đến nhân viên cửa hàng.

Và việc tận dụng các công nghệ mới hơn như VR và AR trong các cửa hàng bán lẻ để tạo ra những trải nghiệm thú vị và sâu sắc hơn cũng có thể khiến bạn trở nên đáng nhớ hơn.

Tương tự, những lợi thế của việc mua sắm tại các cửa hàng cũng có thể được áp dụng cho những trải nghiệm ở thương mại điện tử.

Chúng tôi nhận thấy rằng việc giao hàng miễn phí, chính sách đổi trả dễ dàng và giao hàng vào ngày hôm sau đóng vai trò là động lực quan trọng cho việc mua hàng trực tuyến.

Việc gặp gỡ người tiêu dùng của bạn ở giao điểm giữa hai thái cực trực tuyến và ngoại tuyến có thể là hình thức cung cấp cho người mua sắm trực tuyến sự an tâm và đáng tin cậy, điều mà họ rất cần trong quá trình mua sắm.

Nghịch lý 2: Bảo vệ giá trị trong khi phục vụ giá trị.

Người mua sắm sẽ luôn quan tâm đến việc tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất – thậm chí còn hơn thế nữa khi đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính của gần 50% người tiêu dùng ở Châu Á – Thái Bình Dương (APAC).

Nhiều người mua sắm phải trải qua rất nhiều thời gian để tìm kiếm các ưu đãi tốt trực tuyến cũng như tận dụng tối đa các đợt giảm giá và khuyến mãi .

Theo Ông Jason Mander đến từ GWI (một công ty về dữ liệu người tiêu dùng), ngày càng có nhiều người hơn tin tưởng vào các thương hiệu nếu nó phù hợp với niềm tin cá nhân của chính họ, với 59% người tiêu dùng mong đợi các thương hiệu thân thiện với môi trường hoặc có trách nhiệm với xã hội.

Mặc dù nhiều người sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho những thương hiệu phù hợp với giá trị cá nhân của họ, nhưng việc đưa ra đồng thời một giá trị lớn cũng sẽ khiến thương hiệu của bạn trở nên hấp dẫn hơn.

Ví dụ: ứng dụng dành cho thiết bị di động của Singapore, SusGain mang đến cho mọi người cơ hội để vừa tích điểm khi chi tiêu tại một doanh nghiệp bền vững của địa phương (doanh nghiệp có những tác động tích cực đến môi trường, cộng đồng, xã hội…) vừa hoàn lại tiền khi mua hàng – họ đáp ứng cả hai nhu cầu về giá trị của người tiêu dùng cùng một lúc.

Bằng cách kết nối thông qua chiến lược trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C), một thương hiệu có thể tạo ra những kết nối đích thực và nổi bật như một thương hiệu độc lập với các nguyên tắc và giá trị của riêng mình.

Nếu bạn không biết nên bắt đầu từ đâu, hãy cân nhắc việc kiểm tra lại chuỗi giá trị của mình để xác định các cơ hội mà bạn có thể truyền tải giá trị của mình cho khách hàng.

Nghịch lý 3: Cung cấp toàn cầu trong khi phục vụ cho từng địa phương.

Với rất nhiều thời gian dành cho trực tuyến, mọi người đã quen với việc tiếp cận các thương hiệu và thị trường từ khắp mọi nơi trên toàn thế giới.

Đồng thời, chúng tôi nhận thấy rằng sở thích mua hàng tại địa phương ngày càng tăng do ý thức cộng đồng và quan tâm đến môi trường nhiều hơn.

Vậy làm cách nào để bạn cung cấp cho khách hàng những điều tốt nhất trên thế giới đồng thời cho phép họ đóng một vai trò tích cực trong cộng đồng địa phương?

Các doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng cách tích cực ủng hộ các nhà cung cấp địa phương – chẳng hạn như ShopClues, một thị trường trực tuyến của Ấn Độ, đã cung cấp cho khách hàng quyền truy cập vào các thương hiệu toàn cầu nhưng cũng kêu gọi các sản phẩm nội địa với nhãn dán “Sản xuất tại Ấn Độ”, điều này cho phép mọi người đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất với nhu cầu của họ trong từng thời điểm.

Thương hiệu thể thao toàn cầu Nike cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự với mô hình cửa hàng siêu địa phương của họ (hyper-local store), Nike Unite, tập trung vào việc phát triển văn hóa địa phương và ưu tiên những người địa phương.

Chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới, Starbucks, đã chuyển đổi chuỗi giá trị và hậu cần của mình để cam kết tìm các nguồn cung ứng có đạo đức từ các nhà cung cấp cà phê địa phương cũng như công bố công khai các báo cáo của mình về những tác động xã hội.

Mọi thứ đã thay đổi, khách hàng đã thay đổi và các thương hiệu cũng đã dần bắt kịp với quá trình chuyển đổi đó. Còn bạn thì sao?

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips 

GAP và những thất bại: Điều gì đã xảy ra với thương hiệu thời trang hàng đầu một thời này

Gap đã mất đi giá trị và sự tỏa sáng của mình với đỉnh điểm là đóng cửa tất cả các cửa hàng ở Anh. Vậy điều gì đã xảy ra với thương hiệu này?

GAP và những lần 'té ngã' - Điều gì đã xảy ra với thương hiệu thời trang hàng đầu một thời này
GAP và những thất bại: Điều gì đã xảy ra với thương hiệu thời trang hàng đầu một thời này

Gap, thương hiệu thời trang của Mỹ dường như cảm thấy được một luồng không khí trong lành mới khi đến Anh vào năm 1987.

Nội thất cửa hàng sạch sẽ, tươi sáng cùng với các dòng sản phẩm thời trang theo phong cách preppy sang trọng đã tạo ra được một điểm khác biệt rõ ràng cho Gap khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh khác trong nước.

Nhưng gần 35 năm là một khoảng thời gian dài trong lĩnh vực bán lẻ.

Mọi thứ đã thay đổi, thời trang cũng đã thay đổi, và Gap – sẽ đóng cửa tất cả 81 chi nhánh tại Vương quốc Anh vào cuối tháng 9 này, kết thúc thời gian hoạt động của thương hiệu trên các đường phố tấp nập của Vương quốc Anh.

Thói quen giảm giá của thương hiệu có nghĩa là một đợt giảm giá khác sẽ sớm diễn ra, nếu nó chưa được xảy ra.

Bà Annie Brown, cộng sự của Brand Finance, một công ty tư vấn và định giá thương hiệu hàng đầu trên thế giới, cho biết: “Động thái đóng cửa các cửa hàng là một phần của quá trình tái định vị thương hiệu cần thiết và rộng rãi hơn.”

Brand Finance ước tính giá trị thương hiệu của Gap (brand value) trên toàn cầu là 1,4 tỷ USD (1 tỷ bảng Anh) tính đến tháng 1 năm nay, thấp hơn nhiều so với mức định giá 3,2 tỷ USD (2,3 tỷ bảng Anh) của ‘thương hiệu đàn chị’ Old Navy (một thương hiệu của Gap Inc).

Bà Brown cho biết giá trị của Gap đã giảm trung bình 5% mỗi năm kể từ năm 2008, trong khi giá trị của đối thủ H&M tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm so với cùng kỳ.

Theo Brand Finance Global Equity Monitor 2020, dựa trên nghiên cứu người tiêu dùng được thực hiện vào tháng 10 năm 2020, Gap được người mua sắm biết đến nhiều hơn Zara nhưng ít được biết đến hơn so với Primark, H&M và Next.

Bà Helen Edwards, một nhà tư vấn thương hiệu chia sẻ:

“Với nhiều sự cân nhắc kỹ lưỡng trong quản trị và tái định vị thương hiệu, Gap có thể xây dựng lại thương hiệu đó và chúng ta có thể nhìn thấy nó trở lại trên đường phố.”

Gap đã bắt đầu xem xét các hoạt động ở châu Âu vào năm ngoái như một phần của chiến lược lớn “Power Plan 2023”, một chiến lược thay đổi toàn diện của thương hiệu.

Mục tiêu tổng quát của nó là tìm ra những cách hiệu quả hơn về chi phí để duy trì sự hiện diện ở Châu Âu.

Ở Pháp và Ý, điều này sẽ chứng kiến ​​việc Gap bán bớt các cửa hàng thực (physical stores) của mình cho các đối tác để điều hành chúng; ở Anh, Gap sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng của mình nhưng vẫn duy trì hoạt động ecommerce.

Các thị trường khác cũng đang có những sự thay đổi, với 175 cửa hàng ở Mỹ sẽ đóng cửa vào cuối năm nay.

Gap cũng có kế hoạch tăng cường sự thâm nhập trực tuyến trên toàn cầu, một mục tiêu mà họ đã hướng tới trong thời gian cửa hàng bị đóng cửa do đại dịch Covid-19.

Sự cạnh tranh khốc liệt…

Theo dữ liệu từ YouGov, Gap phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như Primark và Uniqlo, nhưng đồng thời bản thân Gap cũng đang gặp rất nhiều khó khăn với hình ảnh thương hiệu của chính mình.

Ông Richard Moller, Giám đốc nghiên cứu thị trường của YouGov cho biết:

“Gap được người mua sắm đánh giá rất cao về chất lượng, ấn tượng thương hiệu và cả sự hài lòng của khách hàng, điều này nghĩa là Gap vẫn rất nổi tiếng với những trải nghiệm khách hàng và các sản phẩm được sản xuất tốt.

Nhưng Gap lại gặp khó khăn với danh tiếng của thương hiệu, sự giới thiệu từ khách hàng đến khách hàng và nhận thức của khách hàng về những gì họ nhận được so với những gì mà họ phải bỏ ra.”

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng trong ba tháng qua, điểm chất lượng, ấn tượng và mức độ hài lòng của Gap cũng đã bắt đầu sụt giảm đáng kể.

Ông Moller nói tiếp:

“Kể từ khi đại dịch xảy ra, nhiều thương hiệu trên các đường phố lớn đã thực hiện việc chuyển đổi trực tuyến để bắt kịp với hành vi mới của người tiêu dùng.

Trong khi, việc đóng cửa hoặc hạn chế các cửa hàng trên các con phố khiến việc mua sắm trở nên khó khăn hơn đối với những người vốn không thích mua hàng trực tuyến, khi họ muốn xem và thử sản phẩm trước khi ra quyết định mua hoặc chỉ đơn giản là tận hưởng gần hơn những sự kiện mua sắm rầm rộ.

Sự mất mát hay tổn thất của Gap không chỉ đến từ những khách hàng hiện tại hay những khách hàng với các thói quen cũ mà còn là từ những khách hàng mới tiềm năng trong tương lai, những người có những thói quen mua sắm mới.”

Theo dữ liệu của YouGov, gần 2/3 (61%) khách hàng hiện tại của Gap nói rằng họ thích mua hàng trực tuyến hơn là tại các cửa hàng thực.

Ông Moller cho biết thêm: “Nếu không có chi tiêu lớn hơn cho quảng cáo, Gap có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phát triển lượng khách hàng của mình khi họ đã không còn sự hiện diện trên các con phố lớn.”

Nhà tư vấn thương hiệu Helen Edwards chia sẻ:

“Quả là một sự ‘té ngã’ không hề dễ chịu khi bạn nghĩ về những gì Gap đã có. Bà mô tả Gap trong thời kỳ hoàng kim là một thương hiệu thời trang đáng mơ ước, điều mà rất nhiều đối thủ phải ghen tị.”

Bà cũng trích dẫn các yếu tố khiến Gap phải đối diện với nhiều khó khăn hơn: cạnh tranh gia tăng, phụ thuộc quá nhiều vào chiết khấu và việc ép quá nhiều hàng giảm giá vào các cửa hàng.

“Tôi tin rằng Gap có thể xây dựng lại thương hiệu của họ và chúng ta có thể thấy Gap trở lại nhiều hơn trên các con phố, điều này cũng sẽ đòi hỏi một nỗ lực lâu dài của Gap trong việc thay đổi nhận thức của khách hàng.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Thị trường bán lẻ hàng ‘xa xỉ phẩm’ vẫn sống tốt trong đại dịch

Trong khi ngành bán lẻ nói chung đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, thì thị trường bán lẻ hàng xa xỉ với tính đặc thù riêng lại vẫn hoạt động tốt, bất chấp dịch bệnh.

Thị trường bán lẻ hàng 'xa xỉ phẩm' vẫn sống tốt trong đại dịch
Thị trường bán lẻ hàng ‘xa xỉ phẩm’ vẫn sống tốt trong đại dịch

Dưới ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành bán lẻ của Việt Nam đã chứng kiến nhiều cửa hàng và các nhà bán lẻ lớn buộc phải đóng cửa, đặc biệt là đối với các mặt hàng có mức độ nhạy cảm về giá cao.

Một số thương hiệu bán lẻ do không thể thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với tình hình mới đã dẫn tới việc bị đào thải khỏi thị trường.

Tuy vậy, vẫn tồn tại một số ngành hàng hoạt động tốt với lượng khách hàng tới cửa hàng khả quan, thậm chí những doanh nghiệp này còn có xu hướng mở rộng các cửa hàng vật lý.

Theo đó, thị trường bán lẻ hàng xa xỉ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh do việc hạn chế du lịch trên toàn cầu đã khiến khách hàng tập trung mua sắm chủ yếu tại các cửa hàng trong nước.

Bán lẻ cao cấp (luxury product) tại Việt Nam là một trong những thị trường có hoạt động tốt, với việc các thương hiệu xa xỉ muốn mở rộng và gia nhập vào Việt Nam.

Ông Matthew Powell, Giám đốc của Savills Việt Nam cho biết, những doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt đồng nghĩa với việc họ có khả năng thay đổi để bắt kịp với tình hình mới.

Tại những thị trường lớn như ở Anh, một số nhà bán lẻ rất lớn với hơn 100 năm hoạt động đã phải phá sản vì không thể thay đổi mô hình kinh doanh và thích ứng kịp thời với tình hình mới.

Vì vậy, thành công của bán lẻ ở các thị trường khác nhau vẫn phụ thuộc nhiều vào chiến lược, sự quản lý cũng như khả năng thích ứng của doanh nghiệp.

Theo ông Matthew, có hai lý do khiến thị trường bán lẻ hàng xa xỉ vẫn sống tốt trong đại dịch:

Thứ nhất, đối với ngành hàng xa xỉ, sự nhạy cảm về giá của người mua là khá thấp.

Thương hiệu vẫn có thể tăng giá 10 – 20% mà vẫn có khách hàng muốn sở hữu.

Việc tăng giá sản phẩm của các thương hiệu xa xỉ thường không ảnh hưởng trực tiếp lên quyết định mua hàng bởi khách hàng của họ sẵn sàng và luôn có khả năng mua.

Giám đốc Savills phân tích, khách hàng trong ngành xa xỉ có quá trình quyết định mua sắm khác biệt, coi trọng tương tác trực tiếp giữa khách hàng và thương hiệu.

Họ muốn đến cửa hàng, trao đổi cùng nhân viên tại đó và trực tiếp trải nghiệm sản phẩm cũng như những dịch vụ mà thương hiệu cung cấp.

Thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh, trong khi rất nhiều nhà bán lẻ đang chuyển hướng, áp dụng thương mại điện tử và các giải pháp công nghệ để giải quyết các nhu cầu khác nhau của doanh nghiệp: tiếp cận và giao tiếp với khách hàng, quản lý kho vận và thậm chí là hỗ trợ các hoạt động truyền thông, thì các thương hiệu cao cấp lại tập trung chủ yếu vào phát triển và duy trì hình ảnh, thể hiện qua chất lượng và giá trị trọn đời của sản phẩm.

Có thể thấy, các thương hiệu cao cấp đang đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp marketing mới để có thể tiếp cận phân khúc mục tiêu tốt hơn; các giải pháp công nghệ cũng được ứng dụng tại các cửa hàng vật lý của hãng, nhằm tăng trải nghiệm mua sắm và hỗ trợ người mua đưa ra các quyết định mua hàng.

Thực tế, các nhãn hàng xa xỉ thường lựa chọn mặt bằng kinh doanh là các vị trí đắc địa và trung tâm tại các đô thị lớn.

Ví dụ như địa điểm mới của Dior và Louis Vuitton (LV) tại dự án International Centre trên phố Tràng Tiền ở trung tâm Hà Nội. Những vị trí này thường khá bắt mắt, phù hợp với hình ảnh cao cấp của thương hiệu.

Ông Matthew đánh giá, trong nhiều năm, thị trường Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đóng góp rất quan trọng vào hoạt động kinh doanh toàn cầu của các nhãn hàng cao cấp.

Đặc biệt, Diễn đàn Kinh tế thế giới ước tính vào năm 2030, tầng lớp trung lưu tại khu vực này sẽ tăng thêm 1,5 tỷ người, chiếm 66% số người thuộc tầng lớp trung lưu toàn cầu.

Các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, Philipines và Việt Nam sẽ sở hữu hàng triệu công dân có khả năng tài chính và nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ.

Châu Á cũng đồng thời là khu vực cho thấy sự phục hồi tích cực sau Covid-19, thúc đẩy sự mở rộng và đầu tư nhiều hơn.

Trong khi đó, bán lẻ cao cấp tại Việt Nam là một trong những thị trường có hoạt động tốt nhất khu vực. Vì vậy, nhiều thương hiệu xa xỉ muốn mở rộng, gia nhập vào Việt Nam.

Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam tương đối thấp so với các thị trường khác trong khu vực châu Á như Singapore, Hồng Kông hoặc Tokyo.

Do các lệnh hạn chế du lịch, hiện nay khách hàng tại Việt Nam chủ yếu mua sắm các đồ dùng xa xỉ trong nước, thay vì đi sang các thị trường khác như Hồng Kông, London, Paris hoặc Singapore.

Thêm vào đó, việc thu nhập bình quân của Việt Nam những năm vừa qua đã tăng rõ rệt, đi kèm với sự gia tăng đáng kể của tầng lớp trung lưu, đã mở rộng thêm thị trường mục tiêu của các hãng.

Hiện, nguồn cung mặt bằng bán lẻ cao cấp tại Hà Nội khá hạn chế, chỉ có một số địa điểm mà các thương hiệu muốn thuê tại Hà Nội, ví dụ như khu vực Tràng Tiền hoặc quanh khách sạn Soffitel Metropole, nơi hiện có sẵn rất nhiều các thương hiệu cao cấp.

Theo ông Matthew, các doanh nghiệp bán lẻ cao cấp cần suy nghĩ về việc đổi mới chiến lược, về cách mà họ tiếp cận người tiêu dùng mới.

Điểm cần lưu ý của ngành hàng xa xỉ là các nhãn hàng có thể trở nên quá truyền thống hoặc quá giống một sản phẩm thế hệ cũ.

Họ cần liên tục xem xét cách tiếp cận các thị trường mục tiêu, có thể là tới đối tượng khách hàng trẻ hơn và xây dựng mối quan hệ lâu dài với những khách hàng đó.

Nhìn chung, có thể dễ thấy sự phát triển đi lên của thị trường bán lẻ Việt Nam, lấy ví dụ có các cửa hàng Uniqlo, Zara lần lượt gia nhập thị trường.

Những thương hiệu thời trang này đang thu hút một lượng lớn các khách hàng tại các phân khúc khác nhau.

Một cửa hàng Uniqlo có thể rộng trên 5,000 m2 và đáp ứng đầy đủ các loại thời trang từ trẻ em đến người lớn, nam và nữ. Các nhà bán lẻ dạng này đang hoạt động rất tốt ở Việt Nam.

Ngoài ra, bán lẻ tại Việt Nam cũng đang đón nhận mô hình phát triển mới tương tự với các nước trên thế giới, đó là sự bùng nổ của các loại hình giải trí, F&B và e-Sport tại các trung tâm thương mại.

Các trung tâm thương mại trong tương lai sẽ rất khác so với 5-10 năm trước, ông Matthew Powell đánh giá.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips 

Google: 3 khoản đầu tư mà thương hiệu cần làm để đột phá trong ngành bán lẻ

Các thương hiệu và doanh nghiệp đang phải đối mặt với cái được gọi là “Cuộc di cư vĩ đại trong ngành bán lẻ” – một làn sóng người mua sắm chuyển sang trực tuyến trong thời kỳ đại dịch.

Vào năm 2020, Đông Nam Á có 40 triệu người dùng Internet mới, có nghĩa là hơn 70% dân số hiện đang trực tuyến. Những người mua sắm mới đã tạo ra hơn 1/3 doanh số thương mại trực tuyến của năm 2020.

Trong số này, cứ 10 người thì có 8 người nói rằng họ có ý định tiếp tục mua sắm trực tuyến. Xu hướng này cũng đúng trên toàn cầu khi chỉ 23% khách hàng nói rằng họ sẽ quay lại chi tiêu tại cửa hàng sau đại dịch.

Người tiêu dùng cũng đã nâng cao kỳ vọng của họ hơn khi mua sắm. Giờ đây, họ mong đợi các thương hiệu hiểu được sở thích mua sắm của họ, cung cấp những trải nghiệm được cá nhân hóa, mang đến hành trình mua hàng nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Mặc dù sự gián đoạn (disruption) không phải là điều gì mới trong lĩnh vực bán lẻ, nhưng tốc độ và cường độ thay đổi trong năm qua là chưa từng có trước đây.

Để bắt kịp với “Cuộc di cư vĩ đại trong ngành bán lẻ”, chuyển sang kỹ thuật số, đầu tư nhanh chóng và có chiến lược là điều rất quan trọng.

Dưới đây là 03 khoản đầu tư mà các thương hiệu có thể thực hiện để kết nối với những người mua sắm trực tuyến và thúc đẩy sự tăng trưởng trong tương lai.

1. Đầu tư vào thương hiệu của bạn.

Khi lệnh ‘đóng cửa’ được ban hành, hơn 75% người dân ở các quốc gia được khảo sát trên toàn cầu đã khám phá các thương hiệu mới thông qua môi trường trực tuyến.

30% người mua sắm trực tuyến đã mua một thương hiệu mới, điều này cho thấy họ đã sẵn sàng chấp nhận các sản phẩm mới mà họ chưa từng dùng trước đó.

Để nổi bật hơn trong bối cảnh bán lẻ ngày càng cạnh tranh như hiện nay, các thương hiệu cần phải xây dựng những mối liên hệ chặt chẽ hơn đồng thời luôn cung cấp cho mọi người lý do để họ muốn tương tác với thương hiệu.

Thể hiện các giá trị thương hiệu (brand value) của bạn là một cách để làm điều đó. Người tiêu dùng thể hiện sự sẵn sàng tăng chi tiêu của họ lên tới 31% cho các sản phẩm và thương hiệu thể hiện rõ các giá trị phù hợp với giá trị của họ.

Đầu tư vào xây dựng thương hiệu cũng mang lại hiệu quả lâu dài. Mặc dù các hoạt động kích hoạt bán hàng có thể thúc đẩy doanh thu tức thì hơn, nhưng nó thường tồn tại trong thời gian ngắn hạn.

Các doanh nghiệp đầu tư vào việc xây dựng nhận thức thương hiệu cũng có khả năng phục hồi tốt hơn. Theo một nghiên cứu, các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động xây dựng thương hiệu đã phục hồi nhanh hơn 9 lần so với những doanh nghiệp khác.

2. Đầu tư vào ứng dụng di động và website bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (DTC).

Mặc dù các nền tảng hoặc thị trường trực tuyến có thể đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược bán hàng của bạn, nhưng việc đầu tư vào các website bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng và ứng dụng di động của thương hiệu cũng sẽ xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng.

Theo Google, có đến 72% người tiêu dùng thích tương tác với thương hiệu thông qua ứng dụng và 55% người tiêu dùng thích tương tác trực tiếp thông qua website của thương hiệu.

Sự kết nối trực tiếp với các thương hiệu mang đến cho người tiêu dùng sự an tâm và cho phép các thương hiệu mang đến những trải nghiệm đầu tiên tốt hơn.

Bạn có thể xây dựng danh tiếng, uy tín và lòng tin với khách hàng bằng cách thực hiện những việc như bản địa hóa các kênh của mình bằng các ngôn ngữ phù hợp và xuất bản các bài viết đánh giá (review) xác thực của người tiêu dùng.

Các website DTC (hoặc D2C) có thể giúp bạn cung cấp các so sánh sản phẩm một cách rõ ràng, các chương trình hậu mãi, cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng như chương trình khách hàng thân thiết, bảo hành và các khuyến mãi được cá nhân hóa tốt hơn.

Tất nhiên, ứng dụng di động theo mô hình DTC đóng một vai trò quan trọng không kém trong hành trình mua sắm.

80% mọi người đã cài đặt ít nhất một ứng dụng bán lẻ và 72% trong số họ thích tương tác với các thương hiệu thông qua ứng dụng của họ.

3. Đầu tư vào dữ liệu khách hàng của bên thứ nhất.

Các thương hiệu có thể phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về khách hàng của họ thông qua vô số dữ liệu của bên thứ nhất (dữ liệu do thương hiệu sở hữu) thu thập được từ các giao dịch tại cửa hàng thực, lượt truy cập vào các website của thương hiệu và tương tác trên các kênh truyền thông mạng xã hội như Facebook hay YouTube.

Dữ liệu khách hàng của bên thứ nhất (first party data) cũng cung cấp những hiểu biết chính xác nhất về những người dùng mà bạn đang bán hàng và cách tốt nhất để cá nhân hóa trải nghiệm người mua sắm.

Điều này đòi hỏi các thương hiệu phải đầu tư nhiều hơn vào việc phân tích trên các website và ứng dụng (app) của mình để khai thác các thông tin chi tiết (insight) từ đó giúp thương hiệu mang lại những trải nghiệm trực tuyến tốt hơn cho người tiêu dùng.

Trong khi 87% thương hiệu thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) coi dữ liệu của bên thứ nhất là rất quan trọng đối với những nỗ lực marketing của họ, thì hơn 1/2 cho rằng họ đang sử dụng dữ liệu đó dưới mức trung bình hoặc trung bình.

Theo một nghiên cứu, khoảng 70% người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chia sẻ thêm thông tin với các thương hiệu bán lẻ nếu điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ có trải nghiệm mua sắm tốt hơn.

Theo Google, các thương hiệu sử dụng dữ liệu này để điều chỉnh trải nghiệm mua sắm trực tuyến đã tăng thêm trung bình 11% doanh thu và tiết kiệm chi phí hơn 18%.

Tại Google, các nghiên cứu nội bộ khác cũng cho thấy rằng các nhà bán lẻ sử dụng dữ liệu của bên thứ nhất đã đạt được mức doanh thu trung bình gấp 1,5 lần so với những đơn vị không sử dụng.

Phát triển mạnh mẽ hơn trong “Cuộc di cư vĩ đại trong ngành bán lẻ”.

Đối mặt với những ‘cuộc di cư’ chưa từng có, các thương hiệu cần phải thích ứng nhanh hơn trong một cuộc chơi dài hơn, việc thay đổi hành vi và thói quen của người tiêu dùng sẽ là yếu tố lõi để các thương hiệu cần theo đuổi.

Và bây giờ là lúc để bạn cần đầu tư nhiều hơn vào thương hiệu, website theo mô hình D2C, ứng dụng dành cho thiết bị di động (mobile app) và hiểu khách hàng của bạn thông qua dữ liệu của bên thứ nhất.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Long Trần | MarketingTrips 

Các nhà bán lẻ ngoại tiếp tục đổ vốn vào thị trường Việt Nam

Mặc dù còn nhiều thách thức, song thị trường bán lẻ (Retail Market) Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong quý I/2021 tổng lượng vốn FDI đăng ký mới vào các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và sửa chữa động cơ là 22,13 triệu USD, vào 42 dự án và chiếm 0,3% tổng vốn cả nước.

Tại Hà Nội, vốn đăng ký mới trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; sửa chữa động cơ là 19,69 triệu USD từ 32 dự án, chiếm 40% tổng vốn vào Hà Nội và 89% tổng vốn FDI của cả nước vào riêng lĩnh vực này.

Trong số 66 dự án được cấp mới tại Hà Nội vào quý I/2021, có 5 dự án trung tâm mua sắm và siêu thị, đóng góp 13,48 triệu USD, tương đương 27% vốn FDI đăng ký mới tại thủ đô.

Đáng chú ý, cả 5 dự án đều được phát triển bởi những nhà đầu tư lớn, theo đuổi hoạt động đầu tư dài hạn tại Việt Nam đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Không chỉ chứng minh bằng những con số, sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam còn được thể hiện bằng việc các nhà đầu tư ngoại liên tục mở rộng hệ thống, chuyển đổi, mua bán, sáp nhập sôi động trên thị trường.

Mới đây, một tập đoàn của Hàn Quốc đã bỏ vốn mua 16,26% cổ phần của Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (đơn vị vận hành hệ thống VinMart thuộc Masan).

Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan lên kế hoạch đổi tên hệ thống bán lẻ VinMart thành WinMart, việc này đồng nghĩa với hơn 2.300 siêu thị, cửa hàng của hệ thống bán lẻ này đang “phủ sóng” khắp 58 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ mang tên mới.

Một đại gia bán lẻ ngoại khác, Aeon mới đây cũng thông tin về việc dự kiến xây thêm đại siêu thị tại Hà Nội. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Central Retail đã đổi tên 7 siêu thị Big C thành Tops Market và 5 đại siêu thị Big C thành GO!.

Năm 2021, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục phát triển mở rộng với tổng giá trị đầu tư khoảng 6,6 tỷ bath (211 triệu USD), dự định mở mới 4 trung tâm thương mại và đại siêu thị GO! tại Thái Nguyên, Bà Rịa, Thái Bình và Lào Cai và 1 siêu thị Mini Go! ở Tây Ninh.

Trong kế hoạch 5 năm tới, Central Retail dự kiến đầu tư khoảng 35 tỷ bath (1,1 tỷ USD) với mục tiêu mở rộng kinh doanh tại 55 tỉnh, thành trên toàn quốc để cung cấp những dịch vụ toàn diện hơn và tạo ra nhiều công việc và thu nhập ổn định cho người Việt Nam.

Trước sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam với các đại gia ngoại, các chuyên gia của Savills chỉ ra rằng, Việt Nam có lợi thế lớn với nền kinh tế phát triển nhanh trong khu vực Đông Nam Á.

Trong quý I/2021, GDP của Việt Nam đạt tăng trưởng 4,5%, thể hiện các hoạt động kinh tế tích cực trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.

Vốn FDI cam kết trong quý đầu tiên tăng 18,5%, trong khi FDI giải ngân tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, số lượng dân số tăng đều và chi tiêu tiêu dùng tăng nhanh cũng khiến thị trường bán lẻ tại Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, Việt Nam hiện có chỉ số kinh tế vĩ mô hứa hẹn như tăng trưởng GDP mạnh mẽ, tăng trưởng chi tiêu đi kèm với quá trình đô thị hóa nhanh.

Nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh hấp dẫn, Việt Nam được xem như một điểm đến đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với đà tăng trưởng GDP, tốc độ đô thị hoá tại Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục diễn ra nhanh chóng. Số lượng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đồng thời gia tăng.

Theo nghiên cứu của World Bank, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện chiếm 13% tổng dân số và sẽ đạt 26% vào năm 2026.

Tăng trưởng này sẽ tạo ra sự thay đổi lạc quan trong tổng chi tiêu tiêu dùng nội địa. Hơn nữa, việc GDP bình quân đầu người gần chạm mức 3.000 USD/năm cũng đồng thời cho thấy tiềm năng đáng kể cho ngành bán lẻ tại Việt Nam.

Một điểm đáng chú ý khác, các hiệp định thương mại song và đa phương giữa Việt Nam và các đối tác sẽ hỗ trợ sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường bán lẻ.

Thách thức của các nhà bán lẻ ngoại.

Tuy nhiên, ông Matthew cũng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang gặp phải những thử thách nhất định khi đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Nguyên nhân là do tại Việt Nam, bán lẻ truyền thống vẫn giữ vai trò chủ đạo. Theo thống kê của Nielsen, bán lẻ truyền thống, bao gồm các cửa hàng tạp hoá và chợ truyền thống, vẫn chiếm 74% thị phần thị trường, và tăng 1%/năm. Trong khi đó, bán lẻ hiện đại chiếm 26% thị phần, với mức tăng 12%/năm.

Hơn nữa, tuy thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp nắm giữ thị trường chủ yếu vẫn là những thương hiệu nội địa như Vingroup, Masan và MWG.

Do không đủ khả năng cạnh tranh, một số nhà bán lẻ nước ngoài đã phải rời khỏi thị trường. Trong khi đó, những doanh nghiệp nội địa đã nắm bắt thành công cơ hội M&A để tăng quy mô cũng như mở rộng thêm thị phần thị trường bán lẻ trong nước.

Đơn cử như việc chuỗi siêu thị Auchan từ Pháp được chuyển nhượng cho nhà bán lẻ nội là Saigon Coop, hay sự tháo chạy của các tập đoàn tiềm lực như Casino Group, Metro Group khỏi thị trường.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn giữ lợi thế về môi trường đầu tư như ổn định chính trị và chính sách quản lý vốn, tất cả đều tạo thêm sức hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài.

Mặc dù đầu tư bất động sản tạm thời gặp các vướng mắc về pháp lý, Thủ tướng Chính phủ đang thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tạo thêm cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá quỹ đất.

Đánh giá về các giải pháp dành cho các nhà bán lẻ quốc tế, ông Matthew Powell cho rằng, các nhà bán lẻ thường được xem là những doanh nghiệp mang lại sự tiện lợi và giá trị đồng tiền.

Do đó, việc quản lý chặt chẽ nguồn lực và giữ vững tỷ suất lợi nhuận sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ gặt hái được nhiều thành công hơn tại thị trường Việt Nam.

Các yếu tố có thể hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng được tối đa cơ hội trong thị trường bán lẻ gồm: quan hệ và quy mô, cam kết giá trị hấp dẫn, xây dựng mô hình kinh doanh vững chắc, xây dựng thương hiệu, nắm rõ thị trường bán lẻ, không ngừng đổi mới và phát triển trên nền tảng đa kênh.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam là một trong những nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ nhất tại khu vực cũng đã thúc đẩy các công ty toàn cầu đầu tư nhiều hơn nữa vào thị trường thương mại điện tử trong nước.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, đưa thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD.

Theo kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025, có tới 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hoá và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm.

Doanh số thương mại điện tử mô hình B2C tăng 25%, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Theo dự báo, 55% tổng dân số Hà Nội sẽ mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử, với tăng trưởng doanh thu đạt 20%/năm vào năm 2025. Đây sẽ là thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà bán lẻ ngoại.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Đan Linh | MarketingTrips

Thích ứng công nghệ số: Doanh nghiệp tạo doanh thu “ngược dòng”

Mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 25% và tiếp tục tăng trong tương lai, có thể là kim chỉ nam cho chiến lược tái cấu trúc của các nhà bán lẻ, theo khảo sát của Nielsen.

Thích ứng công nghệ số: Doanh nghiệp tạo doanh thu "ngược dòng"

Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp (DN) đủ “dũng cảm” và nguồn lực để thích ứng với công nghệ số, các kênh bán hàng trực tuyến và thương mại đối thoại.

Lên mạng mua sắm ngày càng tăng.

Thời đại công nghệ số ra đời, nếu DN đưa ra được những hướng giải quyết, thay đổi sẽ giúp biến thách thức thành cơ hội, từ đó DN sẽ không ngừng phát triển và vươn xa mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia công nghệ, hiện nay việc chuyển đổi số của DN rất thuận lợi vì có nhiều công nghệ tốt, hạ tầng tốt, nhân lực tốt.

Tuy nhiên, công nghệ, công cụ, ngôn ngữ lập trình, nhân sự là giống nhau nhưng quyết định giải pháp chuyển đổi số thành công thuộc về các chủ DN.

Chuyển đổi số phải đáp ứng từng nhu cầu kinh doanh, quản lý của DN cụ thể. Từ đó, trang bị các gói công nghệ, cách thức áp dụng công nghệ phù hợp.

“Xu hướng mua sắm trực tuyến trong dịch Covid-19 đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh online. Mua sắm online hiện đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm lên tới hai con số”, bà Lê Minh Trang – Đại diện Công ty Nielsen Việt Nam cho biết.

Chỉ riêng thương mại điện tử (TMĐT) trên di động, dự kiến năm 2021 doanh thu sẽ đạt 7 tỷ USD và đến năm 2023 có khả năng sẽ chạm tới mức 10,2 tỷ USD, theo Savills.

Cũng theo báo cáo từ Adsota, thời điểm đại dịch bùng phát, TMĐT Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 18%, quy mô thị trường lên đến 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

41% tăng trưởng người dùng mới từ các nền tảng TMĐT tại Việt Nam và có tới 91% quyết định sẽ tiếp tục sử dụng các nền tảng TMĐT kể cả khi thế giới đã vượt qua đại dịch.

Thói quen và hành vi người tiêu dùng thay đổi cũng là dịp để DN phải thích nghi với việc mua bán trao đổi hàng hóa theo kiểu mới, nhất là phải nhanh chóng thấu hiểu và tìm cách cá nhân hóa trải nghiệm người tiêu dùng bằng các ứng dụng số.

Vấn đề là biết vận dụng.

Một luật chơi trong sân chơi chuyển đổi số sẽ là “cá nhanh nuốt cá chậm” chứ không còn phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ.

Nghĩa là ngay cả các DN “cá mập”, nếu không chịu thích ứng với sân chơi thì vẫn có thể có ngày chấm dứt, hoặc trở nên èo uột, nhường lại sân chơi cho lớp “đàn em” biết nhận dạng nhanh, thích nghi nhanh với xã hội số 4.0.

Để bước vào sân chơi thành công, các chuyên gia cho rằng, DN cần phải biết rõ mình muốn gì, cần gì, kỳ vọng trong tương lai như thế nào.

Một thực tế khiến nhiều DN chưa “dũng cảm” chuyển đổi số vì cho rằng chưa có nhiều tiền và nội lực còn yếu. Thật ra, công cụ để DN tham gia sân chơi thế giới số rất nhiều.

Ngoài việc ứng dụng các phần mềm để giải quyết các bài toán kinh doanh và vận hành DN thì việc sử dụng thương mại hội thoại (là thương mại điện tử trên nền tảng di động, tích hợp khả năng giao tiếp giữa người bán và người mua thông qua các ứng dụng tin nhắn như Facebook Messenger, WhatsApp…), vốn đang bùng nổ trong khu vực cũng là cách giúp một số DN bán lẻ duy trì tốc độ tăng trưởng lạc quan.

Áp dụng công nghệ số vào kinh doanh thông qua hợp tác với Facebook Messenger, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) là một điển hình cho cú lội “ngược dòng” về doanh thu khi dịch Covid-19 khiến thị trường trang sức sụt giảm.

Ông Phan Quốc Kiệt – Giám đốc Bán hàng đa kênh của PNJ cho biết, sau khi chạy chiến dịch quảng cáo click-to-Messenger, PNJ đã tiếp cận được nhiều khách hàng và từ đó thôi thúc họ chuyển từ cân nhắc mua sản phẩm sang hành động.

Nhờ ứng dụng thương mại hội thoại, PNJ tăng doanh số bán hàng, từ tháng 9 đến tháng 10/2020, thu về lợi nhuận gấp 138 lần so với số tiền chi cho quảng cáo (tính cả doanh số bán hàng trực tuyến và trực tiếp tại cửa hàng).

Tỷ lệ chuyển đổi từ Messenger thành giao dịch thành công là 10% và có tới 17.000 cuộc hội thoại được tạo ra trong suốt chiến dịch.

Năm 2020, doanh thu bán lẻ của PNJ lại lội ngược dòng tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tính riêng trong quý I/2021, doanh số bán hàng trực tuyến của công ty đã tăng hơn 400% so với cùng kỳ.

Và kênh online đã hỗ trợ đắc lực cho đà tăng trưởng của PNJ, giúp tiếp tục đẩy nhanh các mục tiêu dài hạn bao gồm mở rộng chuỗi bán lẻ, đầu tư vào dây chuyền sản xuất và chuyển đổi số.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Đan Linh | MarketingTrips

Phục hồi ngành bán lẻ: Các quy tắc để thúc đẩy lưu lượng truy cập online và offline

Lưu lượng khách hàng – cả vật lý lẫn kỹ thuật số – chính là động cơ cung cấp năng lượng cho ngành bán lẻ. Trong thế giới hậu đại dịch, ưu tiên hàng đầu của các nhà bán lẻ là làm cho lưu lượng đó tăng trưởng để thúc đẩy doanh số bán hàng.

Phục hồi ngành bán lẻ: Các quy tắc để thúc đẩy lưu lượng truy cập online và offline

Khi chúng ta hướng tới một tương lai sau đại dịch với nhu cầu của khách hàng đã thay đổi, các nhà bán lẻ phải xem xét cách thu hút người mua sắm trở lại cửa hàng một cách hiệu quả, duy trì lưu lượng truy cập trực tuyến và ‘giải phóng’ nhu cầu của người tiêu dùng.

Dưới đây là những chia sẻ chi tiết từ Ông Pablo Pérez, chuyên gia về bán lẻ và Market Insights tại Google.

Thông tin chi tiết mới về ngành bán lẻ với mô hình tiếp thị hỗn hợp (Marketing Mix).

Theo nghiên cứu mới nhất mà chúng tôi đã thực hiện tại Google nhằm kiểm tra cách các nhà quảng cáo có thể thúc đẩy lưu lượng truy cập đến các sản phẩm trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline) của họ một cách hiệu quả nhất.

Chúng tôi nhận thấy yếu tố chính thúc đẩy lưu lượng truy cập đến các cửa hàng trực tuyến rất khác so với các cửa hàng thực (vật lý):

  • Marketing là yếu tố quan trọng mà chúng tôi phát hiện ra để thúc đẩy lưu lượng truy cập trực tuyến đến các website bán lẻ.
  • Trong khi vị trí cửa hàng thực đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy lượng người đến thăm cửa hàng.

Phát hiện của chúng tôi dựa trên nghiên cứu mô hình tiếp thị hỗn hợp (Marketing Mix Model), cùng với việc phân tích có chọn lọc độ phức tạp của yếu tố tâm lý.

Chúng tôi được thực hiện với hơn 20 nhà bán lẻ hàng đầu trên khắp Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi đang hoạt động trong các danh mục bao gồm điện tử, quần áo và cửa hàng tạp hóa.

Nghiên cứu mô hình tiếp thị hỗn hợp này trong 5 năm qua cho phép chúng tôi tách biệt những tác động của các khoản đầu tư marketing.

Chúng tôi đã khám phá một số thông tin chi tiết để giúp các thương hiệu tinh chỉnh phương pháp marketing của họ trong tương lai sau đại dịch.

Yếu tố tâm lý giúp thúc đẩy lưu lượng truy cập của bán lẻ trực tuyến.

Người mua hàng cho rằng sự tiện lợi là yếu tố cần cân nhắc khi họ quyết định mua hàng trực tuyến hoặc tại các cửa hàng vật lý.

Ý nghĩa của sự tiện lợi này là khác nhau tùy thuộc vào từng người và từng trường hợp.

Trong thế giới vật lý, sự tiện lợi có thể có nghĩa là một vị trí cửa hàng gần đó.

Nhưng trong thế giới kỹ thuật số, sự tiện lợi có thể có nghĩa là người tiêu dùng có thể dễ dàng nhớ lại một thương hiệu sẽ đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến của họ và họ có thể trải nghiệm website một cách trơn tru.

Source: Google/Kantar, Global, Increase traffic and conversion through better customer experiences, n=33,500 consumers 16+ who have shopped online across 38 countries, April-May 2019.

Những người chọn kênh kỹ thuật số (digital channels) cho biết việc tìm kiếm sản phẩm trực tuyến một cách dễ dàng và tận hưởng sự tiện lợi khi giao hàng tận nhà là một điểm cộng.

Thật không may, tâm trí của người tiêu dùng thì vốn có hạn, có nghĩa là họ có xu hướng chỉ mua hàng từ một số nhà bán lẻ mà họ nhớ đến đầu tiên (top-of-mind).

Chúng tôi nhận thấy rằng người tiêu dùng thường chỉ sử dụng khoảng 3 cửa hàng trực tuyến mặc dù họ biết đến tận 13 cửa hàng.

“tâm trí của người tiêu dùng vốn có giới hạn, có nghĩa là họ có xu hướng chỉ mua hàng từ một số nhà bán lẻ mà họ nhớ đến đầu tiên”

Làm marketing để chiếm lấy không gian trong tâm trí người tiêu dùng: ‘stay top of mind’.

Các nhà bán lẻ trực tuyến đạt được vị trí dẫn đầu trên thị trường bằng cách sử dụng quảng cáo để gây chú ý và ‘chiếm’ vị trí hàng đầu trong tâm trí người tiêu dùng.

Nghiên cứu MMM của chúng tôi với các nhà bán lẻ đa kênh (omnichannel) cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào marketing đối với thành công trực tuyến.

Chúng tôi nhận thấy lưu lượng truy cập website (online) và doanh số bán hàng của họ phụ thuộc vào việc đầu tư marketing nhiều hơn 1,5 lần đến 3,5 lần so với các cửa hàng thực.

Ví dụ: khi kiểm tra một nhà bán lẻ hàng điện tử lớn, chúng tôi nhận thấy rằng quảng cáo đã thúc đẩy 60% lưu lượng truy cập trực tuyến nhưng chỉ 27% lưu lượng truy cập tại các cửa hàng thực của họ.

Một câu chuyện tương tự cũng xảy ra với các nhà bán lẻ khác. Trung bình, 51% lưu lượng truy cập trực tuyến và doanh số bán hàng qua môi trường số được thúc đẩy bởi marketing.

Một cân nhắc quan trọng để thúc đẩy lưu lượng truy cập đến các website trực tuyến của bạn là quảng cáo một cách nhất quán và phù hợp.

Trung bình, người tiêu dùng có thể xem hàng ngàn quảng cáo trong một ngày; mỗi quảng cáo có thể xuất hiện dưới một sắc thái khác nhau. Sự hiện diện thường xuyên và nhất quán có thể khiến thương hiệu của bạn dễ dàng được ghi nhớ trong tâm trí người tiêu dùng.

Ngoài ra, quảng cáo được đặt vào đúng thời điểm, khi khách hàng đang cân nhắc mua hàng, cũng rất quan trọng.

Nghiên cứu gần đây của Google cho thấy rằng chỉ cần hiển thị trong khi người tiêu dùng đang cân nhắc mua hàng có thể thuyết phục từ 18% đến 44% người tiêu dùng chuyển từ thương hiệu lựa chọn đầu tiên sang thương hiệu thứ hai.

Đây chính là lúc các giải pháp quảng cáo tự động thể hiện giá trị của nó, bằng cách đưa quảng cáo phù hợp đến đúng người vào đúng thời điểm.

Yếu tố tâm lý giúp thúc đẩy lượng khách hàng ghé thăm các cửa hàng thực.

Chúng ta biết sự tiện lợi là yếu tố quan trọng hàng đầu trong bán lẻ (Retail). Trong tương lai sau đại dịch, với việc người mua sắm quay trở lại các cửa hàng, các nhà bán lẻ sẽ cần những vị trí thuận tiện hơn để thúc đẩy lưu lượng ghé thăm cửa hàng.

Vị trí là chìa khóa. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của chúng tôi cho thấy các hoạt động marketing có thể tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút mọi người đến những cửa hàng thực này.

Lập bản đồ chiến lược lưu lượng truy cập của bạn.

Mặc dù mỗi nhà bán lẻ là khác nhau và mỗi tình huống là duy nhất.

Nhưng trong một thế giới hậu đại dịch, dưới đây là một số nguyên tắc hướng dẫn mà mọi thương hiệu có thể sử dụng:

  • Hãy nghĩ về việc tích hợp các kênh: Các phương tiện truyền thông ngoại tuyến có thể thúc đẩy lưu lượng truy cập trực tuyến và phương tiện trực tuyến có thể thúc đẩy lưu lượng truy cập tại cửa hàng thực. Đừng bao giờ nghĩ rằng quảng cáo trực tuyến sẽ chỉ thúc đẩy lưu lượng truy cập trực tuyến và biển quảng cáo chỉ có thể thúc đẩy lưu lượng truy cập tại cửa hàng thực.
  • Kênh thương mại điện tử của bạn cần đầu tư marketing để phát triển mạnh: Quảng cáo một cách nhất quán sẽ giúp thương hiệu của bạn nằm trong tâm trí của người tiêu dùng. Các thương hiệu muốn đảm bảo lưu lượng truy cập trực tuyến của mình được phát triển liên tục nên xem xét đến việc tăng nhiều hơn ngân sách quảng cáo.
  • Sử dụng các giải pháp tự động hoá để tiếp cận khách hàng của bạn một cách hiệu quả: Một quảng cáo được nhắm mục tiêu tốt có thể đảm bảo để bán được hàng. Việc hiển thị quảng cáo của bạn cho đúng người vào đúng thời điểm yêu cầu sự tự động hóa. Đảm bảo rằng bạn đang sử dụng các giải pháp tự động để phát huy hết tiềm năng của chúng trong việc tiếp cận khách hàng của mình.

Đại dịch vẫn chưa kết thúc. Cái được gọi là ‘bình thường mới’ sẽ mang lại nhiều thay đổi, bao gồm cả sở thích mới của người tiêu dùng, thói quen mua hàng mới và cơ hội mới để các nhà bán lẻ quảng bá và thu hút người mua sắm.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips 

Google: Cách ‘chung bước’ trong mọi hành trình mua sắm của khách hàng

Vào năm 2020, ngành bán lẻ đã chứng kiến một sự thay đổi rất lớn trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Lượng tìm kiếm liên quan đến bán lẻ đã tăng gấp 3 lần so với cùng thời điểm năm trước – điều này cũng có nghĩa là thành công trong việc kinh doanh ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào việc sử dụng các phương pháp kỹ thuật số.

Để giúp các nhà bán lẻ và thương hiệu kết nối với khách hàng cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến, Google đã xây dựng một bản hướng dẫn đơn giản với các công cụ hữu ích nhất, đề xuất các sản phẩm cũng như thông tin chi tiết về người tiêu dùng (consumer insights).

Cho dù bạn đang tìm cách tối ưu hóa các hoạt động marketing hiện có của mình hay lập một bản kế hoạch mới, thì hướng dẫn bán lẻ mới nhất này cũng sẽ giúp bạn xây dựng và phát triển từng bước trong hành trình mua sắm của người tiêu dùng.

Nội dung tập trung vào 04 phần chính:

1. Tiếp cận khách hàng đúng cách.

Mỗi ngày, có hàng triệu khách hàng truy cập Google để tìm kiếm, khám phá và mua sắm tất cả những thứ mà họ có nhu cầu. Bạn có thể học được cách làm thế nào để bạn luôn có mặt kịp thời khi khách hàng cần.

2. Tương tác với khách hàng mục tiêu khi họ nghiên cứu.

Tiếp cận những khách hàng tiềm năng mới đang tìm kiếm các sản phẩm hay dịch vụ tượng tự của bạn, tìm hiểu cách kết nối tốt hơn với họ trong những khoảnh khắc đánh giá nhất.

3. Chuyển đổi khách hàng mục tiêu.

Thúc đẩy doanh số bán hàng của bạn nhiều hơn bằng cách cung cấp các trải nghiệm mua sắm liền mạch hơn với bất cứ nơi nào họ thích mua sắm – trực tuyến hoặc tại cửa hàng.

4. Tối đa hoá những khoảnh khắc mua sắm theo mùa (seasonal shopping).

Thị trường bán lẻ tràn ngập những khoảnh khắc theo mùa, lễ hội hoặc kỳ nghỉ với nhiều loại hình khác nhau. Bạn nên học cách sẵn sàng cho một mùa mua sắm với tất cả những ưu tiên hàng đầu cho kỹ thuật số (digital).

Bạn có thể download toàn bộ bản hướng dẫn này của Google tại: Be there for every shopping journey, with Google

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips 

Công ty mẹ Shopee báo lỗ 422 triệu USD

Trong quý đầu 2021, Sea – công ty đại chúng giá trị nhất Đông Nam Á – báo cáo khoản lỗ ròng 422 triệu USD, tăng so với một năm trước đó.  

Công ty mẹ Shopee báo lỗ 422 triệu USD

Quý I/2020, Sea lỗ ròng 281 triệu USD. Nguyên nhân lỗ tăng là do công ty tiếp tục chi mạnh cho tiếp thị nhằm nắm bắt nhu cầu ngày một tăng giữa dịch bệnh.

Báo cáo được Sea công bố chỉ một ngày sau khi Gojek và Tokopedia thông báo sáp nhập để lên sàn cuối năm nay.

Một người chơi khác trong khu vực là Grab cũng đặt mục tiêu niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ thông qua sáp nhập SPAC.

Vì vậy, kết quả kinh doanh của Sea được “săm soi” vì nó sẽ tiết lộ môi trường cạnh tranh tại Đông Nam Á.

Theo báo cáo tài chính của Sea, doanh thu trong quý đầu năm nay đạt 1,76 tỷ USD, tăng từ 714 triệu USD một năm trước đó nhờ nhu cầu dịch vụ thương mại điện tử tăng.

Doanh thu thương mại điện tử tăng vọt 250% lên 922 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, còn doanh thu game trực tuyến tăng 111% lên 781 triệu USD, doanh thu mảng tài chính điện tử tăng gần 400% lên 51 triệu USD.

Mức tăng doanh thu thương mại điện tử chủ yếu nhờ vào tăng trưởng về quy mô của các chợ điện tử và mỗi luồng doanh thu khác, chẳng hạn phí trên mỗi giao dịch, dịch vụ giá trị gia tăng và quảng cáo.

Chủ tịch kiêm CEO Sea Forrest Li tin rằng, tỉ lệ tiếp cận thương mại điện tử tại tất cả thị trường đang hoạt động vẫn còn thấp, bất chấp công cuộc chuyển đổi số từ đầu mùa dịch. Do đó, công ty đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng lớn hơn.

Tăng trưởng nhanh trong thương mại điện tử và dịch vụ tài chính số đồng nghĩa Sea đã chi nhiều hơn cho tiếp thị. Tổng chi phí hoạt động của công ty tăng gấp đôi, lên 993 triệu USD trong quý.

Các mảng kinh doanh hiện nay của Sea bao gồm game online, thương mại điện tử, giao đồ ăn, thanh toán điện tử. Khi mở rộng hoạt động, Sea cạnh tranh với nhiều kỳ lân Đông Nam Á hơn.

Chẳng hạn, tại Indonesia, Shopee của Sea và Tokopedia là hai nền tảng thương mại điện tử lớn nhất. Sea cũng mới ra mắt dịch vụ giao đồ ăn tại Indonesia, thách thức Gojek và Grab.

Tại Singapore, cả Sea và Grab dự kiến ra ngân hàng số vào năm sau.

Với việc Grab chuẩn bị niêm yết vào tháng 9 và Gojek sáp nhập Tokopedia thành GoTo, nhiều nhà đầu tư nhận định thị trường Mỹ sẽ được tiếp xúc nhiều hơn với nền kinh tế số Đông Nam Á tương đối non trẻ.

Dịch Covid-19 kéo dài thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số trong khu vực.

Theo Giám đốc Doanh nghiệp Yanjun Wang của Sea, Sea đang ở vị trí tốt nhất để tái nắm bắt cơ hội xây dựng hệ sinh thái lớn nhất Đông Nam Á.

Các nhà đầu tư đặt kỳ vọng cao đối với các hãng công nghệ tại đây và sẽ theo dõi kỹ lưỡng kết quả kinh doanh của họ khi cạnh tranh nóng lên.

Năm 2020, Sea và Grab đều báo lỗ lớn, tương ứng 1,6 tỷ USD và 2,7 tỷ USD. Số liệu của Sea cho thấy còn phải thêm một thời gian nữa trước khi công ty có lãi.

Một trong những lợi thế của Sea so với đối thủ là mảng game online đã có lãi 431 triệu USD trong quý đầu năm.

Không như Grab và Gojek vẫn tập trung vào thị trường Đông Nam Á, Sea đã đặt chân đến Mỹ La-tinh, ra mắt sàn thương mại điện tử tại Brazil và Mexico để tìm kiếm tăng trưởng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips 

E-Mart ‘rút lui’ khỏi thị trường Việt Nam – THACO sẽ là đơn vị mua lại

‘Ông lớn’ bán lẻ đến từ Nam Hàn E-Mart sẽ rời khỏi thị trường Việt Nam sau 6 năm vận hành. Thông tin được tiết lộ trong một buổi họp cổ đông hôm 17.5

Tờ The Korea Times cho biết thỏa thuận giữa nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam do chính E-Mart tiết lộ trong một bản công bố hôm 17-5 vừa qua.

E-Mart sẽ bán mảng kinh doanh cửa hàng bán lẻ của mình tại Việt Nam cho một công ty địa phương sau khi gặp nhiều trở ngại trong việc mở rộng hoạt động tại đây dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu.

Theo đó, nhà đầu tư Hàn Quốc E-Mart đã quyết định bán 100% cổ phần tại Công ty E-Mart Việt Nam cho Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco), một trong những nhà sản xuất ô tô lớn của Việt Nam và đang ‘lấn sân’ qua nhiều mảng kinh doanh khác như bất động sản, bán lẻ, vận tải, nông nghiệp…

Nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc sẽ nhận tiền bản quyền từ người mua Việt Nam. Điều này có thể hiểu thương hiệu E-Mart vẫn hiện diện ở thị trường Việt Nam nhưng sẽ do doanh nghiệp Việt Nam điều hành.

Như vậy, chuỗi siêu thị với chiến lược giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc sẽ “ở lại” Việt Nam và được vận hành dưới dạng nhượng quyền thương mại, Thaco sẽ trả phí bản quyền cho E-Mart.

Bản tin cũng cho biết thương vụ này đi cùng kỳ vọng của E-mart là tập đoàn sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ mở được 10 siêu thị E-Mart đến năm 2025.

“Hợp tác chiến lược của chúng tôi với Thaco không chỉ mang lại tiền bản quyền mà còn tạo cơ hội cho chúng tôi xuất khẩu các sản phẩm hàng nhãn riêng của chúng tôi”, The Korea Times dẫn lời một đại diện của E-Mart.

Thông tin cho thấy số lượng hàng hóa xuất xứ từ Hàn Quốc liên tục tăng tại E-Mart Việt Nam từ năm 2015 đến nay, lần lượt từ 170 mặt hàng vào năm 2015 lên con số 1.000 trong năm 2019 và đạt 1.200 mặt hàng của năm 2020. Trong đó 85% các sản phẩm là hàng nhãn riêng ‘No Brand’.

Cuối năm ngoái, thông tin “E-Mart rút khỏi thị trường Việt Nam” được rộ lên sau một bản tin quốc tế.

Ngay sau đó, đại diện E-Mart Việt Nam lên tiếng phủ nhận, tuy nhiên, vẫn thừa nhận họ gặp khó khăn trong quá trình triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh trong tìm kiếm mặt bằng và các giấy phép.

Do đó, tập đoàn E-Mart quyết định thay đổi chiến lược bằng cách tìm kiếm đối tác có năng lực ngay tại Việt Nam để cùng nhau mở rộng mô hình kinh doanh đang rất thành công của E-Mart.

Trong các nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam, E-Mart là một trường hợp khác lạ… vì sau 5 năm được đánh giá kinh doanh rất thành công và được người tiêu dùng đón nhận, nhưng nhà đầu tư Hàn Quốc không thể mở thêm được địa điểm mới nào.

Siêu thị E-Mart Gò Vấp được đầu tư 60 triệu USD, từ khi mở cửa năm 2015 đến nay luôn đón một lượng khách đông đúc và trở thành điểm mua sắm ưa thích của người dân TP.HCM với những trải nghiệm bán lẻ mới mẻ, hàng hóa chất lượng, giá tốt.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Bán lẻ trực tuyến thăng hoa nhờ Covid-19

Những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30 – 60% giữa bối cảnh bán lẻ trực tuyến sôi động.

Theo báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD.

Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất với 46%, tiếp sau là gọi xe và đồ ăn công nghệ (tăng 34%), tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến (tăng 18%).

Liên quan đến bán lẻ trực tuyến, kết quả khảo sát từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, sản lượng bưu gửi qua dịch vụ chuyển phát năm ngoái tăng 47%. Những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30 – 60%.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát thấp hơn so với tốc độ tăng sản lượng.

Khảo sát của VECOM năm 2020 đối với những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho bán lẻ hàng hóa trực tuyến cho thấy, tỷ lệ bưu gửi của Hà Nội và TP.HCM chiếm khoảng 60% tổng bưu gửi của toàn thị trường.

Tỷ lệ bưu gửi của năm địa phương đứng đầu tiếp theo là 12%, đồng nghĩa với việc 56 địa phương còn lại chỉ chiếm 28% bưu gửi.

Cùng với đó, VECOM cho biết có sự chênh lệch rất lớn, thông thường từ 10 – 20 lần giữa tỷ lệ bưu gửi của Hà Nội hoặc TP.HCM với địa phương đứng thứ ba.

Thời gian qua, các doanh nghiệp đã năng động, thích ứng và quan tâm hơn tới kinh doanh trực tuyến. Cùng với đó, cộng đồng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng nhanh.

Sự kết hợp của hai yếu tố này dẫn tới nhiều lĩnh vực kinh doanh trực tuyến duy trì được sự ổn định và tăng trưởng tốt, trong đó có bán lẻ hàng hóa trực tuyến.

Cụ thể, theo báo cáo Thương mại điện tử tăng tốc sau Covid-19, trong giai đoạn cách ly cao điểm từ tháng 2 đến tháng 4/2020, mua sắm trực tuyến trở thành kênh duy nhất để tiếp cận một số hàng hóa và dịch vụ.

Điểm nổi bật là trong khủng hoảng, doanh nghiệp trở nên năng động hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhanh chóng thay đổi bộ máy tổ chức và hoạt động kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng.

Giai đoạn dịch Covid-19 lần thứ ba bùng phát vào cuối tháng 1/2021, cận kề với ngày lễ lớn nhất năm là Tết Nguyên Đán, các doanh nghiệp một lần nữa thể hiện sự năng động và tích cực triển khai kinh doanh trực tuyến.

Chẳng hạn, nhiều nhà vườn đã nhạy bén cung cấp dịch vụ cho thuê hoa đào, quất, mai vàng trực tuyến.

Sự gia tăng của bán lẻ hàng hóa trực tuyến giữa Covid-19 là một trong những yếu tố giúp xu hướng quay trở lại của các sàn thương mại điện tử thời gian gần đây ngày càng rõ hơn.

Theo đó, năm 2020 có tới 22% doanh nghiệp tham gia khảo sát của VECOM có tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, tăng 5% so với năm 2019.

Đặc biệt, trong số các doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử thì có tới 23% cho biết họ tham gia sau khi dịch Covid-19 khởi phát.

Tổng kết thương mại điện tử Việt Nam 2020, hướng đến 2021 của iPrice đánh giá, doanh nghiệp nội địa Việt Nam sở hữu tiềm năng phát triển lớn trong khu vực khi có đến năm doanh nghiệp góp mặt trong bảng xếp hạng tốp 10 khu vực Đông Nam Á theo lượng truy cập website.

Các doanh nghiệp lần lượt là Thế Giới Di Động, Tiki, Điện Máy Xanh, Sendo và FPT Shop.

Đồng thời, bản đồ thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á còn cho thấy rằng Việt Nam là thị trường lớn thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia tính theo lưu lượng truy cập.

Theo đó, lượt truy cập website trung bình năm 2020 của Việt Nam gấp 4 lần so với Malaysia, 3 lần so với Philippines và 2 lần với Thái Lan.

Điều này càng khẳng định mạnh mẽ tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp nội địa trong khu vực và kích cỡ của thị trường thương mại điện tử nước nhà.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Đan Linh | MarketingTrips

Brand vs Direct Response Campaigns: Facebook chia sẻ những nghiên cứu mới nhất về hiệu suất so sánh

Bạn nên đầu tư nhiều hơn ngân sách marketing của mình vào việc xây dựng thương hiệu hay phản hồi trực tiếp để thúc đẩy kết quả bán hàng?

Mặc dù cả hai loại chiến dịch đều quan trọng, nhưng do những áp lực tức thời, những chiến dịch với mục tiêu nhận được phản hồi trực tiếp (Direct Response Campaigns) thường được tập trung và coi trọng hơn.

Vấn đề là gì? Có phải vì chúng ta cần bán ngay lập tức, phải thế không? Chúng ta cần chuyển đổi để đáp ứng KPIs và chứng minh ROI cho những người ra quyết định.

Tuy nhiên, lợi ích của việc xây dựng thương hiệu cũng có thể được xếp ngang hàng nếu không muốn nói là đáng kể hơn theo thời gian. Nó chỉ phụ thuộc vào khoảng thời gian bạn có thể đo lường.

Để cung cấp thêm một số thông tin chi tiết về vấn đề này, Facebook gần đây đã hợp tác với Analytic Partners và GroupM để phân tích hơn 500 thương hiệu trên Facebook với những chiến dịch phản hồi trực tiếp được thực hiện bởi 21 doanh nghiệp trong khoảng thời gian 03 năm.

Nghiên cứu đã tính đến các phương pháp tiếp cận khác nhau nhằm xác định phương pháp hay loại chiến dịch nào thực sự mang lại nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp.

Theo giải thích của Facebook:

“Sự cân bằng thích hợp giữa các hoạt động marketing ở giai đoạn cuối cùng (BoFu) với các giai đoạn đầu tiên (ToFu) của phễu bán hàng trên trên Facebook là gì?

Liệu các thương hiệu có thể tối đa hóa chuyển đổi ngay bây giờ thông qua các chiến dịch ở cuối kênh tiếp cận trong khi đồng thời vẫn có thể thiết lập để tăng trưởng hơn nữa vào ngày mai không?

Đây là những câu hỏi mà tất cả những người làm marketing phải đối mặt và chúng thậm chí còn trở nên phức tạp hơn khi đối mặt với những thách thức trong thế giới thực chẳng hạn như tăng trưởng nhanh với ngân sách hạn chế.”

Vậy theo nghiên cứu, cách tiếp cận nào là tốt hơn?

Báo cáo của Facebook về cơ bản chia nhỏ sự so sánh thành ba biểu đồ.

Trong biểu đồ đầu tiên, chúng ta có thể thấy rằng các chiến dịch phản hồi trực tiếp đã tạo ra nhiều chuyển đổi hơn, điều này khá dễ hiểu.

Nhưng Facebook lưu ý rằng đây không phải là chỉ số duy nhất để xem xét – bạn cũng cần tính đến chi phí trên mỗi lần hiển thị, các chiến dịch phản hồi trực tiếp thường đắt hơn do nhắm mục tiêu theo đối tượng cụ thể hơn, từ đó có CPM cao hơn.

Như bạn có thể thấy ở đây, chi phí mỗi lần hiển thị cho các chiến dịch xây dựng thương hiệu (ToFu) thấp hơn nhiều bởi vì nhắm mục tiêu của bạn sẽ rộng hơn nhiều khi bạn muốn tiếp cận với nhiều đối tượng hơn.

Từ góc nhìn này, một khi bạn tính đến giá trên mỗi chuyển đổi, xây dựng thương hiệu thực sự trở thành một cách tiếp cận hiệu quả hơn nhiều.

“Dựa trên cơ sở mỗi lần chi tiêu, hiệu suất ROI của các chiến dịch marketing ở các giai đoạn đầu tiên của phễu bán hàng có hiệu suất cao hơn do cấu trúc chi phí ít tốn kém hơn.

Trên thực tế, cách tiếp cận marketing vào các giai đoạn này của hành trình khách hàng là một chiến lược luôn hoạt động tốt hơn để thúc đẩy doanh số bán hàng ngắn hạn trong các ngành cụ thể như thương mại điện tử và bán lẻ.”

Đó là một sự cân nhắc rất thú vị, đặc biệt là với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử trong năm qua.

Xây dựng thương hiệu và thiết lập để kết nối với nhiều đối tượng hơn thực sự có thể thúc đẩy kết quả bán hàng tương tự nếu không muốn nói là tốt hơn – nhưng bạn cần phải thực hiện thêm nhiều bước so sánh chi phí và chuyển đổi theo thời gian để thấy điều đó được phản ánh như thế nào trong dữ liệu của bạn.

Nghiên cứu thực sự làm nổi bật sự cần thiết của việc áp dụng phương pháp tiếp cận theo cấp độ đối với quảng cáo của bạn cũng như mức độ đầu tư cho phù hợp.

Cấu trúc của mỗi chiến dịch quảng cáo của bạn nên được chia thành 03 yếu tố:

  • Làm nổi bật các tiện ích sản phẩm và thương hiệu để tạo ra sự quan tâm ban đầu (nhắm mục tiêu theo đối tượng rộng hơn).
  • Làm nổi bật các lợi ích sản phẩm cụ thể hơn trong việc nhắm mục tiêu những người đã bày tỏ sự quan tâm ban đầu (những người đã phản hồi quảng cáo hoặc bài đăng hoặc đã truy cập website của bạn).
  • Nhắm mục tiêu lại những người đã bày tỏ sự quan tâm đến các sản phẩm cụ thể bằng cách chỉ rõ các lợi ích cụ thể (những người đã truy cập các trang sản phẩm hoặc xem qua trang thanh toán nhưng chưa chuyển đổi).

Phân khúc là chìa khóa và nghiên cứu của Facebook ở đây nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào từng yếu tố để tối đa hóa kết quả.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Huy Lâm | MarketingTrips 

3 ‘bí kíp’ để vận hành một doanh nghiệp bán lẻ trên Instagram

Khi bán lẻ truyền thống phải vật lộn với một tương lai đầy bất ổn, các nền tảng truyền thông xã hội đã trở thành một ‘mặt tiền cửa hàng’ đầy sinh lời.

Khi Alexandra Puccini đính hôn vào năm 2017, cô không thể tìm thấy những món quà ưng ý cho phù dâu của mình nên đã tự làm.

Những phản hồi tích cực mà cô nhận được từ việc đăng những sáng tạo của mình trên Instagram đã khiến cô bắt đầu kinh doanh hộp quà sang trọng, ‘Polkadots and Posies’, vào năm 2018.

Trong hai năm đầu kinh doanh, Polkadots and Posies chỉ bán qua Instagram, đáp ứng các đơn đặt hàng bằng cách sử dụng trực tiếp tính năng nhắn tin của nền tảng.

Vào cuối năm 2019, Puccini đã ra mắt một website để hỗ trợ thêm thương mại điện tử và đổi tên thành Lavender and Pine. Nhưng ngay cả bây giờ, 85% giao dịch mua của công ty này đều bắt nguồn từ Instagram.

Câu chuyện của Puccini không có gì bất thường. Công ty nghiên cứu eMarketer phát hiện ra rằng vào năm 2020, 80,1 triệu người ở Mỹ đã thực hiện ít nhất một lần mua hàng thông qua nền tảng truyền thông xã hội.

Công ty nghiên cứu này dự đoán con số đó sẽ tăng lên 90,4 triệu trong năm 2021 và doanh số thương mại xã hội sẽ đạt mức 36 tỷ USD – tương đương 4,3% tổng doanh số của thương mại điện tử.

Instagram là một công cụ tạo ra doanh số bán hàng, giờ đây có thể hoạt động như một ‘mặt tiền cửa hàng’ cho các doanh nghiệp đang phát triển – đặc biệt là với tính năng ‘Cửa hàng’ mà Instagram đang phát triển.

Hãy tham khảo nhanh các bí kíp sau đây từ các Case Study đã thành công.

Sử dụng tin nhắn trực tiếp.

Puccini nói rằng trả lời tin nhắn trực tiếp đóng góp rất lớn vào thành công của mình. Cô tình cờ tìm thấy chiến lược này sau khi liên hệ với một tài khoản liên tục thích các bài đăng của cô.

Tài khoản thuộc về một người tổ chức đám cưới ở Connecticut, người đã trở thành khách hàng đầu tiên của cô và tiếp tục làm việc với cô cho đến ngày nay.

Puccini cho biết 17 trong tổng số 26 khách hàng mua hộp quà tùy chỉnh của cô đến trực tiếp từ các cuộc trò chuyện trên Instagram messenger.

Puccini xử lý việc tặng quà của những khách hàng tùy chỉnh này quanh năm và công việc kinh doanh lặp lại của họ chiếm 68% doanh thu của cô.

Nhà giáo dục tiếp thị trực tuyến và huấn luyện kinh doanh, Sue B. Zimmerman khuyên bạn nên sử dụng “trả lời nhanh” của Instagram để trả lời một lượng lớn tin nhắn.

Bạn vẫn cần trả lời trực tiếp từng tin nhắn, nhưng phím tắt này cho phép bạn trả lời bằng các câu trả lời được nhập sẵn cho các yêu cầu hay các câu hỏi phổ biến.

Cho đi sản phẩm của bạn.

Bronson Christensen và Indy Severe đã ra mắt công ty thời trang dạo phố của họ, Lonely Ghost, trên Instagram vào năm 2019.

Severe và Christensen nói rằng để ra mắt mới, hoặc thậm chí, chỉ để “thúc đẩy tâm trạng của người theo dõi”, họ đã tặng một số quần áo miễn phí.

Người theo dõi tham gia để giành chiến thắng bằng cách đăng lại ‘Câu chuyện’ hoặc bài đăng và / hoặc gắn thẻ thương hiệu.

Thường thì họ nhận được 10.000 lượt đăng lại, không chỉ tiếp cận khách hàng của họ mà còn tiếp cận những người theo dõi khách hàng của họ.

Zimmerman khẳng định sức mạnh của quà tặng, nói thêm rằng chúng tăng cường quảng cáo truyền miệng và thu hút nhiều thêm nhiều người chú ý hơn.

Đối với việc tạo cộng đồng, Zimmerman nói rằng các doanh nghiệp nên ghim các bình luận yêu thích của họ trên một bài đăng lên đầu phần bình luận để hướng các cuộc trò chuyện.

Đừng sử dụng tất cả các tính năng, chỉ lựa chọn các tính năng phù hợp.

Khi Privé Porter bắt đầu bán lại túi xách hàng hiệu trên Instagram vào năm 2013, công ty này đã kiếm được 4 triệu USD mỗi năm từ việc mua hàng trên Instagram.

Jeffrey Berk, giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Privé Porter cho biết đó là trước khi nền tảng truyền thông xã hội cung cấp tính năng cửa hàng.

Vào tháng 12 năm 2020, thương hiệu này đã kiếm được 1,9 triệu USD trong một tháng từ các giao dịch mua sắm trên Instagram.

Berk cho biết Privé Porter không cần “các tính năng không liên quan” để tiếp cận những khách hàng đang tìm kiếm một chiếc túi xách sang trọng trên thị trường.

Thương hiệu không sử dụng Instagram marketplace hoặc đăng ‘Câu chuyện’ hoặc video. Nó thậm chí không đặt giá trên các sản phẩm của mình mà thay vào đó là khuyến khích người mua tiềm năng gửi tin nhắn trực tiếp, thay vì so sánh giữa các cửa hàng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Đan Linh | MarketingTrips

4 xu hướng chính trong ngành bán lẻ năm 2021

Các hành vi tiêu dùng mới sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp trong năm 2021.

Cuộc khủng hoảng về sức khoẻ toàn cầu hiện nay về cơ bản đã làm thay đổi thế giới bán lẻ. Các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đang phải vật lộn để theo kịp những thay đổi mạnh mẽ này trong hoạt động kinh doanh hàng ngày.

Theo Opportunity Insights, chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng trở lại hơn 90% mức trước đại dịch ở Mỹ, nhưng nó đang được hướng đến các lĩnh vực khác nhau.

Các khoản chi cho nhà hàng, khách sạn và phương tiện đi lại đang giảm trong khi hàng tạp hóa và giải trí gia đình tăng cao.

Người tiêu dùng đang hành xử các cách khác nhau và các nhà bán lẻ đang chạy đua để thích ứng thông qua các cuộc chuyển đổi số và bằng cách đa dạng hóa đối tác của họ để đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng.

04 xu hướng sau đây đã xuất hiện và rất quan trọng đối với các doanh nghiệp muốn thành công trong lĩnh vực bán lẻ từ ngay bây giờ.

1. Giảm không gian vật lý và tăng chủng loại sản phẩm.

Trong năm qua, sự hiện diện vật lý hay cửa hàng thực của các cửa hàng bán lẻ đã biến đổi thành những hình thức, quy mô và trải nghiệm mới.

Nhiều cửa hàng hơn đã trở thành những trung tâm phân phối trọn gói, đầu tư vào các cửa hàng vật lý lớn hơn đã giảm và thay vào đó các nhà bán lẻ tập trung hơn vào các sản phẩm thích hợp và các nhà cung cấp địa phương nhằm rút ngắn chuỗi cung ứng của họ.

Nhiều nhà bán lẻ đang tìm kiếm các đối tác mới để tăng chủng loại sản phẩm hoặc đáp ứng nhu cầu do đại dịch gây ra, chẳng hạn như khẩu trang hay các mặt hàng khác mà người tiêu dùng hiện nay không thể thiếu.

Các nhà sản xuất và nhà cung cấp muốn hợp tác thành công với các nhà bán lẻ nên biết các yêu cầu của nhà bán lẻ về thông tin sản phẩm chi tiết và chính xác.

Dữ liệu này đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo có đúng sản phẩm vào đúng thời điểm người tiêu dùng cần.

Gần 70% người tiêu dùng cho biết thiếu thông tin sản phẩm là lý do hàng đầu khiến họ từ bỏ sản phẩm, theo nghiên cứu từ Salsify.

2. Rất cần thiết để có được Customer Insight.

Tình trạng bán lẻ thay đổi hiện nay cũng là cơ hội cho các công ty khởi nghiệp công nghệ hỗ trợ tiếp cận insights và phân tích về người mua hàng.

Có một cảm giác cấp bách hơn để hiểu và dự đoán các tương tác của người tiêu dùng với sản phẩm. Mọi tương tác trực tiếp, vì có thể có ít hơn nên cần phải được tính và phục vụ mục đích thu hút người tiêu dùng lâu dài.

Các công ty khởi nghiệp như Adrich, chuyên cung cấp phân tích sử dụng sản phẩm theo thời gian thực, đang giúp các nhà bán lẻ và thương hiệu tăng cường mối quan hệ với người tiêu dùng.

Các nhà bán lẻ nên biết khi nào và như thế nào người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm khác nhau, điều này có thể giúp lập kế hoạch hàng tồn kho, bán hàng và khuyến mãi bản địa hóa.

3. Những cách mới để thử sản phẩm.

Công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) có thể hỗ trợ trải nghiệm “thử trước khi mua”, trải nghiệm này sẽ trở nên phổ biến hơn.

Hiện tại, người tiêu dùng ít thích tiếp xúc với mọi người và các sản phẩm mà người khác có thể đã chạm vào.

Mặc dù không còn nghi ngờ gì nữa, nhiều người tiêu dùng sẽ quay trở lại các cửa hàng khi các quy trình chăm sóc sức khỏe được giãn ra, nhưng cũng sẽ có sự gia tăng lâu dài trong mua sắm trực tuyến.

Một cuộc khảo sát của Salesforce vào tháng 5 cho thấy rằng đa số người tiêu dùng ở các mức thu nhập mong đợi mua sắm trực tuyến nhiều hơn trong tương lai, bao gồm 71% những người có thu nhập cao. Đây là cơ hội lớn để các thương hiệu có thể thúc đẩy hơn nữa các hoạt động thương mại điện tử (eCommerce).

AR đã có dấu hiệu phát triển trước đại dịch và nó cung cấp giải pháp cho những thách thức của ngành bán lẻ hiện nay.

Theo khảo sát của Nielsen năm 2019, khoảng một nửa số người tiêu dùng sẵn sàng sử dụng AR để đánh giá sản phẩm.

Do hậu quả của đại dịch, các thương hiệu đồ trang sức, thời trang thiết kế và giày dép đang cung cấp các thử nghiệm ảo mới hoặc nhận thấy sự phát triển trong các ứng dụng hiện có giúp khách hàng mua sắm tại nhà hoặc an toàn hơn tại cửa hàng.

Để trải nghiệm sản phẩm ảo mang lại kết quả thành công cho các nhà bán lẻ, thông tin sản phẩm phải được chuẩn hóa để đảm bảo thông tin lưu chuyển thông suốt giữa thế giới thực và kỹ thuật số.

Không chỉ các nhà bán lẻ sẽ mất thời gian và nguồn lực để tìm kiếm thông tin trong giai đoạn thiết lập, lòng tin của người tiêu dùng sẽ bị phá vỡ nếu các thuộc tính sản phẩm chính bị thiếu hoặc không có sẵn khi họ thử nghiệm các dịch vụ công nghệ mới.

Các doanh nhân có thể mong đợi nhu cầu tiếp tục về các giải pháp giải quyết những thách thức về dữ liệu này và giúp các nhà bán lẻ tạo ra trải nghiệm sản phẩm kỹ thuật số cho những khách hàng không thể lấy mẫu sản phẩm thực.

4. Tăng trưởng bền vững và minh bạch.

Theo Accenture, người mua sắm trên khắp thế giới cảm thấy được kết nối với nhau nhiều hơn nhờ trải nghiệm được chia sẻ của đại dịch, đồng thời đã có sự gia tăng trong tiêu dùng có ý thức và mong muốn mua hàng tại địa phương nhiều hơn.

Nhiều nhà bán lẻ đang đưa ra các sáng kiến ​​bền vững và có cái nhìn khác về tác động môi trường của chuỗi cung ứng của họ.

Vào tháng 5, Walmart đã công bố quan hệ đối tác với công ty quần áo tái chế ThredUP, công ty này kết hợp mối quan tâm của Walmart về tính bền vững với nhu cầu giải quyết ngân sách thắt chặt giữa những người tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch suy thoái.

Cùng với sự quan tâm đến việc tái sử dụng ngày càng tăng, nhiều người tiêu dùng muốn tìm hiểu nguồn gốc của sản phẩm và cách chúng được tạo ra.

Loại minh bạch này đòi hỏi các thương hiệu, nhà bán lẻ và thị trường trực tuyến phải điều chỉnh các yêu cầu của họ để nhận dạng sản phẩm duy nhất.

Ví dụ: lấy mã vạch và số nhận dạng xác thực nên được coi là một phần thiết yếu của việc ra mắt sản phẩm đối với các thương hiệu nhỏ để có cơ hội tiếp cận nhiều đối tượng hơn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Huy Lâm | MarketingTrips 

Top các dự báo và xu hướng digital marketing năm 2021 (P2)

Bình đẳng, đạo đức dữ liệu và tiếp cận người tiêu dùng tại nhà là một số chủ đề trong xu hướng hàng đầu cho năm 2021. Nhưng những xu hướng digital marketing nào khác sẽ tạo nên làn sóng trong năm tới? Các nhà lãnh đạo của Google đã chia sẻ dự báo của họ cho năm 2021.

Xu hướng của người tiêu dùng về tính bền vững

Đại dịch đã củng cố nhu cầu của người tiêu dùng về tính bền vững. Hành vi ‘tái chế’ được thiết lập nhiều nhất, nhưng người tiêu dùng cũng đang cân nhắc tác động của họ đối với môi trường khi họ đưa ra quyết định mua hàng.

Ví dụ: Google Trends cho thấy rằng trong danh mục “thực phẩm”, mọi người ngày càng tìm kiếm “bền vững”, “thực phẩm địa phương” và “thuần chay”.

Mọi người muốn thương hiệu thể hiện trách nhiệm và sự minh bạch thông qua các hành động cụ thể.

Những nghiên cứu về lĩnh vực thời trang bền vững cho thấy rằng việc tạo ra và truyền đạt các thuộc tính bền vững có hiệu ứng hào quang cũng như ảnh hưởng tích cực đến nhận thức của khách hàng – đặc biệt là về chất lượng và giá trị – tại những thời điểm ra quyết định quan trọng.

Với ngành công nghệ, Giám đốc điều hành Sundar Pichai của Google đã cam kết hoạt động 24/7 bằng năng lượng không có carbon trong tất cả các trung tâm dữ liệu của Google vào năm 2030.

Các thương hiệu đi đầu trong những thay đổi này không ngừng tìm cách cải thiện các nỗ lực về môi trường của họ, cho dù thông qua quan hệ đối tác, các sáng kiến ​​trong toàn ngành hay các kỹ thuật sản xuất và tái chế mới.

Vai trò của nhóm marketing là minh bạch về cách doanh nghiệp hoạt động trong hệ sinh thái rộng lớn và thể hiện được những cải tiến cụ thể.

Ứng dụng mobile là ‘key’ để tăng trưởng

Câu chuyện tiêu thụ phương tiện truyền thông lớn vào năm 2020 là thời gian dành cho các thiết bị di động. Trên phạm vi toàn cầu, hiện có hơn 1,6 nghìn tỷ giờ được tiêu thụ trên điện thoại di động trong nửa đầu năm 2020.

Và trong quý thứ ba, việc sử dụng ứng dụng (app) đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, với 180 tỷ giờ mỗi tháng.

Nghiên cứu tương tự nhấn mạnh rằng các danh mục dự kiến ​​sẽ đặc biệt hưởng lợi từ sự gia tăng phổ biến của ứng dụng này bao gồm giao đồ ăn, game, học tập trực tuyến, giải trí và cả mua sắm.

Khi chúng ta đang hướng tới sự phục hồi kinh tế sau COVID, 30% người tiêu dùng tin rằng trải nghiệm mua sắm sẽ không bao giờ trở lại như cũ. Điều này khiến các nhà bán lẻ phải nắm bắt cơ hội phát triển mới này trên ứng dụng ngày càng quan trọng.

Bản thân việc tải xuống một ứng dụng là một dấu hiệu thể hiện sự yêu thích đối với một thương hiệu. Xét cho cùng, người dùng ứng dụng có xu hướng trở thành khách hàng trung thành hơn chỉ là việc sử dụng một ứng dụng đơn thuần.

Đối với các nhà bán lẻ, người dùng ứng dụng chi tiêu nhiều hơn gấp 03 lần so với các khách hàng sử dụng các  nền tảng hay thiết bị khác.

Khi xu hướng này tiếp tục phát triển trong năm 2021, các doanh nghiệp nên ưu tiên chiến lược ứng dụng của mình và đảm bảo đó là một kênh để gia tăng giá trị cho khách hàng của họ.

Tập trung vào mức độ tin tưởng của người tiêu dùng

Không có gì bí mật khi hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể trong năm qua. Các thương hiệu có thể tìm cách tự động hóa một số dịch vụ của họ để luôn nhanh nhẹn và đáp ứng những nhu cầu cũng như kỳ vọng mới nổi này.

Tự động hóa tiếp thị hay tạm dịch là marketing automation có thể giúp các thương hiệu hiệu hoạt động quả hơn, cho dù đó là thông qua chức năng tự động điền, quản lý các đơn đặt hàng định kỳ hay bằng cách sử dụng một chatbot dịch vụ khách hàng.

Tuy nhiên, các thương hiệu phải lưu tâm đến các quy tắc mạng xã hội. Việc tôn trọng dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng là điều tối quan trọng.

Khi mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng của họ được xây dựng dựa trên sự tin tưởng, mọi người sẽ cởi mở hơn trong việc chia sẻ thông tin cá nhân của họ, do đó có thể hỗ trợ các dịch vụ tự động.

Vào năm 2021, hãy minh bạch với khách hàng của bạn về cách thức và lý do bạn sẽ sử dụng thông tin cá nhân của họ. Điều này sẽ xây dựng lòng tin tốt hơn từ khách hàng.

Tự động hóa sẽ cho phép bạn tối ưu hóa trải nghiệm mà bạn cung cấp, nhưng điều này sẽ chỉ thành công khi có sự trao đổi giá trị hai chiều minh bạch tại chỗ.

 

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Cẩm Tú | MarketingTrips 

Lời khuyên cho các nhà bán lẻ trực tuyến trong năm 2021

Thương mại điện tử chính là cơ hội toàn cầu, nhờ việc tối ưu quy trình và có thể giúp người bán hàng online tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới.

Năm 2020 đã đưa đến nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đại dịch Covid-19 đã để lại những ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung theo nhiều cách khác nhau.

Nhiều nhà bán hàng online đã phải đối mặt với sự đình trệ của chuỗi cung ứng, sự leo thang của chi phí vận chuyển, và sự dịch chuyển trong nhu cầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, họ cũng nhận thấy nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển kinh doanh trực tuyến, bởi người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển dịch sang hình thức mua sắm trên các trang thương mại điện tử.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, Amazon đã đầu tư hơn 10 tỷ USD để giải quyết những vấn đề vận hành phát sinh liên quan tới đại dịch.

Amazon đã mở rộng diện tích cơ sở vật chất của mạng lưới logistics và hoàn thiện đơn hàng lên tới 50%, cũng như mở thêm hàng trăm trạm vận chuyển và trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên toàn thế giới.

Dù có thể tính những chi phí này thành các khoản tăng phí dịch vụ trong năm 2020, Amazon đã quyết định hỗ trợ 5 tỷ USD để san sẻ các khoản chi phí tăng thêm này với nhà bán hàng. Bước sang năm 2021, đại diện Amazon cho rằng có 3 điều các nhà bán hàng online cần chuẩn bị cho những thách thức sắp tới.

Nắm bắt cơ hội chuyển đổi số

Đại dịch đã thúc đẩy hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng trong bối cảnh thế giới cũng đang chuyển dịch sang kỹ thuật số một cách nhanh chóng.

Điều này đã khiến các công ty thấy được tầm quan trọng và cấp thiết của các dịch vụ và kênh kỹ thuật số trong việc giảm thiểu tác động của đại dịch và tăng cường khả năng phục hồi kinh doanh.

Thương mại điện tử xuyên biên giới chính là cơ hội toàn cầu, nhờ việc tối ưu quy trình và có thể giúp người bán hàng tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới.

Amazon khuyến khích các nhà bán hàng khám phá thêm nhiều cơ hội thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới để xây dựng thương hiệu quốc tế.

Đồng thời, Amazon cũng cung cấp các chương trình và công cụ tiên tiến để hỗ trợ người bán hàng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số này.

Xây dựng danh mục sản phẩm dựa trên nhu cầu

Các nhà bán hàng cần thích nghi với những thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng, tập trung vào những sản phẩm khách hàng thật sự cần, từ đó tiếp tục phát triển danh mục sản phẩm dựa trên phản hồi và đánh giá của người mua hàng.

Trong một thế giới nhiều biến động, chỉ có doanh nghiệp chú trọng tối ưu hóa năng lực của đội ngũ và linh hoạt thích ứng với sự thay đổi mới có thể đảm bảo tăng trưởng.

Những năng lực này có thể kể đến như: phân phối hợp lý nguồn lực và điều chỉnh kế hoạch phát triển sản phẩm, tối ưu hoá, thay đổi quy trình sản xuất hay thậm chí là ra mắt dòng sản phẩm mới một cách nhanh chóng, tùy theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Xây dựng thương hiệu đáng tin cậy

Xây dựng thương hiệu và nguồn khách hàng trung thành là chìa khóa thành công khi kinh doanh TMĐT. Người bán hàng cần chú trọng nhiều hơn về chất lượng sản phẩm, tiếp tục cải tiến và xây dựng một thương hiệu gây được tiếng vang và nhận được sự tin tưởng của khách hàng trên toàn cầu.

Lợi thế của thương mại điện tử xuyên biên giới chính là mô hình kinh doanh với chi phí và mức độ rủi ro thấp, cùng với đó là cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn khách hàng trên toàn cầu và xây dựng thương hiệu quốc tế.

Vì thế, Amazon kỳ vọng người bán hàng sẽ tận dụng được những lợi thế này để tập trung xây dựng và vận hành thương hiệu, từ đó chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trên toàn cầu bằng thương hiệu uy tín và sản phẩm chất lượng cao.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Huy Lâm | MarketingTrips 

Theo TheLeader

Mở khoá tiêu dùng trực tuyến trong thời bình thường mới

Áp dụng công nghệ số là “át chủ bài” đối với doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng trong mùa dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 bùng phát cùng với yêu cầu về cách ly xã hội đã khiến cho các giao dịch theo hình thức gặp mặt hay mua hàng trực tiếp tại cửa hàng bị gián đoạn. Trong khi đó, nhu cầu tích trữ lương thực của người dân lại gia tăng.

Nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Tân Long đã áp dụng dịch vụ số, đặt hàng và thanh toán qua các kênh trực tuyến.

Thông qua các ứng dụng, doanh nghiệp có thể hỗ trợ đặt hàng, giao tiếp với khách hàng cũng như các nhà phân phối mà vẫn luôn đảm bảo an toàn. Từ đó, hình thành thói quen sử dụng ứng dụng thường xuyên cho khách hàng.

“Trong thách thức luôn có cơ hội. Nếu như trước đây, các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khó có cơ hội tăng trưởng nhanh thì bây giờ chúng tôi đã làm được điều này. Trong mùa dịch, ứng dụng đặt hàng của công ty đã cháy hàng.

Chúng tôi xem chuyển đổi số là chiến lược của doanh nghiệp, định hướng bán lẻ ứng dụng thanh toán qua mạng”, ông Nguyễn Chánh Trung – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết.

Đại dịch Covid-19 xảy ra khiến năm 2020 ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục về tốc độ tăng trưởng ngành hàng hoá tiêu dùng nhanh. S

ố liệu từ Nielsen cho thấy, quý I/2014, sau quá trình xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới, tốc độ tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh ở Việt Nam ở mức -3%. Trong khi đó, con số của quý II/2020 là -13,7%, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc Nielsen miền Bắc cho rằng tình hình không quá bi quan vì con số ở quý III/2020 đã lên mức -7,2% và đang có xu hướng tăng lên. Trên thế giới, Việt Nam vẫn là một điểm sáng khi dự báo tăng trưởng GDP 3,1% trong khi các quốc gia khác có tốc độ tăng trưởng âm và âm rất sâu.

Trong đó, chất xúc tác cho điểm sáng này, theo bà Hà, phải kể đến việc hàng hoá tiêu dùng nhanh được bán nhiều hơn ở các kênh hiện đại. Đến tháng 9/2020, có hơn 8.000 điểm bán lẻ hiện đại, việc bán hàng trực tuyến được các doanh nghiệp đẩy mạnh.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Nielsen được xây dựng dựa trên ba yếu tố gồm kỳ vọng về công ăn việc làm trong thời gian tới, khả năng tài chính và mức độ chi tiêu, cho thấy người Việt Nam vẫn khá lạc quan và nhờ đó sẽ tiếp tục chi tiêu.

Cụ thể, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Việt Nam tuy giảm nhưng vẫn ở ngưỡng cao (117 điểm) vào quý II/2020, đứng thứ hai sau Ấn Độ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo bà Hà, có ba xu hướng tiêu dùng diễn ra trong bối cảnh bình thường mới.

Thứ nhất

người tiêu dùng điều chỉnh thói quen ăn uống tại nhà nhiều hơn, khiến cho các nhà sản xuất, nhà bán lẻ phải đưa ra các giải pháp giao hàng. 62% người tiêu dùng Việt tham gia một khảo sát hồi tháng 3/2020 của Nielsen cho biết sẽ ăn ở nhà nhiều hơn hậu Covid.

Thứ hai

lợi ích sức khoẻ là mối quan tâm hàng đầu của 49% người tham gia khảo sát của Nielsen. Đây là cơ hội cho nhà sản xuất và nhà bán lẻ để thay đổi danh mục sản phẩm đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng.

Thứ ba

người tiêu dùng chuyển sang phân khúc cao cấp cho các mặt hàng về sức khoẻ, trong khi đó tìm đến dòng sản phẩm tiết kiệm cho các mặt hàng không thiết yếu.

Covid-19 cũng mở ra cơ hội cho thương mại điện tử khi người dân chọn mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Trên thực tế, ngành thương mại điện tử đã tăng nhanh trong vài năm gần đây và được dự báo sẽ tăng mạnh hơn với cú huých Covid-19

Năm 2019, tổng doanh thu ngành thương mại điện tử đạt 12 triệu USD với tốc độ tăng trưởng đạt 38%. Các nền tảng không ngừng được phát triển.

Khi được hỏi, 63% người tham gia khảo sát cho biết sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn và 64% cho biết sẽ gọi đồ ăn nhiều hơn trong giai đoạn hậu Covid. Gần 40% người được hỏi cho biết việc sử dụng ngân hàng trực tuyến/ví điện tử diễn ra thường xuyên hơn so với trước đây.

Tuy nhiên cần lưu ý, người tiêu dùng vẫn còn quan ngại đến vấn đề chất lượng, 30% người tham gia khảo sát cho biết từng mua phải sản phẩm không giống quảng cáo trên website hoặc chất lượng kém.

Vẫn còn nhiều khách hàng thiếu niềm tin với quảng cáo trên mạng, quan ngại về phí giao hàng cũng như thời gian và chất lượng giao hàng khi mua sắm trực tuyến.

Ngay đầu tháng 12/2020 đã liên tục xảy ra các trường hợp người tiêu dùng bỏ ra hơn 30 triệu đồng để đặt mua iphone 12 Pro Max nhưng lại nhận được một cục gạch hay hộp tô màu. Trước đó, trong các ngày hội mua sắm trực tuyến, chẳng lạ lẫm gì khi người tiêu dùng đặt hàng qua mạng và thứ nhận về chỉ là một hòn đá nằm trong chiếc hộp.

Mặc dù doanh nghiệp đã khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp này nhưng rõ ràng cho thấy một lỗ hổng rất lớn khiến người tiêu dùng sẽ e dè hơn rất nhiều khi quyết định mua hàng trực tuyến.

Thương mại điện tử sẽ tác động rất lớn đến hành vi của người mua hàng. Tốc độ giao hàng và chất lượng sản phẩm sẽ là một trong những chìa khoá quan trọng để làm gia tăng sự hài lòng cho khách hàng và giúp doanh nghiệp chiếm được trái tim khách hàng.

“Đây là cơ hội cho doanh nghiệp để phát triển thêm kênh thương mại điện tử. Cần cân nhắc tốc độ giao hàng, mang lại tiện lợi cho người tiêu dùng trong cuộc sống mới”, bà Hà nói.

Nghiên cứu trong ngành ngân hàng của Nielsen cho thấy ví điện tử sử dụng trên điện thoại đã được dùng nhiều ở các nước phát triển, trong đó, con số ở Hong Kong là 51%, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất 76% trong khi con số ở Việt Nam chỉ khoảng 19% và được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.

Ở Việt Nam có một số ví được dùng thông dụng là Momo, Moca, ZaloPay. Tham gia ví điện tử không chỉ có ngân hàng mà các ngành khác như bán lẻ, viễn thông. Các phương thức thanh toán trực tuyến được dự báo sẽ phát triển và được đón nhận.

“Liệu đối tượng mua hàng trực tuyến và sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến chỉ có người trẻ hay còn có thể có cơ hội cho các đối tượng khác.

Thông tin từ McKinsey cho thấy, việc tiếp cận các kênh trực tuyến và kỹ thuật số của những người ở độ tuổi từ 51 trở lên không khác gì giới trẻ. Có lẽ cần các nghiên cứu sâu để xem ai dùng kênh trực tuyến và hành vi của họ như thế nào”, bà Hà đặt vấn đề.

Để mở khoá tiềm năng của kênh trực tuyến đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh, bà Hà nhấn mạnh 3 yếu tố quan trọng gồm: người mua, kênh mua và cách mua sắm.

Thứ nhất, cần xác định rõ người tiêu dùng trực tuyến là ai, thái độ mua hàng và lý do mua hàng của họ.

Theo bà Hà, 55% người tiêu dùng online ở độ tuổi 18-29, 63% là phụ nữ, 65% là nhân viên văn phòng. 22% có thu nhập từ 7-15 triệu đồng/tháng và 70% có thu nhập từ 15-150 triệu đồng mỗi tháng.

Những người có thu nhập từ 7 triệu đồng trở lên đã mua sắm trực tuyến với tần suất trung bình khoảng hai lần mỗi tháng, chủ yếu là dân công sở.

Thứ hai, cần xác định nền tảng phổ biến nhất cũng như so sáng nhược điểm và hạn chế của các nền tảng. Bà Hà cho biết, bán lẻ điện tử (e-retailer) vẫn là những lựa chọn hàng đầu với chỉ số nhận diện và mua sắm đều cao. Ngược lại, thị trường trực tuyến (online marketplace) cần cải thiện hiệu năng khi chỉ số nhận diện cao nhưng tỉ lệ mua sắm thấp.

Thứ ba, cần nghiên cứu hành trình mua hàng để cải thiện trải nghiệm và tăng trưởng doanh thu bởi lẽ chưa bao giờ mà hành trình mua sắm lại phức tạp như bây giờ.

Theo bà Hà, trước khi mua hàng, người tiêu dùng Việt, đặc biệt là người Bắc thường phải kiểm tra kỹ thông tin.

Do đó, doanh nghiệp không nên để xảy ra tình trạng nói sai về sản phẩm/dịch vụ trong khâu này, vì có nhiều kênh để khách hàng có thể tìm hiểu và đánh giá. Số liệu cho thấy 56% người tiêu dùng đọc đánh giá trước khi quyết định mua hàng.

Khuyến mãi cũng là yếu tố quan trọng khi so sánh giá là con đường mua sắm rất phức tạp của khách hàng. Họ thường đến cửa hàng xem sản phẩm nào tốt nhưng luôn tìm kiếm trên mạng để tìm nơi có mức giá tốt.

Sau khi mua sắm, họ cũng chia sẻ và tương tác nhiều trên các trang mạng, trực tiếp nói với ngời khác nhiều hơn. Theo bà Hà, nếu trước đây một khách hàng không hài lòng thường sẽ nói với 10 người, nhưng với thời đại này, một người không hài lòng sẽ nói với 6.000 người trên mạng xã hội.

“Các doanh nghiệp có nhiều cơ hội khác nhau nhưng dù sao đi chăng nữa, cần lấy khách hàng làm trọng tâm, thực sự hiểu họ là ai, nhu cầu và kỳ vọng của họ là gì, cách mua sắm như thế nào và liệu có thể phục vụ khách hàng tốt hơn hay không”, bà Hà nói.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Thuý Minh | MarketingTrips 

Theo The Leader

Thị trường bán lẻ đang vào giai đoạn tái cấu trúc

Trong cao điểm giãn cách xã hội, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã phải đóng cửa đến 85% số cửa hàng trong chuỗi. Qua cao điểm dịch, doanh nghiệp phải sắp xếp lại hoạt động của hơn 20 cửa hàng.

Chỉ tiêu doanh thu năm bị điều chỉnh giảm 15%, lợi nhuận giảm 30% so với năm ngoái, doanh nghiệp buộc phải thực thi các kế hoạch tái cấu trúc nhanh hơn vì “chất xúc tác” COVID-19.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PNJ, cho biết: “Đến thời điểm này chúng tôi cũng chưa thể dự đoán một tình hình sáng sủa cho tương lai của ngành bán lẻ, đặc biệt là ngành trang sức. Do đó, về hệ thống bán lẻ (Retail System), chúng tôi sẽ tái cấu trúc lại. Hiện nay các bạn có thể thấy chúng tôi đang phân ra – tùy theo thị trường khu vực sẽ có từng mô hình cửa hàng ở cấp độ, hình thái khác nhau”.

Theo đơn vị nghiên cứu thị trường Asia Plus, tính đến hết tháng 3 năm nay, số lượng từng loại hình bán lẻ tại Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt so với năm trước đó.

Số lượng siêu thị giảm 12%, trong khi các mô hình bán lẻ (Retail Model) nhỏ hơn như cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini lại tăng mạnh 60%. Cho thấy lợi thế phát triển của các mô hình mặt bằng nhỏ, tiết kiệm chi phí, dễ phủ rộng nhanh chóng.

Ngay khi cao điểm dịch kết thúc, một số nhà bán lẻ cũng đang bắt tay mở rộng độ phủ chuỗi cửa hàng tiện lợi của mình.

Có doanh nghiệp xác định mục tiêu lên gấp 30 lần quy mô hiện tại nhưng không phải bằng cách bỏ tiền túi đầu tư mà thông qua nhượng quyền cho bên ngoài để chia sẻ chi phí và rủi ro.

Theo ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc, Saigon Co.op: “Với hình thức nhượng quyền này, tôi nghĩ đối với thị trường tỉnh, những người nhận nhượng quyền là những người địa phương thì họ sẽ hiểu văn hóa địa phương tốt nhất. Giúp chúng tôi đỡ chi phí và việc phải đi tìm kiếm các mặt bằng phù hợp”.

Một khảo sát của Google cho thấy lượng người dùng Việt Nam tìm kiếm mua hàng trực tuyến tăng hơn 40% vì ảnh hưởng của dịch.

Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai và có thể là “kim chỉ nam” cho các chiến lược tái cấu trúc của nhà bán lẻ. Việc mới đây doanh nghiệp bán lẻ lập kỷ lục mỗi giờ bán được 1 tấn vải trên nền tảng ví điện tử là một minh chứng.

Theo ông Kengo Kurokawa, Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Asia Plus: “Điều tích cực đó là hiện nay tại Việt Nam chúng ta đã thấy sự phát triển của các doanh nghiệp giao hàng dựa trên công nghệ và hệ thống thanh toán điện tử. Sự tập trung cho các kênh trực tuyến, tiếp thị trực tuyến là điều chắc chắn.

Tuy nhiên tôi vẫn muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hệ thống cửa hàng trực tiếp, khi tỉ trọng cửa hàng bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chỉ là 20%, thấp đến phân nửa so với mức trung bình ở châu Á. Do đó giải pháp tối ưu vẫn là bán hàng đa kênh (Omni Channel)”.

Trong giai đoạn tái cấu trúc, doanh thu của nhà bán lẻ có thể bị sụt giảm nhưng tiêu chí thành công là phải cải thiện được biên lợi nhuận.

Ngoài vấn đề cắt giảm các chi phí thông thường, từ bây giờ một số doanh nghiệp đã quyết định mạnh tay đầu tư cho các hệ thống chuyển đổi số để tối ưu hóa quy trình để gặt hái quả ngọt trong những năm sau.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips via VTV

Ngành bán lẻ ‘quay cuồng‘ vì Covid-19: Siêu thị sụt giảm 1/2 lượng khách đến mua sắm, có doanh nghiệp phải cho nghỉ tới 80% nhân viên bán hàng

Nỗi sợ hãi Covid-19 của người dân Việt Nam đang khiến ngành bán lẻ sụt giảm doanh thu chưa từng có. Tùy vào phân khúc khách hàng, có doanh nghiệp hoạt động kinh doanh gần như tê liệt, mảng siêu thị lượng khách đến mua sắm giảm 50%, trừ ngành hàng liên quan đến sức khỏe còn lại đều bị ế.

Thỉnh thoảng, chúng ta sẽ thấy vài thông tin kiểu như người dân đến càn quét các siêu thị vùng nào đó vì một thông tin nghiêm trọng về dịch Covid-19 xuất hiện, chúng ta liền nghĩ hẳn ngành bán lẻ sẽ là người hưởng lợi lớn từ đại họa này. Nhưng, thật ra đó chỉ là bề nổi của tảng băng.

Vì nói như bà Huỳnh Minh Băng Nga – Chuyên viên đào tạo cấp cao của “ông lớn” trong ngành phân phối của thế giới DSKH, thì chỉ trừ ngành hàng liên quan đến sức khỏe như các loại nước tẩy rửa, khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn là đắt hàng, còn lại đều trong tình trạng ế ẩm nghiêm trọng.

Như tất cả các doanh nghiệp, trước đó chúng tôi cũng không dự đoán được việc dịch bệnh Corona sẽ xảy ra và nghiêm trọng như tình trạng hiện tại. Chúng tôi thường đặt hàng cho nhà sản xuất trước 4 tháng, tức là lượng hàng sản xuất cho 3 tháng đầu năm, như mọi năm chúng tôi đã nhận đủ.

Mọi năm, khoảng đầu năm, chúng tôi bán được rất nhiều mặt hàng về F&B như các loại bánh kẹo, nhưng năm nay doanh số bán hàng ở các siêu thị và các cửa hàng bách hóa giảm tới ½. Hiện ngành hàng F&B của chúng tôi đang bị treo, tồn kho còn rất nhiều.

Chúng tôi hiện có khoảng 3.000 sales cho ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG phủ khắp cả nước và lượng đặt hàng của các nhà cung cấp qua họ cũng giảm rất nhiều“, bà Băng Nga kể.

Cũng theo quan sát của bà Nga, hiện tại, chỉ mỗi ngành hàng chăm sóc sức khỏe, phục vụ trực tiếp cho mùa dịch là ăn nên làm ra.

Chất tẩy rửa và các loại nước rửa tay sát khuẩn hiện bán rất chạy. Về khẩu trang y tế, trước đó tới nhà thuốc mua khoảng 1.000 đến 2.000/cái, giờ đã tăng lên 10.000 đến 20.000/cái; còn các loại khẩu trang dùng được nhiều lần, siêu thị cũng chỉ cho mỗi người mua 5 cái.

Về khẩu trang 3M, trước đây DSKH chỉ phân phối đặc biệt cho các bệnh viện với mức giá khoảng 45.000 đồng/cái, nay được bán ra ngoài với mức giá 100.000 đồng/cái.

Tuy nhiên, thật ra thì siêu thị và các cửa hàng vẫn là những đơn vị ít thiệt hại nhất trong ngành bán lẻ, đơn vị liên quan trực tiếp đến ngành du lịch mới phải gánh chịu hậu quả đau thương nhất.

Đơn cử như doanh nghiệp bán lẻ hoạt động chủ yếu ở các khu bán hàng miễn thuế, như ở sân bay quốc tế, cửa khẩu hoặc casino; đối tượng khách hàng nhắm tới chính là khách du lịch trong và ngoài nước.

Ông Trần Văn Liêng – Chủ tịch Công ty CP Việt Nam Cacao đang chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ trong mùa dịch Covid-19.

Chúng tôi cũng là một nạn nhân của dịch Covid-19, nhưng thiệt hại của chúng tôi vẫn chưa nghiêm trọng bằng một doanh nghiệp bán lẻ xin được giấu tên. Mỗi tháng, chúng tôi bán cho đơn vị này khoảng vài tỷ đồng chocolate và ca cao, 1 quý tức khoảng 3 tháng tôi lại đi thăm các cửa hàng của đối tác 1 lần.

Trong lần gặp gỡ mới đây, tôi được biết doanh nghiệp này vừa cho nghỉ khoảng 80% nhân viên bán hàng, do mỗi ngày các cửa hàng của họ tại sân bay chỉ tiếp khoảng 8 đến 9 khách du lịch quốc tế“, ông Trần Văn Liêng – Chủ tịch Công ty CP Việt Nam Cacao cho biết.

Hiện tại, hàng của Việt Nam Cacao tại siêu thị cũng đứng lại, những hoạt động như giới thiệu sản phẩm tại siêu thị trước đây như mời thử chocolate cũng không thể thực hiện, do người ta ngại sờ hoặc chạm vào nhiều thứ khác nhau.

Nhà phân phối thì không muốn tiếp xúc với các nhân viên sales do sợ bị lây virus, mà thường các nhân sales phải chấm công tại nhà phân phối, nên họ đã không thể chấm công được. Nestle cũng đã bị giảm 50% doanh số ở thị trường Lâm Đồng.

Tuy nhiên, như tôi hay nói vui, người Việt Nam mình luôn giữ được sự duyên dáng trong khủng hoảng, trong khó khăn vẫn lạc quan.

Thêm nữa, hiện tại, đang có những tín hiệu tốt như việc Trung Quốc tuyên bố số lượng nhiễm virus Corona mới của họ đã giảm đi. Chúng ta hy vọng là Trung Quốc sẽ dập được dịch trong ngày không xa.

Phần Hàn Quốc, họ vẫn đang gồng mình chịu đựng. Vì không muốn hy sinh kinh tế, nên Hàn Quốc không muốn ‘bế quan tỏa cảng’ Seoul hay Deagu. Có lẽ, giá trị kinh tế mà Hàn Quốc phải hy sinh nếu phong tỏa các địa phương của mình lớn hơn Trung Quốc, nên họ không làm“, ông Trần Văn Liêng nhận định.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Luận – CEO của Hoàng Linh Group, doanh nghiệp chuyên về tư vấn khởi nghiệp, thì ngoài xem xét các thiệt hại của bản thân trong mùa đại dịch, các doanh nghiệp bán lẻ cần nhìn xa hơn, xem mình sẽ ‘nhặt’ được cơ hội gì sau mùa Covid-19 kết thúc.

Ông cùng Hoàng Linh Group đã góp phần gầy dựng thương hiệu trà sữa và cà phê khá thành công tên Meet & More – chuyên cà phê có hương vị trái cây.

Cũng như các nhà bán lẻ khác, doanh số của Meet & More sụt giảm sâu ở thị trường nội địa, khi người dân đang ưu tiên các sản phẩm chăm sóc sức khỏe mà ít quan tâm đến chuyện ăn uống.

Doanh số của Meet & More sụt giảm nhiều nhất là ở các địa điểm như sân bay và cửa khẩu. Tuy nhiên, doanh số xuất khẩu vẫn ổn định – hiện sản phẩm của Meet & More đang xuất khẩu sang 6 nước khác nhau.

Tôi dự đoán, sau dịch bệnh, người ta sẽ ‘khát’ những sản phẩm F&B chất lượng cao, nên chúng ta phải chuẩn bị hàng hóa đầy đủ để có thể nắm bắt cơ hội.

Mặc dù dịch đang bùng phát tại Hàn Quốc, nhưng vừa qua, có một công ty lớn ở nước này vẫn qua Việt Nam tìm nguồn hàng cà phê tốt và chúng tôi vừa ký một hợp đồng lớn với họ, sẽ xuất hàng qua Hàn Quốc vào tháng 4 này,” ông Nguyễn Ngọc Luận tiết lộ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips