Sau một năm hoạt động thử nghiệm, tính năng mua bán NFT trên Facebook và Instagram sẽ bị gỡ bỏ trong vài tuần tới.
Facebook và Instagram sẽ xoá bỏ tính năng mua bán NFT
Trong bài viết trên Twitter, Stephane Kasriel, trưởng bộ phận Thương mại và Công nghệ Tài chính của Meta cho biết tính năng mua bán NFT (token không thể thay thế) sẽ bị xóa khỏi Facebook và Instagram.
“Chúng tôi đang kết thúc việc tích hợp NFT để tập trung vào các giải pháp hỗ trợ nhà sáng tạo, người dùng và doanh nghiệp”, Kasriel cho biết.
Trả lời The Verge, phát ngôn viên Meta xác nhận sẽ loại bỏ tính năng mua bán, đúc và trưng bày NFT trên Facebook, Instagram trong vài tuần tới
Theo Kasriel, Meta sẽ tập trung vào những giải pháp tăng khả năng kiếm tiền trên Reels, đồng thời cải tiến hệ thống thanh toán trong các ứng dụng nhắn tin hiện có.
Tính năng mua bán NFT bị Meta ngừng hỗ trợ đúng một năm sau khi được CEO Mark Zuckerberg công bố. Instagram đã thử nghiệm NFT từ tháng 5/2022, sau đó bổ sung khả năng đúc và bán vật phẩm trực tiếp trên mạng xã hội.
Khi công bố đổi tên công ty Facebook thành Meta vào tháng 10/2021, Zuckerberg cho biết NFT sẽ hỗ trợ thị trường mua bán hàng hóa trong metaverse, vũ trụ ảo được Facebook đặt nhiều kỳ vọng.
Kasriel không giải thích lý do ngừng hỗ trợ NFT trên các nền tảng của Meta. Tuy nhiên, Engadget lưu ý động thái này diễn ra sau khi công ty sa thải hàng nghìn nhân viên và đóng cửa nhiều dự án.
Đây không phải dự án lớn duy nhất bị Meta khai tử. Năm ngoái, công ty này đã dừng phát triển Novi, ví điện tử phục vụ tham vọng xây dựng nền tảng mua bán NFT.
Meta cũng cắt giảm một số dự án trong Reality Labs, bộ phận phát triển kính thực tế ảo và metaverse, đồng thời dừng chương trình trả thưởng cho nhà sáng tạo nội dung Reels.
Dù Meta không còn mặn mà với NFT, các công ty khác vẫn đặt niềm tin vào thị trường bị “thổi bay” hàng tỷ USD vào năm 2022 sau thời gian tăng trưởng nhanh chóng.
Trong số đó, Reddit duy trì tính năng tạo avatar dưới dạng NFT. Starbucks đã bán 2.000 tấm thẻ NFT với giá 100 USD/chiếc. Thương hiệu nhân vật Sesame Street cũng sẽ bán NFT từ ngày 19/3.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Meta sẽ dừng chia sẻ tiền thưởng đến các nhà sáng tạo nội dung video ngắn Reels trên cả 2 nền tảng của mình là Facebook và Instagram.
Meta sẽ dừng chia sẻ tiền thưởng đến các nhà sáng tạo Reels
Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2021, quỹ tiền thưởng dành cho Reels của Meta là động lực khuyến khích các nhà sáng tạo sản xuất ra nhiều nội dung ngắn hơn. Tuy nhiên theo một thông báo mới đây thì khoản quỹ này sẽ sớm dừng hoạt động.
Hành động về cơ bản sẽ ảnh hưởng đến tất cả những nhà sáng tạo Reels trên Facebook và các nhà sáng tạo Reels trên Instagram tại Mỹ (chương trình tiền thưởng cho Instagram Reels chỉ dành cho những nhà sáng tạo ở Mỹ).
Theo một số thông tin khác nhau, do nhiều điều kiện kinh tế không mấy khả quan, các nền tảng sẽ bắt đầu giảm bớt các khoản chi tiêu và trong trường này với Meta, nền tảng sẽ tạm hoãn việc chia sẻ tiền thưởng tới các video phổ biến trên Reels.
Quay trở lại với khoản quỹ tiền thưởng, kể từ khi định dạng video ngắn trở thành ưu tiên hàng đầu của Meta (do sự phổ biến của TikTok), các nhà sáng tạo Reels có thể nhận được một khoản thưởng cho các video triệu view của họ, điều này khá dễ hiểu khi video có nhiều view hơn có nghĩa là nhiều người hơn đang tương tác với video ngắn.
Bên cạnh việc cắt giảm các khoản phí, Meta cũng không ngừng thử nghiệm các định dạng quảng cáo mới trên Reels nhằm thúc đẩy doanh thu.
Kể từ năm 2022, Meta thử nghiệm quảng cáo lớp phủ (Overlay Ads) cho các nhà sáng tạo ở hơn 50 quốc gia bên cạnh việc hiển thị quảng cáo trong luồng (in-stream ads). Đối với cả hai định dạng quảng cáo này, Meta chia sẻ 55% doanh thu với nhà sáng tạo.
Theo báo cáo doanh thu của Meta, hiện Reels đạt doanh thu trung bình là 1 tỷ USD mỗi năm, tuy nhiên con số này đang giảm dần.
“Khó khăn tiếp theo mà chúng tôi phải tập trung vào đó là tiếp tục phát triển Reels, cải thiện khả năng kiếm tiền từ nó trên mỗi phút được xem. Hiện tại, hiệu quả kiếm tiền của Reels kém hơn nhiều so với Nguồn cấp dữ liệu (trên Feed).”
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Cán mốc 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng, ChatGPT đã vượt xa những mạng xã hội lớn như TikTok, Instagram và trở thành ứng dụng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất mọi thời đại.
ChatGPT có được 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng ra mắt
Vào tháng 1, ChatGPT đã trở thành ứng dụng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, chính thức cán mốc 100 triệu người sử dụng hàng tháng chỉ sau 2 tháng ra mắt, theo thống kê của ngân hàng đầu tư UBS.
Business Insider đánh giá tốc độ tăng trưởng của ChatGPT còn vượt xa những tên tuổi lớn trong lĩnh vực mạng xã hội như TikTok, Instagram.
Tình toán của công ty phân tích Similar Web chỉ ra TikTok phải mất 9 tháng để đạt lượng người dùng tương đương ChatGPT, trong khi con số này lên đến 30 tháng đối với Instagram.
Bên cạnh đó, Spotify, dịch vụ phát nhạc nổi tiếng, cũng chỉ đạt 100 triệu người dùng hàng tháng mới đây, sau 4,5 năm thành lập.
Lượng người dùng đăng ký ChatGPT đã tăng đột biến, gấp đôi so với trước đó từ tháng 12/2022. Vào thời điểm đó, chatbot AI có khoảng 57 triệu người sử dụng.
Tính đến cuối tháng 1/2023, số lượt truy cập mỗi ngày trên ChatGPT đã cán mốc 13 triệu, gấp đôi so với con số 6 triệu người dùng/ngày vào tháng 12 trước đó.
“Chúng tôi chưa từng thấy ứng dụng nào có tốc độ tăng trưởng thần kỳ như ChatGPT. Trong suốt 20 năm làm việc trên lĩnh vực Internet, đây là ứng dụng dành cho người dùng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất chúng tôi ghi nhận được”, các nhà phân tích của UBS nhấn mạnh.
Ra mắt từ tháng 11, ChatGPT nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng với khả năng trả lời mọi câu hỏi và yêu cầu của người dùng như viết luận, lập trình, làm bài tập hộ… Chatbot của OpenAI đã thu về 1 triệu người sử dụng chỉ trong vòng 5 ngày.
Không chỉ sở hữu lượng người dùng lớn, ChatGPT còn thu hút thành công hàng tỷ USD từ Microsoft. Mới đây, tập đoàn công nghệ đã công bố khoản đầu tư nhiều năm vào OpenAI.
Theo một người giấu tên trong cuộc, giá trị của khoản đầu tư này được ước tính vào khoảng 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, chatbot thông minh vẫn tồn tại nhiều mặt trái gây tranh cãi như khả năng lan truyền thông tin sai sự thật, bị lợi dụng để đạo văn và những hành vi trái quy định khác.
Trước sự tăng trưởng của ChatGPT, startup trí tuệ nhân tạo OpenAI đã tung ra phiên bản trả phí của chatbot là ChatGPT Plus, thu 20 USD/tháng với mỗi người dùng.
Đăng ký dịch vụ này, người dùng sẽ trải nghiệm ChatGPT mọi lúc mọi nơi, tốc độ nhanh và nhiều tính năng độc quyền.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Facebook vừa thông báo thêm tính năng nhắm mục tiêu quảng cáo (Ad Targeting) tới các đối tượng trên Instagram vào trình quản lý quảng cáo.
Facebook thêm tính năng nhắm mục tiêu tới đối tượng trên Instagram
Theo đó, các nhà quảng cáo trên Facebook sẽ sớm có khả năng nhắm mục tiêu quảng cáo tới những người đã chọn theo dõi (follower) tài khoản Instagram của doanh nghiệp. Nhà quảng cáo có thể hiển thị lại quảng cáo trên cả Instagram và Facebook.
Về tổng thể, tính đến thời điểm hiện tại, Facebook chỉ cho phép các nhà quảng cáo nhắm mục tiêu đến những người theo dõi hay từng tương tác trên Facebook, còn với Instagram thì giờ đây mới có thể khả dụng.
Trong khi cũng có một số sự tương đồng nhất định giữa các nhóm đối tượng mục tiêu (Target Audience) ở một số thương hiệu trên Facebook và Instagram, phần lớn các trường hợp khác, đây là 2 tệp khách hàng rất khác nhau.
Người dùng Instagram trẻ hơn so với Facebook (khoảng hơn 60% người dùng Instagram từ 14-19 tuổi), do đó, thương hiệu có thể coi cập nhật mới này là một cách để tiếp cận đến một nhóm khách hàng tiềm năng mới.
Giờ đây, các nhà quảng cáo có thể sử dụng tùy chọn mới làm tùy chọn nhắm mục tiêu quảng cáo (Target) để tiếp cận những người đã thể hiện sự quan tâm của họ đến các sản phẩm hay dịch của thương hiệu, đồng thời nhà quảng cáo cũng có thể sử dụng tùy chọn này làm nguồn cho mục đối tượng mục tiêu tương tự (Lookalike Audience).
Mạng xã hội Instagram vừa thới thiệu một số công cụ quảng cáo mới nhằm mục tiêu giúp người làm Marketing tiếp cận người dùng tốt hơn trên nền tảng.
Instagram giới thiệu một số công cụ quảng cáo mới
Mọi người tìm đến Instagram để thỏa niềm đam mê của mình. Vì 90% người dùng theo dõi ít nhất 1 doanh nghiệp nên khi truy cập vào Instagram, họ đã sẵn sàng tìm cảm hứng từ các thương hiệu.
Để giúp người làm Marketing có nhiều cơ hội hơn trên nền tảng, Instagram vừa giới thiệu một số công cụ quảng cáo và sáng tạo mới nhằm tạo điều kiện cho thương hiệu xây dựng và chia sẻ câu chuyện của mình một cách dễ dàng hơn.
Video dạng ngắn (Short-form video) sẽ tiếp tục có khả năng gây sự chú ý cao với các nhóm đối tượng, với số người xem, tạo và chia sẻ Reels nhiều hơn bao giờ hết.
Do đó, quảng cáo trên Reels mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội mới để tiếp cận những khách hàng mới trên nền tảng.
Instagram sẽ ra mắt các bài hát miễn phí, chất lượng cao trong thư viện bộ sưu tập âm thanh trên Meta (Meta Sound Collection) để bạn thêm vào các quảng cáo quay vòng (Carousel Ads) trên Reels.
Thương hiệu có thể lựa chọn bài hát trong thư viện theo cách thủ công hoặc cho phép ứng dụng tự động chọn bản nhạc phù hợp nhất với quảng cáo dựa trên nội dung.
Quảng cáo trong trang chủ Khám phá và Bảng tin của trang cá nhân.
Instagram sẽ giới thiệu thêm nhiều nơi để mọi người khám phá thương hiệu cũng như sản phẩm trong phần Khám phá và trang cá nhân (Profile Feed).
Giờ đây, trang chủ của phần Khám phá (Explore Home) sẽ được hiển thị quảng cáo, đây là cách mà thương hiệu có thể tiếp cận khách hàng tiềm năng ở các giai đoạn sớm nhất trong quá trình khám phá những nội dung hay thương hiệu mới mà họ quan tâm.
Instagram cũng đang bắt đầu thử nghiệm quảng cáo trên Bảng tin của trang cá nhân cho các trang cá nhân công khai, không phải của trẻ vị thành niên.
Quảng cáo trên bảng tin của trang cá nhân giúp cho các nhà quảng cáo dễ dàng mở rộng phạm vi tiếp cận thông qua nội dung của vô số các tài khoản cá nhân.
Trong lần này, Instagram sẽ thử nghiệm thêm cơ hội kiếm tiền để hỗ trợ cho các nhà sáng tạo nội dung đủ điều kiện bằng cách hiển thị quảng cáo trên bảng tin cá nhân của họ.
Một số nhà sáng tạo nội dung tại Mỹ hiện đã được sử dụng tính năng này.
Quảng cáo “đa nhà quảng cáo” dựa trên AI.
Quảng cáo “đa nhà quảng cáo” dựa trên AI (AI-powered multi-advertiser Ads) giúp doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả những người đang có ý định mua hàng và gần đây đã tương tác với các nội dung có liên quan.
Khi ai đó thể hiện ý định mua sắm bằng cách tương tác với quảng cáo, Instagram sẽ phân phối thêm quảng cáo từ các doanh nghiệp khác (nhà quảng cáo khác) mà họ có thể quan tâm, dựa trên các thuật toán của công nghệ máy học (Machine Learning).
Quảng cáo AR (Thực tế tăng cường).
Cuối cùng, Instagram gần đây cũng đã ra mắt phiên bản beta của quảng cáo AR trên cả bảng tin (News Feed) và mục Câu chuyện (Stories) nhằm mang đến những trải nghiệm quảng cáo thực tế tăng cường chân thực.
Với trải nghiệm AR do Spark AR cung cấp, thương hiệu có thể khuyến khích mọi người tương tác với hiệu ứng thông qua môi trường xung quanh.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Một số nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) Mỹ đã có thể bán các tác phẩm NFTs của mình ngay trên Instagram.
Facebook cho bán NFTs trực tiếp trên Instagram
Facebook (Meta) đang tích cực hỗ trợ NFTs. Tại sự kiện Creator Week, Meta thông báo cho phép nhà sáng tạo nội dung tạo và bán NFTs ngay trên Instagram.
NFTs được thử nghiệm trên Instagram và Facebook từ năm ngoái, dù vậy, đến nay, người dùng Instagram mới chỉ có thể “khoe” các tác phẩm của mình.
Meta sẽ cung cấp công cụ “đầu cuối” để nhà sáng tạo nội dung không chỉ sáng tác NFTs, mà còn bán được chúng cho mọi người.
Đây là lần đầu tiên mạng xã hội Instagram cố gắng cạnh tranh trực tiếp với các nền tảng bán NFTs (NFTs Marketplace). Meta cho biết, sẽ không lấy hoa hồng cho đến năm 2024, song các chợ ứng dụng vẫn sẽ tính phí 30% từ việc bán hàng.
Nhà sáng tạo cũng được phép đưa ra mức phí chiết khấu từ 5% đến 25% nếu ai đó bán lại tác phẩm của mình.
Công cụ mới chỉ dành cho một nhóm nhà tác giả tại Mỹ. Meta dự định mở rộng cho nhiều người tại nhiều nước hơn.
Tuy nhiên, mạng xã hội này cũng đang cập nhật các tính năng NFTs khác rộng rãi hơn.
Mở rộng hỗ trợ NFTs trên Instagram nằm trong nỗ lực lớn hơn của Meta nhằm tăng cường các tính năng kiếm tiền cho tác giả trong ứng dụng.
Công ty giới thiệu chế độ Professional cho các tài khoản Facebook hay Thuê bao cho Instagram. Sao Facebook (Star) cũng xuất hiện ở nhiều vị trí hơn, bao gồm bài đăng ảnh và văn bản, bổ sung tính năng tặng quà trong ứng dụng cho Reels.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Trong khi từ lâu, cả Instagram Hashtag và Instagram SEO đều là các chiến thuật ưu tiên của các Marketer, tuy nhiên, sau những cập nhật mới đây, liệu Instagram Hashtag có còn hiệu quả hay Instagram SEO đã chiếm hết ưu thế.
Instagram SEO vs Hashtag: Đâu là chiến lược đúng trong 2022
Từ tháng 3 năm 2022, CEO Instagram Adam Moserri là người thông báo rằng thẻ hashtag (định dạng kiểu #marketingtrips) không còn thực sự quan trọng trên nền tảng này nữa.
Đây không phải là thông báo đầu tiên nói về tác dụng của các thẻ hashtag trên Instagram, trước đó, CEO này cũng từng thông báo rằng người dùng chỉ nên sử dụng 3-5 thẻ trên mỗi bài đăng mới có hiệu quả tốt nhất thay vì là lạm dụng quá nhiều thẻ.
Thay vì xem xét các thẻ hashtag, thuật toán của Instagram sẽ tập trung xác định các từ khoá có liên quan trong phần chú thích (captions), tức ưu tiên SEO.
Trước những sự thay đổi đột ngột này, không ít marketer đang tự hỏi liệu sự thật đằng sau những thông báo này là gì? hay đâu mới là sự thật?
Instagram SEO có còn hiệu quả không? Hay các hashtag trên Instagram vẫn là công cụ có sức mạnh lớn nhất trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận.
Để làm sáng tỏ nội dung này, nhóm nghiên cứu từ Hootsuite đã bắt đầu tiến hành các thử nghiệm để xác định kết quả.
Giả thuyết.
Sử dụng các từ khóa có liên quan trong phần chú thích của Instagram sẽ giúp bài đăng tiếp cận nhiều hơn so với việc sử dụng thẻ hashtag.
Được giới thiệu lần đầu vào năm 2010, các thẻ hashtag tức các thẻ được bắt đầu bằng ký tự # (dấu thăng), các thẻ này là một phần quan trọng để thúc đẩy việc nội dung được khám phá và bài đăng được tiếp cận nhiều hơn.
Trong nhiều năm, việc chọn đúng thẻ hashtag trên Instagram là chiến thuật ưu tiên hàng đầu trong mọi chiến lược truyền thông mạng xã hội trên cả Instagram lẫn các nền tảng khác, khi được kết hợp với các nội dung có trong phần chú thích, các bài đăng như được tăng tốc về khả năng được khám phá.
Trong những ngày đầu này, hoạt động SEO trên Instagram không mấy hiệu quả.
Nhưng sau đó, khi mọi người bắt đầu lạm dụng các thẻ hashtag, nhồi nhét với số lượng tối đa (30 thẻ) vào mỗi phần chú thích, ngay cả với các thẻ không hề liên quan đến nội dung của bài đăng, mọi thứ đã có phần thay đổi.
Việc thêm quá nhiều hashtag vào bài đăng vừa làm cho người dùng cảm thấy khó chịu vì họ không biết đâu mới là chủ đề chính, vừa làm cho các thuật toán khó đánh giá về nội dung của bài đăng, thứ mà sau đó hệ thống sẽ sử dụng để đề xuất và phân phối bài đăng đến với người dùng.
Các thuật toán Instagram sau đó ít quan tâm hơn đến các thẻ hashtag đồng thời cũng khuyến khích người dùng hạn chế lạm dụng tính năng này.
Từ các chia sẻ của CEO Instagram, trong bối cảnh mới, từ khoá (keyword) mới là yếu tố quyết định chứ không phải là hashtag như trước kia.
Phương pháp luận.
Để kiểm tra giả thuyết này, nhóm nghiên cứu của Hootsuite bắt đầu chuẩn bị nhiều bài đăng trên nhiều chủ đề khác nhau.
Một nửa số bài đăng được thêm nhiều từ khoá vào phần chú thích, và đối với nửa còn lại, sẽ sử dụng 3 đến 5 thẻ hashtag có liên quan.
Kết quả nhận được.
Với các bài đăng có phần chú thích tập trung vào từ khóa nhận được nhiều phạm vi tiếp cận hơn và tương tác nhiều hơn so với các thẻ hashtag. Hóa ra, CEO Instagram nói đúng.
Thông qua nhiều bài đăng với nhiều chủ đề khác nhau trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, nhìn chung, các bài đăng có chú thích SEO đều có phạm vi tiếp cận cao hơn khoảng 30% so với những bài đăng sử dụng hashtag.
Tiếp đó, với các bài đăng tập trung vào nội dung SEO (Content), kết quả không chỉ là có lượng tiếp cận (Reach) cao hơn, các bài đăng này cũng có mức độ tương tác cao hơn.
Những kết quả này có ý nghĩa gì?
Một kết luận có thể rút ra là, hashtags không còn tác dụng như nó vốn có, thay vào đó, nội dung mà cụ thể là nội dung SEO tập trung vào các từ khoá mới thực sự mang lại hiệu quả cho các bài đăng trên Instagram.
Một bài đăng thành công không chỉ cần một hình ảnh đẹp.
Trong khi các hình ảnh hay đồ hoạ rất quan trọng trên Instagram vì xét cho cùng thì đây cũng là một nền tảng trực quan. Tuy nhiên, người dùng không chỉ muốn có một hình ảnh đẹp. Họ cũng muốn bối cảnh, tính xác thực (Authentic), ý nghĩa đằng sau và hơn thế nữa.
Chú thích chỉ là một cơ hội để cung cấp những điều này.
Phần chú thích cần liên quan đến bài đăng.
Nếu bạn đang tìm kiếm khả năng được khám phá và khả năng tiếp cận, thì phần chú thích của bạn đang trở nên khó hiểu hơn.
Những người theo dõi hiện tại của bạn có thể thích những phần chú thích của bạn, nhưng thuật toán lại không biết điều gì đang xảy ra.
Để có phạm vi tiếp cận tối đa, hãy sử dụng các từ khóa mô tả có thể giúp khán giả mới tìm thấy nội dung của bạn.
Nếu bạn định sử dụng thẻ hashtag, hãy ghép chúng với những phần chú thích phù hợp.
Thay vì chỉ sử dụng nhiều các thẻ hashtag, điều này có thể khiến các thuật toán cho rằng bạn đang cố tình spam, hay kết hợp chúng với những phần chú thích liên quan.
Vì vậy, nếu bạn định tiếp tục sử dụng thẻ này cho các bài đăng trên Instagram, hãy thử đặt chúng ở cuối phần chú thích của bài đăng.
Kết luận: Kết luận cho thấy, CEO Instagram đã đúng, nền tảng này đang không cố tình đánh lạc hướng người dùng mà thay vào đó đã linh hoạt thay đổi thuật toán để khiến mọi thứ trở nên phù hợp hơn, cho cả người dùng lẫn thương hiệu trên nền tảng.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Instagram cho biết đã sửa lỗi phần mềm trong một sự cố kéo dài hơn 8 tiếng, khiến hàng ngàn người dùng không thể truy cập nền tảng chia sẻ ảnh cũng như bị khoá tài khoản không rõ lý do.
Instagram đã khắc phục lỗi khoá tài khoản người dùng
“Hiện tại chúng tôi đã xử lý xong lỗi khiến người dùng tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới không thể truy cập tài khoản và gây ra sự thay đổi tạm thời về số lượng người theo dõi (follower)”, đại diện Meta Platforms, công ty sở hữu Instagram, thông báo bằng tweet.
Người phát ngôn của mạng xã hội Instagram không bình luận về sự cố khoá tài khoản. Trước đó, một số người dùng ứng dụng chia sẻ hình ảnh cho biết họ được yêu cầu cung cấp địa chỉ email và số điện thoại để truy cập vào những tài khoản đã bị khoá.
Sự cố ngừng hoạt động của Instagram được phát hiện vào sáng ngày 31/10, khi hàng loạt người dùng báo cáo việc họ gặp vấn đề trong đăng nhập, hoặc nhận thông báo khoá tài khoản mà không rõ lý do.
Người dùng ứng dụng chia sẻ hình ảnh đã tỏ ra lo lắng khi họ không thể kháng cáo và đứng trước nguy cơ có thể mất hết dữ liệu hình ảnh đăng tải trong trường hợp tài khoản bị khoá vĩnh viễn.
Theo dữ liệu từ website theo dõi sự cố Down Detector, vào lúc cao điểm đã có khoảng 7.500 báo cáo của người dùng về sự cố của Instagram và giảm dần xuống còn gần 500 báo cáo vào 18h ngày 31/10 (giờ Mỹ).
Down Detector đối chiếu báo cáo trạng thái từ một số nguồn, gồm cả lỗi do người dùng gửi đến, do đó sự cố ngừng hoạt động của Instagram có thể ảnh hưởng đến số lượng tài khoản lớn hơn nhiều so với báo cáo.
Cùng ngày, cổ phiếu Meta, công ty mẹ Instagram đóng cửa giảm 6,1% trong bối cảnh thị trường chứng khoán tiếp tục bị bán tháo.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Ngày 31/10, người dùng Instagram tại nhiều nơi trên thế giới thông báo về việc tài khoản của họ bị khoá mà không có bất kỳ sự giải thích nào.
Nhiều người dùng Instagram bị khoá tài khoản không rõ lý do
Theo website theo dõi sự cố Down Detector, đến thời điểm 22h tối ngày 31/10 (giờ Việt Nam), đã có hàng ngàn phản ánh đối với ứng dụng thuộc sở hữu của Meta, công ty mẹ Facebook. Trong số đó, 58% báo lỗi ứng dụng, 38% báo lỗi không thể đăng nhập và 4% gặp sự cố với phiên bản web.
Các tài khoản bị khoá nhận được thông báo cần giải quyết trong 30 ngày hoặc có nguy cơ “bị cấm vĩnh viễn”.
Người dùng cho biết, họ không thể kháng cáo quyết định khoá tài khoản của Instagram, dẫn đến việc tài khoản bị đăng xuất và thông tin chi tiết người dùng, gồm địa chỉ email và mật khẩu đều không được tìm thấy.
Chính sách sử dụng của ứng dụng này cho phép Instagram có thể vô hiệu hoá các tài khoản “vi phạm nguyên tắc cộng đồng” liên quan tới các nội dung bất hợp pháp, đe doạ, lời nói thù địch, phát tán thư rác hoặc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tại một số quốc gia như Vương quốc Anh, sự cố này của Instagram ghi nhận xuất hiện trên cả nước.
Trên Twitter, hashtag #InstagramDown đang là từ khoá thịnh hành khi ngày càng nhiều người dùng báo cáo về việc không thể đăng nhập vào tài khoản của họ.
“Điều gì đã xảy ra với mạng xã hội Instagram? Ứng dụng đã khoá tài khoản của tôi mà không hề có lý do. Còn ai bị tương tự không?”, trích một bình luận của người dùng Instagram đăng trên Twitter.
Trong khi đó, nhiều người dùng khác lo lắng về việc không thể tìm thấy địa chỉ email hoặc tên đăng nhập và có nguy cơ mất toàn bộ dữ liệu ảnh đã đăng tải trên ứng dụng chia sẻ hình ảnh này.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Mạng xã hội Instagram là nền tảng hàng đầu để thương hiệu xây dựng mối quan hệ với khách hàng, trong khi nhà sáng tạo nội dung có thể là cầu nối giúp thương hiệu đạt được các mục tiêu kinh doanh quan trọng của mình.
Instagram: Cách thương hiệu nên cộng tác với Content Creator
Hãy tìm hiểu cách cộng tác với nhà sáng tạo nội dung để gia tăng giá trị cho thương hiệu ở hiện tại và đặt nền móng vững chắc cho tương lai.
Chuẩn bị sẵn cho tương lai với nhà sáng tạo nội dung.
Cộng tác với nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) là cách mang lại giá trị thương hiệu ngay hôm nay và đặt nền móng vững chắc cho mai sau.
Sáng tạo: Họ nắm bắt và vận dụng các công cụ cũng như công nghệ mới sẽ định hình văn hóa.
Kết nối: Họ là những nhà lãnh đạo cộng đồng nhanh nhạy và giàu lòng cảm thông.
Phát triển: Họ là những người tiên phong áp dụng các công cụ thương mại, xây dựng thương hiệu riêng và khai thác mọi cơ hội kiếm tiền mang lại kế sinh nhai bằng cách sống thật với chính mình.
Cách xây dựng các mối quan hệ đối tác thương hiệu bền chặt.
01. Dành thời gian để tìm nhà sáng tạo nội dung phù hợp với thương hiệu của bạn.
02. Kiểm tra từng chi tiết của kết quả chuyển giao cuối cùng.
03. Thảo luận về cách sử dụng, thời điểm và vị trí đăng kết quả chuyển giao cuối cùng.
04. Chia sẻ ý kiến đóng góp trong quá trình sáng tạo để bám sát mục tiêu.
05. Tiếp tục cộng tác sau khi bạn ký kết hợp đồng phù hợp với cả hai bên.
06. Dựa trên Thông tin chi tiết (Insight) để đánh giá mức độ thành công của những việc bạn làm.
Nhìn nhận theo cách khác về cơ hội Marketing thông qua nhà sáng tạo nội dung.
Từ Người sáng tạo nội dung đóng vai trò là kênh truyền thông Đến Người sáng tạo nội dung đóng vai trò là đối tác chiến lược, cộng tác viên nội dung và cầu nối đến các đối tượng duy nhất.
Từ Số người xem tự nhiên từ cộng đồng của chính người sáng tạo nội dung Đến Với quảng cáo chứa nội dung có thương hiệu, nhà quảng cáo có thể biến bài viết của người sáng tạo thành quảng cáo, kết hợp tính xác thực của người sáng tạo với khả năng nhắm mục tiêu và tối ưu hóa mạnh mẽ của Meta để tiếp cận đúng đối tượng, bao gồm cả người theo dõi lẫn người không theo dõi người sáng tạo nội dung.
Từ Tỷ lệ tương tác đóng vai trò là một chỉ số KPI ưu tiên Đến Đo lường và tối ưu hóa các chỉ số KPI thúc đẩy hoạt động kinh doanh (số người tiếp cận, mức độ nhận biết thương hiệu, lượt chuyển đổi, v.v.).
Từ Nội dung tập trung quá nhiều vào người sáng tạo nội dung hoặc thương hiệu Đến Nội dung kết hợp giữa bản sắc và mục tiêu của thương hiệu với kiến thức chuyên môn và hình thức biểu đạt của người sáng tạo nội dung.
5 bước đơn giản để củng cố mối quan hệ với nhà sáng tạo nội dung.
01. Xác định Điều chỉnh ngay từ đầu về định hướng kinh doanh cũng như kết quả mong muốn để thương hiệu và người sáng tạo nội dung hiểu rõ mục tiêu.
02. Khám phá Xác định người sáng tạo nội dung hướng đến cùng giá trị thương hiệu với bạn và có thể mang lại tác động mong muốn.
03. Cùng sáng tạo Mô tả những lưu ý về các hình thức tiếp cận trả phí và tự nhiên cho người sáng tạo nội dung. Duy trì sự cân bằng giữa quan điểm của người sáng tạo nội dung và mục tiêu của thương hiệu, đồng thời sẵn sàng đón nhận các hình thức tiếp cận có sẵn trên nền tảng như nội dung hài hước, nhãn dán và lớp phủ văn bản.
04. Mở rộng quy mô Thêm nội dung truyền thông trả phí để tiếp cận nhiều người hơn.
05. Đo lường Đo lường, đánh giá và vận dụng kiến thức cho các chiến dịch tiếp theo.
Tính minh bạch được mọi người xem trọng và mang lại kết quả khả quan.
Hãy sử dụng nhãn mối quan hệ tài trợ để công khai nội dung tự nhiên có thương hiệu. Để tiếp cận các cơ hội mở rộng quy mô, nhắm mục tiêu và tối ưu hóa, hãy biến chính nội dung đó thành quảng cáo chứa nội dung có thương hiệu để có thể thúc đẩy +53% tỷ lệ nhấp chuột (CTR).
Nguồn: Bài phân tích tổng hợp Khoa học marketing năm 2022 về 15 thử nghiệm phân tách đối với nhà quảng cáo, trong đó nhà quảng cáo và Đối tác kinh doanh của Meta cùng tạo nội dung cho chiến dịch chứa nội dung có thương hiệu (Branded Content).
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Với bản cập nhật quy định App Store, Apple sẽ thu phí từ nhiều dạng giao dịch trong ứng dụng hơn, bao gồm giao dịch NFT và mua lượt tiếp cận bài đăng (Boost Post) trên các nền tảng mạng xã hội.
Apple buộc Facebook phải trả 30% phí từ các quảng cáo bài đăng
Mỗi khi người dùng App Store thực hiện giao dịch trong ứng dụng (in-app purchase hay IAP), nhà phát triển chỉ được hưởng 70% số tiền.
Apple “cắt phế” 30%, đồng thời cấm sử dụng bất kỳ hình thức giao dịch nào ngoài IAP nhằm giữ cho nguồn tiền nằm trong hệ sinh thái.
Từ lâu nhiều người dùng và nhà phát triển ứng dụng đã chỉ trích Apple “ăn dày” và độc quyền giao thức thanh toán. Nhà phát triển tựa game Fortnite, Epic Games, thậm chí đã kiện Apple từ năm 2020 sau khi Fortnite bị xóa khỏi App Store vì tìm cách lách khoản phí 30%.
Bây giờ, cùng với bản cập nhật iOS 16.1 và iPad OS 16.1, Apple cũng cập nhật các quy định App Store để bao gồm nhiều dạng giao dịch hơn nữa so với trước đây, đồng nghĩa với việc tính phí nhiều giao dịch hơn.
“Chấp nhận” NFT.
Apple chính thức cho phép các ứng dụng bán và cung cấp các dịch vụ liên quan đến NFT, mã thông báo không thể thay thế chứng nhận quyền sở hữu tài sản kỹ thuật số, với điều kiện các NFT này có được qua IAP.
Về mặt tích cực, người dùng mới sẽ dễ dàng tương tác với NFT, theo Daniel Mason, nhà đầu tư tại Framework Ventures.
Sau khi mua NFT chỉ với một vài nút bấm như mua các “gói” thông thường trong ứng dụng, người dùng có thể rao bán, trao đổi hoặc dùng các NFT này làm tiền tệ mở khóa nội dung trả phí.
Mặt tiêu cực cho các nhà phát triển là tất cả giao dịch NFT sẽ phải trả mức “thuế Apple” 30%.
“Các ứng dụng có thể cho phép người dùng xem NFT của riêng họ, miễn là quyền sở hữu các NFT này không mở khóa các tính năng trong ứng dụng”, Apple viết.
Có nghĩa là các NFT mà người dùng sở hữu từ trước, hoặc qua các kênh giao dịch ngoài IAP và không bị tính phí 30%, sẽ không có giá trị như tiền tệ trong ứng dụng App Store.
“Động thái mới của Apple không phải là ‘chiến thắng’ cho NFT, hãng này đang áp thuế vô lý và các nhà phát triển ứng dụng sẽ không thiết lập NFT trên ứng dụng ngay từ đầu nếu không có giá trị tiết kiệm chi phí”, Vlad Avesalon, đồng sáng lập Vennity NFT, bình luận trên Twitter.
Nhiều bình luận đồng ý với Avesalon rằng các nhà phát triển NFT sẽ không “cắn răng chịu đựng” khoản phí 30%, thay vào đó rất có thể cơ cấu chi phí của NFT bán qua IAP sẽ thay đổi và người dùng phải trả mức giá cao hơn khi mua qua ứng dụng. IAP cũng không chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử, do đó người dùng phải mua NFT bằng tiền mặt.
“Apple đang tìm cách loại bỏ tình trạng Reddit và các ứng dụng khác sử dụng NFT như một giao thức thanh toán né tránh phí IAP”, Collins Belton, luật sư chuyên về tài sản kỹ thuật số tại công ty luật Brookwood P.C., San Francisco, cho biết.
Quy định mới của Apple nói rõ “các nhà phát triển không được bao gồm các nút bấm, liên kết bên ngoài hoặc các lời kêu gọi hành động hướng khách hàng đến các cơ chế mua hàng không phải IAP”.
“Các nhà phát triển game đã tìm cách tích hợp Web3, NFT, tiền điện tử, sẽ là những người bị tổn hại nhiều nhất”, Jason Baptiste, nhà sáng lập YDY Life, đánh giá.
Thay đổi lần này cho thấy Apple coi NFT là một mối đe dọa với doanh thu App Store, trong đó khoảng 60-70% đến từ game, và cần bị kiểm soát, theo Baptiste.
Mua lượt tiếp cận cũng là IAP.
Thay đổi quan trọng thứ hai là đối với tính năng “boost”, hay tăng cường lượt tiếp cận của các bài đăng trên mạng xã hội.
Trước đây tính năng này có thể được thực hiện trực tiếp giữa người dùng và ứng dụng mạng xã hội. Ví dụ, người dùng trả tiền trực tiếp cho Meta nếu muốn “boost” một bài đăng Facebook hay Instagram. Bây giờ, giao dịch này bắt buộc phải đi qua hệ thống IAP và phải trả phí 30% cho Apple.
The Verge đánh giá thay đổi này là “cú đánh trực diện với Meta”. Tính năng “boost” tương tự của Twitter, TikTok vốn đi qua IAP, nhưng Meta đến nay vẫn thực hiện giao dịch trực tiếp với người dùng.
“Thay đổi này chủ yếu ảnh hưởng đến Facebook và Instagram, vốn cho phép người dùng trả tiền để tăng phạm vi tiếp cận của các bài đăng”, theo Alex Heath tại The Verge.
“Apple tiếp tục tìm cách phát triển hoạt động kinh doanh của riêng họ trong khi làm tổn hại các công ty khác trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Apple trước đây cho biết không tính phí trên doanh thu quảng cáo của nhà phát triển, bây giờ dường như họ đã thay đổi quyết định”, Tom Channick, người phát ngôn của Meta, nói trong tuyên bố gửi cho The Verge.
Bị Apple thu phí, Facebook và Instagram rất có thể sẽ tăng giá tính năng “boost” và người dùng phải trả phí cao hơn hiện nay cho cùng lượng tiếp cận bài đăng, theo TechCrunch.
Hiện tại thay đổi này chưa ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu quảng cáo của Meta, bởi vì các nhà quảng cáo lớn thường mua quảng cáo qua các ứng dụng quản lý độc lập. Loại ứng dụng này đang được Apple “bỏ qua”.
“Ứng dụng quản lý quảng cáo: Ứng dụng cho mục đích duy nhất là giúp các nhà quảng cáo mua và quản lý các chiến dịch quảng cáo không cần sử dụng IAP. Các ứng dụng này dành cho mục đích quản lý chiến dịch và không tự hiển thị quảng cáo”, Apple viết trong hướng dẫn quy định mới.
Tuy nhiên với tiền lệ thu phí tính năng “boost” lần này, Apple có thể tiếp tục thay đổi chính sách đối với các ứng dụng quản lý quảng cáo trong tương lai. Nếu bị thu phí 30% trên toàn bộ quảng cáo, doanh thu của Meta sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Tham khảo một số chiến thuật đơn giản mà người làm marketing có thể sử dụng để tối ưu doanh số bán hàng trên Instagram vào năm 2022.
Một vài chiến thuật để tối ưu doanh số bán hàng trên Instagram 2022
Với hơn 1.5 tỷ người dùng và gần 3 tỷ lượt truy cập mỗi tháng tính đến năm 2022, Instagram là mạng xã hội lớn thứ 3 toàn cầu sau Facebook và YouTube.
Điều này mang đến những tiềm năng bán hàng vô cùng lớn, đặc biệt là nếu thương hiệu đang tập trung vào Gen Z.
Dưới đây là một số chiến thuật mà Marketer có thể tham khảo.
Chia sẻ những câu chuyện chân thực.
Nếu bạn cập nhật thường xuyên các nội dung mà MarketingTrips đã đề cập trong thời gian gần đây về các cách thức làm marketing trên các nền tảng mạng xã hội, tính chân thực là chìa khoá.
Từ các nền tảng mạng xã hội như TikTok đến Instagram, khi phần lớn người dùng (hơn 70%) là Gen Z, những người luôn mong muốn nhận được những câu chuyện thực từ thương hiệu, không quá trau chuốt, không “quảng cáo” quá mức, những giọng điệu hay tính chân thực của thương hiệu ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Để có thể thúc đẩy khả năng tương tác với thương hiệu, người làm marketing nên hạn chế việc chỉnh sửa (filter, edit), thêm hiệu ứng và hơn thế nữa vào các nội dung quảng cáo hay thông điệp liên quan đến thương hiệu.
Trong thế giới kỹ thuật số mới, mọi người phản ứng tích cực hơn với tính xác thực (Authentic Marketing) và mong muốn những gì thương hiệu chia sẻ là có cơ sở.
Kết hợp hài hoà giữa nội dung tự nhiên (Organic) với nội dung có trả phí (Paid).
Đối với hầu hết các chiến lược tiếp cận trên Social Media, cho dù là phát triển thông qua các nội dung tự nhiên hay sử dụng quảng cáo – chúng đều có những điểm ưu điểm và hạn chế riêng. Chìa khoá ở đây là sự kết hợp hài hoà giữa cả hai.
Trên Instagram hay bất cứ nền tảng mạng xã hội nào khác, qua thời gian, các thuật toán sẽ tìm cách để hạn chế mức độ tiếp cận của các bài đăng tự nhiên (để thương hiệu có thể quảng cáo nhiều hơn) điều này khiến cho việc quảng cáo các nội dung gần như là mang tính bắt buộc.
Phạm vi tiếp cận quảng cáo của Instagram đã vượt xa Facebook trong những năm gần đây, trong khi Facebook chỉ tăng khoảng 6,5% trong năm nay, Instagram đã tăng tới 20,5%.
Để có thể tối đa hoá phạm vi tiếp cận nhưng lại không khiến khách hàng “mệt mỏi” với nhiều các nội dung quảng cáo, thương hiệu nên kết hợp một cách hài hoà giữa các nội dung tự nhiên và nội dung được hỗ trợ bởi quảng cáo.
Với các bài đăng tự nhiên, thương hiệu nên coi đây là cách để “giáo dục” khách hàng (một cách thường xuyên) hay tạo ra các hiệu ứng sợ bị bỏ lỡ (FOMO) liên quan đến các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.
Ngược lại với các bài đăng quảng cáo, thương hiệu nên tập trung vào các điểm bán hàng, các USP của sản phẩm và hơn thế nữa để thúc đẩy nhu cầu của khách hàng.
Tập trung tối ưu hóa chuyển đổi.
Để chạy quảng cáo thành công trên mạng xã hội, điều quan trọng là thương hiệu phải biết cách để tối ưu hóa chuyển đổi – chuyển đổi đó có thể là bất kỳ mục tiêu nào của doanh nghiệp đối với một chiến dịch cụ thể.
Từ các lượt nhấp chuột vào website, mua hàng đến hành động đăng ký tư vấn đều có thể là mục tiêu chuyển đổi của doanh nghiệp.
Để có thể tối đa hoá chuyển đổi, đầu tiên, doanh nghiệp cần xác định và thiết lập mục tiêu chuyển đổi cùng với đó là cách để theo dõi chuyển đổi (có thể sử dụng Facebook Pixel).
Thứ hai, bạn cũng cần sử dụng chiến thuật thử nghiệm đa biến (A/B Testing) để kiểm tra mức độ hiệu quả của các mẫu quảng cáo cũng như Trang đích (Landing Page) khác nhau.
Tối ưu chuyển đổi không phải là một hành động được thực hiện vào một thời điểm nào đó mà nó cần được xem xét trên toàn bộ hành trình của khách hàng, từ lúc khách hàng tương tác với thương hiệu, truy cập website đến ra quyết định (từ chối hoặc mua hàng).
Một sai lầm thường thấy của các doanh nghiệp đó là họ theo đuổi và tập trung quá nhiều vào đối thủ cạnh tranh, thay vì là vào những điểm khác biệt đích thực và duy nhất của họ, thứ có thể giúp họ trở nên khác biệt.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Theo thông mới đây từ Instagram, nền tảng này hiện đang thử nghiệm tính năng lên lịch bài đăng dưới dạng sắp xếp tương tự như trên Facebook.
Instagram đang thử nghiệm tính năng lên lịch bài đăng mới
Nếu bạn đang tìm cách lập kế hoạch nội dung cho mạng xã hội Instagram thì thử nghiệm mới của nền tảng sẽ là một tín hiệu tích cực.
Theo đó, công ty mẹ Meta, chủ sở hữu của nền tảng mạng xã hội chia sẻ hình ảnh với gần 1.5 tỷ người dùng Instagram, đã xác nhận rằng khả năng lên lịch các bài đăng dưới dạng sắp xếp theo tuần tự thời gian sẽ sớm khả dụng cho người dùng toàn cầu.
Tính năng mới này theo sau một số thay đổi gần đây vào tháng 8, bao gồm việc thử nghiệm khả năng đánh dấu nhiều bài đăng trong mục “Khám phá” (Explore) là “Không quan tâm” (“Not Interested”) khi người dùng muốn thông báo cho Instagram là họ không muốn thấy các bài đăng được đề xuất có một số từ khoá nhất định trong phần chú thích hoặc thẻ hashtag.
Cách sử dụng tính năng mới như thế nào?
Đầu tiên, bạn tạo bài đăng như bình thường, khi bạn đã hoàn tất chỉnh sửa thì hãy điều hướng xuống dưới cùng và chọn “cài đặt nâng cao” (advanced settings).
Từ đây, bạn có thể chọn “lên lịch cho bài đăng này” (schedule this post) và thiết lập ngày giờ phù hợp với bạn.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
CEO Meta thừa nhận sự chậm chạp và không thể nắm bắt xu hướng mới của Facebook đã góp phần vào thành công của đối thủ TikTok.
CEO Facebook: Việc tôi lơ là nắm bắt xu hướng mới cũng góp phần giúp TikTok thành công
Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với nhà phân tích Ben Thompson, Mark Zuckerberg, CEO Meta (công ty mẹ của Facebook) thừa nhận mạng xã hội này đã bỏ lỡ hướng tiếp cận bảng tin (Feeds) đang thịnh hành của người dùng trên mạng xã hội.
“Tôi nghĩ rằng mình đã bỏ lỡ cách người dùng hiện nay đang tương tác với nội dung được khám phá”, CEO Meta chia sẻ.
Nhà sáng lập Facebook cho rằng trước đây, mạng xã hội xoay quanh tương tác giữa người dùng với bạn bè của họ, và bảng tin của Facebook cũng phục vụ điều đó.
“Tôi nghĩ hiện tại phần lớn đã chuyển sang việc dùng Feeds được đề xuất để khám phá nội dung mới. Khi tìm thấy những thứ thú vị, bạn sẽ muốn gửi chúng cho bạn bè của mình trong tin nhắn và tương tác ở đó. Như vậy, quan trọng không phải là ai tạo ra nội dung, mà là chất lượng nội dung”, CEO Meta chia sẻ.
Hướng đi mới mà Zuckerberg đề cập chính là cách mà TikTok đã làm và trở nên cực kỳ thịnh hành trên mạng xã hội. Các nhà phân tích nhận định sự lớn mạnh rất nhanh của TikTok là nhờ thuật toán đề xuất các video ngắn hấp dẫn cho người dùng dựa trên thói quen và lịch sử xem.
Chính Zuckerberg cũng gọi TikTok là một “đối thủ đáng gờm” trong cuộc phỏng vấn.
“TikTok đã chứng minh họ là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Tôi nghĩ rằng sự chậm chạp này một phần vì nó không phù hợp với mô hình mạng xã hội mà tôi hướng đến. Đối với tôi, nó giống như một phiên bản YouTube ngắn hơn”, nhà sáng lập Facebook thừa nhận.
Sự trỗi dậy của TikTok cũng đặt ra thách thức đáng kể đối với các nền tảng Facebook và Instagram. CNBC cho biết lượng người dùng Facebook ở Bắc Mỹ đang có sự sụt giảm đáng kể, dẫn đến việc giá cổ phiếu của hãng đã mất hơn 56% trong năm nay.
Năm 2020, Instagram ra mắt Reels, một tính năng chia sẻ video ngắn trên nền nhạc. Có ngôn ngữ thiết kế giống hệt nền tảng chia sẻ video ngắn đình đám TikTok, Reels cho thấy Facebook đang cố học theo cách làm của công ty Trung Quốc.
Hồi tháng 7, theo Insider, Facebook tìm hướng đi tốt hơn, mạng xã hội này sẵn sàng thay đổi cách hoạt động của mình để giống với TikTok hơn. Giờ đây, Facebook không còn là nơi để kết nối với bạn bè và người quen.
Sau thay đổi về giao diện, Facebook sẽ có thêm những ô nội dung nhằm “gây nghiện” tương tự TikTok, với một thuật toán cung cấp cho người dùng các video, hình ảnh và các bài đăng liên quan đến sở thích cá nhân.
Trong bức thư Giám đốc kỹ thuật Tom Alison gửi đến nhân viên, Facebook cho biết sẽ xây dựng trang news feed giống hệt TikTok bằng cách đề xuất các bài viết ngẫu nhiên thay vì ưu tiên những đăng tải của bạn bè, người quen.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Thật khó để nói thế giới hiện đại sẽ như thế nào nếu những gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Apple hay Microsoft quyết định theo đuổi một thứ gì khác.
Không gian mạng xã hội sẽ ra sao nếu không có Facebook
Theo iTechpost, Mark Zuckerberg có thể đã trở thành chủ sở hữu nhượng quyền thương mại của McDonald’s nếu ông ấy chọn.
Đó là khi cha của người sáng lập ra Facebook đưa cho anh một sự lựa chọn: điều hành một nhượng quyền thương mại hoặc vào trường đại học. Cuối cùng, Zuckerberg đã chọn đại học.
Mặc dù lựa chọn theo đuổi giáo dục đại học, Zuckerberg đã bỏ học đại học vào năm 2005. Là một người theo học ngành khoa học máy tính, vì vậy Zuckerberg đã tạo ra mạng xã hội Facebook. Cho đến nay, đó là quyết định đúng đắn của ông khi nền tảng này hiện đã trị giá 430 tỉ USD.
Trong trường hợp Zuckerberg chọn sai con đường, tức không tạo ra Facebook, Time.com tin rằng nếu không có Facebook, Friendster sẽ có cơ hội vươn lên như Facebook hiện có.
Người sáng tạo Friendster, Jonathan Abrams, đã gợi ý rằng họ nên khởi động sáng kiến “Friendster College” ở thời điểm đỉnh cao của dịch vụ. Về cơ bản, đó là cách Facebook bắt đầu.
Twitter cũng có thể lớn hơn, vì mọi người sẽ chuyển sang trang này để cập nhật về cuộc sống của họ bằng văn bản thay vì cập nhật trạng thái của họ trên Facebook.
Đối với việc đăng ảnh hoặc video trực tiếp, vẫn chưa rõ ràng nhưng Snapchat hoặc Instagram sẽ dẫn đầu.
Ở thời điểm đó, Instagram đang là một đối thủ cạnh tranh về nội dung ảnh và video. Nếu không có Facebook, Instagram sẽ phát triển mạnh và Snapchat sẽ thành công lớn hơn. Instagram cũng sẽ tăng gấp đôi số lượng video trực tiếp mà họ phát.
Nhưng khi nói đến video, TikTok có thể sẽ thống trị. Tuy nhiên, do thành công của TikTok có một phần nhờ vào Facebook nên nền tảng này có thể chỉ thu được một chút tương tác từ cộng đồng.
Trong khi đó, Reddit sẽ là nền tảng thay cho Facebook Pages với mục đích chia sẻ nội dung trong một chủ đề cụ thể thông qua “subreddits”. Đó là nơi mọi người có thể tham gia các cộng đồng phục vụ cùng mục đích như một Facebook Pages.
Dĩ nhiên, cũng không nhiều người quan tâm đến cuộc đời của Zuckerberg nếu ông chọn đi theo một con đường khác.
Nếu chọn con đường nhượng quyền kinh doanh thực phẩm và đồ uống McDonald’s, ông có thể thu được tới 90.388 USD/năm, đôi khi cao hơn tùy thuộc vào vị trí của nhãn hiệu này.
Vấn đề là, con số hơn 90.000 USD/năm khác xa so với 23,4 triệu USD – số tiền mà Zuckerberg nhận được thông qua các hình thức chi phí khác nhau từ Facebook vào năm 2019. Con số này cao hơn khoảng 258 lần so với những gì Zuckerberg nhận được từ nhượng quyền thương mại của McDonald’s.
Là người tạo ra Facebook, giá trị tài sản ròng của Mark Zuckerberg là 50,7 tỉ USD. Với đầu óc am hiểu kinh doanh của mình, không ai đoán được liệu Zuckerberg có thể làm được gì với một ý tưởng kinh doanh khác với Facebook.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Theo một nguồn tin mới đây được tiết lộ, mạng xã hội Instagram sẽ sớm hiển thị quảng cáo trên các tài khoản cá nhân (profile) đồng thời chia sẻ doanh thu quảng cáo với những người dùng này.
Instagram sẽ sớm hiển thị quảng cáo trên các tài khoản cá nhân
Với hầu hết các nền tảng mạng xã hội, thành công của các nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) chính là thành công của các nền tảng, nói một cách dễ hiểu hơn, khi các nhà sáng tạo kiếm được càng nhiều tiền, các nền tảng càng có nhiều cơ hội hơn để tiếp tục phát triển và hơn thế nữa.
Điều này giải thích tại sao, bên cạnh các chương trình hay quỹ hỗ trợ trực tiếp từ nền tảng, những ứng dụng như Instagram, Facebook hay TikTok còn ra mắt các tính năng khác “giúp” người dùng “donate” trực tiếp thêm cho nhà sáng tạo.
Trong một bài đăng, CEO Meta nói rõ quan điểm:
“Instagram là nơi để những nhà sáng tạo có thể ‘kiếm sống’ “.
“Chúng tôi đang hướng tới một tương lai mới, nơi nhiều người hơn có thể làm các công việc sáng tạo mà họ yêu thích và chúng tôi cũng mong muốn các nền tảng như của chúng tôi đóng một vai trò nhất định trong việc biến điều đó thành hiện thực.”
Trong một bài đăng trên trang cá nhân, CEO Mark Zuckerberg cũng thông báo rằng Meta sẽ không cắt giảm doanh thu của các nhà sáng tạo từ các tính năng kiếm tiền, sẽ chia sẻ nhiều cách hơn để họ có thể bắt đầu xây dựng và kiếm tiền từ Metaverse và hơn thế nữa.
Bên cạnh đó, hàng loạt các chương trình như “Chương trình khuyến khích nhà sáng tạo” để thưởng cho những nhà sáng tạo có bài đăng chất lượng trên Instagram, “Quỹ nhà sáng tạo”, hay mới đây là cho phép nhà sáng tạo kiếm tiền từ thương hiệu và người hâm mộ thông qua các sản phẩm NFTs (trên cả Facebook và Instagram).
Việc hỗ trợ các nhà sáng tạo kiếm tiền không còn là điều mới, gần đây, Instagram công bố sẽ hiển thị quảng cáo trên trang cá nhân của người dùng (profile).
Quảng cáo sẽ xuất hiện trên các tài khoản Instagram công khai và nằm ở giữa các bài đăng, điều này có nghĩa là, nếu bạn truy cập vào trang cá nhân (Feed) của một người dùng nào đó, bạn sẽ thấy quảng cáo ở đó.
Trong quá trình thử nghiệm, Instagram sẽ bắt đầu chia sẻ doanh thu quảng cáo cho những người dùng này như cách mà các nền tảng chia sẻ với nhà sáng tạo.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Cùng tìm hiểu về một trong những mạng xã hội chia sẻ hình ảnh lớn nhất toàn cầu Instagram: Instagram là gì, lịch sử hình thành của mạng xã hội Instagram, những tính năng chính của Instagram là gì, cách đăng ký tài khoản và sử dụng Instagram cho người mới, lượng người dùng Instagram và hơn thế nữa.
Instagram là gì? Cách đăng ký và sử dụng Instagram
Cùng với các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, LinkedIn, TikTok hay Twitter, Instagram là mạng xã hội lớn thứ 3 toàn cầu với hơn 1.5 tỷ người dùng tính đến năm 2022. Instagram nằm trong bức tranh tổng thể là mạng xã hội (Social Networks) với quy mô hơn 5 tỷ người dùng toàn cầu tính đến quý 2 năm 2022.
Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:
Instagram là gì?
Mạng xã hội là gì?
Lịch sử hình thành của mạng xã hội Instagram.
Những tính năng chính hiện có trên Instagram là gì?
Instagram hoạt động như thế nào hay cách sử dụng instagram ra sao.
Cách đăng ký tài khoản và bắt đầu sử dụng mạng xã hội Instagram.
Instagram phân phối và xếp hạng nội dung dựa trên những thành phần chính là gì?
Lượng người dùng và doanh số của một số mạng xã hội lớn toàn cầu như Instagram, Facebook, YouTube, LinkedIn, TikTok và Twitter.
Instagram for Business là gì?
Instagram Ads là gì?
Những chiến lược chính để tối ưu tài khoản Instagram.
Một số câu hỏi thường gặp với mạng xã hội hay ứng dụng Instagram là gì?
Bên dưới là nội dung chi tiết.
Instagram là gì?
Instagram là mạng xã hội (Social Network) thuộc Meta Platforms Inc (trước đây là Facebook Platforms Inc), là một công ty truyền thông xã hội có trụ sở chính tại Menlo Park, California, Mỹ.
Về bản chất, Instagram không giống như Facebook hay TikTok, Instagram là mạng xã hội tập trung vào việc chia sẻ hình ảnh (Photo Social Networks), trong khi người dùng vẫn có thể nhắn tin trực tiếo cho nhau (DM), họ chủ yếu trải nghiệm hình ảnh trên nguồn cấp dữ liệu chính (News Feed).
Ngoài các nội dung là hình ảnh, người dùng Instagram giờ đây cũng có thể trải nghiệm video ngắn thông qua tính năng Reels.
Theo số liệu từ Statista, tính đến quý 2 năm 2022, Instagram có khoảng gần 1.5 tỷ người dùng (MAU) toàn cầu và ước tính đạt khoảng 1.6 tỷ người dùng trong năm 2022.
Cuối cùng, Instagram là một phần của không gian mạng xã hội bao gồm nhiều nền tảng khác nhau. Để có thể tìm hiểu toàn diện về khái niệm mạng xã hội cũng như các nội dung liên quan, bạn có thể xem tại: mạng xã hội là gì
Mạng xã hội là gì?
Thuật ngữ mạng xã hội (Social Network) đề cập đến việc sử dụng các trang web hay ứng dụng truyền thông xã hội (Social Media Sites, platforms) để kết nối với bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp dựa trên môi trường chính là Internet (trực tuyến).
Mạng xã hội có thể được sử dụng với mục đích xã hội, giải trí, mục đích kinh doanh và hơn thế nữa tuỳ vào từng bối cảnh cụ thể.
Tính đến năm 2022, Facebook (thuộc Meta) là mạng xã hội lớn nhất và phổ biến nhất toàn cầu với gần 3 tỷ người dùng. Bên cạnh Facebook, một số nền tảng mạng xã hội lớn khác có thể kể đến như Instagram, YouTube, TikTok hay Twitter.
Tổng số lượng người dùng mạng xã hội toàn cầu hiện là khoảng hơn 5 tỷ người.
Lịch sử hình thành của mạng xã hội Instagram.
Theo Wikipedia, lịch sử hình thành của mạng xã hội Instagram có thể được chia thành 5 giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn tượng trưng cho những gì mà Instagram đã làm được, là những cột mốc phát triển đáng nhớ của nền tảng.
Trước hết, Instagram ban đầu được phát triển ở San Francisco, Mỹ với tên gọi là Burbn, một ứng dụng “check-in” trên thiết bị di động được xây dựng bởi 2 nhà sáng lập là Kevin Systrom và Mike Krieger.
Nhận thấy rằng Burbn quá giống với Foursquare, một nền tảng dữ liệu theo khu vực (location data platform), họ đã định hướng lại ứng dụng của mình bằng cách tập trung vào tính năng chia sẻ ảnh (Photo Sharing), vốn đã là một tính năng quen thuộc với phần lớn người dùng của nền tảng.
Burbn sau đó được đổi tên thành Instagram, chính là từ ghép của “Instant camera” (máy ảnh chụp lấy liền) và “Telegram” (chức năng điện tính).
Dưới đây là 5 giai đoạn hình thành và phát triển của mạng xã hội Instagram.
Giai đoạn 1 từ 2010–2011: Sự khởi đầu và những khoản vốn đầu tư.
Vào ngày 5 tháng 3 năm 2010, nhà sáng lập Systrom hoàn thành vòng tài trợ hạt giống (seed funding) với giá trị 500.000 USD từ Baseline Ventures và Andreessen Horowitz trong khi vẫn nỗ lực xây dựng Burbn.
Sau khi có được nguồn vốn đầu tư, Burbn cũng đã bắt đầu tuyển dụng một số vị trí quan trọng như người phụ trách về cộng đồng hay các kỹ sư công nghệ.
Bài đăng đầu tiên trên Instagram là một bức ảnh về Bến cảng South Beach tại Pier 38, được đăng bởi nhà sáng lập Mike Krieger lúc 5:26 chiều ngày 16 tháng 7 năm 2010.
Vào ngày 6 tháng 10 năm 2010, ứng dụng Instagram dành cho iOS đã chính thức được phát hành thông qua App Store (cửa hàng ứng dụng của Apple).
Vào tháng 2 năm 2011, một số thông tin cho rằng Instagram đã huy động được thêm 7 triệu USD trong vòng Series A từ nhiều nhà đầu tư khác nhau, bao gồm Benchmark Capital, Jack Dorsey (chính là người được nhắc đến nhiều nhất ngày nay với tư cách là CEO của Instagram), Chris Sacca (thông qua quỹ Capital) và Adam D’Angelo.
Vào tháng 4 năm 2012, Instagram đã huy động được thêm 50 triệu USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm với mức định giá mạng xã hội này là 500 triệu USD.
Joshua Kushner là nhà đầu tư lớn thứ hai trong vòng gọi vốn Series B của Instagram.
Giai đoạn 2 từ 2012–2014: Phát triển nền tảng và được Facebook mua lại.
Vào ngày 3 tháng 4 năm 2012, Instagram đã phát hành một phiên bản ứng dụng mới dành cho điện thoại Android (CH Play), và ngay sau đó chưa đầy 1 ngày, ứng dụng đã được tải xuống hơn 1 triệu lần.
Kể từ lần ra mắt đầu tiên này, ứng dụng Instagram dành cho Android đã trải qua 2 lần cập nhật quan trọng: Đầu tiên, vào tháng 3 năm 2014, Instagram được cắt giảm một nửa dung lượng của ứng dụng và sau đó vào tháng 4 năm 2017, ứng này thêm tính năng truy cập ngoại tuyến cho phép người dùng xem và tương tác với nội dung trên nền tảng mà không cần kết nối internet.
Vào ngày 9 tháng 4 năm 2012, Facebook, Inc. đã mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu, với kế hoạch là giữ cho Instagram được quản lý độc lập.
Vào ngày 6 tháng 9 năm 2012, thỏa thuận giữa Instagram và Facebook chính thức hoàn thành với giá mua 300 triệu USD tiền mặt và 23 triệu cổ phiếu.
Vào tháng 11 năm 2012, Instagram ra mắt nền tảng website, cho phép người dùng trải nghiệm ứng dụng từ trình duyệt web nhưng với các tính năng bị hạn chế.
Giai đoạn 3 từ 2015–2017: Thiết kế lại ứng dụng và ứng dụng Windows.
Vào tháng 6 năm 2015, giao diện người dùng (UI) trên nền tảng web trên máy tính để bàn (Desktop) đã được thiết kế lại để trở nên mượt mà và tối giản hơn.
Sau nhiều năm nhận yêu cầu từ Microsoft, vào tháng 4 năm 2016, Instagram đã phát hành ứng dụng Windows 10 Mobile dành cho thiết bị di động.
Tương tự, vào tháng 10 năm 2016, ứng dụng dành cho máy tính cá nhân và máy tính bảng Windows 10 cũng đã được ra mắt.
Vào tháng 5, Instagram đã cập nhật phiên bản web dành cho thiết bị di động cho phép người dùng tải ảnh lên và bắt đầu ra mắt tab Khám phá (Explore).
Vào ngày 6 tháng 12 năm 2016, Instagram giới thiệu tính năng thích (Like) trong phần bình luận. Tuy nhiên, không giống như các lượt thích bài đăng, người dùng không nhận được bất cứ thông báo nào nếu có ai đó “Thích” bình luận của họ.
Vào ngày 30 tháng 4 năm 2019, ứng dụng Windows 10 Mobile đã bị loại bỏ.
Giai đoạn 4 từ 2018–2019: Xóa bộ đếm lượt thích và hơn thế nữa.
Để tuân thủ các quy định GDPR về khả năng di chuyển dữ liệu, Instagram đã giới thiệu tính năng mới cho người dùng tải xuống dữ liệu người dùng của họ vào tháng 4 năm 2018.
IGTV (ứng dụng xem video) được ra mắt vào ngày 20 tháng 6 năm 2018, dưới dạng một ứng dụng video độc lập.
Vào ngày 24 tháng 9 năm 2018, 2 nhà sáng lập đầu tiên của Instagram là Krieger và Systrom đã thông báo trong một tuyên bố rằng họ sẽ rời khỏi Instagram.
Vào ngày 1 tháng 10 năm 2018, Adam Mosseri là CEO mới của Instagram.
Với vai trò mới, Adam Mosseri sau đó đã loại bỏ tính năng đếm lượt thích, số lượt thích chỉ khả dụng với người đăng bài.
Vào tháng 8 năm 2019, Instagram cũng bắt đầu thử nghiệm việc xóa tab “Đang theo dõi” (Following) khỏi ứng dụng, tính năng cho phép người dùng xem nguồn cấp dữ liệu về lượt thích và nhận xét của những người dùng mà họ theo dõi.
Giai đoạn 5 Từ 2020 – nay: Các tính năng mới.
Vào tháng 3 năm 2020, Instagram đã tung ra một tính năng mới có tên là “Co-Watching”. Tính năng mới này cho phép người dùng chia sẻ bài đăng với nhau qua cuộc gọi điện video (video call).
Vào tháng 8 năm 2020, Instagram bắt đầu chuyển hướng sang video, cụ thể là định dạng video ngắn, giới thiệu một tính năng mới gọi là “Reels”. Reels là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với TikTok của ByteDance và Shorts của Google.
Vào tháng 2 năm 2021, Instagram bắt đầu thử nghiệm một tính năng mới có tên là Vertical Stories, cùng thời điểm này, nền tảng cũng bắt đầu thử nghiệm việc loại bỏ khả năng chia sẻ các bài đăng từ nguồn cấp dữ liệu (News Feed) lên các Câu chuyện (Stories).
Vào ngày 17 tháng 3 năm 2022, CEO Meta Mark Zuckerberg đã xác nhận kế hoạch thêm các mã thông báo không thể thay thế (NFTs) vào nền tảng nhằm mục tiêu hướng tới vũ trụ ảo Metaverse.
Những tính năng chính hiện có trên Instagram là gì?
Những tính năng chính hiện có trên Instagram là gì?
Cũng tương tự như các nền tảng mạng xã hội khác, bên cạnh các tính năng cơ bản của một nền tảng mạng xã hội, Instagram cũng có nhiều tính năng mà các nền tảng khác không có.
Dưới đây là các tính năng chính mà người dùng có thể thực hiện trên mạng xã hội Instagram (có thể hành động sau khi đăng ký tài khoản).
Post – Đăng bài.
Cũng tương tự tính năng Tweet trên Twitter hay Create Post trên Facebook, đây là tính năng cho phép người dùng tạo mới các bài đăng trên Instagram.
Vào tháng 1 năm 2011, Instagram đã bắt đầu giới thiệu thẻ hashtag, tức ký hiệu bắt đầu bằng dấu # để giúp người dùng khám phá các nội dung trên nền tảng.
Instagram khuyến khích người dùng tạo các thẻ cụ thể và phù hợp, thay vì gắn các thẻ xu hướng (trending hashtag) với mục đích được khám phá và có lượng tiếp cận cao hơn.
Để sử dụng hay tìm kiếm các thẻ hashtag, người dùng chỉ cần thêm dấu thăng # vào ngay trước cụm từ, ví dụ #marketingtrips hay #marketing, lưu ý không sử dụng khoảng trắng.
Instagram Explore (Search) – Khám phá.
Vào tháng 6 năm 2012, Instagram đã giới thiệu tính năng “Khám phá”, một tab bên trong ứng dụng giúp hiển thị các hình ảnh phổ biến hoặc những hình ảnh gần nơi người dùng đang sinh sống.
Như bạn có thể thấy ở trên, Instagram Explore chính là phần Search, nơi người dùng có thể khám phá các nội dung mới được nền tảng đề xuất dựa trên ở thích và hành vi.
Từ đây, người dùng có thể tìm kiếm bất cứ thứ gì thông qua các từ khoá cụ thể.
Instagram Reels – video ngắn.
Là một trong những tính năng HOT nhất của Instagram, Reels là nơi người dùng có thể khám phá các video dặng ngắn cũng như xây dựng các video cho riêng mình.
Instagram Direct Messaging (DM).
Vào tháng 12 năm 2013, Instagram chính thức ra mắt tính năng giúp người có thể nhắn tin trực tiếp với nhau thông qua hộp thư cá nhân.
Người dùng chỉ có thể gửi tin nhắn cho nhau khi đã “kết bạn” với nhau.
Instagram Stories.
Cũng tương tự Facebook Stories, Instagram Stories là phần mà người dùng có thể đăng các Câu chuyện ngắn của mình, họ cũng có thể chỉnh sửa, thêm hiệu ứng vào hình ảnh trước khi đăng. Stories sẽ tự động biến mất sau 24h kể từ khi đăng.
Cách sử dụng Instagram như thế nào hay Instagram hoạt động ra sao.
Instagram hoạt động hết sức đơn giản.
Sau khi đăng ký tài khoản (sẽ được đề cập trong các phần tiếp theo bên dưới) và thêm các thông tin cho tài khoản của mình, người dùng có thể bắt đầu đăng bài, kết bạn, tương tác với các thương hiệu hay người dùng khác trên nền tảng và hơn thế nữa.
Về bản chất, vì là mạng xã hội, ứng dụng Instagram hoạt động tương tự các nền tảng khác như Facebook hay TikTok, tuỳ vào từng sở thích hay hành vi của người dùng mà thuật toán của nó sẽ đề xuất những nội dung khác nhau.
Tuỳ vào từng mục đích khác nhau, người dùng có thể sử dụng mạng xã hội Instagram để tương tác với bạn bè, để tìm kiếm thông tin, để theo dõi các thương hiệu mình yêu thích, để kinh doanh và hơn thế nữa.
Cách đăng ký tài khoản và bắt đầu sử dụng mạng xã hội Instagram.
Một khi đã có thể thấu hiểu Instagram là gì và nhận thấy nó phù hợp với bạn, bạn có thể bắt đầu đăng ký và sử dụng mạng xã hội với hơn 1.4 tỷ người dùng này thông qua các bước đơn giản bên dưới.
Bước 1: Truy cập https://www.instagram.com/accounts/emailsignup/ để bắt đầu điền thông tin đăng ký hoặc tải xuống ứng dụng trên iOS và Android.
Bước 2: Điền các thông tin như email, số điện thoại, tên người dùng và mật khẩu.
Bước 3: Bấm chọn “Đăng ký”.
Bước 4: Xác nhận hoàn tất đăng ký qua email hoặc số điện thoại.
Bước 5: Hoàn thành việc đăng ký.
Instagram phân phối và xếp hạng nội dung dựa trên những thành phần chính là gì?
Instagram phân phối và xếp hạng nội dung dựa trên những thành phần chính là gì?
Cũng giống như với hầu hết các nền tảng mạng xã hội khác, thuật toán xếp hạng nội dung của Instagram cũng là một câu hỏi lớn đối với người dùng.
Theo đó, Instagram sẽ xếp hạng nội dung dựa vào các yếu tố chính sau (cập nhật đến 2022).
Những thông tin cụ thể về bài đăng – Đây là những tín hiệu thể hiện mức độ phổ biến của một bài đăng nhất định – Có bao nhiêu người đã thích, bình luận hay chia sẻ bài đăng đó, nó được đăng khi nào, nếu nó là video thì thời lượng của nó là bao lâu, người dùng xem hết bao nhiêu phần trăm nội dung. Theo thuật toán mới của Instagram thì lượng tương tác có được càng cao, bài đăng càng được ưu tiên hiển thị và đề xuất.
Thông tin về người đăng bài – Để giúp người dùng có được những thông tin có giá trị và hữu ích nhất, Instagram xem xết mức độ thú vị của người đăng bài với người dùng tiềm năng của họ, các tín hiệu như số lần mọi người đã tương tác với người đó trong vài tuần qua, hay mức độ phổ biến của người đó với cộng đồng của họ là những yếu tố xếp hạng chính.
Các hoạt động gần đây của người dùng – Instagram căn cứ vào những gì mà người dùng đã quan tâm trước đó (số lượng bài đã thích, các nội dung đã thích…) để đề xuất những nội dung phù hợp nhất.
Lịch sử tương tác của người dùng với một tài khoản cụ thể – Ngoài việc thể hiện mức độ quan tâm đến một số tài khoản hay nội dung cụ thể, thuật toán của Instagram còn căn cứ vào các mức độ tương tác cụ thể như bình luận hay chia sẻ, khi người dùng càng tương tác nhiều với một tài khoản nào đó, những nội dung mới nhất từ tài khoản đó sẽ xuất hiện sớm nhất trên Bảng tin của họ.
Ưu tiên Reels – Khi Instagram Reels là một trong những ưu tiên hàng đầu của Instagram và Facebook trong 2022, Instagram sử dụng các tín hiệu như các reel (thước phim) người dùng đã thích hay reel người dùng đã nhận xét và đã tương tác gần đây để xếp hạng và cung cấp những nội dung có liên quan.
Lượng người dùng và doanh số của một số mạng xã hội lớn toàn cầu như Instagram, Facebook, YouTube, LinkedIn, TikTok và Twitter.
Instagram – khoảng 1.5 tỷ người dùng với doanh thu năm 2021 là khoảng gần 50 tỷ USD.
Facebook – khoảng gần 3 tỷ người dùng với doanh thu năm 2021 là khoảng 120 tỷ USD.
YouTube – khoảng hơn 2.5 tỷ người dùng với doanh thu năm 2021 là khoảng gần 30 tỷ USD.
LinkedIn – khoảng 800 triệu người dùng với doanh thu năm 2021 rơi vào khoảng 10 tỷ USD.
TikTok – hơn 1 tỷ người dùng với doanh thu năm 2021 là hơn 5 tỷ USD.
Twitter – hơn 350 triệu người dùng với doanh thu năm 2021 là gần 5 tỷ USD.
Instagram for Business là gì?
Instagram for Business chính là giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trên Instagram, cụ thể, Instagram cung cấp tất cả các giải pháp quảng cáo cho thương hiệu muốn tiếp cận người dùng trên mạng xã hội Instagram.
Ngoài ra, Instagram for Business cũng là nền tảng mà các thương hiệu hay nhà sáng tạo có thể tìm cảm hứng cho các chiến dịch của mình trên Instagram.
Tất cả các sản phẩm của Instagram bao gồm quảng cáo, video, giải pháp mua sắm, nhắn tin và hơn thế nữa đều có sẵn ở đây, tuỳ từng mục tiêu khác nhau, các thương hiệu có thể lựa chọn các sản phẩm khác nhau.
Instagram Ads là gì?
Tương tự Facebook Ads hay Google Ads, Instagram Ads là giải pháp quảng cáo trên nền tảng Instagram.
Bạn có thể bắt đầu tạo các chiến dịch quảng cáo trên Instagram tại https://business.instagram.com/advertising, tuy nhiên, vì hiện Instagram Ads và Facebook Ads cùng sử dụng chung một trình quản lý quảng cáo thuộc Meta, nên việc bạn cần làm là đăng ký tài khoản quảng cáo trên Facebook.
Bạn có thể tìm hiểu về cách đăng ký tài khoản quảng cáo này (cả tài khoản doanh nghiệp và tài khoản cá nhân) tại trình quản lý quảng cáo Facebook.
FAQs – Một số câu hỏi thường gặp với mạng xã hội hay ứng dụng Instagram là gì?
Mạng xã hội Instagram là gì?
Instagram đơn giản là một nền tảng mạng xã hội chuyên về chia sẻ hình ảnh và video ngắn. Người dùng có thể sử dụng nó để giải trí, kinh doanh, đọc tin tức và nhiều thứ khác.
Instagram là mạng xã hội của nước nào?
Như MarketingTrips đã đề cập ở các phần đầu của bài viết, Instagram được phát triển bởi 2 nhà sáng lập là Kevin Systrom và Mike Krieger ở San Francisco, Mỹ với tên gọi ban đầu là Burbn.
Instagram Explore là gì?
Còn được gọi là Instagram Search, đây là tính năng giúp người dùng khám phá các nội dung (hình ảnh video, stories) mới trên nền tảng, các nội dung này được đề xuất dựa trên hành vi của từng người dùng.
Instagram có ý nghĩa là gì?
Instagram là từ ghép của “Instant camera” (máy ảnh chụp lấy liền) và “Telegram” (chức năng điện tính). Ý nghĩa đằng sau điều này là, Instagram là nền tảng chia sẻ hình ảnh tức thời, giúp người dùng lưu lại và chia sẻ các khoảnh khắc trong cuộc sống bất cứ lúc nào.
Instagram Username là gì?
Tương tự tính năng Twitter Handle trên Twitter, Instagram Username là phần ký tự xuất hiện cuối mỗi URL, là điểm phân biệt giữa các tài khoản khác nhau.
Trong khi Instagram Name có thể trùng nhau, Instagram Username là duy nhất cho từng người dùng.
ID Instagram là gì?
Chính là phần Instagram username đã được đề cập ở trên. Đây chính là phần nhận diện hay tìm kiếm các tài khoản khác nhau trên Instagram.
Trang cá nhân Instagram gọi là gì?
Theo mặc định, tài khoản Instagram được đăng ký mới sẽ là tài khoản cá nhân hay còn gọi là Trang cá nhân, trong tiếng Anh có nghĩa là Profile.
Tuy nhiên, bạn có thể chuyển đổi sang tài khoản kinh doanh để dùng các tính năng bổ sung nhằm củng cố sự hiện diện của doanh nghiệp trên Instagram. Tài khoản kinh doanh còn được gọi là tài khoản doanh nghiệp, tức Business Account.
Instagram Marketing là gì?
Là toàn bộ các hoạt động liên quan đến marketing được thực hiện trên nền tảng Instagram. Từ các hoạt động quảng cáo đến đến việc xây dựng nội dung.
Người dùng Instagram là gì?
Là những người sử dụng (user) nền tảng Instagram, khi bạn đăng ký tài khoản và bắt trải nghiệm ứng dụng, bạn trở thành một người dùng của mạng xã hội này.
Kết luận.
Khi mạng xã hội được xem là xu hướng giải trí, mua sắm và hơn thế nữa, các nền tảng như Instagram hay Facebook sẽ tiếp tục là điểm đến ưu tiên của người dùng.
Bằng cách thấu hiểu cách thức hoạt động của mạng xã hội Instagram hay những tính năng chính hiện có trên Instagram là gì, bạn có thể bắt đầu sử dụng nó như là một kênh để giao tiếp, bán hàng, làm marketing và nhiều hoạt động khác một cách hiệu quả.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Sau một khoảng thời gian thử nghiệm, Instagram vừa thông báo mở rộng thử nghiệm tới nhiều người dùng hơn tính năng cho phép họ sử dụng nhiều liên kết (Links) trong phần tiểu sử (Bio).
Instagram mở rộng thử nghiệm sử dụng nhiều liên kết trong phần tiểu sử
Như bạn có thể thấy trong ví dụ này ở trên, tùy chọn mới trong Instagram sẽ cho phép người dùng thêm nhiều liên kết (Links) hơn vào phần tiểu sử giới thiệu tài khoản.
Bạn có thể thêm các liên kết nội bộ, các liên kết nhóm từ Facebook Group, các liên kết Facebook, liên kets về website và hơn thế nữa.
Ở giai đoạn hiện tại, Instagram chưa có thông báo chính thức về việc liệu người dùng Instagram có thể thêm tối đa bao nhiêu liên kết vào mỗi tài khoản, nhưng về cơ bản, tính năng mới này dường như làm mất đi giá trị của các công cụ của bên thứ ba như Linktree, mà hiện nhiều người dùng Instagram đang sử dụng để thêm liên kết bổ sung vào phần tiểu sử của họ trong ứng dụng.
Theo Insider, công ty mẹ Meta đã xác nhận rằng họ đang thử nghiệm các tùy chọn đa liên kết mới này, tuy nhiên, nền tảng lại chưa cung cấp chi tiết về kế hoạch triển khai hoặc các thông số kỹ thuật liên quan.
Với những người làm marketing thì tính năng mới sẽ cung cấp thêm nhiều cách hơn để thúc đẩy lưu lượng truy cập (traffic) đến các nền tảng của thương hiệu, hay thậm chí là để bán hàng thông qua mạng xã hội.
Tính năng mới hiện đã khả dụng cho hầu hết tài khoản trên toàn cầu.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Cùng tìm hiểu về một trong những thuật ngữ phổ biến nhất trong thế giới internet đó là mạng xã hội (Tiếng Anh có nghĩa là Social Network): mạng xã hội là gì, Tác hại, mục đích và lợi ích khi sử dụng mạng xã hội, tổng quan về các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam và trên thế giới, và nhiều nội dung khác.
Mạng xã hội là gì? Lợi ích và tác hại khi sử dụng Mạng xã hội
Trong thế giới internet ngày nay, thuật ngữ “Mạng xã hội” vốn đã rất quen thuộc với phần đông mọi người. Từ việc sử dụng Mạng xã hội để giải trí và tìm kiếm thông tin, để kết nối với bạn bè, đến các hoạt động mua sắm và hơn thế nữa. Bên cạnh nhiều lợi ích, mạng xã hội cũng đi kèm với nhiều tác hại nếu không sử dụng đúng cách. Vậy thực chất thì Mạng xã hội là gì và nên sử dụng Mạng xã hội như thế nào.
Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài:
Mạng xã hội là gì?
Mạng xã hội hoạt động như thế nào.
Một số điểm chính cần lưu ý khi tìm hiểu về mạng xã hội là gì?
Lịch sử hình thành mạng xã hội.
Mạng xã hội được phân loại như thế nào hay những kiểu mạng xã hội chính hiện có là gì?
Những cột mốc phát triển đáng chú ý nhất trong không gian mạng xã hội.
Vai trò của các nền tảng mạng xã hội đối với xã hội con người nói chung là gì?
Các nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới.
Những yếu tố chính quyết định sự thành công của các nền tảng mạng xã hội là gì?
FAQs – Những câu hỏi thường gặp xoay quanh chủ đề mạng xã hội.
Bên dưới là nội dung chi tiết.
Mạng xã hội là gì?
Mạng xã hội là khái niệm đề cập đến việc người dùng sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội (Social Media Platform) để kết nối với bạn bè, gia đình, thương hiệu và hơn thế nữa.
Tuỳ vào từng bối cảnh cụ thể, mạng xã hội có thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như để kết nối, để giải trí, để tìm kiếm thông tin, để kinh doanh, để xây dựng thương hiệu và nhiều mục đích khác.
Trong thế giới ngay nay, mạng xã hội còn là công cụ của những người làm Marketing để tương tác với khách hàng, tìm kiếm khách hàng tiềm năng hay bán hàng.
Tính đến năm 2022, Facebook (thuộc Meta) là nền tảng mạng xã hội lớn nhất và phổ biến nhất toàn cầu với gần 3 tỷ người dùng. Bên cạnh Facebook, một số nền tảng mạng xã hội lớn khác có thể kể đến như Instagram, YouTube, LinkedIn, TikTok, Pinterest hay Twitter.
Tổng số lượng người dùng mạng xã hội toàn cầu hiện là khoảng hơn 5 tỷ người.
Mạng xã hội trong tiếng Anh có nghĩa là Social Network (Social Networks).
Mạng xã hội hoạt động như thế nào.
Đúng với bản chất tên gọi của nó, mạng xã hội hoạt động dựa trên mô hình “mạng” (chính là Network hay Networking), tức nó được liên kết theo hình thức “mạng nhện”, mọi thứ được liên kết hay kết nối chặt chẽ với nhau.
Mạng xã hội liên quan đến việc xây dựng, phát triển và duy trì các mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với tổ chức hoặc cũng có thể là giữa các tổ chức với nhau.
Bản chất đằng sau của các nền tảng mạng xã hội và cũng là yếu tố quyết định liệu một mạng xã hội nào đó có tồn tại được hay không đó là lượng người dùng sử dụng.
Vì là “mạng” nên nếu một nền tảng nào đó sau khi được ra mắt một thời gian nhất định mà có rất ít người dùng sử dụng, các nền tảng này hoặc là thúc đẩy thật nhanh (scale) lượng người dùng sử dụng nền tảng (Active) hoặc là chọn cách “rời bỏ cuộc chơi”.
Trợ thủ đắc lực cho các mạng xã hội là nền tảng công nghệ, những công nghệ như AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data hay Machine Learning (ML) là yếu tố mang tính sống còn hay bắt buộc quyết định sự tồn tại của bất cứ mạng xã hội nào.
Cuối cùng, hầu hết các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok hay Instagram hoạt động dựa trên cơ chế lan truyền (Viral).
Nghĩa là, một khi một người dùng nào đó gia nhập vào các nền tảng mạng xã hội, các công nghệ đằng sau các nền tảng này có nhiệm vụ đề xuất, hướng dẫn, thúc đẩy họ “hoạt động” nhiều hơn trên nền tảng, đề xuất bạn bè mới để họ có thể kết nối (Add, Connections) là một ví dụ điển hình cho điều này.
Mục tiêu cuối cùng là “mọi thứ cứ thế được lây lan và không ngừng mở rộng.”
Một số điểm chính cần lưu ý khi tìm hiểu về mạng xã hội là gì?
Một số điểm chính cần lưu ý khi tìm hiểu về mạng xã hội là gì?
Mạng xã hội đề cập đến việc sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội (Social Media Platforms/sites) dựa trên internet để có thể kết nối. Không có internet thì không có mạng xã hội.
Theo số liệu từ Statista, Facebook, YouTube và Instagram là 3 nền tảng mạng xã hội lớn nhất toàn cầu tính đến năm 2022.
Những người dùng bình thường sử dụng mạng xã hội để kết nối với bạn bè, người thân, hay với các thương hiệu họ yêu thích.
Trong khi các nhà marketer sử dụng mạng xã hội để xây dựng thương hiệu, kết nối với khách hàng tiềm năng bán hàng và hơn thế nữa.
Tuỳ vào từng nhu cầu hay đối tượng khác nhau, các nền tảng mạng xã hội sẽ được sử dụng theo những cách khác nhau.
Một nền tảng mạng xã hội sẽ không tồn tại nếu nó chỉ có một số lượng ít người dùng.
Mạng xã hội có thể mang lại nhiều lợi ích hay cả những bất cập tuỳ thuộc vào cách các nền tảng được xây dựng và cách những người dùng sử dụng nó.
Lịch sử hình thành mạng xã hội.
Theo Wikipedia, dưới đây là sơ lược về lịch sử hình thành của khái niệm mạng xã hội, là những gì mà thuật ngữ này từng trải qua.
Vào cuối những năm 1890, Émile Durkheim và Ferdinand Tönnies là 2 người đầu tiên đã tiên đoán về ý tưởng của mạng xã hội trong các lý thuyết và nghiên cứu của họ về các nhóm xã hội (social groups).
Tönnies lập luận rằng các nhóm xã hội này có thể tồn tại dưới dạng các mối quan hệ xã hội trực tiếp và cá nhân, liên kết các cá nhân muốn chia sẻ các giá trị và niềm tin với nhau, hoặc các liên kết xã hội (social links) và phi cá nhân.
Durkheim tiếp đó lại đưa ra một cách giải thích phi cá nhân về các dữ kiện xã hội, lập luận rằng các hiện tượng xã hội (social phenomena) nảy sinh khi các cá nhân tương tác với nhau tạo thành một thực tại không còn có thể được giải thích về mặt thuộc tính thông qua các chủ thể cá nhân riêng lẻ.
Những phát triển lớn nhất với mạng xã hội được hình thành vào những năm 1930 bởi một số nhóm làm việc trong lĩnh vực tâm lý học, nhân chủng học và toán học.
Về tâm lý học, vào những năm 1930, Jacob L. Moreno bắt đầu ghi chép và phân tích có hệ thống về các tương tác xã hội (social interaction) trong các nhóm nhỏ, đặc biệt là lớp học và đội nhóm làm việc.
Trong bối cảnh nhân học, nền tảng cho các lý thuyết về mạng xã hội là công trình lý thuyết và dân tộc học của Bronislaw Malinowski, Alfred Radcliffe-Brown, và Claude Lévi-Strauss.
Về mặt xã hội học, công trình đầu tiên (được công bố vào những năm 1930) của Talcott Parsons đã tạo tiền đề cho việc áp dụng cách tiếp cận theo kiểu mối quan hệ để hiểu về cấu trúc xã hội (social structure).
Bắt đầu từ cuối những năm 1990, các phân tích mạng xã hội do các nhà xã hội học, nhà khoa học chính trị và vật lý học như Duncan J. Watts, Albert-László Barabási, Peter Bearman, Nicholas A. Christakis, James H. Fowler, và những người khác thực hiện.
Mục tiêu chính là phát triển và áp dụng các mô hình cũng như phương pháp mới đối với những dữ liệu mới nổi có sẵn về mạng xã hội trực tuyến và các “dấu vết kỹ thuật số” đầu tiên liên quan đến khái niệm mạng trực tiếp (face-to-face networks).
Mạng xã hội được phân loại như thế nào hay những kiểu mạng xã hội chính hiện có là gì?
Trong phạm vi không gian mạng xã hội, các nền tảng cũng có thể được phân loại thành các kiểu khác nhau bao gồm:
Mạng xã hội theo hình thức đăng các nội dung ngắn (miniblog) như Twitter.
Mạng xã hội việc làm như LinkedIn.
Những cột mốc phát triển đáng chú ý nhất trong không gian mạng xã hội.
Kể từ lúc ra đời và phát triển đến hiện tại, mạng xã hội cũng như các nền tảng (Socia Media Platforms) đi cùng với nó đã trải qua một chặng đường khá dài, dưới đây là những gì bạn có thể tham khảo.
Vào năm 1997, các trang mạng xã hội (social media site) đầu tiên trên thế giới ra đời với tên gọi là SixDegrees.com, nền tảng cho phép người dùng tạo hồ sơ, tạo kết nối, nhắn tin…với những người khác trong mạng lưới (networks).
Vào năm 2003, mạng xã hội Myspace ra đời. Myspace là một trang mạng xã hội cung cấp mạng lưới thông tin tương tác giữa người dùng với bạn bè của họ, cho phép người dùng tạo hồ sơ cá nhân, viết blog, lập nhóm, tải hình ảnh lên hay lưu trữ nhạc. Nền tảng đạt hơn 25 triệu người dùng vào năm 2005.
Cũng vào năm 2003, tiền thân của mạng xã hội lớn nhất thế giới ngày nay là Facebook chính thức ra đời với tên gọi FaceMash và sau đó đổi tên thành TheFacebook vào 2004. Mạng xã hội chuyên nghiệp LinkedIn cũng ra đời vào năm này.
Vào năm 2005, mạng xã hội video YouTube thuộc Google (Alphabet) ra đời.
Vào năm 2006, mạng xã hội Twitter ra đời. Mặc dù được khai sinh vào 2004, nhưng 2006 mới là năm chính thức Twitter công bố ra mắt.
Vào năm 2010, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Instagram và Pinterest chính thức ra mắt.
Vào năm 2016, mạng xã hội video ngắn đầu tiên trên thế giới ra đời với tên gọi là TikTok thuộc công ty mẹ ByteDance.
Vai trò của các nền tảng mạng xã hội đối với xã hội con người nói chung là gì?
Vai trò của các nền tảng mạng xã hội đối với xã hội con người nói chung là gì?
Đến đây, hẳn là bạn đã có được những góc nhìn tổng quan nhất về khái niệm mạng xã hội, hiểu mạng xã hội là gì và nó được hình thành như thế nào.
Dưới đây là một số vai trò hay lợi ích mà các nền tảng mạng xã hội nói chung có thể mang lại cho xã hội nói chung và người dùng nói riêng.
Công cụ kết nối và giao tiếp tức thời.
Khi nói đến vai trò của các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Instagram, khả năng giao tiếp tức thời (và cũng miễn phí) là lợi ích đầu tiên phải kể đến.
Bạn thử hình dung lại thời điểm trước khi các nền tảng mạng xã hội ra đời, khi bạn phải liên hệ với nhau qua điện thoại và hiện tại, bạn hình dung ngay ra điều này.
Chỉ cần có kết nối internet, giờ đây bạn có thể trò chuyện cùng bạn bè, gia đình, đồng nghiệp hay bất cứ ai ở bất cứ lúc nào với mạng xã hội, qua cả âm thanh lẫn video trực tiếp.
Mạng xã hội là công cụ đắc lực để tìm kiếm thông tin.
Nếu như trước đây, bạn có thường sử dụng các công cụ tìm kiếm như Google hay Yahoo để tìm kiếm thông tin, bạn hoàn toàn có thể làm điều này trên các nền tảng mạng xã hội. Facebook, YouTube hay TikTok là những nơi mà bạn có thể tìm kiếm bất cứ thứ gì bạn muốn.
Mạng xã hội cũng là nơi bạn có thể tương tác với các thương hiệu hay những người có ảnh hưởng (Influencer) mà bạn thích.
Ngoài việc được sử dụng để giao tiếp và kết nối cá nhân, mạng xã hội cũng là nơi bạn có thể chọn để tương tác với các thương hiệu hay doanh nghiệp mà mình yêu thích. Với những người có ảnh hưởng cũng vậy, bạn hoàn toàn có thể theo dõi họ từ đây.
Mạng xã hội trong hoạt động kinh doanh và Marketing.
Cuối cùng, một trong những vai trò không thể thiếu của các nền tảng mạng xã hội đó là được các doanh nghiệp hay người làm marketing sử dụng để tiếp cận khách hàng tiềm năng, xây dựng thương hiệu và bán hàng.
Với hơn 5 tỷ người dùng (DAU) hoạt động toàn cầu tính đến năm 2022, mạng xã hội thực sự mang đến cho các thương hiệu những cơ hội khổng lồ để bán hàng, kinh doanh và hơn thế nữa.
Các nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới.
Tính đến năm 2022, dưới đây là một số nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất toàn cầu.
Mạng xã hội chia sẻ video YouTube – hơn 2.5 tỷ người dùng.
Mạng giao tiếp xã hội WhatsApp – hơn 2 tỷ người dùng.
Mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Instagram – gần 1.5 tỷ người dùng.
Mạng xã hội video ngắn TikTok – hơn 1 tỷ người dùng.
Mạng xã hội chuyên nghiệp LinkedIn – gần 800 triệu người dùng.
Mạng xã hội Snapchat – hơn 500 triệu người dùng.
Mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Pinterest – gần 500 triệu người dùng.
Mạng xã hội theo kiểu miniblog Twitter – hơn 400 triệu người dùng.
Những yếu tố chính quyết định sự thành công của một nền tảng mạng xã hội là gì?
Những yếu tố chính quyết định sự thành công của một nền tảng mạng xã hội là gì?
Trong khi mạng xã hội là “miếng bánh” mà hầu hết các công ty công nghệ đều “thèm khát” vì những những gì mà nó có thể mang lại, chỉ một số rất ít các doanh nghiệp dám theo đuổi con đường này.
Vậy lý do chính ở đây là gì? Câu trả lời là, để có thể xây dựng nên một nền tảng mạng xã hội thành công, doanh nghiệp cần rất rất nhiều nguồn lực, dưới đây là một số yếu tố quyết định chính mà doanh nghiệp cần có.
Nguồn lực mạnh về tài chính và con người.
Bởi độ lớn về người dùng mà các nền tảng mạng xã hội cần để tồn tại, hệ thống của họ phải có khả năng xử lý hàng trăm triệu hay hàng tỷ người dùng khác nhau (thậm chí là trong cùng một thời điểm), cũng tương tự nhưng lớn hơn rất nhiều lần so với các nền tảng thương mại điện tử, doanh nghiệp cần rất nhiều tiền để xây dựng nền tảng công nghệ, tuyển dụng nhân tài và cả thu hút một lượng lớn người dùng mới.
Để mạng xã hội có thể tồn tại được, nó cần phải có một lượng lớn người dùng.
Trong trường hợp doanh nghiệp của bạn có rất nhiều vốn và cũng đã thu hút được rất nhiều nhân tài, tất cả những điều này sẽ không có ý nghĩa gì nếu nền tảng bạn xây dựng không thể thu hút và giữ chân được một lượng lớn (rất lớn) người dùng tham gia.
Như đã phân tích trong các phần ở trên, bởi bản chất vốn có của mạng xã hội là tính có mạng lưới (networks), điều này có nghĩa là nó chỉ có ý nghĩa khi mỗi người tham gia dù là cá nhân hay doanh nghiệp, họ phải có thể xây dựng được một mạng lưới cho riêng họ.
Bạn cứ thử hình dung thế này, một mạng xã hội A nào đó ra đời và bạn tò mò nên đã đăng ký dùng thử, sau đó bạn phát hiện ra rằng xung quanh bạn, từ bạn bè, đồng nghiệp hay cả các thương hiệu bạn yêu thích đều không có ở trên nền tảng đó, điều gì sẽ xảy ra?
Hiển nhiên là, bạn cũng sẽ dần “lãng quên” mạng xã hội đó.
Ngược lại, nếu mạng xã hội có thể thu hút được tất cả các bên này tham gia, như một vòng xoáy liên tục, “mạng” liên tục được xây dựng, kết nối và phát triển, “mạng xã hội” dần dần hình thành.
Điều này cũng giải thích lý do tại sao một số mạng xã hội tại Việt Nam như Lotus (VCCorp) hay Gapo (Gapo) dần biến mất khi nó chỉ có thể thu hút được một lượng nhỏ người dùng.
Mặc dù không có một con số cụ thể để quyết định một nền tảng mạng xã hội có thể “trụ” được, nhưng ít nhất con số đó phải là hàng trăm triệu người dùng trở lên.
Gapo hay Lotus có khoảng dưới 10 triệu người dùng (chỉ bằng 1/10 dân số Việt Nam) nên việc các nền tảng này khó duy trì được cũng là điều dễ hiểu.
Nền tảng công nghệ (sản phẩm) cũng là điều kiện mang tính sống còn với các nền tảng mạng xã hội.
Tới đây, bạn lại tiếp tục cứ giả sử rằng, doanh nghiệp của bạn có vốn khá mạnh, bên cạnh đó, vì các chương trình marketing đang tỏ ra rất hiệu quả, bạn lôi kéo rất nhiều người có ảnh hưởng (Influencer) tham gia vào nền tảng nên từ đó bạn cũng có một lượng người dùng khá lớn (giả sử đủ để bạn có thể đi tiếp).
Khi tất cả mọi người dùng đã gia nhập, hiển nhiên, họ sẽ bắt đầu trải nghiệm, “lướt” và tương tác với những người khác (giả sử bạn bè của họ cũng đang có mặt trên nền tảng), với các thương hiệu mà họ yêu thích (giả sử các thương hiệu cũng đã nhanh chóng gia nhập), cũng như bắt đầu trải nghiệm những thứ nâng cao khác (chẳng hạn như tìm kiếm).
Như là điều tất yếu, sau một quá trình trải nghiệm, nếu các tính năng, giao diện, hay những thứ nâng cao như thuật toán không thể làm hài lòng được họ, họ sẽ chọn cách rời đi và tìm kiếm sang một nền tảng khác. Mạng xã hội có thể rơi vào thất bại.
Để có thể tiếp tục hình dung điều này một cách rõ hơn, bạn lại hình dung thế này, bạn gia nhập một mạng xã hội nào đó nhưng nền tảng lại “không thể hiểu” bạn thích hay muốn gì, thậm chí bạn chủ động tìm kiếm cũng không thể thấy, liệu bạn có tiếp tục “lướt” nó.
Hay chuyện gì sẽ xảy ra nếu cứ mỗi lần mở ứng dụng, hàng loạt tin rác ập đến bạn, quảng cáo ngổn ngang không thể kiểm soát…bạn lại chọn cách rời đi.
Nếu bạn tìm hiểu, bạn sẽ thấy rằng, một trong những điểm cốt lõi quyết định sự thành công của các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay TikTok là thuật toán, mà cụ thể đằng sau nó là AI (trí tuệ nhân tạo), Machine Learning (công nghệ máy học), Big Data (dữ liệu lớn) và hơn thế nữa.
Không có thuật toán tốt (“chiều” người dùng) thì không có mạng xã hội.
Khi nói đến các thuật toán của mạng xã hội, thuật toán của TikTok là một trong những thứ đáng tham khảo nhất, nó cũng là thứ giúp TikTok có hơn 1 tỷ người dùng nhanh nhất trong không gian các nền tảng mạng xã hội.
FAQs – Những câu hỏi thường gặp xoay quanh chủ đề mạng xã hội.
Nền tảng mạng xã hội là gì?
Là khái niệm đề cập đến các nền tảng (Platforms, sites) cụ thể, nơi mà người dùng có thể truy cập và tương tác với nhiều các mục đích khác nhau. Các nền tảng mạng xã hội phổ biến có thể kể đến như Facebook hay Instagram.
Mạng xã hội trong tiếng Anh có nghĩa là gì?
Trong tiếng Anh, mạng xã hội có nghĩa là Social Networks, khái niệm đề cập đến cách thức tương tác xã hội (là social và networks) hơn là các nền tảng hay yếu tố công nghệ (là platforms hay technology).
Mạng xã hội được sử dụng để làm gì?
Như đã phân tích ở đầu bài, tuỳ vào từng đối tượng cụ thể, mạng xã hội có thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như để giao tiếp, tìm kiếm thông tin hay bán hàng.
Sự khác biệt giữa khái niệm mạng xã hội và phương tiện truyền thông mạng xã hội (social media) là gì?
Trong khi vẫn thường được sử dụng với tên gọi chung là “mạng xã hội” hay nền tảng mạng xã hội, social network và social media là hai khái niệm khác nhau.
Social Network đề cập đến yếu tố môi trường (mạng lưới – network), tức cách mà người dùng tương tác với nhau, còn Social Media lại đề cập đến nền tảng hay phương tiện (về mặt công nghệ), là nơi cho phép các mạng lưới được hình hành và kết nối.
Phân tích mạng xã hội là gì?
Là hoạt động tìm kiếm thông tin và thu thập dữ liệu để phục vụ cho các mục tiêu khác nhau, có thể là để kinh doanh, nghiên cứu hay vì bất cứ mục đích gì khác.
Lạm dụng mạng xã hội là gì?
Lạm dụng mạng xã hội có thể được hiểu là cách mà cá nhân hay tổ chức nào đó sử dụng mạng xã hội với mục đích sai trái, hoặc khái niệm lạm dụng mạng xã hội cũng có thể được dùng để chỉ một cá nhân nào đó sử dụng mạng xã hội nhiều quá mức.
Kết luận.
Trên đây là toàn bộ những gì bạn cần biết về Mạng xã hội, từ khái niệm, các nền tảng mạng xã hội phổ biến, cách sử dụng mạng xã hội đến những tác hại và lợi ích mà mạng xã hội có thể mang lại.
Dù với tư cách là người dùng sử dụng mạng xã hội với mục tiêu giao tiếp hay tìm kiếm thông tin, hay với tư cách là những người làm marketing và kinh doanh, sử dụng mạng xã hội để tương tác với khách hàng tiềm năng, việc hiểu bản chất của các nền tảng mạng xã hội là điều hết sức cần thiết.
Bằng cách hiểu bản chất của mạng xã hội là gì và tất cả những lợi ích mà nó có thể mang lại, bạn đang giúp chính bản thân mình có nhiều cơ hội hơn để phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp và trên nữa là phát triển doanh nghiệp của mình.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Theo cập nhật mới đây từ Instagram, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh này sẽ không còn cắt các video dưới 60s trong mục Câu chuyện (Stories) thành các phân đoạn video ngắn 15s.
Thông báo được đưa ra sau một quá trình dài thử nghiệm và khi nền tảng này đang hướng tới việc tách biệt các định dạng nội dung khác nhau tại những vị trí khác nhau.
Trước đây khi các video dài được cắt thành các đoạn ngắn, Instagram hướng tới mục đích đơn giản hóa ứng dụng, giúp Instagram tối đa hóa mức độ tương tác của người dùng thông qua việc tích hợp các định dạng và hơn thế nữa.
Giờ đây, bằng cách chuyển định dạng video sang những nơi phù hợp hơn (ngắn và dài), Instagram về cơ bản là sẽ có nhiều khoảng không quảng cáo video hơn (Video Advertising Inventory) điều mà đối thủ TikTok nhọc nhằn bấy lâu nay nhưng vẫn chưa tìm được lối thoát (khó hiển thị quảng cáo và kiếm tiền từ các video ngắn).
CEO Meta Mark Zuckerberg gần đây đã lưu ý rằng chỉ hơn 15% nội dung trong nguồn cấp dữ liệu Instagram (News Feed) hiện đến từ những người, nhóm hoặc tài khoản mà người dùng không theo dõi, tuy nhiên với các thuật toán Instagram mới đang được xây dựng (và cả cho Facebook), con số này kỳ vọng là sẽ lên gấp đôi trong tương lai.
Instagram giải thích:
“Chúng tôi luôn tìm cách để cải thiện các trải nghiệm trong Câu chuyện. Giờ đây, bạn có thể phát và tạo các Câu chuyện liên tục trong tối đa 60 giây, thay vì bị cắt tự động thành các video ngắn 15s như trước đây.”
Cập nhật mới này đang được mở rộng đến các tài khoản người dùng trên toàn cầu.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Instagram hiện đang thử nghiệm tính năng chia sẻ lại (Repost), cho phép người dùng Instagram đăng lại các bài đăng của họ.
Instagram Repost: Instagram đang thử nghiệm tính năng chia sẻ lại
Được công ty mẹ Meta công bố vào ngày 8/9, tính năng đăng lại bài đăng hiện đang được thử nghiệm với một số người dùng được chọn.
Instagram Repost là gì?
Instagram Repost là tính năng cho phép người dùng chia sẻ lại bài đăng của người dùng khác trên Instagram lên tài khoản chính của họ.
Hiện tính năng này không khả dụng với người dùng Instagram.
Như bạn có thể thấy ở trên, tính năng đăng lại cũng sẽ xuất hiện ngay phần giao diện chính của tài khoản, phần này sẽ lưu lại tất cả các bài đăng mà người dùng đã từng chia sẻ từ các tài khoản khác.
Cập nhật với một số nền tảng khác.
Trong khi tính năng chia sẻ lại (Repost) trên Instagram đang được thử nghiệm trước khi mở rộng cho tất cả người dùng, nền tảng này đã cho phép người dùng chia sẻ các bài đăng trong câu chuyện (Stories) của họ (thay vì là lên nguồn cấp dữ liệu News Feed).
Twitter từ lâu đã có tính năng này với nút Retweet, cho phép người dùng chia sẻ lại các tweet từ người dùng khác lên nguồn cấp dữ liệu Twitter của họ.
TikTok cũng tương tự hiện đang thử nghiệm tính năng chia sẻ lại, tuy nhiên tính năng này không khả dụng với tất cả người dùng, đồng thời cũng bị giới hạn bởi một số loại nội dung bài đăng nhất định.
Đăng lại (Repost) bài đăng trên Instagram thông qua bên thứ 3.
Tính đến thời điểm hiện tại, người dùng Instagram phải sử dụng các ứng dụng của bên thứ 3 để có thể đăng lại nội dung từ các tài khoản khác.
Việc kết nối với các ứng dụng của bên thứ 3 với bất kỳ tài khoản nào cũng đều có nguy cơ ảnh hưởng đến quyền riêng tư và các vấn đề bảo mật về dữ liệu.
Bằng cách thêm tính năng đăng lại hay chia sẻ lại, người dùng Instagram có thể loại bỏ các ứng dụng bên thứ 3 không mong muốn, đồng thời cho phép họ chia sẻ lại các nội dung trực tiếp trong nguồn cấp dữ liệu thay vì chỉ là trong Câu chuyện (Stories).
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Theo thông tin mới đây từ Reuters, Instagram vừa bị Ireland phạt khoản tiền khổng lồ lên đến 400 triệu USD vì liên quan đến việc sử dụng dữ liệu trẻ em.
Ireland phạt Instagram 400 triệu USD vì dữ liệu trẻ em
Theo đó, Cơ quan quản lý quyền riêng tư dữ liệu của Ireland đã đồng ý phạt mức phạt kỷ lục 405 triệu euro (402 triệu USD) đối với mạng xã hội Instagram sau cuộc điều tra về việc xử lý dữ liệu trẻ em.
Người phát ngôn của công ty mẹ Meta Platforms Inc cho biết Instagram đang có kế hoạch kháng cáo để phản đối khoản tiền phạt.
Cuộc điều tra bắt đầu từ năm 2020, trong đó tập trung vào người dùng trẻ em trong độ tuổi từ 13 đến 17, những người được phép sử dụng tài khoản doanh nghiệp (business accounts) trên Instagram với mục tiêu cuối cùng của nền tảng là lấy số điện thoại, email và thông tin cá nhân.
Người phát ngôn của Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Ireland (DPC) cho biết:
“Chúng tôi đã thông qua quyết định cuối cùng của mình vào thứ Sáu tuần trước và đó chính là khoản phạt trị giá 405 triệu euro.”
Người phát ngôn của Meta cho biết, Instagram đã cập nhật cài đặt của mình hơn một năm trước và kể từ đó đã không ngừng phát hành các tính năng mới để giữ an toàn thông tin cho người dùng trẻ tuổi.
Người phát ngôn cho biết Instagram không đồng ý với cách tính tiền phạt của Ireland và hiện đang có kế hoạch kháng cáo.
DPC liên tục tác động đến Facebook, Apple, Google và những gã khổng lồ công nghệ khác do trụ sở chính của EU được đặt tại Ireland.
Năm ngoái, WhatsApp đã bị phạt kỷ lục 225 triệu euro vì không tuân thủ các quy tắc dữ liệu của EU được ban hành từ năm 2018.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Instagram đang thử nghiệm một số tính năng mới, sẽ cho phép người dùng kiểm soát nhiều hơn cách các nội dung được đề xuất đến họ.
Instagram thử nghiệm một số tính năng mới
Đầu tiên, nền tảng đang thử nghiệm tính năng cho phép người dùng đánh dấu nhiều bài đăng trên trang Khám phá (Explore) với tùy chọn “Không quan tâm” (Not Interested).
Khi lựa chọn tính năng này, Instagram cho biết họ sẽ ngay lập tức ẩn các bài đăng này và không hiển thị những nội dung tương tự trong tương lai.
Trước đây, “Không quan tâm” chỉ khả dụng với người dùng trên một số bài đăng tại một số thời điểm nhất định.
Nền tảng cũng đang bắt đầu thử nghiệm tuỳ chọn để người dùng có thể chọn không xem các bài đăng được đề xuất với một số từ khoá, cụm từ hoặc biểu tượng cảm xúc (emojis) nhất định có trong phần chú thích (Caption) hoặc thẻ hashtag.
Instagram lưu ý rằng cho dù bạn đang nhìn thấy một thứ gì đó không liên quan thì tính năng mới này có thể được sử dụng để ngừng xem những nội dung mà bạn không còn cảm thấy thú vị nữa.
Instagram cho biết thêm:
“Điều quan trọng đối với chúng tôi là mọi người cảm thấy hài lòng với khoảng thời gian mà họ dành cho Instagram, vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách giúp mọi người kiểm soát nhiều hơn những gì họ thấy trên nền tảng.”
Instagram cho biết những thay đổi này không phải là vĩnh viễn, có nghĩa là thuật toán của Instagram vẫn sẽ tập trung vào các bài đăng được đề xuất; chỉ là nền tảng đang tìm kiếm những giải pháp mới tối ưu hơn.
Bên cạnh các cập nhật mới, Instagram cũng bật mí một số mẹo mà người dùng có thể sử dụng để cải thiện trải nghiệm của họ.
Ví dụ: bạn có thể sử dụng tùy chọn nguồn cấp dữ liệu Yêu thích (Favorites feed) của ứng dụng để cuộn qua các bài đăng từ các tài khoản yêu thích của mình. Khi thêm một tài khoản nào đó vào nguồn cấp dữ liệu, bạn sẽ thấy các bài đăng từ tài khoản đó thường xuyên hơn.
Bạn có thể truy cập nguồn cấp dữ liệu Yêu thích bằng cách nhấn vào biểu tượng Instagram trong nguồn cấp dữ liệu của mình (như hình bên dưới).
Cuối cùng, người dùng Instagram có khả năng điều chỉnh các nội dung nhạy cảm để chọn xem nhiều hơn hoặc ít hơn một số loại nội dung nhạy cảm.
Bạn có thể xem cài đặt Kiểm soát nội dung nhạy cảm (Sensitive Content Control settings) của mình bằng cách đi tới phần Hồ sơ của bạn, nhấn vào menu Cài đặt (Settings) và chọn kiểm soát nội dung nhạy cảm (Sensitive Content control).
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Ra mắt hồi tháng 7, mới đây Instagram cho biết tính năng giới hạn nội dung sẽ bật mặc định cho người dùng tuổi Teen (Gen Z).
Người dùng Gen Z sẽ bị giới hạn nội dung trên Instagram
Theo 9to5mac, bản cập nhật Kiểm soát nội dung nhạy cảm (Sensitive Content Control) mới của Instagram sẽ đưa tùy chọn “Ít hơn” (Less) được bật theo mặc định cho người dùng tuổi Teen hoặc Gen Z (dưới 16 tuổi).
Mặc dù hiện các tài khoản Instagram của những người trẻ đều có tùy chọn “Tiêu chuẩn” (Standard) tuy nhiên các nội dung nhạy cảm vẫn có thể được hiển thị.
Mạng xã hội chú trọng vào nội dung hình ảnh này cho biết sự thay đổi sẽ khiến những người trẻ tuổi khó xem những nội dung nhạy cảm tiềm ẩn trên nền tảng hơn.
Cập nhật mới sẽ ảnh hưởng đến các phần Tìm kiếm, Khám phá, Trang hashtag, Reels, Đề xuất nguồn cấp dữ liệu (News Feed) và Tài khoản được đề xuất.
Ngoài ra, nền tảng trực thuộc Meta này sẽ nhắc nhóm người dùng trẻ tuổi xem lại cài đặt tài khoản, với các tùy chọn kiểm soát ai có thể chia sẻ lại nội dung của mình, ai có thể nhắn tin và cả lượng thời gian người dùng dành cho Instagram.
Trong khi thuật toán của Instagram đã không ngừng thay đổi để cạnh tranh với TikTok, các bậc cha mẹ đã lo lắng về những nội dung mà con trẻ có thể xem trên mạng xã hội.
Đáng chú ý là Instagram cũng hạn chế cách những người trẻ mà chủ yếu là người tuổi Teen có thể gửi và nhận tin nhắn từ người lạ.
Bản cập nhật mới với khả năng kiểm soát những nội dung nhạy cảm cho người trẻ hiện đã được Instagram ra mắt cho người dùng.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Meta vừa giới thiệu thêm 6 tính năng mới cho Facebook Reels, từ việc thêm nhãn dán Add Yours đến việc cho phép người dùng tạo Reel tự động.
Meta thêm 6 tính năng mới cho Reels
Theo Neowin, với bản cập nhật mới, người dùng giờ đây có thể đặt các nhãn dán Add Yours trên Facebook Reels của họ. Trong thực tế, tính năng này đã xuất hiện trên Instagram Reels vào tháng 11.2021 nhưng giờ mới bắt đầu xuất hiện trên Facebook Reels.
Công ty cũng triển khai một studio sáng tạo mới để cung cấp thông tin chi tiết về dữ liệu và phân tích video dựa trên nội dung. Bằng cách này, nhà sáng tạo có thể hiểu khán giả của họ tốt hơn.
Facebook Stars hiện cũng xuất hiện trên Facebook Reels. Người xem có thể mua các sao trong video trực tiếp hoặc video theo yêu cầu của người sáng tạo nội dung trên Facebook như là cách để thưởng tiền cho các sáng tạo của họ.
Người dùng cũng có thể phối lại các Reel trên Facebook, có nghĩa họ có thể thêm video của mình xuất hiện bên cạnh video gốc.
Với bản cập nhật mới, Reels có thể được đăng đồng thời trên cả Instagram và Facebook. Người dùng Facebook cũng có thể tự động tổng hợp các câu chuyện hoặc kỷ niệm đã đăng trước đây của họ dưới dạng Reels thông qua tính năng tạo Reel tự động.
Được biết, 6 tính năng mới trên Facebook Reels hiện có sẵn cho người dùng thông qua bản cập nhật mới nhất và được Meta kỳ vọng sẽ giúp người dùng đăng bài nhiều hơn.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Kể từ khi các định dạng video ngắn trở thành xu hướng tiêu thụ nội dung của người dùng mà đặc biệt là Gen Z, Facebook đang tìm cách thúc đẩy Reels thông qua một số mẹo tối ưu mới.
Facebook chia sẻ một số mẹo xây dựng và tối ưu Reels
Cũng giống như tất cả các nền tảng truyền thông mạng xã hội khác (Social Media), trong khi Reels cung cấp một cơ hội tiếp cận khổng lồ, những video nhàm chán, quảng cáo quá mức hoặc “có kịch bản cao” thường không mang lại mức độ hấp dẫn với người dùng.
Để có thể tối đa hoá mức độ tương tác, người làm marketing nói chung cần một mức độ sáng tạo và hiểu biết về người dùng nhất định để đảm bảo rằng nội dung video phù hợp với đa số cộng đồng người dùng.
Vậy làm cách nào để bạn có thể tối đa hóa cách tiếp cận Reels của mình?
Dưới đây là 8 key points dùng để tối ưu Reels được chia sẻ từ Facebook:
Hãy khộng ngừng thử nghiệm Reels để mở rộng phạm vi tiếp cận ra khỏi những người dùng đang theo dõi hiện tại.
Hãy chân thực và sử dụng nội dung gốc (Original Content) khi truyền tải nội dung đến cộng đồng.
Sử dụng phần Insights để xác định những gì có khả năng gây ảnh hưởng hay có sức cộng hưởng.
Phần phụ đề (Subtitles) có thể giúp mở rộng phạm vi tiếp cận đến những nhóm người dùng mới.
Hãy gây sự chú ý của người dùng ngay từ những giây đầu tiên vì đó là thứ có thể giúp họ quyết định có nên xem tiếp hay không.
Hãy sử dụng Reels để làm nổi bật những video dài hơn.
Bạn cũng có thể xem những cộng đồng khác đang làm gì trên Reels để tìm cảm hứng tối ưu nội dung cho riêng mình.
Sự nhất quán và kiên trì là từ khoá khác bạn cần coi trọng với Reels, hãy cố gắng để tìm ra những gì hiệu quả và không ngừng phát triển nó.
Ngoài các mẹo ở trên, dưới đây là một số ý kiến khác từ các nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) đã xây dựng thành công Reels của họ.
“Chúng tôi sử dụng Reels để làm nổi bật các video phổ biến của mình, sử dụng nó để quảng cáo trang và nội dung của thương hiệu.”
“Để nhận được tình yêu và sự ủng hộ từ khán giả, mỗi video của bạn cần mang một câu chuyện có liên quan nào đó. Nếu họ cảm thấy được kết nối, họ sẽ tương tác.”
“Việc chắt lọc nội dung của bạn theo đúng bản chất của nó có thể khiến nội dung trở nên hấp dẫn hơn, điều này càng đúng với nội dung video dạng ngắn.”
Liên quan đến tính nhất quán khi xây dựng và chia sẻ Reels, Facebook khuyên các thương hiệu hay nhà sáng tạo nên đăng tối thiểu khoảng 5 bài đăng mỗi tuần.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Khi người dùng lần lượt rời bỏ Instagram, các KOL hay nhà sáng tạo nội dung phải thay đổi định hướng, cách đầu tư và xây dựng thương hiệu từ nền tảng này.
Instagram không còn hấp dẫn đối với các KOL và nhà sáng tạo
Vào thời điểm Amber Fillerup Clark (31 tuổi, sống tại Arizona, Mỹ) đạt danh hiệu lớn trên The Atlantic 2017, cô đã dành 7 năm để xây dựng kênh Instagram của mình.
Clark ra mắt trang blog vào năm 2010 và nhanh chóng vươn lên dẫn đầu hệ sinh thái blogger.
Hơn một thập kỷ sau, cô thu hút 1,3 triệu người theo dõi trên trang cá nhân đồng thời điều hành đội ngũ hơn chục nhân viên toàn thời gian. Ngoài ra, cô còn thành lập thương hiệu làm đẹp chuyên chăm sóc tóc bán chạy nhất tại Sephora.
Không chỉ Clark, nhiều blogger khác trong thế hệ KOL đầu tiên cũng phát triển doanh nghiệp riêng nhờ hình ảnh cá nhân.
Tuy nhiên, khi xu hướng truyền thông cải tiến liên tục, những người có ảnh hưởng đời đầu như Clark cũng gặp nhiều khó khăn và phải thay đổi cách tiếp cận, kiếm tiền từ mạng xã hội, theo Fast Company.
“Mọi người đang dần rời bỏ nền tảng này. Nếu nhà sáng lập không nghiêm túc thay đổi thuật toán trở lại như cũ, Instagram sẽ trở nên lỗi thời, giống như Facebook vậy”, nữ blogger 31 tuổi nhận xét.
Người dùng rời đi.
Thời gian gần đây, mạng xã hội ảnh phổ biến nhất thế giới đã đưa ra những quyết định khiến cộng đồng mạng bức xúc.
Không chỉ “học hỏi quá đà” các ứng dụng khác như TikTok, Snapchat, BeReal, giao diện mới cũng không làm hài lòng đa số người dùng. Việc đổi thuật toán Instagram khiến mức tương tác của KOL với người hâm mộ giảm sút đáng kể.
Trước tình trạng trên, nhiều nghệ sĩ, người tạo meme, nhà hoạt động xã hội, những ai trung thành với phiên bản cũ đang cân nhắc rời đi, theo Vice.
Frances Corry, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Văn hóa và Xã hội Kỹ thuật số (Mỹ), cho rằng nền tảng này luôn mong đợi sự phàn nàn từ cộng đồng mạng.
“Họ tin thái độ chống đối sẽ không kéo dài lâu. Chỉ sau một thời gian, người dùng phải tập quen với cấu hình mới và quên dần giao diện yêu thích lúc trước.
Đây không phải chuyện mới lạ trong sự phát triển của mạng xã hội lớn. Instagram sẽ chỉ tập trung vào cái mình muốn. Họ không sợ hãi khi có lực lượng fan hâm mộ trung thành đông đảo suốt nhiều năm”, nữ chuyên gia giải thích.
Theo Sara Tasker, chuyên gia truyền thông xã hội và cố vấn Instagram, các quy định đối với nhóm tập trung vào hình ảnh tĩnh hoặc kinh doanh nhỏ lẻ có phần thay đổi.
Từ khi mở công ty, Clark ít phải phụ thuộc vào mạng xã hội để kinh doanh. Thế nhưng, nó vẫn quan trọng với nhận diện thương hiệu và mức độ gắn kết mà cô đã xây dựng gần một thập kỷ qua.
Trong những ngày đầu của Instagram, khó ai có thể dự đoán được tác động trong tương lai của nền tảng này đối với nền kinh tế và những nhà sáng tạo trẻ. Ước tính hiện tại giá trị của nó đã lên đến 104 tỷ USD.
Thời kỳ không bị bủa vây bởi những cuộc giao dịch từ các nhãn hàng hoặc áp lực kiếm tiền, nhóm người dùng đời đầu có thể tự do đăng bài với nội dung rất thẳng thắn.
Clark cho rằng phần lớn thành công của cô là nhờ những bài đăng chân thực về niềm đam mê và sở thích cá nhân.
“Tôi nghĩ khi ai đó thực lòng muốn chia sẻ những gì họ yêu thích, điều đó rất dễ nhận được sự đồng cảm và lan truyền mạnh mẽ”, Clark bày tỏ.
Thế hệ nhà sáng tạo mới.
Ngày nay, thế hệ trẻ tạo ra sân chơi hoàn toàn mới, thuật ngữ influencer (người có ảnh hưởng) dần trở nên lỗi mốt. Họ bắt tay vào xây dựng sự nghiệp thuận lợi hơn với các công cụ hỗ trợ và tiềm năng sinh lợi dồi dào.
Một cuộc thăm dò từ năm 2019 đã chỉ ra rằng “YouTuber” là sự lựa chọn hàng đầu của hầu hết thanh thiếu niên nhờ sức hút và khả năng nhận được tài trợ cao.
Trong nhiều năm, nền tảng này trở thành “mảnh đất vàng” cho các KOL, blogger cho đến khi TikTok xuất hiện.
Các video định dạng ngắn ưu tiên nội dung hơn người sáng tạo đã thúc đẩy một kỷ nguyên mới. Rào cản gia nhập thấp đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người dễ dàng tiếp cận với ứng dụng này hơn.
“Hiện có quá nhiều KOL khiến xu hướng đó trở nên bão hòa. Nhưng nội dung chất lượng sẽ thu hút được sự chú ý của khán giả. Giờ việc kiếm tiền cũng dễ dàng hơn trong nhiều lĩnh vực. Bạn không cần phải quá nổi tiếng mới nhận được hợp đồng”, Clark nói.
Các nhà quảng cáo, bao gồm cả công ty của cô cũng đổ xô sang các nền tảng mới để tìm kiếm tài năng. Khi thế hệ KOL đời đầu đã có doanh nghiệp riêng, họ sẽ là những người đầu tư cho lớp người sáng tạo mới.
Bởi họ biết rõ mức độ tương tác có thể thay đổi hành vi của người tiêu dùng như thế nào.
“Công ty tôi tìm kiếm rất nhiều người có ảnh hưởng nhỏ và nội dung chất lượng từ những kênh không có lượng follow lớn.
Chúng tôi thực sự thích quan điểm của họ. Sự phát triển của mạng xã hội tạo ra không gian thoải mái cho bất kỳ ai cũng được vượt qua giới hạn”, Clark nói thêm.
Elon Musk cũng chỉ trích Instagram vì cách nền tảng này khiến người dùng, bao gồm cả bản thân ông tiêu tốn thời gian.
Elon Musk cho biết ông đã ngừng sử dụng Instagram vì nhận ra mình chụp quá nhiều ảnh selfie trên nền tảng này. Vị tỷ phú còn cho rằng Instagram là một cái bẫy khi tràn ngập hình ảnh của những cô gái hấp dẫn.
“Tôi đã sử dụng Instagram một thời gian, nhưng vấn đề là nó chỉ là một ‘chiếc bẫy dành cho những kẻ hám gái’ ở một đẳng cấp mới”, Musk chia sẻ trong một buổi phỏng vấn với kênh Full Send Podcast.
CEO Tesla nói rằng ông nhận ra mình đã lãng phí thời gian với Instagram nên quyết định xóa tài khoản của mình. “Tôi thấy mình chụp quá nhiều ảnh tự sướng và tự hỏi tại sao mình lại làm điều này. Tôi dường như không thể dừng lại”, Musk cho biết.
Vị tỷ phú còn cho biết ông đang sử dụng một tài khoản Instagram bí mật, chỉ dùng để nhấn vào các đường link và bài viết thông qua mạng xã hội này.
Hàng ngày, ông thích sử dụng Twitter để phát ngôn trước công chúng hơn. “Nếu có chuyện gì tôi đều đăng lên Twitter”, CEO Tesla chia sẻ.
Đây không phải là lần đầu tiên vị tỷ phú lên tiếng chỉ trích các nền tảng mạng xã hội. Trước đó, trong một dòng trạng thái hồi tháng 6, Elon Musk cho rằng nền tảng chia sẻ video TikTok đang thúc đẩy sự suy tàn của nền văn minh toàn cầu. “Có phải TikTok đang phá hủy nền văn minh không? Có lẽ một số người nghĩ như vậy”, ông viết.
CEO Tesla còn chỉ trích Twitter, cho rằng mạng xã hội không có tự do ngôn luận. Do đó, với thương vụ thâu tóm trị giá 44 tỷ USD, ông dường như quyết tâm khôi phục lại một Twitter như trước đây, khi việc tweet ít gây hậu quả hơn. Bằng cách đưa Twitter trở thành công ty tư nhân, Musk có thể đưa mạng xã hội này thoát khỏi các cơ quan quản lý.
“Tôi mua Twitter không phải để kiếm tiền. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là Twitter phải trở thành nơi toàn diện cho quyền tự do ngôn luận. Việc có một mạng xã hội được tin cậy là điều rất quan trọng với tương lai của văn minh nhân loại”, Musk chia sẻ với lãnh đạo TED Chris Anderson.
Tuy nhiên, ông đã đơn phương yêu cầu hủy vụ mua bán này với lý do Twitter đã đưa thông tin sai lệch về số tài khoản giả. Ngay sau đó, công ty mạng xã hội đã đâm đơn kiện nhằm buộc vị tỷ phú hoàn tất thỏa thuận mua lại mạng xã hội với giá 44 tỷ USD, thay vì hủy bỏ như tuyên bố được đưa ra đầu tháng 7.
Theo kế hoạch được bà Kathaleen McCormick, Thẩm phán Tòa án Công lý Delaware công bố vào cuối tháng 7, vụ kiện Elon Musk với Twitter sẽ diễn ra tại 17/10 và kéo dài 5 ngày.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nhằm mục tiêu hỗ trợ marketer trong việc tối ưu các hoạt động marketing trên nền tảng, Instagram vừa chia sẻ một số mẹo làm Influencer Marketing mới.
Instagram chia sẻ một số mẹo tối ưu Influencer Marketing mới
Nếu thương hiệu hay doanh nghiệp của bạn đang tìm cách tối ưu hoá hiệu suất của các hoạt động marketing trên Instagram thông qua người có ảnh hưởng (Influencer), những mẹo được chia sẻ bên dưới có thể rất hữu ích với bạn.
Về cơ bản, khi các xu hướng đang diễn ra trên nền tảng là một trong những chìa khoá chính để thúc đẩy hiệu suất của các chiến dịch quảng cáo, việc cộng tác với những nhà sáng tạo nội dung uy tín sẽ là chiến lược mà các thương hiệu nên tận dụng.
Dưới đây là một số mẹo mà Instagram đã gợi ý cho bạn.
Triển khai một phương pháp tiếp cận đa chiều.
Instagram khuyên rằng các thương hiệu nên tìm cách sử dụng nhiều định dạng hay kiểu nội dung khác nhau – bao gồm Câu chuyện (Stories), Nguồn cấp dữ liệu (Feed) và Reels – để tối đa hóa sự hiện diện và phạm vi tiếp cận.
Điều này có thể giúp đảm bảo các thông điệp của thương hiệu được nhắc lại nhiều lần hơn, cộng hưởng nhiều hơn, từ đó cải thiện khả năng nhận diện thương hiệu (Brand Awareness) và phạm vi tiếp cận nhiều hơn.
Hãy để các nhà sáng tạo nội dung “tự do” chia sẻ hay thể hiện câu chuyện của họ.
Khi nói đến chiến lược đưa nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) vào các chiến dịch, điều quan trọng là thương hiệu cần lựa chọn các nhà sáng tạo phù hợp với thương hiệu, những nhà sáng tạo phải phản ánh được đặc tính và giá trị đại diện cho thương hiệu.
Để có thể giúp nhà sáng tạo thể hiện được sự chân thực của họ, thương hiệu cần cho họ đủ không gian để chia sẻ câu chuyện riêng, những thứ mà các nhóm đối tượng mục tiêu dễ dàng bị thuyết phục hơn.
Cần đảm bảo giá trị của nhà sáng tạo phù hợp với giá trị của thương hiệu.
Như đã phân tích ở trên, để đảm bảo rằng mối quan hệ đối tác của thương hiệu với nhà sáng tạo là xác thực và có liên quan, bạn cần chọn những nhà sáng tạo hay người có ảnh hưởng phù hợp dựa trên giá trị và mục tiêu của thương hiệu.
Từ cách này, thương hiệu có thể tối đa hoá sự kết nối với đối tượng mục tiêu cũng như nội dung của nhà sáng tạo nhiều hơn.
Phân tích những insights của các nhóm đối tượng của nhà sáng tạo.
Thay vì thương hiệu ưu tiên cho những nhà sáng tạo có nhiều người theo dõi, hãy phân tích và đảm bảo rằng khán giả của họ phù hợp với thị trường mục tiêu của thương hiệu, rằng mức độ tương tác của họ trên mỗi bài đăng là hiệu quả và mọi người đang thực sự muốn phản hồi lại các nội dung của họ.
Bạn có thể phân tích về nhà sáng tạo thông qua các công cụ như Instagram Creator Marketplace hoặc Facebook Brand Collabs Manager.
Yêu cầu nhà sáng tạo ghim nội dung có thương hiệu.
Với tính năng ghim nội dung hiện có sẵn trên Instagram, điều này cho phép những người có ảnh hưởng hay nhà sáng tạo đảm bảo rằng những nội dung của thương hiệu được hiển thị cho bất kỳ ai truy cập tài khoản của họ.
Đừng quên xây dựng những bản đánh giá hay KPIs sau khi hợp tác với nhà sáng tạo.
Đối với các thương hiệu, khi hợp tác với nhà sáng tạo, điều này có nghĩa là họ đang trả tiền cho những kết nối hay sức ảnh hưởng của nhà sáng tạo, thứ mà họ đang có trước cộng đồng người ủng hộ của họ.
Bên cạnh đó, nhà sáng tạo cũng phải cân nhắc rằng họ cần hợp tác với các thương hiệu phù hợp để duy trì sự tin tưởng với các nhóm đối tượng mục tiêu.
Ngoài các nội dung được chia sẻ ở trên, Instagram cũng chia sẻ một số nội dung video khác mà bạn có thể tham khảo tại: Tại đây.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Vượt qua hầu hết với các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, YouTube hay TikTok, Instagram dẫn đầu mảng Influencer Marketing.
Instagram là nền tảng được chi tiêu nhiều nhất toàn cầu cho Influencer Marketing
Trong khi TikTok liên tục tăng trưởng người dùng trong những thời gian gần đây, hoạt động tìm kiếm doanh thu quảng cáo nói riêng và Influencer Marketing nói chung vẫn là một thách thức lớn với nền tảng này.
Cụ thể, theo số liệu mới đây nhất tính đến tháng 7 năm 2022, tổng số ngân sách dành cho Influencer Marketing trên Instagram cao hơn gần gấp 3 lần so với TikTok, hơn 2.2 tỷ USD là con số trên Instagram, còn TikTok chỉ là hơn 700 triệu USD.
Facebook hiện là nền tảng có doanh thu Influencer Marketing thấp nhất với hơn 700 triệu USD, hơn 900 triệu USD là con số của YouTube.
Ngân sách Influencer Marketing được chi tiêu trên các nền tảng mạng xã hội.
Theo thông báo mới đây của Instagram, nền tảng này liên tục điều chỉnh thuật toán và nguồn cấp dữ liệu của mình (News Feed) để làm nổi bật nội dung của các nhà sáng tạo (Content Creator), tối ưu các quảng cáo và bài đăng được đề xuất, bất chấp không ít những lời phàn từ phía người dùng là họ quá ít thấy nội dung từ bạn bè của họ.
Liên quan đến các thay đổi của Instagram, vì bức xúc khi nền tảng này không ngừng điều chỉnh theo hướng giống TikTok, một số người có ảnh hưởng (Influencer) lớn đã phải kêu gọi Instagram ngừng thay đổi, kết quả cuối cùng là nền tảng cũng thông báo tạm ngưng kế hoạch cập nhật.
Instagram cũng cho biết họ sẽ điều chỉnh nguồn cấp dữ liệu cho phép những người có ảnh hưởng nhỏ (Micro Influencer) và siêu nhỏ (Nano Influencer) có thể gia tăng thu nhập của họ nhiều hơn.
Nano Influencer được định nghĩa là những cá nhân có từ 1.000 đến 4.999 người theo dõi (followers), trong khi Micro Influencer chính là những cá nhân có từ ít nhất từ 5.000 đến 19.999 người theo dõi.
Một số báo cáo cho thấy rằng, mức chi tiêu dành cho những người có ảnh hưởng siêu nhỏ sẽ tăng 220,5%, trong khi chi tiêu cho những người có ảnh hưởng lớn (Mega Influencer) sẽ chỉ tăng 8,0%. (Mega Influencer là những người có ít nhất 1 triệu người theo dõi).
Với các nhà marketer, tỷ lệ tương tác và chuyển đổi cao cùng với đó là chi phí thấp là những lý do chính khiến họ ưu tiên những người có ảnh hưởng nhỏ nhiều hơn.
Ở góc nhìn toàn cầu, mức chi tiêu dành cho các hoat động Influencer Marketing hay tiếp thị người có ảnh hưởng sẽ tăng 27,8% lên mức khoảng 16 tỷ USD trong năm 2022.
Mới đây, hai trong số những ngôi sao nổi tiếng nhất của Instagram – Kylie Jenner và Kim Kardashian đã lên tiếng phản đối Instagram với lời kêu gọi “Đừng trở nên giống TikTok”.
Hai người có ảnh hưởng trên Instagram là Kylie Jenner và Kim Kardashian đã tham gia một chiến dịch tuyên truyền trên Instagram kêu gọi nền tảng này “Đừng trở nên giống TikTok”.
Nhiều người dùng Instagram trên khắp thế giới đã chia sẻ một thông điệp yêu cầu nền tảng này giữ nguyên là một nền tảng truyền thông xã hội dựa trên ảnh thay vì đổi hướng và tập trung vào video với định dạng ngắn như TikTok.
Chiến dịch đang ngày một lan truyền rộng rãi bắt đầu từ khi một người dùng Instagram đăng câu chuyện của họ.
“Hãy đưa Instagram trở lại là Instagram. Đừng cố theo đuổi TikTok, tôi chỉ muốn xem những bức ảnh dễ thương từ những người bạn của tôi”.
Được biết, Jenner hiện là người có ảnh hưởng (Influencer) có lượt theo dõi lớn thứ hai trên Instagram với 360 triệu, chỉ sau ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo với 469 triệu. Kim Kardashian cũng chia sẻ bài viết tương tự và nhận được hơn 1,1 triệu lượt thích.
Chiến dịch này bắt nguồn do Instagram gần đây đã tập trung quá nhiều vào Reels với một loạt các video ngắn như TikTok và Reels trở thành một trong những tính năng chính của nền tảng truyền thông xã hội này.
Người dùng mạng xã hội này kể từ đó đã thúc giục Instagram tập trung vào hình ảnh và tính năng chụp ảnh vốn có chứ không chỉ phát triển vào các video định dạng ngắn như TikTok.
Tính năng Reels được Instagram thử nghiệm từ cuối 2020. Những tháng gần đây, nhiều người dùng chỉ trích mạng xã hội này ép họ phải xem các nội dung không liên quan. “Tôi mở ứng dụng để cập nhật từ bạn bè nhưng một nửa những gì tôi nhìn thấy là các video từ những người xa lạ”, một người viết.
Gần đây, Instagram còn áp dụng hiệu ứng video toàn màn hình và dự kiến tự động biến tất cả các video mới thành Reels. Dưới thông báo về tính năng thử nghiệm mới, Instagram nhận hàng nghìn bình luận phản đối từ người dùng.
Nhà báo Frank Pallotta của CNN đã chỉ ra những hậu quả mà Instagram có thể phải đối mặt nếu không lắng nghe những góp ý từ người dùng.
“Lần cuối cùng Kylie Jenner phàn nàn về một trang mạng xã hội, Snapchat đã bị thiệt hại 1,3 tỉ USD doanh thu, Instagram cũng có thể sẽ gặp tình trạng tương tự”, anh viết.
Cùng với những người sáng lập Kylie Skin and Skims, nhiếp ảnh gia Tati Bruening cũng chia sẻ bài đăng trên trang cá nhân của cô.
“Hãy quay trở lại phát triển những điểm mạnh vốn có của Instagram và nhớ rằng mục đích ban đầu của nền tảng này là chia sẻ ảnh, khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc sống.
Instagram đã không có video trên nền tảng cho đến khi các nhà phát triển sợ hãi vì bị mất thị phần. Họ chạy theo lợi nhuận mà đánh mất thứ cốt lõi đã làm nên tên tuổi của nền tảng này”.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Theo cập nhật mới đây của Instagram, tất cả các video được tải lên nền tảng sẽ tự động đẩy sang nguồn cấp dữ liệu của Reels, định dạng video ngắn của Meta.
Theo giải thích của Meta:
“Kể từ khi các video ngắn từ Reels cung cấp một cách thú vị và phong phú hơn để xem và tạo video trên Instagram, chúng tôi cũng đang mang đến những trải nghiệm toàn màn hình cho các bài đăng video của bạn.
Trong những tuần tới, các bài đăng video mới ngắn hơn 15 phút được tải lên nền tảng sẽ được tự động chuyển thành Reels. Các video đã đăng trước thay đổi này sẽ vẫn ở dạng video vốn có của nó, tức không phải là Reels.”
Ý tưởng đằng sau cập nhật mới của Instagram.
Nếu xét theo bối cảnh hiện tại, khi TikTok và video ngắn đang dần trở thành xu hướng tiêu thụ nội dung của đa phần giới trẻ (thế hệ chủ đạo trên các nền tảng mạng xã hội) mà chủ yếu trong số đó là Gen Z, không chỉ Instagram mà còn cả Facebook cũng sẽ không thể bỏ qua xu hướng này.
Tuy nhiên, trong khi video ngắn đang chiếm ưu thế, nhiều ý kiến cho rằng Instagram và Facebook sẽ đánh mất đi “nét riêng” của mình nếu mãi chạy theo các xu hướng mới nổi.
Ngoài ra, Instagram cũng đang bổ sung thêm một loạt công cụ sáng tạo mới cho Reels:
Trước hết, Instagram đang thêm một số tùy chọn Remix (phối lại nội dung) mới với mục tiêu cung cấp nhiều cách hơn để xây dựng Reels:
Phối lại hình ảnh: Hình ảnh vốn là định dạng cốt lõi của Instagram. Trong những tuần tới, người dùng sẽ có thể phối lại các bức ảnh được đăng công khai.
Bố cục phối lại mở rộng: Người dùng có thể chọn một số tuỳ chọn bố cục nội dung khác nhau, và thêm bình luận bằng video vào các Reels hiện có.
Thêm vào video: Thay vì để bản phối lại xuất hiện cùng lúc với Reels gốc, giờ đây người dùng có thể thêm video vào sau đoạn video Reels gốc để nó phát theo tuần tự.
Cuối cùng, Instagram cũng đang mở rộng quyền truy cập vào các tùy chọn mẫu Reels có sẵn, cho phép người dùng sử dụng các định dạng Reels phổ biến hiện có để xây dựng mới các Reels cho riêng mình.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Các tính năng mới của Instagram Subscriptions hiện đã có sẵn cho hàng nghìn nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) và sẽ mang đến khả năng cung cấp nội dung độc quyền cho những người đăng ký có trả phí.
Instagram Subscriptions: Instagram thêm cách thức kiếm tiền mới cho nhà sáng tạo
Instagram theo đó đang vừa thử nghiệm tùy chọn Đăng ký (Subscription) và vừa bổ sung thêm 3 tính năng mới cho người dùng có trong nhóm được chọn thử nghiệm.
Tính năng đăng ký có trả phí của Instagram – Instagram Subscriptions.
Meta bắt đầu thử nghiệm tính năng đăng ký có trả phí trên Instagram (Instagram Subscriptions) vào tháng 1 với một nhóm nhỏ những người có ảnh hưởng (Influencer).
Và giờ đây, hàng chục nghìn nhà sáng tạo khác ở Mỹ đã được cập nhật tính năng này.
3 tính năng mới có trong Instagram Subscriptions bao gồm:
Các cuộc trò chuyện của người đăng ký (Subscriber chats), được hỗ trợ bởi Messenger và sẽ biến mất sau 24 giờ.
Bài đăng hoặc video ngắn Reels độc quyền.
Một tab riêng biệt chỉ dành cho người đăng ký trên hồ sơ của họ, nơi người đăng ký có thể truy cập các nội dung độc quyền.
Theo Instagram:
“Nếu bạn là nhà sáng tạo hay thậm chí bạn là một doanh nghiệp, thông qua Instagram Subscriptions bạn sẽ có thêm những nguồn thu nhập mới, bền vững hơn.”
Mặc dù đây không phải là một tính năng quảng cáo, các thương hiệu hiện đang sử dụng Instagram để quảng bá nội dung của họ có thể được hưởng lợi từ các tính năng chỉ dành cho những người đăng ký có trả phí.
Bên cạnh đó, tính năng mới này cũng là một cách khác để Instagram nói riêng và Meta nói chung cạnh tranh với TikTok, Snapchat hay YouTube Shorts khi các nhà sáng tạo có thêm lý do để đến với nền tảng.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Tính đến hết quý 2 năm 2022, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Instagram là nền tảng có tỷ lệ người dùng hoạt động hay tương tác trong ứng dụng cao nhất.
Instagram là ứng dụng có tỷ lệ tương tác trong ứng dụng cao nhất 2022
Theo dữ liệu từ Sensor Tower, TikTok và Douyin của ByteDance là ứng dụng phi trò chơi (non-game app) được tải xuống nhiều nhất và có thu nhập cao nhất trên thế giới tính đến nửa đầu năm 2022.
Theo Power User Curve (thuộc Sensor Tower), TikTok là nền tảng có lượng người dùng tương tác nhiều thứ hai sau Instagram (thuộc Meta), với 29% số người dùng đã cài đặt ứng dụng từ Google Play mở ứng dụng mỗi ngày (quý 2 năm 2022).
Instagram là nền tảng có tỷ lệ tương tác của người dùng cao nhất.
Theo dữ liệu như bạn có thể thấy ở trên, Instagram là nền tảng dẫn đầu về mức độ tương tác toàn cầu với khoảng 39% số người dùng cài đặt đã tương tác hàng ngày trong ứng dụng (mở và hoạt động trên ứng dụng).
Đứng ở vị trí số 2 là TikTok với 29%, và Facebook chỉ 27%.
Mặc dù YouTube không hoàn toàn là một mạng xã hội, nhưng cơ bản nền tảng này cũng hoạt động tương tự như Instagram và TikTok bằng cách cung cấp các luồng phát trực tiếp, video ngắn (Shorts), chia sẻ doanh thu với các nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) và hơn thế nữa.
Theo dữ liệu từ Sensor Tower, 20% lượng người dùng đã cài đặt ứng dụng trên thiết bị di động của YouTube đã mở ứng dụng mỗi ngày trong quý 2 năm 2022, chỉ nhỏ hơn TikTok 9% và Instagram 19%.
Người dùng TikTok trung bình sử dụng hơn 1,5 giờ mỗi ngày.
Trong khi Instagram dẫn đầu về số lượng người dùng trung bình đã mở ứng dụng hàng ngày, TikTok lại dẫn đầu bảng khi nói đến thời gian sử dụng.
Trên phạm vi toàn cầu, 95 phút là lượng thời gian mà mỗi người dùng TikTok sử dụng mỗi ngày, con số này cao hơn 4 lần thời lượng trung bình dành cho Snapchat là 21 phút, gấp 3 lần thời gian dành cho Twitter là 29 phút và gần gấp đôi so với Facebook là 49 phút và Instagram là 51 phút.
YouTube cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ khi thời gian sử dụng trung bình cao thứ hai với 74 phút.
TikTok đối mặt với nhiều thách thức.
Trong khi TikTok vẫn đang không ngừng phát triển với tham vọng đạt mốc 1.5 tỷ người dùng hoạt động toàn cầu, những lệnh cấm gần đây đồng thời bị Mỹ yêu cầu xóa khỏi App Store và Google có thể có tác động rất lớn vì đây là thị trường lớn thứ 2 về doanh thu của TikTok sau Trung Quốc, chiếm khoảng 19% doanh thu trong nửa đầu năm 2022.
Người dùng Mỹ đã chi tiêu khoảng 322,6 triệu USD cho ứng dụng trong nửa đầu năm 2022, tăng 398% so với cùng kỳ năm ngoái là chỉ 64,8 triệu USD.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Theo thông báo của Instagram, Instagram Reels API sẽ sớm được ra mắt, cho phép các thương hiệu tích hợp Reels vào nền tảng riêng của họ.
Instagram Reels API đã được mở cho các nền tảng của bên thứ ba
API của Instagram Reels là gì?
Instagram Reels API là công cụ sẽ cho phép các nền tảng như Hootsuite hay Sprout Social tích hợp vào hệ thống của họ, sau khi tích hợp, các nền tảng này có thể đăng, phân tích hay quản lý các tài khoản Reels từ một bảng điều khiển trung tâm duy nhất.
Theo giải thích của Meta:
“Bắt đầu từ ngày 28 tháng 6 năm 2022, chúng tôi sẽ bắt đầu cho phép các nền tảng của bên thứ 3 tích hợp Reels vào hệ thống của họ.
Chúng tôi luôn tìm cách cải thiện trải nghiệm xuất bản và tiêu thụ nội dung thông qua các nền tảng của mình, cho dù đó là trực tiếp trên Instagram hay từ các bên thứ ba.
Sau khi nhận được nhiều phản hồi từ cộng đồng nhà phát triển (developer) rằng Instagram Reels là nền tảng ưu tiên hàng đầu của họ, chúng tôi rất vui mừng được thông báo rằng tính năng API của Reels đã chính thức ra mắt.”
Vai trò quan trọng của API trên Reels.
API mới sẽ hỗ trợ các thương hiệu trong việc lập lịch nội dung, báo cáo thông tin chi tiết (insights), kiểm duyệt bài đăng, tìm kiếm thẻ hashtag và hơn thế nữa xoay quanh Reels.
Theo báo cáo của Meta, các dữ liệu cho thấy Reels hiện chiếm hơn 20% thời gian mà mọi người đã sử dụng trên Instagram, trong khi 45% lượng tài khoản Instagram hiện tương tác với Reels ít nhất một lần một tuần.
Instagram cho biết rằng việc triển khai API cho Reels sẽ bắt đầu với 25% tài khoản người dùng Instagram trước khi được cập nhật đầy đủ vào khoảng giữa tháng 7 tới.
Tiền tip (boa) hay quà tặng, vật phẩm ảo từ người xem đang là một nguồn thu nhập ổn định của những nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng livestream và mạng xã hội, so với việc chờ chia sẻ lợi nhuận từ quảng cáo như trước đây.
Cuộc chiến thu hút nhà sáng tạo nội dung của các mạng xã hội
Theo một bài viết trên mạng Medium, châu Á, nơi ước tính có khoảng 736 triệu người sử dụng các ứng dụng phát trực tiếp, chính là điểm nóng của loại hình này.
Ở Mỹ, số lượng người xem video phát trực tiếp năm 2019 đạt 126,7 triệu, theo trang thống kê Statista.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, con số này ước tính đã nhảy lên mức hơn 150 triệu người cuối năm 2020, dự kiến tăng đến khoảng 164,6 triệu người vào năm 2024.
Từ khi COVID-19 hoành hành ở Mỹ, Cherry Horne bắt đầu nghiện xem các buổi livestream trên Twitch, nền tảng chủ yếu dành cho game thủ và rồi có thói quen tip cho các streamer ở đó.
Sự phát triển của văn hóa livestream đã hình thành một cộng đồng ảo hội tụ những người dùng như Horne.
Ngoài việc trả tiền đăng ký hằng tháng để truy cập nội dung độc quyền, họ sẵn sàng trả thêm tiền tip sau khi tận hưởng thành quả lao động của những người sáng tạo nội dung đến từ nhiều nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok, Twitch và Instagram.
Cơ chế chung của hình thức “tri ân bằng vật chất” này như sau: người xem/người hâm mộ dùng tiền thật đổi sang tiền số hoặc mua quà ảo (hoa hồng, bia, vật phẩm…) rồi tặng cho chủ livestream mà họ yêu thích.
Nhà sáng tạo nội dung sẽ tích lũy số tiền và tặng phẩm này rồi đổi lại thành tiền mặt để chi tiêu trong đời thực. Kênh trung gian, mức tích lũy để được “rút tiền”, tỉ lệ quy đổi… tùy vào từng nền tảng.
Hành động tặng quà ảo này cũng giống như việc bỏ tiền vào nón hoặc hộp đàn guitar của một nghệ sĩ đường phố nhằm thể hiện sự ủng hộ từ người hâm mộ và người xem.
Đổi lại, đôi khi người dùng mạng xã hội sẽ nhận được những lời cảm ơn đích danh hoặc sự quan tâm đặc biệt từ “thần tượng”, hoặc được nhắc đến tên ngay trong buổi livestream.
Horne nói với trang Vox, cô tặng tiền cho streamer như một cách tri ân những nỗ lực của họ, đặc biệt là để khuyến khích những người sáng tạo nội dung “chân ướt chân ráo” mới vào nghề. “Tôi nghĩ tiền boa, dù ít hay nhiều, đều rất quan trọng đối với tất cả người sáng tạo.
Tiền boa tạo ra những thay đổi cuộc sống khác biệt cho những người sáng tạo nhỏ. Số tiền boa 100 USD có thể chả đáng bao nhiêu đối với những người sáng tạo có hàng nghìn người hâm mộ, nhưng đối với những người ít nổi hơn, số tiền đó đủ để đi chợ cả một tuần” – cô nói. Bản thân Horne cũng là “nhà sáng tạo nội dung” trên nền tảng nội dung người lớn Onlyfans. Những lời này có lẽ cũng là tiếng lòng của cô.
Mặc dù đại dịch khiến thu nhập của mọi người trở nên bấp bênh hơn, loại hình hỗ trợ nội dung sáng tạo trực tuyến này vẫn tiếp tục nở rộ.
Theo Hugo Amsellem, nhà nghiên cứu và người sáng lập trang web về nền kinh tế sáng tạo Arm the Creators, đại dịch khiến nhiều người bị mắc kẹt ở nhà và ít chi tiêu cho việc đi chơi, tụ tập ăn uống.
Tiền tip, tặng phẩm ảo cho người sáng tạo, những người cũng được xem như bạn bè online của người dùng mạng xã hội, là một trong những cách để người hâm mộ giải phóng sức mua, Amsellem nhận định.
Vox nhận định, cả những nền tảng cũ và mới nổi dường như đều khuyến khích sự phát triển của loại hình tiền boa ảo và các phương pháp kiếm tiền thay thế, ngoài kênh chia sẻ lợi nhuận quảng cáo như trước đây.
Tháng 12 năm ngoái, Facebook phát động sự kiện “Lễ hội Ngôi sao” để thúc đẩy người dùng vung tiền boa cho những người sáng tạo nội dung qua tính năng Facebook Stars của mạng xã hội này.
Ngôi sao (star) về cơ bản là một loại tiền ảo mà người dùng Facebook có thể mua theo nhiều gói sản phẩm khác nhau, dùng để tặng cho người sáng tạo trong mỗi lần livestream.
Các nền tảng khác cũng có những tính năng “chạy” bằng những “đồng tiền” tương ứng, như: Points trên TikTok, Super Chats và Super Stickers trên YouTube, hay Bits trên Twitch.
Về phía người sáng tạo nội dung, Brooke Erin Duffy, giáo sư khoa truyền thông của Đại học Cornell (New York, Mỹ), cho biết sự phát triển của tiền ảo và các hình thức tự kiếm tiền thay thế khác là phương tiện để người sáng tạo nội dung “giành lại chút quyền lực từ tay các nền tảng”.
Duffy mới hoàn thành một nghiên cứu khảo sát những người sáng tạo và những người có ảnh hưởng trên TikTok, Instagram và YouTube; cô nhận thấy việc thu nhập không ổn định là mối lo của hầu hết những người được khảo sát.
“Đặc biệt trong trường hợp thuật toán thay đổi, nguồn thu nhập của họ có thể bị sụt giảm nghiêm trọng.
Nhưng với hệ thống tiền boa này, bất kể nền tảng có trả tiền cho người sáng tạo hay không, họ vẫn kết nối trực tiếp được với khán giả và đa dạng hóa nguồn thu nhập của mình” – Duffy nói với Vox.
Mặc dù người sáng tạo không thể dựa hoàn toàn vào tiền boa hay quà ảo để kiếm sống, nhưng những khoản thu nhập nhỏ này có thể là nền móng giúp họ phát triển một nghề nghiệp toàn thời gian khác ngoài sáng tạo nội dung.
Đối với trường hợp của Sarah, một người sáng tạo nội dung trên Twitch dưới tên Sizzsarz, tiền boa ảo từng là nguồn thu nhập duy nhất của cô khi mới vào nghề hồi năm 2014.
Giờ đây, tiền do fan tặng chiếm khoảng 30% tổng thu nhập của Sarah khi cô đã nổi tiếng hơn trước.
Cơ chế để người xem livestream bày tỏ ủng hộ vật chất với nhà sáng tạo nội dung cũng có những góc khuất.
Sau khi đánh giá hàng trăm buổi phát livestream trên TikTok gần đây, Forbes nhận thấy ở phần bình luận, luôn có không ít người xem thúc giục các cô gái trẻ thực hiện những hành vi tương tự hoạt động khiêu dâm trẻ em – như yêu cầu các bé gái hôn nhau, dang rộng chân hoặc nháy mắt trước máy ảnh – và treo thưởng bằng những món quà ảo của TikTok.
Nhiều người xem còn dùng nhiều từ ngữ tinh vi để che đậy những yêu cầu khiêu dâm, chẳng hạn: “kiểm tra trang phục” để ngắm toàn bộ cơ thể của một cô gái, “kiểm tra móng chân” để xem chân hay “có con nhện trên tường kìa” để cô gái xoay người lại và lộ phần thân dưới. Những “giao dịch” như vậy diễn ra nhan nhản trên TikTok – một nền tảng trực tuyến công khai mà người xem ở hầu hết mọi nơi trên hành tinh đều có thể tiếp cận.
Leah Plunkett (Trường Luật Harvard) nhận xét: “Không gian này tương tự một câu lạc bộ thoát y chỉ toàn thiếu nữ 15 tuổi được trang bị phương tiện truyền thông.
Hãy tưởng tượng một doanh nghiệp địa phương đưa một nhóm trẻ vị thành niên lên sân khấu trước một khán giả người lớn, mặt đối mặt, tích cực cho các em tiền để thực hiện bất kỳ hoạt động nào mà họ yêu cầu, kể cả những hành động không phù hợp với lứa tuổi. Đó là sự bóc lột tình dục. Nhưng đó chính xác là những gì TikTok đang làm ở đây”.
Trả lời Forbes về vấn đề này, người phát ngôn của TikTok khẳng định công ty có các chính sách và biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ sự an toàn và hạnh phúc của thanh thiếu niên, bao gồm việc đặt tài khoản dưới 16 tuổi ở chế độ riêng tư theo mặc định và hạn chế cho phép các em sử dụng tin nhắn trực tiếp.
“Nếu nhận thấy tài khoản không đáp ứng yêu cầu về tuổi tác, chúng tôi ngay lập tức khóa các tính năng không phù hợp” – vị này cho biết.
Công ty trả lời thêm qua email rằng họ cũng xóa nội dung liên quan đến tình dục và có chính sách không khoan nhượng đối với nội dung lạm dụng tình dục trẻ em.
Một số tài khoản tổ chức các buổi phát trực tiếp có nội dung khiêu dâm mà Forbes ghi nhận đã không còn hoạt động vài tuần sau đó.
Nền kinh tế cho tặng quà thần tượng livestream ở Trung Quốc cực kỳ sôi động, với đủ sắc thái và chiêu trò, đến mức cơ quan chức năng phải siết chặt quản lý để làm trong sạch môi trường mạng, nhất là đối với trẻ vị thành niên.
Năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát khiến thị trường livestream ở Trung Quốc cũng bùng nổ theo, doanh thu thị trường này đạt 1.288,1 tỉ tệ, tăng 4.700% so với năm 2017 (26,8 tỉ tệ).
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc có hơn 50.000 lượt livestream với 260 triệu lượt người xem mỗi ngày, theo số liệu từ Bộ Thương mại nước này do people.com.cn dẫn lại. Theo báo cáo năm 2021 của Công ty phân tích thị trường iMedia Research, số tài khoản livestream ở Trung Quốc đã lên đến 635 triệu.
Năm 2022 được dự báo quy mô thị trường livestream sẽ tăng lên 1.507,3 tỉ tệ, tạp chí Pháp Nhân (trực thuộc tờ Pháp Chế Nhật Báo) trích số liệu từ nghiên cứu của Viện nghiên cứu các ngành nghề thương mại Trung Quốc.
Cuộc chiến thu hút nhà sáng tạo nội dung của các nền tảng.
Dù là dưới hình thức nào, đa dạng hóa kênh kiếm tiền cho các nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) đang là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển của các nền tảng mạng xã hội, trong cuộc chiến thu hút tài năng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội dung online tăng cao trong những năm đại dịch.
Theo Vox, khoảng 50 triệu người trên thế giới tự xem họ là nhà sáng tạo nội dung (content creator), thuật ngữ bao trùm những người làm video YouTube hay TikTok, chụp ảnh đăng Instagram, làm podcast, viết blog…
Bloomberg ước tính nền kinh tế sáng tạo trị giá 100 tỉ USD và tăng trưởng “bất chấp đại dịch”; chính trong đại dịch mà số người kiếm tiền từ các nội dung trực tuyến bùng nổ vì họ có nhiều thời gian hơn, hoặc bị thất nghiệp và phải tìm một nguồn sinh kế mới.
Những nhà sáng tạo nội dung, cả mới lẫn cũ, trở thành mục tiêu săn đón của các nền tảng mạng xã hội vốn không thể hoạt động nếu không có nội dung độc đáo, độc quyền do chính người dùng tạo ra.
3 tháng sau, mạng xã hội có cùng công ty mẹ Alphabet với Google tiếp tục loan báo sẽ dành 100 triệu USD để thưởng cho những người sáng tạo nội dung độc đáo cho Shorts, tính năng chia sẻ video ngắn YouTube dùng để cạnh tranh với TikTok.
Meta (công ty mẹ của Facebook) không kém cạnh khi công bố kế hoạch đầu tư hơn 1 tỉ USD trong năm 2022 cho các nhà sáng tạo nội dung trên Instagram Reels, cũng là nền tảng video ngắn cạnh tranh với TikTok của mạng xã hội này.
Đối thủ mà 2 gã khổng lồ Mỹ hướng tới – TikTok – thì lên kế hoạch dành 1 tỉ USD ngân sách để thu hút nhân tài chỉ riêng tại Mỹ trong năm tới.
Điểm sơ qua để thấy trong cuộc chiến thu hút nhà sáng tạo nội dung, các nền tảng chỉ có thể chi tiền, và ngày càng phải chi nhiều hơn.
“Chúng ta đang chứng kiến cuộc đua vũ trang khi mỗi nền tảng đều xem mình là đối thủ với tất cả các nền tảng còn lại trong chuyện thu hút người làm nội dung” – Li Jin, một chuyên gia của kinh tế sáng tạo (Creator Economy), nói với tạp chí Marie Claire.
Jin cho rằng nếu các nền tảng muốn duy trì thời lượng sử dụng và tăng lượng người dùng, họ chỉ còn cách tiếp tục đầu tư vào người làm nội dung.
Cách đầu tư được các nền tảng cùng lựa chọn là đa dạng hóa nguồn thu cho các nhà sáng tạo. Ngay trong tháng 5-2022, các tay chơi lớn cùng có hàng loạt nước đi mới.
Meta mở thêm chương trình thưởng cho người làm nội dung Reels và cuộc thi với giải thưởng lên tới 4.000 USD/tháng nếu họ đạt được một số tiêu chí, chẳng hạn có 5 video được xem ít nhất 100 lần thì được 20 USD, và cứ thế.
YouTube mở rộng tính năng Super Thanks cho tất cả nhà sáng tạo nội dung đã được “bật kiếm tiền”, thay vì áp dụng ngẫu nhiên cho một số tài khoản như trước đây. Super Thanks là tính năng để người dùng tip cho người làm video mà họ yêu thích với mức cố định, từ 2 – 50 USD.
TikTok công bố chương trình mới TikTok Pulse – cho phép hiện quảng cáo trong nhóm 4% video đứng đầu về lượt xem, và chia sẻ doanh thu quảng cáo với các nhà sáng tạo nội dung, người nổi tiếng, công ty truyền thông có ít nhất 100.000 người theo dõi.
TikTok Pulse sẽ ra mắt ở Mỹ trong tháng 6 trước khi mở rộng ra các thị trường khác vào mùa thu, đại diện công ty nói với The Verge.
Cho đến lúc này, mọi thứ có vẻ vẫn ổn cho tất cả các bên. YouTube có thể nói là có thắng lợi bước đầu với Shorts – canh bạc đầu tư vào video ngắn nhằm cạnh tranh với TikTok. Tính đến tháng 5-2022, Shorts đã đạt được trung bình 30 tỉ lượt xem mỗi ngày, gấp 4 lần năm ngoái.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng sản phẩm này để thực sự trở thành người dẫn đầu trong [lĩnh vực video ngắn]” – Kevin Ferguson, giám đốc phụ trách đối tác sáng tạo của Shorts, nói với tạp chí Fortune.
Ferguson cho biết rất tin tưởng vào tương lai này vì YouTube “ưu tiên nhu cầu và ý kiến phản hồi của các nhà sáng tạo nội dung”. Một trong những nhu cầu lớn nhất của người làm video chắc chắn là kiếm được tiền.
Shorts được YouTube ra mắt song song với “quỹ khen thưởng” 100 triệu USD đã nói ở trên. 40% những người đã nhận được tiền từ khoản này trước đó chưa hề kiếm được đồng nào từ YouTube.
“Điều này rất tuyệt vời vì nó có nghĩa chúng tôi đang trả tiền cho thế hệ những người sáng tạo nội dung kế tiếp trên YouTube” – Ferguson nói.
Trong tương lai đó, có thể sẽ có những người chuyên làm video ngắn để đăng trên Shorts, và chắc chắn YouTube sẽ có thêm thay đổi để đa dạng hóa kênh thu nhập cho các nhà sáng tạo nội dung này. “Ngay lúc này chưa có gì xảy ra, nhưng chúng tôi đang tìm cách tốt nhất để các nhà sáng tạo nội dung có thể kiếm tiền bền vững từ nền tảng này” – Ferguson nói.
Đại diện YouTube cho rằng “cuộc đua vũ trang” giữa các nền tảng với nhau là động lực tốt để phát triển, và định dạng video ngắn biết đâu sẽ còn phát triển hơn, thay vì gần như đồng nghĩa với “nội dung TikTok” như hiện nay.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Cùng tìm hiểu về các nội dung xoay quanh quảng cáo trên Instagram Reels như Reels Ads là gì, cách cài đặt quảng cáo Reels Ads ra sao và hơn thế nữa.
Instagram Reels Ads là gì? Hiểu về quảng cáo Instagram Reels
Kể từ khi được ra mắt lần đầu vào năm 2020, Instagram Reels là nền tảng video dạng ngắn của Facebook với mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với TikTok. Instagram Reels Ads là nền tảng quảng cáo được phân phối trên Reels và thuộc hệ sinh thái Facebook.
Các thông số quảng cáo chính trên Reels Ads là gì?
Một số kiểu bài đăng hiện sẽ không hợp lệ trên Instagram Reels Ads.
Bên dưới là nội dung chi tiết.
Instagram Reels Ads là gì?
Cũng tương tự các hình thức quảng cáo khác như Instagram Ads hay Facebook Ads, Instagram Reels Ads là một hình thức Ads cho phép các Advertiser hiển thị quảng cáo của họ trên Instagram Reels, nền tảng video dạng ngắn của Facebook (Meta).
Bạn có thể xem Ads là gì để có những góc nhìn toàn diện và đầy đủ nhất về thế giới hay ngành Ads hay Advertising nói chung.
Reels Ads được ra mắt lần đầu toàn cầu vào tháng 6 năm 2021 sau khi được thử nghiệm ở một số thị trường như Brazil và Australia.
“Reels là nơi tốt nhất trên Instagram để các thương hiệu có thể tiếp cận những người không (hoặc chưa) theo dõi họ, nơi các thương hiệu và nhà sáng tạo (content creator) có thể được nhiều người dùng khác khám phá.
Reels Ads sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nhiều khán giả hơn, cho phép mọi người dùng khám phá nhiều nội dung mới mẻ hơn từ thương hiệu và nhà sáng tạo.”
Instagram Reels Ads về cơ bản cũng giống Instagram Stories Ads tức quảng cáo trên phần ‘Câu chuyện’ của Instagram, với định dạng tràn màn hình và video dọc đứng.
Và giống như các quảng cáo khác trên Instagram Stories, các quảng cáo Reels Ads sẽ được hiển thị xen kẻ giữa các video Reels tự nhiên khi người dùng đang duyệt nội dung.
Instagram Reels Ads sẽ được hiển thị ở đâu?
Khi truy cập vào ứng dụng, dưới đây là một số cách mà người dùng có thể thấy quảng cáo Reels của thương hiệu:
Trong tab Reels, được truy cập qua màn hình chính.
Trên trang Khám phá (Explore page).
Trong nguồn cấp dữ liệu (News Feed).
Cũng tương tự như các quảng cáo trên Facebook (Facebook Ads), quảng cáo trên Reels được hiển thị song song và xen kẻ với các nội dung tự nhiên khác.
Cách cài đặt quảng cáo Instagram Reels Ads.
Sau khi đã hiểu quảng cáo trên Instagram Reels hay Instagram Reels Ads là gì, bước tiếp theo bạn cần làm là tìm hiểu cách để cài đặt hay thiết lập một chiến dịchquảng cáo hoàn chỉnh trên Instagram Reels.
Dưới đây là những gì bạn có thể tham khảo.
Bước 1: Tạo quảng cáo.
Quảng cáo trên Instagram Reels hiện chỉ khả dụng với các nội dung video, do đó, bước đầu tiên là bạn cần xây dựng các video với kích thước phù hợp (sẽ được đề cập chi tiết hơn trong các phần bên dưới).
Ở giai đoạn này, bạn cũng nên bắt đầu xây dựng các nội dung và chú thích (captions) cho video của mình cũng như các thẻ hashtag sẽ được sử dụng.
Vì các nội dung quảng cáo sẽ được hiển thị xen kẻ với các nội dung tự nhiên, Instagram cũng khuyên các nhà quảng cáo có thể tìm kiếm các nội dung âm thanh đang thịnh hành trên nền tảng để đưa vào video quảng cáo của mình.
Khi bạn sẵn sàng để chạy quảng cáo trên Instagram hay Instagram Reels (một phần của Instagram), hãy truy cập vào Trình quản lý quảng cáo Facebook (Facebook Ads Manager) và chọn Instagram làm vị trí quảng cáo.
Bạn có thể chạy quảng cáo trên Instagram mà không cần tài khoản Instagram. Bạn có thể sử dụng Trang Facebook hoặc tài khoản Instagram đã kết nối (nếu có).
Sau đó hãy nhấp vào tạo quảng cáo.
Bước 3: Chọn mục tiêu quảng cáo cho Instagram Reels.
Tuỳ vào mục tiêu của thương hiệu khi bắt đầu với quảng cáo Instagram Reels Ads là gì, họ có thể lựa chọn các mục tiêu quảng cáo khác nhau bao gồm:
Traffic: Lưu lượng truy cập vào website hoặc ứng dụng.
App Installs: Thúc đẩy lượt cài đặt ứng dụng.
Video Views: Thúc đẩy lượt xem video.
Conversions: Tối ưu chuyển đổi.
Bước 4: Điền đầy đủ các thông tin về quảng cáo.
Cũng giống như Facebook, bước tiếp theo, nhà quảng cáo cần điền đầy đủ các thông tin liên quan đến quảng cáo như ngân sách quảng cáo, lựa chọn khu vực mục tiêu hay đối tượng khách hàng cần tiếp cận.
Điền đầy đủ các thông tin về quảng cáo trên Instagram Reels Ads.
Bước 5: Chọn nơi phân phối quảng cáo.
Vì bạn đang chạy quảng cáo trên cùng một hệ sinh thái của Facebook và bạn muốn chỉ quảng cáo trên Instagram Reels, bạn cần chọn vị trí hiển quảng cáo thủ công (Manual Placements) sau đó chọn Instagram Reels làm nơi hiển thị quảng cáo.
Bước 6: Tuỳ chỉnh CTA.
Bước cuối cùng để hoàn thành Instagram Reels Ads đó là tuỳ chỉnh các nút kêu gọi hành động (CTA), nơi mà bạn muốn đối tượng mục tiêu nhấp vào.
Hiện Instagram Reels cung cấp các tuỳ chọn CTA như:
Shop Now
Read More
Sign Up
Click Here
Một số chiến thuật quảng cáo với Instagram Reels Ads.
Trước khi thực hiện bất cứ chiến dịch quảng cáo nào, dù cho đó là trên Google, Facebook hay trên Instagram Reels, điều quan trọng là bạn cần hoạch định những chiến lược hay chiến thuật tối ưu trên nền tảng.
Hiểu khách hàng của bạn được truyền cảm hứng bởi điều gì?
Khi bạn làm quảng cáo, bạn đang cung cấp những thông điệp thương hiệu đến người dùng, với Instagram Reels Ads cũng tương tự, những gì bạn cần làm là truy cập vào tab Instagram Reels Insights để khám phá xem các đối tượng mục tiêu của bạn là ai và họ được truyền cảm hứng bởi điều gì.
Sử dụng các đoạn âm thanh có thương hiệu.
Trên hầu hết các nền tảng video dạng ngắn như TikTok hay Reels, âm thanh và hiệu ứng là một phần hết sức quan trọng tác động trực tiếp đến mức độ tương tác của quảng cáo.
Bằng cách sử dụng những đoạn âm thanh gốc hoặc âm thanh có thương hiệu (branded content) cùng với đó là kết hợp sử dụng với các hashtag đang thịnh hành, các nội dung của bạn sẽ có nhiều cơ hội được khám phá hơn.
Hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung để thúc đẩy hiệu suất.
Khi người dùng ngày càng yêu thích các nội dung được chia sẻ bởi những người mà họ chọn theo dõi (KOL, Influencer…) thay vì là trực tiếp từ thương hiệu, kết hợp với các nhà sáng tạo trên nền tảng cũng là chiến thuật các thương hiệu nên thử nghiệm.
Các thông số quảng cáo chính trên Reels Ads là gì?
Để các quảng cáo trên Instagram Reels nhanh chóng được phê duyệt và có hiệu suất cao, các nhà quảng cáo nên tuân thủ các thông số quảng cáo do nền tảng đưa ra:
Độ dài: Hiện Reels Ads sẽ chấp nhận các video dài tối đa 60s.
Định dạng: Kích thước được khuyến nghị trên Reels là 9×16.
Độ phân giải của video: Tối thiểu 500 x 888 pixels.
Dung lượng video tối đa: 4GB.
Văn bản chính: Tối đa 72 ký tự.
Hình thức phân phối quảng cáo: Tự động hoặc thủ công.
Một số kiểu bài đăng hiện sẽ không hợp lệ trên Instagram Reels Ads.
Theo Instagram, dưới đây là một số kiểu bài đăng sẽ không được phép quảng cáo trên Instagram Reels.
Các bài đăng dài quá 60s.
Các bài đăng có gắn thẻ sản phẩm (product tag).
Cái bài đăng định dạng GIF (ảnh động).
Các video với hiệu ứng khuôn mặt.
Các video được lấy từ thư viện âm nhạc của Instagram: Facebook khuyến nghị các nhà quảng cáo nên sử dụng các video gốc để quảng cáo.
Kết luận.
Khi định dạng video ngắn được dự báo là sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong 2022 và hơn thế nữa, yêu cầu đặt ra cho các nhà quảng cáo là nhanh chóng thích ứng với các nền tảng.
Bằng cách hiểu Instagram Reels Ads là gì cũng như các chiến thuật tối ưu các chiến dịch quảng cáo, bạn có thể có nhiều cơ hội hơn để thúc đẩy khả năng tiếp cận của thương hiệu.
Theo thông tin chính thức từ CEO Meta Mark Zuckerberg, Instagram và Facebook đang cho ra mắt một số cách thức kiếm tiền mới cho các nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) trên nền tảng.
Bên cạnh việc cung cấp các cách thức kiếm tiền mới, Meta cũng sẽ cập nhật nhiều tính năng mới với mục tiêu giúp các nhà sáng tạo xây dựng tài sản của họ trên Metaverse.
“Chúng tôi đang hướng tới một tương lai nơi có nhiều người hơn có thể làm những công việc sáng tạo mà họ yêu thích và chúng tôi cũng muốn các nền tảng như của chúng tôi sẽ đóng một vai trò nhất định trong việc biến điều đó thành hiện thực.”
Dưới đây là một số cập nhật chi tiết.
Nhà sáng tạo sẽ có nhiều thu nhập hơn.
Meta sẽ chỉ giữ lại các khoản chia sẻ doanh thu trên Facebook và Instagram cho đến năm 2024, bao gồm các sự kiện trực tuyến có trả phí, lượt đăng ký và huy hiệu.
Đăng ký có thể tương tác (Interoperable Subscriptions).
Meta cho phép các nhà sáng tạo cấp cho những người đăng ký có trả phí (paid subscriber) của họ trên các nền tảng khác quyền truy cập vào Nhóm Facebook chỉ dành cho những người đã đăng ký.
Ngôi sao trên Facebook (Facebook Stars).
Meta đang mở rộng phạm vi tiếp cận tới tất cả những Content Creator đủ điều kiện để nhiều người hơn có thể bắt đầu kiếm tiền từ video của họ trên Reels, live video hoặc VOD.
Kiếm tiền từ Reels.
Meta sẽ sớm mở rộng chương trình mới có tên là Reels Play Bonus cho nhiều nhà sáng tạo hơn trên Facebook, cho phép họ đăng chéo Reels Instagram lên Facebook đồng thời cũng có thể kiếm tiền từ đó.
Nền tảng dành riêng cho nhà sáng tạo (Creator Marketplace).
Meta đang thử nghiệm tính năng mới trên Instagram, nơi nhà sáng tạo có thể được tìm kiếm, khám phá và trả phí cũng như nơi các thương hiệu có thể chia sẻ các cơ hội hợp tác mới với nhà sáng tạo.
Sưu tầm các tài sản kỹ thuật số.
Meta cũng đang mở rộng thử nghiệm của mình để nhiều nhà sáng tạo hơn trên khắp thế giới có thể hiển thị NFT của họ trên Instagram.
Meta cũng sẽ sớm đưa tính năng này lên Facebook và sẽ bắt đầu với một nhóm nhỏ nhà sáng tạo ở Mỹ, các NFT cũng sẽ sớm xuất hiện trong ‘Câu chuyện’ trên Instagram.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nền tảng mạng xã hội với gần 1.5 tỷ người dùng Instagram đang thử nghiệm giao diện tràn màn hình (Full Screen) mới.
Theo thông tin từ CEO Mark Zuckerberg, Instagram sẽ sớm bắt đầu thiết kế lại kiểu giao diện toàn màn hình cho nguồn cấp dữ liệu chính của ứng dụng.
Dưới đây là một số ảnh chụp màn hình hiển thị so sánh trước (ảnh trước) và sau (ảnh sau) của thiết kế mới:
Giao diện của Instagram trước chỉnh sửa.Giao diện tràn màn hình của Instagram mới
Theo Instagram:
“Chúng tôi muốn giúp việc khám phá nội dung và kết nối với bạn bè của những người dùng trên nền tảng trở nên dễ dàng hơn.
Hình ảnh vẫn là một phần quan trọng của Instagram và chúng tôi hiện đang tìm cách cải thiện cách chúng hiển thị trong nguồn cấp dữ liệu toàn màn hình.”
Trong khi vào tháng 7 năm 2021, CEO Mosseri đã từng tuyên bố rằng: “Chúng tôi không còn là một ứng dụng chia sẻ hình ảnh nữa.”
Vào cuối tháng 1 năm 2022, Mosseri đã vạch ra một chiến lược mới cho Instagram và nói rằng video và nhắn tin là những ưu tiên hàng đầu của Instagram.
Theo cập nhật này, video, đặc biệt là video dạng ngắn, là động lực tăng trưởng lúc bấy giờ của cả Instagram và Facebook. Facebook hiện cũng đang chuyển trọng tâm sang video.
Gần đây, một bản ghi nhớ nội bộ đã được gửi đến các nhân viên của Facebook với thông báo rằng nền tảng này sẽ “tái cấu trúc nguồn cấp dữ liệu mới xoay quanh video.”
Mặc dù kết quả sau cùng của chiến lược vẫn là một ẩn số, nhiều ý kiến cho rằng Facebook đang đánh mất mình khi chạy theo TikTok và những xu hướng mới nổi.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Với tư cách là những người làm marketing trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram hay TikTok, việc bắt kịp các xu hướng mới trên nền tảng là yếu tố sống còn, và với các hashtag cũng vậy, hãy xem cách sử dụng hashtag để tăng lượt tiếp cận tự nhiên trên Instagram trong 2022.
Instagram Hashtag 2022 và những mẹo đơn giản để tăng lượt tiếp cận
Như đã từng được chia sẻ trực tiếp bởi CEO của Instagram, các hashtag khi được sử dụng một cách phù hợp trên nền tảng không chỉ có giá trị cho thương hiệu trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận mà còn cho cả người dùng khi họ có thể khám phá các nội dung khác tương tự trên nền tảng.
Trong khi, các nghiên cứu cho thấy rằng các hashtag không thúc đẩy trực tiếp khả năng phân phối nội dung hay mức độ tương tác với các bài đăng cụ thể, nó là một cách khác để các nội dung của thương hiệu có thể được tìm thấy cũng như đánh giá mức độ liên quan của các bài đăng.
Nếu bạn sử dụng Instagram để tương tác với khách hàng mục tiêu của mình, bạn có thể tham khảo những mẹo nhỏ dưới đây để giúp thương hiệu có nhiều cơ hội được khám phá hơn trong 2022 và hơn thế nữa.
1. Lưu ý về thời gian đăng bài.
Vì theo thuật toán của Instagram, các nội dung sẽ giảm dần mức độ tiếp cận theo thời gian đăng bài, do đó khi bạn đăng bài ở thời điểm có nhiều đối tượng mục tiêu ‘active’ nhất, bạn có nhiều cơ hội được nhìn thấy nhất và hiển nhiên, nếu nội dung đó phù hợp với họ, họ sẽ tương tác và điều này sẽ làm cho bài đăng được đẩy đi nhanh hơn.
2. Chia sẻ bài đăng lên Stories.
Tuỳ theo từng sở thích của người dùng, họ có thể chọn cách tương tác với thương hiệu trên những điêm khác nhau, Stories là một điểm khác ngoài Nguồn cấp dữ liệu, nơi bạn có thể tương tác với khách hàng của mình.
3. Sử dụng thuật kể chuyện.
Nguồn cấp dữ liệu Instagram của người dùng có thể chứa đầy những hình ảnh bắt mắt hay các quảng cáo bán hàng khác. Tuy nhiên, bạn thử hình dung xem, khách hàng của bạn sẽ nghĩ gì nếu bạn chỉ muốn “bán” một thứ gì đó cho họ?
Để tăng mức độ tương tác và hiển thị của nội dung, bạn hãy đưa những câu chuyện thương hiệu hấp dẫn vào chiến lược nội dung của mình.
Nếu bạn đã xem bài viết về chủ đề Content là gì từng được chia sẻ trước đây của MarketingTrips, bạn hẳn đã hiểu về các kiểu nội dung hay content khác nhau.
Thay vì cứ mãi chia sẻ một định dạng hay kiểu nội dung sáng tạo, bạn có thể cần làm mới mình thông qua những hình thức nội dung mới mẻ hơn.
5. Chia sẻ lại UGC.
UGC hay những nội dung do người dùng tạo ra là một chiến thuật khác mà các thương hiệu không nên bỏ qua khi nói đến cách xây dựng và phát triển nội dung.
Trong khi không ít người dùng sẽ dần cảm thấy bị làm phiền bởi quảng cáo hay các nội dung một chiều từ thương hiệu, hãy để họ cảm thấy thoải mái hơn với những nội dung được viết bởi những người tương tự như họ.
Nhiệm vụ của thương hiệu khi này chỉ là xây dựng chiến lược phát triển UGC và chia sẻ lại các nội dung này tới người dùng.