TikTok và YouTube cùng với Meta đang mong muốn có được giấy phép thương mại điện tử ở Indonesia sau khi nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cấm hoạt động mua sắm trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội.
TikTok, YouTube và Meta muốn xin giấy phép thương mại điện tử tại Indonesia
Cách đây không lâu, Bộ thương mại Indonesia đã chính thức cấm các giao dịch thương mại điện tử trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội. Indonesia cấm bán hàng trên TikTok với mục tiêu tìm cách bảo vệ cho các doanh nghiệp trong nước.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Momentum Works, với dân số hơn 270 triệu người, Indonesia đã tạo ra gần 52 tỷ USD giao dịch thương mại điện tử vào năm 2022.
Với khoảng 125 triệu người dùng tại Indonesia, việc TikTok Shop bị cấm cũng tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của TikTok.
Một số nguồn tin cho biết dù đã bị cấm, ByteDance, công ty mẹ của TikTok cùng với YouTube và cả Meta đang nỗ lực để có được giấy phép thương mại điện tử tại Indonesia.
Cụ thể, TikTok đang tổ chức các cuộc đàm phán về quan hệ đối tác tiềm năng với các công ty thương mại điện tử địa phương, bao gồm Tokopedia của GoTo, đồng thời sẽ xây dựng một ứng dụng TikTok Shop độc lập cho Indonesia.
Lãnh đạo của Bộ Thương mại Indonesia, Isy Karim, cho biết Meta Platforms (hiện sở hữu Facebook và Instagram) đã nộp đơn xin một loại giấy phép thương mại điện tử cho phép các nền tảng trực thuộc quảng cáo hàng hóa trên ứng dụng của mình tuy nhiên sẽ không thực hiện các giao dịch thương mại điện tử trực tiếp.
Bộ này cho biết giấy phép mới này sẽ cho phép các nhà cung cấp quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ nhưng không thực hiện các giao dịch thương mại trong ứng dụng.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo báo cáo mới đây của người dùng trên mạng xã hội TikTok, nền tảng này hiện đang thử nghiệm cho phép người dùng tải lên video dài đến 15 phút thay vì 10 phút như hiện tại.
TikTok thử nghiệm cho phép tải lên video dài 15 phút
Theo thử nghiệm này, người dùng TikTok có thể sớm được tải lên video dài tới 15 phút thay vì chỉ là 10 phút như hiện tại.
Vào những ngày đầu của ứng dụng, TikTok chỉ cho phép tải lên video dài tối đa là 15 giây, trước khi tăng lên 60 giây một thời gian sau đó.
Ở lần cập nhật tiếp theo, TikTok lại tiếp tục cho phép tải lên video dài tối đa là 3 phút, rồi 5 phút, trước khi chuyển sang 10 phút vào năm 2022 (hiện chỉ khả dụng với các video được tải lên thay vì tạo trực tiếp trên ứng dụng).
Vốn được biết đến là mạng xã hội video ngắn, TikTok dường như đang ngày thay đổi cách tiếp cận của ứng dụng, có lẽ một phần là vì những giới hạn của video ngắn trong việc hiển thị quảng cáo (nguồn doanh thu chính của các nền tảng mạng xã hội), phần khác là do xu hướng video ngắn có thể trở nên không còn phù hợp trong tương lai.
Hiện phiên bản tiếng Trung của TikTok là Douyin đã mở rộng giới hạn tải lên lên tới 30 phút vào năm 2022.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Công ty mẹ của TikTok, ByteDance, vừa công bố ra mắt CapCut for Business, một phiên bản sửa và tạo video mới tập trung vào doanh nghiệp.
Công ty mẹ TikTok ra mắt CapCut for Business cho thương hiệu
Theo chia sẻ từ chính ByteDance, CapCut for Business là công cụ chỉnh sửa video cung cấp nhiều chức năng sáng tạo với mục tiêu giúp thương hiệu hay doanh nghiệp tạo ra những nội dung quảng cáo tốt hơn, xây dựng các video khuyến mãi, hoặc đơn giản là các video được tải lên tự nhiên một cách hiệu quả hơn v.v.
CapCut for Business là gì?
“Với CapCut for Business, các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể khai thác các giải pháp sáng tạo ở cấp doanh nghiệp để xây dựng, chỉnh sửa và mở rộng quy mô nội dung. Nó có thể tạo ra nhiều sự khác biệt cho thương hiệu trên các nền tảng kỹ thuật số.
Cho dù bạn đang điều hành một doanh nghiệp nhỏ hay là một người sáng tạo nội dung đang làm việc với các thương hiệu, CapCut for Business đều nhằm mục đích xóa bỏ các rào cản trong việc tạo ra những nội dung chất lượng cao.”
CapCut for Business theo đó có các tính năng sáng tạo nổi bật dưới đây:
Nội dung phác thảo về quảng cáo (Ad Script) – Hiện đã có sẵn trong TikTok Creative Center, trình tạo nội dung quảng cáo sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để đề xuất các ý niệm nội dung video dựa trên lời nhắc (yêu cầu được nhập vào hệ thống) của thương hiệu.
Mẫu doanh nghiệp – CapCut đã thêm một loạt các mẫu, bao gồm nhiều yếu tố được cấp phép thương mại khác nhau, để thương hiệu hay nhà sáng tạo có thể sử dụng.
Công cụ chuyển từ đường dẫn (URL) sản phẩm thành các nội dung quảng cáo – CapCut cho biết công cụ này có khả năng chuyển đổi các URL của sản phẩm hoặc trang đích của thương hiệu (Landing Page) thành các video quảng cáo hấp dẫn.
Các nhân vật AI – Thay vì sử dụng các nhân vật là con người thật, CapCut cũng cho phép doanh nghiệp tận dụng các nhân vật ảo được tạo ra bởi AI.
CapCut for Business cũng bao gồm các công cụ cộng tác để doanh nghiệp có thể chia sẻ ý tưởng với các thành viên khác một cách liền mạch và đơn giản hơn.
Trong khi CapCut vốn là một công cụ sáng tạo khá quen thuộc, các tùy chọn chỉnh sửa và tùy chỉnh nâng cao trong CapCut for Business sẽ giúp tạo ra những nội dung sinh động và có khả năng tương tác cao hơn nhiều.
Bạn có thể truy cập CapCut for Business mới thông qua ứng dụng CapCut trên máy tính để bàn, thiết bị di động hoặc máy tính bảng.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Meta, công ty mẹ của các nền tảng như Facebook, WhatsApp hay Instagram thông báo hiện đang thử nghiệm cách chia sẻ doanh thu mới cho các nhà sáng tạo dựa trên lượt xem tương tự như cách YouTube hay TikTok vẫn làm.
Meta thử nghiệm cách trả tiền mới cho nhà sáng tạo nhằm cạnh tranh với TikTok
Theo đó, Meta Platforms Inc. đang cung cấp cho những nhà sáng tạo nội dung trên Facebook và Instagram một cách kiếm tiền dựa trên số lượng người xem video của họ (Views-Based), đây được xem là hành động nhằm cạnh tranh trực tiếp với các nền tảng video khác như TikTok hay YouTube.
Trong một thông báo mới đây, Meta cho biết rằng nền tảng này hiện đang thử nghiệm mô hình thanh toán mới với ứng dụng video ngắn Reels. Cách chia sẻ doanh thu mới không chỉ dừng lại ở việc dựa trên doanh thu từ quảng cáo mà còn trực tiếp từ các lượt xem video.
Điều này cũng có nghĩa là Meta sẽ khuyến khích người sáng tạo đăng nhiều video nhiều hơn, trong đó ưu tiên các video giải trí vốn có được nhiều lượt xem hơn, đồng thời đây cũng là lý do khiến họ đầu tư nhiều hơn cho Reels.
Cũng theo báo cáo thu nhập của Meta, chỉ tính riêng trong quý 3 trong năm 2022, Meta đã tiêu tốn hơn 500 triệu USD cho các nhà sáng tạo nội dung (Content Creator).
Và với chiến lược chia sẻ doanh thu mới, khi các nhà sáng tạo có thể mang về nhiều lượt xem hơn và chia sẻ dựa trên hiệu suất có được, bản thân Meta cũng có thể giảm bớt được các khoản chi này.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Thuật toán phân phối nội dung của TikTok được coi là bí mật giúp nền tảng này “gây nghiện” cho người dùng. Cũng chính sự bí ẩn khiến cho những nhà quản lý gặp khó khi muốn hạn chế những nội dung độc hại dưới dạng video ngắn.
Thuật toán phân phối nội dung của TikTok là chiếc hộp đen bí ẩn
Số liệu của Statista cho thấy mỗi phút có hơn 500 giờ video được tải lên YouTube, 167 triệu giờ video được xem trên TikTok và 44 triệu giờ xem livestream trên Facebook. Trước lượng nội dung khổng lồ, các mạng xã hội lớn đối diện bài toán khó trong việc kiểm duyệt và loại bỏ nội dung độc hại.
Thuật toán phân phối của TikTok được coi là bí mật giúp nền tảng này “gây nghiện” cho người dùng. Cũng chính sự bí ẩn khiến cho những nhà quản lý gặp khó khi muốn hạn chế những nội dung độc hại dưới dạng video ngắn.
“TikTok được tải xuống và cài đặt dưới dạng ứng dụng trên smartphone. Như vậy nội dung được truy cập trực tiếp từ máy chủ TikTok bằng thiết bị của người dùng.
Điều này đồng nghĩa cơ quan quản lý khó có thể theo dõi, lọc và kiểm duyệt nội dung do giao thức HTTPS và thuật toán bảo mật SHA-256 (thuật toán băm bảo mật 256-bit) được áp dụng”, Tiến sĩ Sam Gounder, giảng viên cấp cao ngành Công nghệ thông tin, khoa Khoa học, Kỹ thuật & Công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định.
Khó kiểm duyệt video hiệu quả.
Dù tăng cường hệ thống quản lý, những vấn đề mà TikTok đang gặp cho thấy biện pháp kiểm duyệt nội dung trên nền tảng chưa thể đáp ứng số lượng video quá lớn. Ngoài ra, thuật toán phân phối nội dung gây nghiện trên TikTok cũng là câu hỏi lớn của chính phủ các nước.
Theo báo cáo thực thi tiêu chuẩn cộng đồng quý IV/2022 được TikTok công bố ngày 31/3, hơn 1,7 triệu video đã bị xóa, với tỷ lệ xóa chủ động chiếm 94,9%. Các biện pháp của TikTok gồm thuật toán tự động, nhân viên kiểm duyệt và đánh giá báo cáo từ cộng đồng.
Theo Cục PTTH&TTĐT, các biện pháp kỹ thuật để kiểm soát, rà quét nội dung xấu độc khó áp dụng trên nền tảng video như TikTok. Thuật toán được coi như cách “lách” công cụ rà quét, khiến việc xử lý lâu hơn.
TS Sam Goundar cho biết nhiều mạng xã hội đang áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy học và khoa học dữ liệu để tự động hóa khâu kiểm duyệt nội dung.
Tuy nhiên, hiệu quả khi áp dụng thuật toán cho nội dung đa phương tiện (như video) là vấn đề chung của nhiều nền tảng. Đó là lý do những công ty tuyển dụng rất nhiều người thanh lọc video. Dù vậy, tốc độ kiểm duyệt của con người không thể bắt kịp sự xuất hiện nhanh chóng của các nội dung mới.
“Chi phí sẽ rất cao nếu phải tuyển hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người để kiểm duyệt nội dung. Do đó, chúng ta cần trông cậy và tin tưởng vào công nghệ”, ông Goundar cho biết.
Theo nhận định của chuyên gia, AI, máy học, mạng neuron sâu và khoa học dữ liệu có thể được đào tạo để phát hiện nội dung gây hại trong video. Những chi tiết liên quan đến nội dung độc hại được trích xuất để đào tạo mô hình máy học, giúp chúng nhận biết khi phân tích các video tiếp theo.
“Mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên có thể được sử dụng để phân loại video dựa trên sự hiện diện của phát ngôn thù hận hay âm thanh có hại.
Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng mô hình thị giác máy tính để phát hiện hình ảnh thể hiện hành vi bạo lực, tự ngược đãi bản thân hay các video có hại khác”, ông Goundar nói thêm.
Tuy công nghệ có thể giúp ích, tiến sĩ cho rằng vẫn cần kết hợp đánh giá thủ công từ nhân viên kiểm duyệt, tham vấn chuyên gia tâm lý, đọc báo cáo từ người dùng và tham khảo hệ thống xếp hạng nội dung.
Yếu tố tác động thuật toán của TikTok.
Bên cạnh hiệu quả kiểm duyệt video, chuyên gia và chính phủ các nước còn đặt câu hỏi về thuật toán phân phối nội dung của TikTok. Ngay tại Việt Nam, việc sử dụng thuật toán tạo xu hướng bất chấp nội dung độc hại, phản cảm là một trong những sai phạm của nền tảng.
Theo TS Sam Goundar, thuật toán phân phối nội dung trên TikTok độc quyền và không được công khai. Dựa trên thông tin được chia sẻ bởi TikTok và các chuyên gia trong ngành, có một số yếu tố chung ảnh hưởng đến thuật toán phân phối nội dung của TikTok.
Các yếu tố gồm mức độ tương tác của người dùng (lượt thích, chia sẻ, nhận xét và theo dõi), thông tin video (phụ đề, âm thanh, hashtag), cài đặt của người dùng (vị trí, ngôn ngữ), tỷ lệ xem hết video và thời gian đăng tải. Song, thuật toán phân phối nội dung của TikTok liên tục phát triển và thay đổi dựa trên hành vi, phản hồi của người dùng.
“Hầu hết mạng xã hội khác cũng sử dụng thuật toán tương tự nhằm tiếp cận lượng người xem tối đa và gia tăng quảng cáo, bởi quảng cáo là cách kiếm tiền của các nền tảng này”, ông Goundar nói thêm.
Các chỉ trích liên quan đến thuật toán của TikTok chủ yếu liên quan đến tính minh bạch và công bằng. Ví dụ, việc thiếu minh bạch đến từ thuật toán độc quyền và không công khai, chưa công bằng do một số nội dung được đề xuất có nội dung thiên kiến.
Ngoài ra, thuật toán trên TikTok còn có “bong bóng lọc” (filter bubble), khiến nội dung được đề xuất phù hợp với sở thích và quan điểm tín ngưỡng của người dùng, dẫn đến sự thiếu đa dạng về quan điểm.
“Có trường hợp thuật toán TikTok thậm chí đẩy cao nội dung độc hại hoặc không phù hợp, chẳng hạn như video quảng bá chứng rối loạn ăn uống hoặc tự ngược đãi bản thân. Điều này làm dấy lên lo ngại về tính hiệu quả của thuật toán trong việc xác định và xóa nội dung độc hại.
TikTok đã có động thái giải quyết những vấn đề này, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo thuật toán công bằng và hiệu quả trong việc thúc đẩy môi trường an toàn, thân thiện”, ông Goundar nhận định.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo TikTok, nhà quảng cáo hay người làm marketing nên sử dụng chiến lược nội dung kết hợp giữa quảng cáo và không quảng cáo để thúc đẩy hiệu suất trên nền tảng.
Những dữ liệu mới của TikTok cho thấy cách các thương hiệu có thể hưởng lợi từ việc thêm nhiều nội dung tự nhiên (organic content) hơn vào chiến lược marketing của họ thay vì chỉ dựa vào các nội dung quảng cáo.
Trong khi các digital marketer có thể sử dụng quảng cáo để thúc đẩy nhanh lượng tương tác với các video trên nền tảng, TikTok cho biết người dùng rất muốn thấy các thương hiệu xuất bản những nội dung tự nhiên.
Theo TikTok:
“Một chiến lược tương tác liên tục hiệu quả là chiến lược sử dụng kết hợp cả những nội dung tự nhiên lẫn có trả phí để tương tác với khách hàng, đồng thời tận dụng lợi thế của các nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) để giúp các thương hiệu đạt được các mục tiêu kinh doanh.
Cách tiếp cận tích hợp này cho phép các thương hiệu trở nên năng động hơn, gắn kết hơn và hoạt động tích cực hơn trên nền tảng, những thứ có thể giúp khách hàng yêu thích, ghi nhớ và trung thành hơn.”
Để có thể làm rõ hơn về chiến lược này, dưới đây là những số liệu mà TikTok đưa ra:
1. 79% người dùng thích các thương hiệu hiểu TikTok.
TikTok nhận thấy rằng 79% người dùng thích các thương hiệu có thể cho người dùng thấy rằng họ hiểu cách sử dụng TikTok.
Đăng kết hợp nhiều kiểu nội dung là một cách để chứng minh với khách hàng tiềm năng rằng thương hiệu của bạn sử dụng TikTok để tương tác và kết nối thay vì chỉ quảng cáo.
2. Tăng gấp 2 lần ROAS.
TikTok cho biết việc kết hợp giữa các nội dung tự nhiên và có trả phí giúp tăng 2 lần ROAS (lợi nhuận có được trên chi tiêu quảng cáo) so với việc chỉ chạy quảng cáo.
Với các kiểu chiến dịch thử thách hashtag có thương hiệu (Branded Hashtag Challenges), TikTok cũng chứng kiến mức hiệu suất mang lại tương tự.
3. 1/3 người dùng TikTok bị ảnh hưởng bởi những nhà sáng tạo nội dung khác.
Ngoài việc chạy quảng cáo, có một cách khác để đưa thông điệp của thương hiệu đến với công chúng là hợp tác với những nhà sáng tạo nội dung khác.
Cứ ba người dùng TikTok thì có một người nói rằng họ được truyền cảm hứng để mua một thứ gì đó do các nhà sáng tạo giới thiệu.
4. Nhận thức thương hiệu tăng 173%
Đăng kết hợp các kiểu nội dung cũng giúp các thương hiệu tăng mức độ nhận biết hay nhận thức về thương hiệu (Brand Awareness).
TikTok đã đo lường mức tăng 173% về mức độ nhận biết thương hiệu sau 2 lần tiếp xúc với nội dung (tự nhiên và có trả phí) của một thương hiệu trên nền tảng.
5. Tăng 20% về mức độ thân thuộc với thương hiệu (Brand Affinity).
Những nội dung tự nhiên được cho là dễ tiếp nhận hơn sau khi xem các quảng cáo có trả phí, điều này dẫn đến mức độ thân thuộc với thương hiệu tăng 20%.
6. Tăng 27% mức độ ghi nhớ thương hiệu (Brand Recall).
Các nội dung tự nhiên có thể giúp tăng khả năng ghi nhớ hay hồi tưởng về thương hiệu lên tới 27% nếu chúng được xem trước khi xem quảng cáo.
7. Tăng 18% mức độ liên quan đến thương hiệu (Brand Relevance).
Các nội dung tự nhiên (Organic Content) sẽ trở nên có liên quan hơn đến người dùng sau khi họ đã xem các nội dung quảng cáo.
Dữ liệu của TikTok cho thấy mức tăng 18% đối với những người dùng nói rằng các nội dung tự nhiên của thương hiệu trở nên có liên quan hơn sau khi xem quảng cáo.
Về cơ bản, người dùng cũng dễ tiếp nhận quảng cáo hơn khi họ thấy một thương hiệu xuất bản cả những nội dung tự nhiên lẫn nội dung có trả phí.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Sau 4 tháng kiểm tra toàn diện TikTok tại Việt Nam, cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết luận nêu rõ hàng loạt vi phạm của nền tảng này như kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội, thông tin gây hại cho trẻ em…
Bộ TT& TT: Công bố hàng loạt vi phạm của TikTok tại Việt Nam
Chiều 5-10, tại cuộc họp thường kỳ tháng 10-2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử (PT-TH-TTĐT), Bộ TT-TT Lê Quang Tự Do cho biết từ ngày 22-5-2023, Bộ TT-TT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.
Đối tượng kiểm tra là 2 pháp nhân của TikTok tại Việt Nam gồm Văn phòng đại diện TikTok Pte. Ltd tại TP HCM (Văn phòng TikTok) và Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam (Công ty TikTok Việt Nam).
Nền tảng TikTok là dịch vụ xuyên biên giới được TikTok Pte. Ltd (còn gọi là Công ty TikTok Singapore) quản lý, vận hành, cung cấp vào Việt Nam thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok từ cuối năm 2017, trở nên phổ biến từ năm 2021.
Thời gian qua, hoạt động của nền tảng TikTok có tác động không nhỏ tới đời sống xã hội trong nước, trong đó có những hành vi vi phạm pháp luật, gây bức xúc dư luận.
Theo ông Lê Quang Tự Do, nội dung kiểm tra trọng tâm bao gồm việc chấp hành các quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho người sử dụng tại Việt Nam, việc chấp hành các quy định về quảng cáo, việc bảo vệ bản quyền tác giả và quyền liên quan.
Việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và việc thực hiện nghĩa vụ về thuế.
Sau khi kết thúc kiểm tra, xác minh trực tiếp tại trụ sở của Văn phòng TikTok và Công ty TikTok Việt Nam, đoàn kiểm tra tiếp tục thu thập, nghiên cứu các tài liệu liên quan, xác minh, tổ chức làm việc và yêu cầu các đối tượng kiểm tra bổ sung hồ sơ, tài liệu cần thiết để phục vụ cho công tác kiểm tra.
Đến ngày 29-9-2023, Bộ TT-TT đã ban hành kết luận về việc kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.
Kết quả kiểm tra cho thấy Văn phòng TikTok và Công ty TikTok Việt Nam không trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok. Việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam do TikTok Pte.Ltd (TikTok Singapore) trực tiếp quản lý, vận hành.
Còn đối với dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, do Văn phòng TikTok thực hiện thủ tục đăng ký thiết lập “Sàn giao dịch thương mại” thông qua ứng dụng TikTok theo ủy quyền của TikTok Singapore, nên theo quy định về thương mại điện tử, Văn phòng TikTok phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ này theo quy định của pháp luật Việt Nam.
TikTok Pte. Ltd (TikTok Singapore) tuy không phải là đối tượng kiểm tra nhưng lại là đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok.
Do vậy, TikTok Singapore là đơn vị chịu trách nhiệm về việc chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Đoàn kiểm tra sau đó đã xác lập được một số hành vi vi phạm của TikTok Singapore trong việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
“Các sai phạm nổi bật tại Việt Nam của TikTok bao gồm các hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội, về bảo vệ trẻ em và về hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử” – Cục trưởng Lê Quang Tự Do nói.
Đáng chú ý, về cung cấp dịch vụ mạng xã hội, về bảo vệ trẻ em, TikTok Singapore lưu trữ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam tại các máy chủ CDN tại Việt Nam.
Cụ thể, đó là thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội; thông tin gây hại cho trẻ em…
Quy trình kiểm duyệt nội dung của TikTok chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Cách thức phân phối, thuật toán đề xuất nội dung của TikTok dựa trên sự tương tác, sở thích, sự quan tâm của người dùng dễ dẫn đến việc nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam được lan truyền với tốc độ nhanh chóng, nếu được nhiều người dùng tương tác, quan tâm.
Điều đáng nói, TikTok không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em; không tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá phân loại theo mức độ an toàn cho trẻ em.
Hoạt động của TikTok vi phạm quy định tại Nghị định số 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, và quy định tại Nghị định 130/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
Nền tảng vẫn cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản dù là nền tảng mạng xã hội chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Trong 9 tháng đầu năm nay, Google, TikTok, Facebook… trực tiếp nộp thuế hơn 5.800 tỷ qua cổng thông tin điện tử, nhiều hơn mức nộp 3.500 tỷ đồng trong năm 2022.
Facebook, Gooogle và TikTok đã nộp thuế hàng ngàn tỷ trong 9 tháng đầu năm 2023
Theo số liệu của Tổng cục thuế, 67 nhà cung cấp nước ngoài gồm Meta (Facebook), Google, TikTok, Microsoft, eBay… đã đăng ký khai, nộp thuế hơn 5.800 tỷ đồng qua Cổng thông tin điện tử, tính từ đầu năm đến 20/9.
Từ tháng 3/2022, Cổng thông tin điện tử vận hành giúp nhà cung cấp nước ngoài có thể trực tiếp, khai nộp thuế trực tuyến. Trong năm ngoái, họ nộp thuế gần 3.500 tỷ đồng, gồm 1.850 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử và gần 1.630 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay.
Tổng cục thuế cho biết sẽ tiếp tục rà soát và đôn đốc những nhà cung cấp nước ngoài chưa đăng ký thuế và phối hợp các đơn vị khác nâng cấp Cổng thông tin điện tử.
Bên cạnh đó, ngành thuế cũng cho biết tính đến 18/9, có 350 sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin của hơn 191.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn với tổng giá trị giao dịch 44.500 tỷ đồng.
Thu ngân sách nhà nước do ngành thuế quản lý trong 9 tháng đầu 2023 kém hơn cùng kỳ năm ngoái. Ước tính, thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý đạt 1,05 triệu tỷ đồng, bằng 76% kế hoạch cả năm và giảm 5% so với cùng kỳ 2022.
Cụ thể, thu từ dầu thô ước đạt 46.000 tỷ đồng, vượt 10% với dự toán và giảm hơn 20% so với cùng kỳ. Thu nội đại ước đạt 1 triệu tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch và giảm 4% so cùng kỳ. 13 trên 20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với kế hoạch như thu từ doanh nghiệp nhà nước, thuế thu nhập cá nhân, phí – lệ phí; thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước…
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, X (Twitter cũ), Instagram… có thể bị xóa khỏi App Store trên iPhone tại Trung Quốc.
Trung Quốc có thể xoá Facebook, X hay Instagram khỏi App Store trên iPhone
Theo WSJ, Trung Quốc đã gửi yêu cầu cho Apple về việc phải tuân thủ các quy định về quản lý ứng dụng có nguồn gốc nước ngoài trên gian phần mềm App Store (dành cho iOS, iPadOS).
Từ nhiều năm qua, quốc gia đông dân nhất thế giới luôn siết chặt bộ lọc nội dung trên internet để ngăn người dùng trong nước truy cập vào một số trang web và ứng dụng của nước ngoài.
Để sử dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram, X, YouTube, WhatsApp hay dịch vụ Google, người kết nối internet nội địa Trung Quốc buộc phải dùng VPN (mạng ảo cá nhân).
Thống kê của công ty nghiên cứu Sensor Tower cho thấy trong khoảng 10 năm trở lại đây, có hơn 170 triệu lượt tải phần mềm mạng xã hội/nhắn tin nêu trên chỉ tính riêng tại Trung Quốc. Trong đó, Instagram có gần 54 triệu lượt kể từ năm 2012, Facebook là 37 triệu, YouTube 34 triệu, X là 33 triệu và xếp cuối với 13 triệu lượt tải là WhatsApp.
Với những quy định mới, tường lửa – công cụ ngăn truy cập với website, dịch vụ bị cấm của Trung Quốc sẽ được “trám” các lỗ hổng đang bị lợi dụng lâu nay.
Cụ thể, Apple không thể cung cấp dịch vụ từ nước ngoài nếu ứng dụng chưa được đăng ký với cơ quan quản lý. Nhưng việc đăng ký cũng không hề dễ dàng, theo đánh giá của giới chuyên gia, bởi liên quan đến vấn đề chuyển giao, kiểm duyệt dữ liệu. Nếu không muốn bị phạt, Apple buộc phải xóa ứng dụng khỏi App Store.
Quy định mới áp dụng cho tất cả doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trong cùng lĩnh vực, nhưng “táo khuyết” chịu ảnh hưởng lớn bởi có khoảng 1.000 phần mềm chưa được đăng ký. Cùng lúc, 2 doanh nghiệp nội địa là Huawei và Xiaomi đã cập nhật quy tắc, đồng thời kêu gọi nhà phát triển phần mềm hoàn tất việc đăng ký.
Nếu không thể đăng ký, Apple sẽ phải xóa rất nhiều ứng dụng trên kho phần mềm, một dịch vụ đang góp phần không nhỏ vào các chỉ số kinh doanh của hãng ở Trung Quốc.
Để hoạt động thuận lợi tại đây, Apple đã nhượng bộ không ít. Năm 2020, công ty Mỹ từng xóa hàng nghìn ứng dụng liên quan đến trò chơi điện tử.
Do đó, chuyên gia công nghệ Trung Quốc cho rằng Apple sẽ tiếp tục tuân thủ các quy định mới và trong tương lai, phần mềm của nhà phát triển nội địa sẽ chiếm ưu thế lớn tại App Store ở đây.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Công ty mẹ TikTok là ByteDance đã có lãi gần 6 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2023, gần gấp đôi so với năm trước khi công ty mạnh tay cắt giảm chi phí.
Công ty mẹ TikTok: Doanh thu đạt gần 24,5 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2023
Những nguồn tin có được về tình hình tài chính của ByteDance cho thấy, công ty đã xoay chuyển hoạt động kinh doanh theo hướng tốt hơn rất nhiều so với thời điểm năm 2021 khi họ thua lỗ 7 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong khi doanh thu của ByteDance tiếp tục mở rộng, tăng hơn 38% lên 85,2 tỷ USD trong năm 2022 thì tốc độ tăng trưởng doanh thu của công ty lại giảm so với cùng kỳ năm trước – thời điểm tăng tới gần 80%. Công ty tạo ra hơn 20 tỷ USD lợi nhuận hoạt động vào năm ngoái.
Cũng theo nguồn tin, cùng với tài liệu tài chính được gửi cho các nhân viên hiện tại và trước đây, Bytedance cũng đề nghị mua lại cổ phiếu từ các nhân viên hiện tại với giá 160 USD/cổ phiếu. Công ty cũng lưu ý rằng họ có 1,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ngụ ý định giá công ty ở mức 223,5 tỷ USD.
Con số này giảm gần 26% so với mức 300 tỷ USD từ một năm trước. “Chúng tôi có thể tự tin nói rằng công ty vẫn đang liên tục phát triển”, một người phát ngôn của ByteDance nói.
Là một công ty tư nhân có trụ sở tại Bắc Kinh, ByteDance luôn bảo mật tình hình tài chính của mình một cách thận trọng và không tiết lộ công khai.
Những con số kể trên được WSJ tìm hiểu được có con số cả năm 2021 và 2022 cũng như quý đầu tiên của năm 2023 chỉ cung cấp một phần nhỏ kết quả kinh doanh và kế hoạch của công ty trong tương lai.
Báo cáo cho thấy rằng ByteDance là một công ty đang tăng doanh thu nhanh chóng nhưng đồng thời cũng thực hiện những cắt giảm đáng kể trong chi phí marketing, quản trị và nghiên cứu.
Chi nhánh TikTok vào tháng 8 đã ra mắt TikTok Shop tại Mỹ. Một nguồn tin thân cận cho biết công ty hy vọng rằng những nỗ lực này có thể mang về nhiều doanh thu hơn.
ByteDance cũng đối mặt với hàng loạt những khó khăn khi đang tìm cách lôi kéo nhà đầu tư trở lại. Ngoài việc cạnh tranh với những công ty mạng xã hội ở Mỹ, tình hình chính trị không chắc chắn đã ngày một trở thành rủi ro chính trị lớn với họ.
Công ty vẫn đang cố gắng thuyết phục các nhà chức trách và cơ quan quản lý Mỹ cũng như ở các quốc gia khác rằng ứng dụng chia sẻ video TikTok của họ an toàn cho người dùng.
Các cơ quan quản lý đã bày tỏ lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể gây áp lực buộc TikTok phải cung cấp dữ liệu về người dùng hoặc sử dụng ứng dụng này để tuyên truyền, những lo ngại mà TikTok đã nhiều lần phủ nhận.
Chính trị gia và cũng là chuyên gia tài chính Jeff Yass – người thông qua công ty Susqehanna International Group cũng sở hữu một lượng cổ phần lớn ở ByteDace cũng nằm trong lực lượng yêu cầu ban hành lệnh cấm TikTok ở Mỹ.
TikTok cũng đang ngày một phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những đối thủ Mỹ. CEO Meta là Mark Zuckerberg nói vào tháng 7 rằng sản phẩm Reels của công ty cho tới nay đã thu về hơn 10 tỷ USD doanh thu, tăng từ mức 3 tỷ USD vào năm 2022.
Alphabet – công ty sở hữu Google thì nói vào tháng 7 rằng chi nhánh YouTube của họ hiện đang được xem bởi 2 tỷ người dùng mỗi tháng, tăng từ mức 1,5 tỷ USD 1 năm trước.
Doanh số đạt 85,2 tỷ USD vào năm 2022 của ByteDance ít hơn một chút so với mức 116,6 tỷ USD của Meta trong cùng giai đoạn. Snapchat báo cáo doanh thu 4,6 tỷ USD trong năm 2022, tăng 12% so với năm 2021. Pinterest thì báo cáo doanh thu 2,8 tỷ USD trong năm 2022, tăng 9% so với năm 2021.
Chi phí bán hàng của ByteDance trong năm 2022 đạt 37,7 tỷ USD, tăng hơn 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong số các chi phí tiến hành cách giảm của Bytedance có 14,8 tỷ USD chi phí bán hàng và tiếp thị, giảm so với mức 19,2 tỷ USD vào năm 2021; 8,7 tỷ USD chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, giảm từ 14,6 tỷ USD một năm trước và 4,5 tỷ USD chi phí chung và chi phí hành chính, giảm so với 8,3 tỷ USD vào năm 2021.
Doanh thu của ByteDance đạt gần 24,5 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2023, tăng gần 34% so với một năm trước đó. Tổng tài sản của công ty ở mức 95,5 tỷ USD vào tháng 3, tăng từ 87,6 tỷ USD vào tháng 12 và tăng từ mức 64,3 tỷ USD vào năm 2021.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo thông báo mới đây, tính năng mua sắm trực tuyến của mạng xã hội TikTok, TikTok Shop sẽ chính thức ngừng hoạt động tại thị trường Indonesia từ ngày mai 4/10.
TikTok Shop sẽ dừng hoạt động tại Indonesia từ ngày mai 4/10
Theo đó, TikTok Shop, tính năng mua sắm trực tuyến trong ứng dụng của mạng xã hội TikTok sẽ chính thức dừng hoạt động tại thị trường Indonesia từ ngày mai 4/10.
Đây chính là kết quả tồi tệ nhất đối với TikTok sau khi chính phủ Indonesia công bố các quy định thương mại mới nhất vào tuần trước, trong đó cấm các giao dịch thương mại điện tử trực tiếp (direct ecommerce) trên ứng dụng mạng xã hội.
Để có thể được tiếp tục kinh doanh, TikTok phải thành lập một nền tảng mới, xin giấy phép thương mại điện tử từ Bộ Thương mại của Indonesia và tạo một ứng dụng TikTok Shop riêng biệt với mạng xã hội TikTok.
Các quy định được đưa ra sau những lo ngại rằng TikTok Shop có thể đe dọa các MSME (doanh nghiệp vừa và nhỏ, và siêu nhỏ) địa phương của Indonesia thông qua các thuật toán (Algorithms) và chiến lược định giá mang tính săn mồi (cạnh tranh không lành mạnh về giá bán).
TikTok Shop cũng bị cho là nguyên nhân khiến doanh số bán hàng tại các thị trường truyền thống như trung tâm bán buôn Tanah Abang ở Jakarta sụt giảm.
Trước khi bị cấm, Indonesia là một trong những thị trường có mức đóng góp lớn nhất vào tổng giá trị hàng hóa (GMV) của TikTok Shop ở Đông Nam Á. Vào năm 2022, GMV của TikTok Shop tại đây là 2,5 tỷ USD – tương ứng 57% GMV (Gross Merchandise Volume) trong toàn khu vực (theo nghiên cứu của Momentum Works.).
TikTok Shop là gì?
TikTok Shop (TikTok Shopping) là nền tảng hay công cụ mua sắm trực tuyến có thể truy cập trực tiếp từ mạng xã hội TikTok. Nó cho phép những người bán, thương hiệu hay các nhà sáng tạo nội dung đăng tải sản phẩm và bán hàng trên TikTok.
Quá trình mua bán giữa người bán và người mua được thực hiện hoàn toàn trong ứng dụng (in-app shopping), tức người dùng không cần rời khỏi nền tảng để xem chi tiết thông tin về sản phẩm hay tiến hành thanh toán.
TikTok Shop hay còn được gọi là Cửa hàng TikTok lần đầu tiên được ra mắt vào tháng 11 năm 2022 với một số nhà bán lẻ được chọn tại thị trường Mỹ và Vương Quốc Anh, trước khi ra mắt rộng hơn tới các quốc gia khác trên toàn cầu.
Tính đến hiện tại, theo thông tin trực tiếp từ TikTok, TikTok Shop hiện có sẵn ở 9 quốc gia tại 3 vùng lãnh thổ khác nhau đó là Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo xác nhận của chính TikTok, mạng xã hội video này đang thử nghiệm gói xem TikTok có trả phí không xem quảng cáo (TikTok Ad-free subscription) với người dùng ngoài thị trường Mỹ.
TikTok Ad-free subscription: TikTok thử nghiệm gói đăng ký có trả phí không xem quảng cáo
Theo thông tin ghi nhận được, với 4,99 USD mỗi tháng, người đăng ký có thể trải nghiệm TikTok mà không phải xem quảng cáo.
Cũng theo xác nhận từ chính TikTok, nền tảng này đang thử nghiệm TikTok Ad-free subscription cho một nhóm người dùng ngoài Mỹ.
Không xem quảng cáo ở đây được cho là nền tảng sẽ không hiển thị các quảng cáo do TikTok phân phối và không bao gồm các chiến dịch Influencer Marketing hay tài trợ (sponsorships) từ những người có ảnh hưởng trên ứng dụng.
Trong khi phần lớn doanh thu của TikTok đến từ quảng cáo, thử nghiệm mới của TikTok chắc chắn sẽ gây ra không ít ý kiến, đặc biệt là từ các nhà quảng cáo vốn phụ thuộc nhiều vào TikTok.
Tuy nhiên, X (Twitter) hay Facebook cũng đang thử nghiệm tính năng có trả phí không xem quảng cáo tương tự.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Mạng xã hội TikTok vừa thông báo ra mắt trình trợ lý được hỗ trợ bởi AI (trí tuệ nhân tạo) mới (TikTok Creative Assistant), công cụ sẽ giúp nhà quảng cáo thu thập thêm insights và đưa ra đề xuất nhằm mục tiêu tối ưu hoá hiệu suất của chiến dịch quảng cáo.
TikTok Creative Assistant: TikTok ra mắt trình trợ lý sáng tạo AI mới
Là một sản phẩm của Trung tâm Sáng tạo TikTok (TikTok Creative Center), TikTok Creative Assistant có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu, đưa ra đề xuất, lên ý tưởng nội dung và tối ưu hoá hiệu suất của các chiến dịch quảng cáo.
TikTok Creative Assistant có thể giúp quá trình xây dựng nội dung (Content) trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bằng cách đóng vai trò như là trợ lý ảo sáng tạo của nhà quảng cáo. Bằng cách tận dụng những hiểu biết sâu sắc về nội dung của TikTok, công cụ có thể đề xuất các ý tưởng dựa trên dữ liệu một cách hiệu quả.
TikTok Creative Assistant hay Trợ lý sáng tạo TikTok là gì?
Trợ lý sáng tạo TikTok là một trợ lý ảo được hỗ trợ bởi công nghệ AI nơi thương hiệu có thể trò chuyện và làm việc cùng trong khi xây dựng và tối ưu các chiến dịch quảng cáo trên nền tảng TikTok.
Bằng cách khai thác các kiến thức sáng tạo dành riêng cho TikTok, công cụ có thể đảm bảo rằng thương hiệu luôn nhận được những đề xuất và hướng dẫn phù hợp nhất với mục tiêu cuối cùng là giúp nhà quảng cáo tạo ra các nội dung hấp dẫn và liên quan đến người dùng của mình.
Cũng tương tự như cách thức hoạt động của các chatbot AI như ChatGPT, TikTok Creative Assistant làm việc dựa trên các lời nhắc được nhập vào ví dụ:
“Tôi mới làm quen với việc xây dựng video trên TikTok. Bạn có thể gợi ý cho tôi các phương pháp hay nhất mà tôi cần biết trước khi bắt đầu là gì không?”
Với tư cách là các thương hiệu, bạn có thể sử dụng trình trợ lý sáng tạo của TikTok để:
Tìm kiếm các hướng dẫn về các phương pháp hay nhất giúp bạn bắt đầu hành trình của mình trên nền tảng.
Khi nghiên cứu về bối cảnh sáng tạo trên TikTok, bạn cũng có thể sử dụng công cụ để phân tích các quảng cáo đang hoạt động hiệu quả, sử dụng các nguồn dữ liệu có sẵn trên Creative Center và hơn thế nữa.
Khi “cạn” ý tưởng, công cụ cũng luôn sẵn sàng “động não” giúp bạn, hỗ trợ viết và tinh chỉnh các nội dung được nhập vào.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về trình trợ lý sáng tạo mới của TikTok tại Creative Assistant.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Mạng xã hội TikTok bị Ireland tuyên phạt 345 triệu euro vì vi phạm các đạo luật về quyền riêng tư liên quan đến dữ liệu cá nhân của trẻ em do EU ban hành.
TikTok bị phạt tới 345 triệu euro ở châu Âu
Theo Hãng tin Reuters ngày 15-9, Ủy ban bảo vệ dữ liệu Ireland (DPC) tuyên phạt mạng xã hội TikTok 345 triệu euro (370 triệu USD, khoảng 8.000 tỉ đồng) vì vi phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân của trẻ em Liên minh châu Âu (EU).
Cụ thể, trước 31-12-2020, TikTok đã đặt quyền riêng tư mặc định của các tài khoản dưới 16 tuổi là “công khai”. Phải đến tháng 1-2021, TikTok mới bắt đầu đặt chế độ mặc định cho đối tượng này là “riêng tư”. Điều này vi phạm Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của EU.
Bên cạnh đó, mạng xã hội này cũng buông lỏng việc xác nhận nhân thân phụ huynh hoặc người giám hộ của người dùng trẻ em khi thực hiện liên kết tài khoản bằng tính năng “Gia đình thông minh”.
Ngoài ra, TikTok còn vi phạm nhiều quy định khác liên quan đến bảo mật dữ liệu trẻ em của EU.
Đây là lần đầu tiên TikTok gặp rắc rối với DPC, tổ chức được xem là cơ quan quản lý hàng đầu của EU trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu.
Phản hồi về án phạt trên, một người phát ngôn của TikTok khẳng định công ty này không đồng tình với quyết định của DPC, đặc biệt là về mức tiền phạt.
TikTok cũng cho rằng hầu hết luận điểm chê trách đều không có giá trị vì mạng xã hội này đã có những biện pháp khắc phục từ trước khi cuộc điều tra của DPC bắt đầu hồi tháng 9-2021.
Theo quyết định của DPC, TikTok sẽ có ba tháng để tuân thủ các án phạt được tuyên.
Cơ quan này cũng đang tiến hành một cuộc điều tra khác liên quan đến nghi vấn TikTok gửi dữ liệu cá nhân người dùng về Trung Quốc và liệu mạng xã hội này có tuân thủ quy định của EU về việc đưa dữ liệu cá nhân ra các nước ngoài khối hay không.
Hồi tháng 3, DPC từng tuyên bố đang chuẩn bị dự thảo ban đầu về kết luận cho cuộc điều tra này.
Trong quá khứ, DPC từng điều tra và phạt nặng nhiều công ty công nghệ lớn, trong đó có 2,5 tỉ euro (2,66 tỉ USD) nhắm vào Meta, công ty mẹ của Facebook.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Có thể là TikTok, Facebook hay thậm chí là các trang web hẹn hò, những kẻ lừa đảo ngày càng giỏi tạo nội dung thu hút nạn nhân. Điều đó một phần được kích hoạt bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Trên TikTok, người dùng có thể thưởng thức rất nhiều loại nội dung, mỗi loại nội dung đều có sức hấp dẫn riêng. Từ xu hướng TikTok đến các video giải thích cho đến các meme hài hước, nội dung trên TikTok không chỉ có thể gây nghiện mà còn có sức ảnh hưởng.
Nhiều người dùng cố gắng bắt chước nội dung hiện có trên TikTok, đặc biệt đối với các video đã lan truyền hoặc trở thành xu hướng. Điều này về danh nghĩa là vô hại – nhưng một số nội dung lại gây hại cho người xem.
Vì vậy, TikTok đã đầu tư các công cụ để phát hiện và xóa những nội dung có hại đó. Nhưng việc xác định nội dung có hại vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt là khi những người sáng tạo liên tục tìm cách tránh bị thuật toán phát hiện và chặn.
Nguyên tắc cộng đồng dành cho nội dung của TikTok nêu rõ: “Nhằm đảm bảo trải nghiệm an toàn, đáng tin cậy và sôi động, chúng tôi duy trì một bộ Nguyên tắc cộng đồng bao gồm các quy tắc và tiêu chuẩn sử dụng TikTok. Các nguyên tắc này áp dụng cho mọi người và mọi thứ trên nền tảng của chúng tôi.
Nguyên tắc sẽ dựa trên các khuôn khổ pháp lý quốc tế, các phương pháp thực hành tốt nhất trong ngành và ý kiến đóng góp từ cộng đồng, các chuyên gia về an toàn và sức khỏe cộng đồng cũng như Hội đồng Cố vấn khu vực của chúng tôi.
Chúng tôi phát triển các nguyên tắc đó để giải quyết những rủi ro mới nổi và những tác hại tiềm ẩn có thể xảy ra từ những hành vi mới”.
Đồng thời, ứng dụng mạng xã hội có hơn 1,67 tỷ người dùng trên toàn thế giới này vẫn tiếp tục phải giải quyết các vấn đề pháp lý trên toàn thế giới.
Mỹ muốn cấm hoàn toàn TikTok do lo ngại ứng dụng này đang theo dõi người dùng và một số bang đã ra lệnh cấm. Một số quốc gia khác cũng đã có động thái chặn sử dụng ứng dụng này trên các thiết bị của chính phủ.
Nhưng điều này không ngăn cản gã khổng lồ truyền thông xã hội phát triển lượng người hâm mộ. Lượng fan đông đảo cũng mang đến cơ hội quảng cáo rất lớn cho doanh nghiệp. Theo thống kê, TikTok đã tạo ra 4 tỷ USD từ doanh thu quảng cáo, con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2024 và tăng gấp 4 lần vào năm 2026.
NHỮNG KẺ LỪA ĐẢO ĐANG TRÀN NGẬP NỘI DUNG TIKTOK
Với mức độ phổ biến mạnh mẽ, những kẻ lừa đảo đã tận dụng nền tảng này. Nội dung TikTok đã được chứng minh là có sức ảnh hưởng, đặc biệt là trong việc thu hút người dùng dùng thử sản phẩm mới hoặc thậm chí là đầu tư. Một số người dùng thậm chí còn thích nhận tin tức trên ứng dụng thay vì dựa vào các trang web tin tức thực tế.
Theo báo cáo của Bleeping Computer, TikTok gần đây đã chứng kiến sự gia tăng các chương trình quà tặng tiền điện tử giả. Các video có vẻ đang lợi dụng danh tiếng Elon Musk. Những trò lừa đảo này đã xuất hiện được một thời gian nhưng lại xuất hiện trở lại trên TikTok.
Khi người dùng lướt qua ứng dụng, một video deepfake về Musk nói về tiền điện tử sẽ xuất hiện. Trong khi hầu hết người dùng sẽ bỏ qua nó, một số người sẽ tiếp tục xem và thậm chí nhấp vào liên kết trên clip.
Báo cáo cũng cho biết những kẻ lừa đảo đã thiết lập hàng trăm trang web giả vờ là các trang web trao đổi tiền điện tử hoặc tặng quà để nhắc người dùng đăng ký tài khoản nhận tiền điện tử miễn phí. Tuy nhiên, những trò lừa đảo này chỉ đơn giản là đánh cắp thông tin, tiền bạc và người dùng không nhận được gì.
Cuối cùng, nạn nhân sẽ mất tiền khi họ cố gắng rút số tiền họ đã đầu tư vào vụ lừa đảo. Mặc dù không rõ số tiền thiệt hại do các vụ lừa đảo này là bao nhiêu, nhưng các báo cáo cho thấy ngày càng có nhiều nạn nhân rơi vào các phương thức lừa đảo như vậy trên TikTok.
TỪ TIKTOK ĐẾN X, NỘI DUNG LỪA ĐẢO CÓ Ở KHẮP MỌI NƠI
TikTok không phải là nền tảng truyền thông xã hội duy nhất tràn ngập nội dung lừa đảo. Các báo cáo cho thấy ngay cả X (Twitter) cũng chứa đầy các tweet tương tự, với mục đích lừa đảo người dùng đầu tư tiền của họ vào các vụ lừa đảo tiền điện tử.
Các ứng dụng hẹn hò cũng đang lừa nạn nhân rơi vào những trò lừa đảo như vậy. Một báo cáo gần đây của Sophos đã nêu bật một hoạt động lừa đảo sử dụng các nhóm giao dịch giả tiền điện tử để đánh cắp hơn 1 triệu USD.
Vụ việc bắt đầu từ việc một nạn nhân kết nối trên ứng dụng hẹn hò MeetMe với một kẻ lừa đảo. Sau nhiều tuần trò chuyện, kẻ lừa đảo vừa đưa ra những lời hứa lãng mạn vừa cố tình thuyết phục nạn nhân đầu tư vào tiền điện tử.
Nạn nhân đã mở một tài khoản Trust Wallet (một ứng dụng hợp pháp để chuyển đổi USD sang tiền điện tử) và kết nối với trang web nhóm thanh khoản mà kẻ lừa đảo đã đề xuất.
Trên thực tế, trang web này là một trang web lừa đảo sử dụng thương hiệu Allnodes, một nhà cung cấp nền tảng tài chính phi tập trung có uy tín, làm vỏ bọc. Sau khi đầu tư 22.000 USD vào kế hoạch này, những kẻ lừa đảo đã lấy sạch ví kỹ thuật số của nạn nhân.
Vào năm 2022, Sophos đã theo dõi hàng chục trang web ‘nhóm thanh khoản’ lừa đảo này và hiện họ đã phát hiện có hơn 500 trang web.
NHỮNG KẺ LỪA ĐẢO NGÀY CÀNG GIỎI SÁNG TẠO NỘI DUNG
Có thể là TikTok, Facebook hay thậm chí là các trang web hẹn hò, những kẻ lừa đảo ngày càng giỏi hơn trong việc phát triển nội dung thu hút nạn nhân.
Điều đó một phần được kích hoạt bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Các công cụ AI sáng tạo ngày nay có thể giúp những kẻ lừa đảo không chỉ tạo ra các email lừa đảo hoàn hảo mà còn tạo ra nội dung có vẻ chân thực.
Đối với các ứng dụng hẹn hò, AI có thể được sử dụng để tạo ra các tính cách và thậm chí đưa ra những câu trả lời lãng mạn để thu hút nạn nhân. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là việc sử dụng công nghệ deepfake.
Những kẻ lừa đảo có thể giả mạo hình ảnh của người thật và sử dụng chúng để săn lùng nạn nhân. Elon Musk chỉ là một ví dụ về hành vi lừa đảo trên mạng xã hội TikTok. Đối với các trang web hẹn hò, những kẻ lừa đảo có thể sử dụng ảnh hồ sơ deepfake và thậm chí sử dụng AI để tạo ra nhân cách nhằm thuyết phục nạn nhân mắc bẫy.
TikTok có thể đang cố gắng xóa những nội dung như vậy, nhưng với công nghệ ngày càng trở nên tốt hơn, có thể phải mất một thời gian nữa để ứng dụng này thực sự phát hiện được các nội dung giả mạo sâu trên trang web của mình.
Điều tương tự cũng xảy ra với các trang web hẹn hò.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
TikTok vừa thông báo ra mắt TikTok Keyword Insights, một công cụ nghiên cứu và phân tích từ khoá, là một trong những chìa khoá quyết định sự thành công của các chiến dịch Digital Marketing trên TikTok.
TikTok ra mắt TikTok Keyword Insights cho Digital Marketer
Là một phần trong bộ công cụ hỗ trợ sáng tạo trên nền tảng (TikTok Creative Center), TikTok Keyword Insights là vừa mới được TikTok ra mắt là công cụ nghiên cứu và phân tích keyword hay từ khoá với mục tiêu giúp các nhà quảng cáo khám phá các từ khóa hay cụm từ đang mang lại hiệu suất cao với quảng cáo TikTok.
Những người làm marketing có thể sử dụng công cụ này để khám phá danh sách các từ khóa đang thịnh hành, những từ có thể xuất hiện trong âm thanh, lớp phủ văn bản hoặc chú thích quảng cáo.
Giao diện chính của TikTok Keyword Insights
Như bạn có thể thấy qua hình chụp ở trên, chỉ cần nhập một từ khoá bất kỳ vào thanh tìm kiếm, bạn có thể bắt đầu thu thập những dữ liệu có liên quan, bạn cũng có thể thu hẹp kết quả tìm kiếm của mình theo khu vực, ngành hàng, mục tiêu quảng cáo, loại từ khóa và khung thời gian.
TikTok Keyword Insights cho phép bạn phân tích hiệu suất của các từ khóa trong khung thời gian đã chọn, CTR (tỷ lệ nhấp chuột vào quảng cáo) trung bình của các quảng cáo TikTok có sử dụng từ khoá đó.
Bạn có thể nhấp vào nút Chi tiết (Details) ở ngoài cùng bên phải của trang kết quả tìm kiếm để xem các video cụ thể có chứa từ khóa đó.
TikTok Keyword Insights cũng sẽ cho bạn biết cách các nhà quảng cáo đưa cụm từ khoá vào nội dung quảng cáo, cho dù là trong một đoạn âm thanh thuyết minh, văn bản quảng cáo hay lớp phủ văn bản, kèm với đó là mức độ hiệu quả của những quảng cáo đó.
Ngoài các công dụng liên quan đến phân tích từ khoá, công cụ mới này cũng còn là một cách tuyệt vời khác để các nhà quảng cáo TikTok tối ưu nội dung quảng cáo, chỉnh sửa hoặc thêm mới một số nội dung có thể mang lại hiệu quả cao.
Bạn có thể truy cập TikTok Keyword Insights ngay tại đây
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hàng trăm nghìn sản phẩm giá rẻ của TikTok sẽ được trợ giá giảm tiếp tới 50% trong ngày Thứ sáu đen (Black Friday) tới đây.
TikTok công bố ra mắt chương trình “Black Friday”
Tờ Bloomberg đưa tin, TikTok có kế hoạch đưa ra các chương trình giảm giá mạnh cho kỳ nghỉ lễ trong một chiến dịch kéo dài một tháng sẽ bắt đầu vào cuối tháng 10.
Ứng dụng mạng truyền thông xã hội này đang thực hiện chiến lược nhằm mục đích thu hút những người mua sắm bị ảnh hưởng bởi lạm phát đến nền tảng mua sắm trực tuyến mới của mình. Đồng thời việc này cũng là để thực hiện cú đánh đầu tiên trong cuộc chiến giá cả với các đối thủ cạnh tranh lâu đời là Amazon.com Inc. và Walmart Inc.
Cụ thể, TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance Ltd. có trụ sở tại Bắc Kinh, sẽ tổ chức các buổi đào tạo vào tuần tới với các người bán hàng trên nền tảng của mình.
Theo các tài liệu, họ đang đề nghị trợ cấp giảm giá tới 50% để lôi kéo người bán tham gia vào chương trình Black Friday, bắt đầu từ ngày 27/10 và kéo dài đến ngày 30/11. Người phát ngôn của TikTok đã xác nhận kế hoạch này.
Công ty đang đặt cược rằng kỳ nghỉ lễ bận rộn nhất trong năm – khi người mua sắm ở Mỹ dự kiến sẽ chi tới 284 tỷ USD – sẽ là thời điểm quan trọng để làm nổi bật với các chương trình giảm giá, buộc người mua sắm phải chi tiền trên nền tảng mới của họ vốn vừa ra mắt gần đây ở Mỹ.
Ứng dụng phổ biến này chủ yếu được biết đến nhờ các video ngắn, có tính lan truyền cao và có hơn 150 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở Mỹ.
TikTok đã ra mắt nền tảng Shop tại Mỹ trong tuần này, tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh thương mại vốn là nguồn tăng trưởng doanh thu mới hứa hẹn nhất của công ty.
Theo thông tin có được, TikTok đặt mục tiêu bán được 20 tỷ USD hàng hóa (GMV) trên nền tảng này trên toàn cầu trong năm nay.
Một số thương nhân được mời thử nghiệm bán hàng cho người tiêu dùng Mỹ vào đầu năm nay cho biết các chiến dịch video trên TikTok giúp tăng doanh số bán hàng trên trang này cũng như trên các trang web cạnh tranh như Amazon và Walmart, nơi người mua sắm ở Mỹ quen với việc mua sắm hơn.
Các khoản giảm giá mạnh – do TikTok tài trợ – có thể giúp người mua sắm ở Mỹ trở nên quen thuộc hơn với việc tiêu tiền trực tiếp thông qua ứng dụng.
Theo một cuộc khảo sát người mua hàng của United Parcel Service Inc, những ngày giảm giá phổ biến như Black Friday và Cyber Monday dự kiến sẽ đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong kế hoạch nghỉ lễ của người mua sắm năm nay, vì những người tiêu dùng đang bị lạm phát cản trở sẽ đặc biệt bị thu hút bởi các giao dịch mua sắm giá rẻ.
TikTok sẽ bắt đầu đợt giảm giá dành riêng cho Black Friday lúc 8 giờ tối, theo giờ New York vào ngày 23/11. Chương trình giảm giá Cyber Monday sẽ diễn ra từ ngày 28/11 đến ngày 30/11.
Ứng dụng này đã được người tiêu dùng biết đến như một nơi dành cho các sản phẩm giá rẻ – nhiều sản phẩm trong số đó đến từ Trung Quốc. Công ty cung cấp miễn phí vận chuyển và phiếu giảm giá 20% cho người dùng trước khi giới thiệu tab mua sắm được chỉ định.
Người phát ngôn của TikTok cho biết vào tuần trước: “Có hơn 200.000 thương nhân Mỹ đã được xác minh trên TikTok Shop đang bán các sản phẩm hợp pháp – bao gồm hơn 150.000 sản phẩm làm đẹp đã được xác thực thông qua quy trình của chúng tôi và đại diện cho một số tên tuổi lớn nhất trong ngành kinh doanh làm đẹp”.
Nguồn: Bloomberg
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Báo cáo của Momentum Works dự đoán thị phần của TikTok Shop trong năm 2023 ở thị trường Đông Nam Á sẽ ngang ngửa Tokopedia và chỉ kém đôi chút so với Lazada.
TikTok Shop có thể là sàn thương mại điện tử lớn thứ 4 Đông Nam Á về thị phần trong năm 2023
TikTok Shop, tính năng mua sắm trực tuyến trong ứng dụng xem video ngắn TikTok, được dự đoán sẽ chiếm 13,2% thị phần thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á trong năm nay, theo một nghiên cứu từ công ty theo dõi dữ liệu thị trường Momentum Works.
TikTok Shop đặt mục tiêu tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) đạt 15 tỷ USD trong năm 2023. Đây là con số tăng đáng kể so với những gì TikTok Shop đạt được trong năm 2022 (4,4 tỷ USD), theo báo cáo của Momentum Works.
Theo Tech in Asia, nếu TikTok Shop đạt được mục tiêu đề ra, thị phần của sàn thương mại điện tử này trong khu vực sẽ xấp xỉ với với Tokopedia, ước tính là 13,9% và kém đôi chút so với Lazada, ước tính đạt 17,7% trong năm nay.
Những sản phẩm bán chạy nhất trên TikTok Shop là các sản phẩm thuộc danh mục chăm sóc sắc đẹp và đồ dùng cá nhân, chiếm khoảng 70% tổng GMV. Theo báo cáo, các thương hiệu làm đẹp sẽ tiếp tục là những sản phẩm chủ đạo được bán trên TikTok Shop trong năm nay.
Weihan Chen, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tại Momentum Works, tin rằng TikTok Shop có thể là một đối thủ nặng ký đối với các sàn thương mại điện tử khác trong khu vực Đông Nam Á.
Shopee, sàn thương mại điện tử mà Momentum Works ước tính sẽ chiếm 46,5% thị phần thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á năm 2023, đã bày tỏ sẽ tập trung nhiều hơn vào tính năng livestream. Điều này sẽ khiến Shopee phải cạnh tranh gay gắt hơn với TikTok bởi livestream từ lâu đã là tính năng chủ đạo trên TikTok Shop.
Trong buổi họp công bố báo cáo tài chính quý II, CEO Forrest Li của Sea (công ty mẹ Shopee) đã xác nhận điều này. “Chúng tôi đã bắt đầu và sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào phát triển mảng kinh doanh thương mại điện tử.
Những khoản đầu tư như vậy sẽ có tác động tới lợi nhuận của doanh nghiệp và có thể khiến Shopee nói riêng cũng như Sea nói chung, thua lỗ ở một số thời điểm nhất định”, Chủ tịch Forrest Li chia sẻ.
Nhận xét của ông Forrest Li được đưa ra khi Shopee phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ cả những đối thủ cũ như Lazada, Tokopedia,… lẫn các đối thủ mới tiềm năng như TikTok Shop của ByteDance.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo một chia sẻ mới đây liên quan đến việc đo lường hiệu suất quảng cáo, TikTok cho biết phương pháp phân bổ quảng cáo truyền thống không đánh giá được hiệu quả của quảng cáo TikTok.
TikTok: Phương pháp phân bổ quảng cáo truyền thống không đánh giá được hiệu quả của quảng cáo TikTok
Về tổng thể, TikTok nói rằng các mô hình phân bổ theo lượt nhấp cuối cùng (last-click attribution) không thể đánh giá được đầy đủ về tác động của quảng cáo TikTok (TikTok Ads), vì người dùng TikTok có xu hướng đắm chìm trong trải nghiệm xem trong luồng (in-stream), họ ít có khả năng nhấp trực tiếp hơn.
Tuy nhiên, mặc dù không tương tác trực tiếp, họ vẫn tìm kiếm những thương hiệu mà họ từng tiếp xúc (và quan tâm) trong ứng dụng, ảnh hưởng của TikTok về mặt này lớn hơn nhiều so với những gì bạn có thể nghĩ.
Thông qua các nghiên cứu khác nhau, TikTok phát hiện ra rằng phân bổ lượt nhấp cuối cùng (last-click attribution) đánh giá thấp các lượt chuyển đổi của TikTok tới 73%, trong khi 79% giao dịch mua hàng do TikTok thúc đẩy không được ghi lại trên chiến dịch quảng cáo.
TikTok cho biết việc bật cả phương thức phân bổ theo lượt xem qua (view-through) và theo lượt nhấp qua (click-through) cho các chiến dịch quảng cáo TikTok sẽ có thể cung cấp thêm nhiều thông tin chi tiết chính xác hơn, đồng thời giúp các quảng cáo chuyển qua giai đoạn tìm hiểu (learning phase) nhanh hơn.
Theo TikTok:
“Để đánh giá được giá trị tổng thể do TikTok mang lại, chúng tôi khuyên bạn nên tận dụng cả khoảng thời gian phân bổ theo lượt nhấp qua và lượt xem qua.
TikTok hiện cung cấp các khoảng thời gian phân bổ theo lượt xem qua là 1 ngày, 7 ngày, 14 ngày và 28 ngày cũng như các tùy chọn phân bổ theo lượt nhấp qua là 1 ngày, 7 ngày và không có tuỳ chọn tắt phân bổ theo lượt xem qua.”
TikTok cũng gợi ý rằng các nhà quảng cáo nên sử dụng khoảng thời gian phân bổ dài hơn để nắm bắt được nhiều sự kiện hơn trong báo cáo chiến dịch quảng cáo, đồng thời khuyên các nhà quảng cáo không nên thay đổi quảng cáo trước khi có đủ thời gian để đánh giá được hiệu suất quảng cáo (thời gian quảng cáo học hỏi và tối ưu).
TikTok cũng lưu ý rằng nhà quảng cáo sẽ cần thử nghiệm nhiều cách tiếp cận khác nhau trước khi tìm được phương pháp tiếp cận quảng cáo phù hợp với thương hiệu của mình.
Các tùy chọn như mức tăng chuyển đổi (conversion lift) và lập mô hình kết hợp (Media Mix) có thể cung cấp các cấp độ hiểu biết khác nhau về dữ liệu từ đó giúp thương hiệu có thêm thông tin cho chiến lược tổng thể.
Về cơ bản, TikTok nói rằng, dựa trên cách mọi người sử dụng ứng dụng, việc sử dụng mô hình đo lường quảng cáo truyền thống sẽ không hiệu quả và bạn sẽ cần mở rộng các phương pháp theo dõi của mình nếu bạn thực sự muốn hiểu các chiến dịch quảng cáo TikTok của mình đang thúc đẩy ra sao tới những hành động của khách hàng.
Bạn có thể xem thêm về chia sẻ của TikTok về mô hình phân bổ quảng cáo tại đây.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Sau một thời gian thử nghiệm, TikTok hiện đã chính thức ra mắt tính năng mua sắm trực tuyến tại thị trường Mỹ.
TikTok chính thức ra mắt tính năng thương mại điện tử tại Mỹ
Theo một bài đăng trên blog, TikTok thông báo đã chính thức triển khai hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (eCommerce) của mình tại Mỹ sau nhiều tháng thử nghiệm.
Động thái của công ty mẹ ByteDance được cho là muốn tận dụng sự phổ biến của ứng dụng mạng xã hội video ngắn TikTok để thúc đẩy doanh số thương mại xã hội (Social Commerce) tại Mỹ.
Với tính năng mới, người dùng Mỹ hiện có thể tiến hành mua sắm trực tuyến thông qua một loạt tính năng trong ứng dụng mạng xã hội TikTok, các nền tảng mua sắm trực tuyến như Shein hay Temu giờ đây đều là đối thủ của TikTok.
Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là thị trường lớn của TikTok với hơn 150 triệu người dùng, bằng cách cho phép các nhà sáng tạo nội dung, thương hiệu hay người bán (TikTok Seller) xây dựng những nội dung kèm các liên kết có thể mua sắm được, TikTok có thể thúc đẩy người dùng mua sắm trực tiếp trong khi họ đang trải nghiệm nguồn cấp dữ liệu trong ứng dụng của mình.
Các tính năng mới trên TikTok tại Mỹ sẽ bao gồm tab cửa hàng, nơi các doanh nghiệp có thể trưng bày sản phẩm của mình, các giải pháp khác như kho vận và thanh toán sẽ do chính TikTok cung cấp.
Thị trường trực tuyến của TikTok hiện đã có mặt ở các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Singapore và Vương quốc Anh.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Mặc dù chứng kiến mức tăng kỷ lục về tỷ lệ sử dụng trong quý 2/2023, TikTok Shop vẫn không phải nền tảng được ưa thích nhất của phần lớn người tiêu dùng Việt Nam.
Mặc dù phổ biến, TikTok Shop lại ít nhận được sự yêu thích từ phía người dùng
Decision Lab – đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam cùng Hiệp hội Tiếp thị Di động Việt Nam (MMA) mới đây công bố báo cáo “Người tiêu dùng số – The Connected Consumer” quý 2/2023, trong đó cho thấy tình hình sử dụng các nền tảng thương mại điện tử (E-commerce) của người tiêu dùng Việt.
Một trong những điểm đáng chú ý là tỷ lệ sử dụng TikTok Shop quý 2/2023 đã tăng kỷ lục 16 điểm phần trăm so với quý 1/2023, lên 33%. Như vậy, lượng người mua sắm online tại Việt Nam thông qua TikTok Shop của TikTok chỉ còn kém vị trí thứ 3 là Facebook 1%.
Quý 2/2023 tiếp tục đánh dấu mạch tăng trưởng liên tục hàng quý về tỷ lệ sử dụng của TikTok Shop. Kể từ khi ra mắt tại Việt Nam vào quý 1/2022, tính đến quý 1/2023, tỷ lệ sử dụng nền tảng này đã tăng đều đặn khoảng 5 điểm phần trăm sau mỗi 3 tháng.
Bất chấp đà tiến “thần tốc” của TikTok Shop, Shopee vẫn bỏ xa các đối thủ trong cuộc đua thương mại điện tử. Tỷ lệ sử dụng nền tảng này đạt tới 81% trong quý 2/2023, tạo khoảng cách đáng kể so với vị trí thứ 2 là Lazada (58%). So với quý trước, tỷ lệ sử dụng Shopee tăng nhẹ, trong khi Lazada bị giảm.
Xét về mức độ yêu thích, Shopee cũng giữ vững “ngôi vương” với 56% đáp viên của Decision Lab và MMA lựa chọn đây là nền tảng họ sử dụng thường xuyên nhất khi mua sắm online, tăng 4% so với quý 1/2023. Lazada đạt tỷ lệ 20%, giảm 2% so với quý trước và Facebook đạt 7%, giảm 2%.
Như vậy, mặc dù tỷ lệ sử dụng tăng trưởng ấn tượng, TikTok Shop vẫn chỉ đứng thứ 4 trong danh sách nền tảng mua sắm online ưa thích của người tiêu dùng Việt.
Đề xuất tăng cường quản lý việc livestream trên mạng xã hội.
Thứ được coi là “vũ khí” giúp TikTok Shop ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng là hình thức bán hàng qua livestream, nhờ lợi thế xuất phát điểm là một nền tảng video. Theo khảo sát của nền tảng phân tích dữ liệu E-commerce Metric, 62% đáp viên tại Việt Nam cho biết mục đích xem livestream của họ là mua sắm, 38% dành 1-3 giờ mỗi tuần để xem livestream.
Đáng chú ý, có tới 18% nói rằng họ dành 3-5 giờ và 7% dành 5-7 giờ. Về thời gian trung bình xem livestream mỗi phiên, 34% đáp viên cho biết họ thường xem 15-30 phút, 27% xem 5-15 phút và 25% xem 30 phút-1 giờ.
Tuy nhiên, trong một hội thảo hôm 8/9, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã đề xuất bổ sung quy định quản lý đối với tính năng livestream, dựa trên ảnh hưởng của hình thức này tới xã hội.
Theo đó, Bộ đề xuất chỉ các mạng xã hội có Giấy phép mạng xã hội (đối với tổ chức, DN trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ TT&TT (đối với tổ chức, DN nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ livestream. Các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.
Hiện GMV của TikTok Shop đang đứng vị trí thứ 2 sau Shopee, cao hơn Lazada và Tiki.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Không chỉ Gen X, TikTok còn chứng minh sức hút đối với cả Gen Y và Gen Z khi tỷ lệ sử dụng TikTok tăng đáng kể ở hai thế hệ này trong quý 2/2023, lên lần lượt 71% và 81%.
Một bộ phận Gen X hết thích Zalo và hứng thú với TikTok
Decision Lab – đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam cùng Hiệp hội Tiếp thị Di động Việt Nam (MMA) vừa công bố báo cáo “Người tiêu dùng số – The Connected Consumer” quý 2/2023, trong đó cho thấy tình hình sử dụng mạng xã hội của người dùng Việt.
Về tổng quan, 3 nền tảng được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam là Facebook, Zalo và Youtube đều ghi nhận mức giảm nhẹ so với quý 1/2023, đạt tỷ lệ sử dụng lần lượt là 92%, 89% và 89%.
Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng TikTok tăng từ 63% lên 66%. Nhìn vào biểu đồ có thể thấy đà phát triển mạnh mẽ của nền tảng chuyên về video ngắn này.
Xét theo độ tuổi, Decision Lab chỉ ra rằng tỷ lệ sử dụng mạng xã hội của Gen X (những người sinh từ năm 1965 – 1980) đã sụt giảm ở tất cả các nền tảngtrong quý 2/2023. Đặc biệt ở Zalo – nền tảng được thế hệ này sử dụng nhiều nhất ở quý 1/2023 đã giảm 13%.
Đối với Facebook – mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam, tỷ lệ sử dụng ở Gen Y (những người sinh từ năm 1981 – 1996) trong quý 2/2023 là 95%, Gen Z (những người sinh từ năm 1997 trở về sau) là 96%, còn Gen X chỉ đạt 86%.
Tuy nhiên, Decision Lab tiết lộ điểm thú vị là Gen X đang tìm thấy niềm vui ở TikTok.
“Họ yêu thích nền tảng này hơn ở mọi lĩnh vực. Trong nhóm video giải trí, tỷ lệ ưa thích của Gen X dành cho TikTok tăng 5%. Họ cũng theo kịp xu hướng cập nhật nhạc qua TikTok, với mức độ ưa thích tăng 3%”, Decision Lab cho hay.
Không chỉ Gen X, TikTok còn chứng minh sức hút đối với cả Gen Y và Gen Z khi tỷ lệ sử dụng TikTok tăng đáng kể ở hai thế hệ này trong quý 2/2023, lên lần lượt 71% và 81%.
Dường như không thể phủ nhận “sức nóng” và tầm ảnh hưởng của TikTok hiện nay, đặc biệt sau khi nền tảng này tích hợp chức năng TikTok Shop và phát triển thương mại điện tử.
Chính thức xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào tháng 4/2022, TikTok Shop ngay lập tức thừa hưởng 49,9 triệu người dùng TikTok, hiện đã vượt Lazada để trở thành sàn thương mại điện tử có số lượng nhà bán hàng (TikTok Seller) hoạt động trong tháng cao thứ 2 thị trường, chỉ sau Shopee.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Nhằm mục tiêu hỗ trợ các marketer trong việc tối ưu hoá các chiến dịch quảng cáo, TikTok vừa chia sẻ một số lý thuyết nền tảng về cách xây dựng nội dung quảng cáo, cách tiếp cận khách hàng mục tiêu và hơn thế nữa.
TikTok chia sẻ một số lý thuyết nền tảng về quảng cáo
Theo đó, thông qua chia sẻ mới, TikTok cung cấp một loạt các chiến thuật và kiến thức nền tảng về quảng cáo và cách tối ưu chiến dịch quảng cáo trên TikTok (TikTok Ads).
Trước hết, hướng dẫn chia sẻ một số thông tin cơ bản về kinh doanh:
Để có thể thành công trong việc xây dựng niềm tin với thương hiệu và thúc đẩy hành động, người làm marketing cần tự trả lời các câu hỏi sau:
Khách hàng thực sự của bạn là ai?
Nỗi đau của họ là gì?
Bằng cách nào các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu của khách hàng?
Các sản phẩm và dịch vụ đó giải quyết các vấn đề mà khách hàng đang gặp phải trong những tình huống hay bối cảnh cụ thể như thế nào?
Bằng cách nào thương hiệu có thể truyền tải thông điệp thương hiệu một cách hiệu quả?
Những câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ quyết định chiến lược sáng tạo và quảng cáo của thương hiệu.
Tiếp đó, TikTok chia sẻ một số thông tin về cách đi sâu hơn vào cái gọi là điểm bán hàng độc đáo (USP) của thương hiệu để tối đa hóa sức ảnh hưởng của các chiến dịch quảng cáo.
Theo TikTok, USP hay Unique Selling Point là các lợi ích cụ thể mà sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp có trong khi đối thủ thì không. USP theo đó là sự pha trộn giữa 3 yếu tố là sản phẩm của doanh nghiệp mạnh nhất ở điểm nào + cách các sản phẩm đó tạo ra lợi ích cho khách hàng + đối thủ cạnh tranh (cùng phân khúc) đang thiếu điều gì.
TikTok cũng chia sẻ về cách các nhà sáng tạo nội dung hay thương hiệu có thể xây dựng nội dung cho các video trên TikTok.
Một video hiệu quả trên TikTok cần có 3 yếu tố là nỗi đau (pain points), giải pháp tới các nỗi đau đó và tận dụng yếu tố nội dung xu hướng (trendy content).
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Nhiều người cho rằng mạng xã hội đang mất dần tính “xã hội”, vì vậy họ ngại đăng bài và tìm đến các ứng dụng nhắn tin để thay thế.
Người dùng ngày càng ít đăng bài lên mạng xã hội
Theo các nhà sáng tạo nội dung, thay vì ảnh đời thường, mạng xã hội hiện nay hướng người tham gia tới những nội dung chuyên nghiệp hóa. Blogger với kỹ năng chỉnh sửa điêu luyện có thể tạo ra sản phẩm thu hút khán giả, từ đó kiếm tiền nhờ hợp đồng quảng cáo.
Đội ngũ điều hành nền tảng cũng khuyến khích sự phát triển của blogger bằng các chương trình ưu đãi. Dù vậy, xu hướng này khiến nhóm người dùng phổ thông cảm thấy bị bỏ rơi.
Theo BI, không chỉ Instagram, nhiều nền tảng khác đang khiến người dùng chán nản. Họ tìm đến các ứng dụng nhắn tin theo nhóm để thoải mái trò chuyện mà không lo bị phán xét.
Adam Mosseri, Giám đốc điều hành Instagram, cũng xác nhận tình trạng này. Ông cho rằng chỉ KOL và các nhà sáng tạo nội dung mới thường xuyên chia sẻ nội dung dưới dạng công khai.
Những người dùng còn lại thường sử dụng tin nhắn hoặc đăng bài dưới dạng riêng tư. Điều này khiến mạng xã hội không thể duy trì mục tiêu ban đầu và mất dần sức hút.
Ví dụ BeReal, ứng dụng khuyến khích người dùng chia sẻ ảnh không chỉnh sửa, từng được định giá 630 triệu USD nhưng đang ghi nhận lượng người dùng giảm mạnh sau một năm.
Các nền tảng như Dispo, Poparazzi hay Locket có kết quả tương tự dù áp dụng nhiều chiến dịch quảng cáo. Thậm chí ByteDance, công ty mẹ của TikTok, cũng không thể gặt hái thành công khi ra mắt mạng xã hội chia sẻ ảnh Lemon8.
Vào tháng 7, Meta trình làng Threads trong bối cảnh đối thủ Twitter gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ứng dụng chỉ còn 10,3 triệu người dùng mỗi ngày, giảm 79% sau một tháng hoạt động.
Các chuyên gia đánh giá mạng xã hội thường bùng nổ trong vài tuần rồi nhanh chóng trở nên nhàm chán do chỉ sao chép ý tưởng của nhau mà không tập trung phát triển tính năng mới.
Người dùng hướng tới các ứng dụng nhắn tin.
Theo Business Insider, nhiều người chọn nhắn tin theo nhóm để xây dựng các cộng đồng riêng, có kết nối chặt chẽ và tránh xa hàng loạt ánh mắt dõi theo trên mạng. Điều này giúp các ứng dụng hỗ trợ tin nhắn đạt mức tăng trưởng mạnh thời gian qua.
Ví dụ, theo Statista, Discord, nền tảng trò chuyện trực tuyến nổi tiếng, hiện đạt hơn 170 triệu người dùng trung bình mỗi tháng. Con số này ở Telegram là 700 triệu người. Trên hai nền tảng này, người dùng có thể tham gia các phòng chat, kênh chat với hàng trăm nghìn người để cùng trao đổi về một chủ đề.
Trên các ứng dụng trò chuyện, người dùng giao tiếp với các cá nhân cùng quan điểm và không cần cố chứng tỏ điều gì. Mọi người có cơ hội tham gia các cộng đồng phù hợp, thứ khó tìm thấy trên mạng xã hội.
Xu hướng mới của người dùng cũng buộc các nền tảng mạng xã hội lớn phải thay đổi. Hiện Instagram cũng đã giới thiệu dịch vụ trả phí giúp người dùng đăng ký tham gia các cuộc gọi nhóm độc quyền.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
TikTok vừa thông báo sẽ sớm ra mắt TikTok Shop Shopping Center, nền tảng thương mại điện tử mới chuyên bán hàng sản xuất tại Trung Quốc cho người tiêu dùng Mỹ, nền tảng sẽ cạnh tranh trực tiếp với Shein và Temu.
TikTok Shop Shopping Center: Nền tảng mới của TikTok để cạnh tranh với Shein và Temu
Theo đó, mạng xã hội TikTok đang mở rộng mảng thương mại điện tử bằng cách sẽ sớm ra mắt TikTok Shop Shopping Center, nền tảng chuyên bán các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất tại Mỹ. TikTok hiện đang nhắm trực tiếp tới Shein và Temu.
Cụ thể, bắt đầu từ tháng 8 sắp tới, nền tảng thương mại điện tử (eCommerce) mới của TikTok sẽ cho phép người dùng mua sắm các sản phẩm tương tự như cách họ mua sắm trên Amazon hay bất cứ sàn thương mại điện tử nào khác.
TikTok Shop Shopping Center sẽ bán mọi thứ từ quần áo đến đồ điện tử, tất cả sản phẩm đều được sản xuất ở Trung Quốc, sau đó được vận chuyển đến khách hàng tại Mỹ từ cả trực tiếp từ TikTok hoặc thông qua các nhà bán lẻ khác, TikTok sẽ phụ trách các hoạt động như marketing và hậu cần (logistics).
Về quy trình bán hàng, các nhà cung cấp của Trung Quốc sẽ chỉ được TikTok thanh toán sau khi đơn hàng được thực hiện thành công, với các sản phẩm bị lỗi hoặc khách hàng muốn trả hàng, TikTok sẽ trả lại ngay cho nhà cung cấp.
Với nền tảng mới, TikTok đang đặt mục tiêu tăng tổng lượng giao dịch hàng hóa trên nền tảng (GMV) từ mức 5 tỷ USD năm 2022 lên 20 tỷ USD trong năm 2023.
Ở khía cạnh khác, TikTok đang nhắm mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với Shein và Temu, cả 2 nền tảng đều đi theo hướng bán các sản phẩm giá rẻ (rất rẻ) với nhiều lựa chọn.
Trong khi Temu đã tuyên bố cách giữ giá thấp bằng cách “cắt bỏ các đơ vị trung gian”, cho phép các nhà cung cấp Trung Quốc bán trực tiếp cho người mua tại Mỹ và vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc, Shein đã trở thành một trong những thương hiệu bán quần áo trực tuyến giá rẻ trên toàn cầu với doanh thu hơn 100 tỷ USD vào năm 2022.
Cả Shein và Temu cũng đang phải đối mặt với những lời chỉ trích về chất lượng quần áo kém. Trong trường hợp của Shein, một số quần áo có khả năng chứa các hóa chất nguy hiểm như chì.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo thông tin mới đây từ Forbes, thư viện quảng cáo của TikTok cho thấy nền tảng này đang đẩy hàng loạt mẫu quảng cáo “mang tính tuyên truyền nhạy cảm” tới người dùng châu Âu (chưa xuất hiện ở Mỹ hay các quốc gia khác).
TikTok đẩy hàng loạt quảng cáo nhạy cảm tới người dùng châu Âu
Theo các phân tích từ Forbes, thông qua thư viện quảng cáo TikTok cho người dùng châu Âu mà TikTok mới ra mắt, mạng xã hội video ngắn này đã cung cấp một loạt các mẫu quảng cáo mang tính “tuyên truyền” từ các cơ quan của nhà nước Trung Quốc cho hàng triệu người châu Âu.
Từ những quảng cáo liên quan đến lệnh phong tỏa do Covid-19, đến hình ảnh những chú mèo đang chơi đùa trên Vạn Lý Trường Thành, tất cả đều nỗ lực biến vùng đất Tân Cương (từng liên quan đến vụ bê bối với Nike về vùng nguyên liệu bông vải) vốn được cáo buộc là gắn liền với cuộc đàn áp và giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ — thành một điểm đến du lịch ngoạn mục.
Theo phân tích của Forbes với thư viện quảng cáo TikTok, hiện có hơn 1.000 quảng cáo từ các cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc như People’s Daily và CGTN đã chạy trên nền tảng này kể từ tháng 10 năm 2022.
Các mẫu quảng cáo được cho là “nhạy cảm” này đang hiển thị cho hàng triệu người dùng trên khắp các quốc gia châu Âu như: Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ý, Ireland, Hà Lan, Ba Lan và Vương quốc Anh.
Phần lớn nội dung được các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc quảng cáo trên TikTok tập trung vào các điểm thảo luận thường xuyên từ các kênh truyền hình (TV), đài phát thanh và báo in nhằm ca ngợi nền kinh tế, công nghệ và các di sản văn hóa khác của Trung Quốc.
Không ít các mẫu quảng cáo khác dường như mang giọng điệu mang tính chính trị công khai, ví dụ có một quảng cáo có nội dung học thuật chỉ trích sự chống đối của Mỹ và Châu Âu đối với dự án phát triển quốc tế của Trung Quốc.
TikTok, cũng giống như Meta (công ty mẹ của Facebook và Instagram) và Google, thường gắn nhãn các tài khoản do các cơ quan truyền thông nhà nước điều hành để người dùng có thể thấy và phân biệt. Tuy nhiên, các cáo buộc cho rằng TikTok vẫn đang nỗ lực mở rộng hệ thống gắn nhãn của mình để che dấu các quảng cáo.
Theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (DSA), các nền tảng lớn như TikTok giờ đây sẽ được yêu cầu duy trì và cung cấp cơ sở dữ liệu của các mẫu quảng cáo có thể tìm kiếm được.
TikTok cũng cho biết nền tảng đang dự định mở rộng thư viện quảng cáo ra ngoài châu Âu, nhưng không cung cấp thông tin cụ thể về thời điểm và quốc gia nào sẽ được triển khai.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Nhằm mục tiêu nâng cao tính minh bạch trên nền tảng, YouTube vừa cập nhật một số thông tin về thuật toán của Shorts, định dạng video ngắn của YouTube.
YouTube làm sáng tỏ một số thông tin về thuật toán của Shorts
Theo đó, nhằm mục tiêu nâng cao tính minh bạch trên nền tảng, đồng thời giải đáp nhiều thắc mắc của các nhà sáng tạo nội dung trên Shorts, YouTube mới đây đã chia sẻ một số thông tin quan trọng về cách thuật toán của Shorts hoạt động.
Nhưng trước hết, bạn cần tìm hiểu cơ bản về khái niệm thuật toán.
Chủ yếu được sử dụng trong lĩnh vực khoa học máy tính và công nghệ, thuật toán là khái niệm đề cập đến một quá trình được sử dụng để xử lý, tính toán hay giải quyết một vấn đề nào đó.
Các thuật toán hoạt động như một danh sách bao gồm nhiều các hướng dẫn khác nhau dùng để thực thi các hành động cụ thể dựa trên phần cứng hoặc phần mềm.
Khái niệm thuật toán vốn được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như công nghệ, lập trình, trong toán học, trong ngành khoa học máy tính hay thậm chí là trong kinh doanh và marketing, tuỳ thuộc vào từng điều kiện cụ thể, các thuật toán được ứng dụng theo những cách khác nhau.
Ví dụ như trong ngành khoa học dữ liệu, các thuật toán cũng được sử dụng như các thông số đặc tả để thực hiện việc xử lý dữ liệu.
Hay ngày nay với các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay TikTok, thuật toán là thứ sẽ quyết định cách người dùng được đề xuất nội dung, cách nền tảng quản lý các hành động trên ứng dụng và hơn thế nữa.
YouTube làm sáng tỏ một số thông tin về thuật toán của định dạng video ngắn Shorts.
Trong chia sẻ mới, YouTube nêu bật rõ từ những sự khác biệt trong thuật toán của Shorts với thuật toán của YouTube, đến cách tính lượt xem trên Shorts hay cả những mẹo mà các nhà sáng tạo nội dung có thể tận dụng để tối đa hoá hiệu suất.
Trong khi cũng tự như bất kỳ nền tảng nào khác như TikTok, Instagram hay thậm chí là Google, YouTube cũng không chia sẻ chi tiết về cách thức hoạt động của thuật toán, tuy nhiên, những thông tin mới này cũng đóng vai trò định hướng rất quan trọng.
Theo người đứng đầu sản phẩm Shorts, Todd Sherman, thuật toán của video dạng ngắn Shorts khác với thuật toán của các video dài trên YouTube. Trong khi nếu một người dùng nhấp vào video YouTube, điều này đóng vai trò như một chỉ báo rằng những video tương tự sẽ được đề xuất đến họ. Ngược lại với Shorts, mọi người lướt qua nội dung mà không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Mặc dù cả 2 hệ thống đề xuất nội dung (content recommendation systems) trên Shorts và YouTube đều được thiết kế để hiển thị những video mà mọi người sẽ đánh giá cao và yêu thích, nhưng nguồn cấp dữ liệu của Shorts (Feed) đa dạng hơn YouTube vì mọi người xem qua hàng trăm video ngắn so với chỉ vài video dài.
Nói đến cách thuật toán của Shorts tính toán lượt xem (video view), Đại diện của Shorts cũng lưu ý rằng không phải mọi lượt xem trong Shorts đều được tính là một lượt xem.
Trong khi TikTok tính số lượt xem ngay khi video bắt đầu được phát, với Shorts, lượt xem nhằm phản ánh rằng người dùng có ý định xem video, do đó, một số lượt xem không phù hợp sẽ không được tính là một lượt xem (mặc dù YouTube không giải thích rõ hơn về điều này).
Liên quan đến việc độ dài của video ảnh hưởng như thế nào đến hiệu suất kênh hay các thuật toán của Shorts sẽ ưu tiên các video dài ngắn ra sao, Đại diện Shorts cho biết không có một độ dài nhất định có lợi cho người sáng tạo trong việc thúc đẩy lượt xem – thay vào đó, người sáng tạo nên suy nghĩ về thời lượng họ cần để kể các câu chuyện của mình.
Tuy nhiên, Shorts sẽ vẫn tập trung vào các video có thời lượng từ 60 giây trở xuống để không làm mờ đi ranh giới với chính YouTube. Điều này khác với đối thủ TikTok, vốn đang thực hiện các thử nghiệm cho phép nhà sáng tạo quay video dài hơn.
Một thông tin chi tiết thú vị khác được trưởng nhóm sản phẩm của YouTube đưa ra là YouTube không muốn các nhà sáng tạo video ngắn quá bận tâm đến việc tạo ra những hình thu nhỏ (thumbnail) tùy chỉnh như cách họ làm trên YouTube vì hầu hết các hình thu nhỏ của Shorts đều không bao giờ được nhìn thấy.
Tiếp đó, đại diện của Shorts cũng nói thêm rằng thời gian xuất bản video trong ngày cũng không phải là yếu tố cần tối ưu hóa, ngoại trừ trường hợp người dùng hay nhà sáng tạo đang tập trung vào những tin tức mà tính mới mẻ của các thông tin được chia sẻ sẽ rất quan trọng. Số lượng video ngắn được xuất bản cũng không phải là yếu tố tạo nên sức hút của kênh — chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng.
Shorts cũng khuyến nghị nhà sáng tạo không nên xóa và đăng lại các video ngắn nhằm có được nhiều lượt xem hơn vì hành động này có nguy cơ bị coi là spam.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Thông qua công cụ co tên gọi là TikTok Search Ads Toggle, các nhà quảng cáo hay thương hiệu hiện có thể quảng cáo trên phần tìm kiếm của TikTok.
Search Ads Toggle: Công cụ quảng cáo tìm kiếm mới của TikTok
Theo đó, TikTok sẽ bắt đầu phân phối quảng cáo trong phần kết quả tìm kiếm trên nền tảng thông qua tính năng mới được gọi là Search Ads Toggle.
Các thương hiệu hay nhà quảng cáo trên TikTok giờ đây sẽ có thể nhắm mục tiêu người dùng (Targeting) thông qua hộp tìm kiếm vốn đã rất phổ biến với người dùng TikTok.
Search Ads Toggle không phải là sản phẩm quảng cáo độc lập mà chỉ là một phần mở rộng trong hệ thống quảng cáo hiện có của TikTok.
Khi người dùng bắt đầu tìm kiếm bằng các từ khoá trên hộp tìm kiếm, TikTok sẽ hiển thị những mẫu quảng cáo có liên quan bên cạnh các kết quả tự nhiên.
TikTok Search Ads Toggle (chuyển đổi quảng cáo tìm kiếm của TikTok) là gì?
TikTok Search Ads Toggle là công cụ quảng cáo tìm kiếm mới của TikTok, tự động tạo quảng cáo bằng cách sử dụng những nội dung quảng cáo hiện có của thương hiệu (tương tự như Performance Max của Google Ads).
Khi người dùng tìm kiếm trên thanh tìm kiếm của TikTok, hệ thống sẽ hiển thị các quảng cáo có liên quan bên cạnh các kết quả tự nhiên khác (hoạt động tương tự như Google Ads).
TikTok Search Ads Toggle hoạt động như thế nào?
Các mẫu quảng cáo sẽ được gắn nhãn rõ ràng là “Được tài trợ” (Sponsored) và xuất hiện ở các vị trí khác nhau trên trang kết quả tìm kiếm tùy thuộc vào cách quảng cáo phù hợp với ý định tìm kiếm (Search Intent) của người dùng.
Đối với các thương hiệu, vì đây là định dạng quảng cáo mới, cách tiếp cận phù hợp đó là liên tục thử nghiệm và tối ưu để kiểm tra mức độ hiệu quả mà nó mang lại.
Theo giải thích của TikTok:
“TikTok Search Ads Toggle hay Chuyển đổi quảng cáo tìm kiếm trên TikTok mang đến những cơ hội mới phù hợp với người dùng để thương hiệu có thể mở rộng phạm vi tiếp cận và thúc đẩy chuyển đổi.
Người dùng TikTok không ngừng tìm kiếm các thông tin và sản phẩm mới trên nền tảng, đây chính là lúc thương hiệu bắt gặp và tương tác với họ.
Nghiên cứu nội bộ của TikTok cho thấy rằng 70% nhóm quảng cáo có sử dụng tính năng quảng cáo tìm kiếm mới có hiệu suất cao hơn các nhóm quảng cáo không sử dụng.”
Bạn có thể xem định dạng quảng cáo tìm kiếm mới của TikTok tại: Search Ads Toggle
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Báo cáo của Momentum Works dự đoán thị phần của TikTok Shop trong năm 2023 ở thị trường Đông Nam Á sẽ ngang ngửa Tokopedia và chỉ kém đôi chút so với Lazada.
TikTok Shop có thể là sàn thương mại điện tử lớn thứ 4 Đông Nam Á về thị phần trong năm 2023
TikTok Shop, tính năng mua sắm trực tuyến trong ứng dụng xem video ngắn TikTok, được dự đoán sẽ chiếm 13,2% thị phần thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á trong năm nay, theo một nghiên cứu từ công ty theo dõi dữ liệu thị trường Momentum Works.
TikTok Shop đặt mục tiêu tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) đạt 15 tỷ USD trong năm 2023. Đây là con số tăng đáng kể so với những gì TikTok Shop đạt được trong năm 2022 (4,4 tỷ USD), theo báo cáo của Momentum Works.
Theo Tech in Asia, nếu TikTok Shop đạt được mục tiêu đề ra, thị phần (market share) của sàn thương mại điện tử này trong khu vực sẽ xấp xỉ với với Tokopedia, ước tính là 13,9% và kém đôi chút so với Lazada, ước tính đạt 17,7% trong năm nay.
Những sản phẩm bán chạy nhất trên TikTok Shop là các sản phẩm thuộc danh mục chăm sóc sắc đẹp và đồ dùng cá nhân, chiếm khoảng 70% tổng GMV (Gross Merchandise Value).
Theo báo cáo, các thương hiệu làm đẹp sẽ tiếp tục là những sản phẩm chủ đạo được bán trên TikTok Shop trong năm nay.
Weihan Chen, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tại Momentum Works, tin rằng TikTok Shop có thể là một đối thủ nặng ký đối với các sàn thương mại điện tử (eCommerce) khác trong khu vực Đông Nam Á.
Shopee, sàn thương mại điện tử mà Momentum Works ước tính sẽ chiếm 46,5% thị phần thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á năm 2023, đã bày tỏ sẽ tập trung nhiều hơn vào tính năng livestream. Điều này sẽ khiến Shopee phải cạnh tranh gay gắt hơn với TikTok bởi livestream từ lâu đã là tính năng chủ đạo trên TikTok Shop.
Trong buổi họp công bố báo cáo tài chính quý II, CEO Forrest Li của Sea (công ty mẹ Shopee) đã xác nhận điều này. “Chúng tôi đã bắt đầu và sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào phát triển mảng kinh doanh thương mại điện tử.
Những khoản đầu tư như vậy sẽ có tác động tới lợi nhuận của doanh nghiệp và có thể khiến Shopee nói riêng cũng như Sea nói chung, thua lỗ ở một số thời điểm nhất định”, Chủ tịch Forrest Li chia sẻ.
Nhận xét của ông Forrest Li được đưa ra khi Shopee phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ cả những đối thủ cũ như Lazada, Tokopedia,… lẫn các đối thủ mới tiềm năng như TikTok Shop của ByteDance.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Tranh cãi xung quanh tính năng Project S của TikTok có thể dẫn đến những thay đổi trong quy định bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) ở Indonesia…
Project S của TikTok trở thành mối lo mới của Indonesia
Theo KrAsia, làn sóng dư luận ở Indonesia đang xôn xao với các cuộc thảo luận xung quanh sáng kiến mới của TikTok có tên là Project S.
Project S là tính năng thương mại xã hội, mở ra đường dẫn tới một phần mới trên ứng dụng TikTok, có tiêu đề là Trendy Beat. Theo Financial Times, với Project S, các mặt hàng sản phẩm xuất hiện trên video TikTok có thể được chọn theo thuật toán và giao bán tới người dùng.
Công ty mẹ của TikTok, ByteDance, đang làm việc với một mạng lưới nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc để thực hiện đơn đặt hàng. Tính năng này hiện được phát triển và thử nghiệm tại thị trường Vương Quốc Anh.
Ông Teten Masduki, Bộ trưởng Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Indonesia, nhấn mạnh rằng Project S, nếu được giới thiệu ở đất nước vạn đảo, có thể khiến các MSME địa phương chịu áp lực lớn trong một thị trường đã bão hòa.
Các tính năng thương mại xã hội như Project S có thể nâng cao lợi thế công nghệ của những gã khổng lồ truyền thông như TikTok, cho phép công ty vượt qua nhiều đối thủ tại địa phương một cách dễ dàng hơn.
Theo Bộ trưởng Masduki, sáng kiến mới của TikTok bị nghi ngờ thu thập dữ liệu về sản phẩm phổ biến ở Indonesia, sau đó sản xuất sản phẩm tương tự ở Trung Quốc và bán với giá rẻ hơn.
Để bảo vệ lợi ích của các MSME địa phương, ông Masduki đã kêu gọi Bộ Thương mại Indonesia sửa đổi Quy định số 50 năm 2020 (Reg 50/2020), từ quy định về thương mại điện tử tiến tới áp dụng cho cả thương mại xã hội.
QUY ĐỊNH NGHIÊM NGẶT VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TẠI INDONESIA TRƯỚC PROJECT S CỦA TIKTOK.
Vào tháng 5/2020, Bộ Thương mại đã ban hành Reg 50/2020 để làm rõ và điều chỉnh các quy định trong lĩnh vực thương mại điện tử tại thị trường Indonesia. Theo Reg 50/2020, người bán, tổ chức thương mại điện tử và công ty trung gian (bên thứ ba) cho phép mua hoặc bán hàng hóa trên nền tảng đều phải tuân theo luật thuế và quy định cấp phép kinh doanh.
Ngoài ra, các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài đã hoàn thành ít nhất 1.000 giao dịch hoặc giao hơn 1.000 đơn hàng cho người tiêu dùng Indonesia mỗi năm cũng có nghĩa vụ thành lập văn phòng đại diện tại Indonesia.
Bà Hermawati Setyorinni, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp MSMEs Indonesia (AKUMANDIRI), cho biết sản phẩm được bán qua các thị trường xuyên biên giới, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại xã hội, có thể được miễn thuế do giá thấp hơn và khối lượng nhỏ hơn. Tình trạng này “khuếch đại” nỗi lo ngại của hầu hết MSME địa phương về tác động mà các sáng kiến thương mại xã hội như Project S có thể gây ra cho doanh nghiệp.
TẠO RA MỘT SÂN CHƠI CÔNG BẰNG HƠN.
Theo Reuters, ông Zulkifli Hasan, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, tuyên bố nước này sẽ hạn chế bán trực tuyến hàng hóa nhập khẩu có giá dưới 100 USD. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu sẽ được yêu cầu phải có giấy phép Tiêu chuẩn Quốc gia Indonesia (SNI).
Nhiều cơ quan khác ở Indonesia dự kiến sẽ chỉnh sửa các quy định hiện hành theo thay đổi này trước quý IV năm 2023. Đáng chú ý, bộ quy tắc sẽ áp dụng cho cả nền tảng thương mại điện tử (eCommerce) và thương mại mạng xã hội (Social Commerce). Hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện vẫn chưa chính thức ban hành.
Đáp lại tranh cãi, Tổng thống Joko Widodo đã giao cho Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Budi Arie Setiadi và Thứ trưởng Nezar Patria giám sát các vấn đề truyền thông xã hội và thương mại điện tử tiềm ẩn, bao gồm cả tính năng mới Project S của TikTok.
Tổng thống Widodo cũng đã triệu tập một lực lượng đặc nhiệm nhằm giải quyết những vấn đề thương mại điện tử, cùng một số vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông, trạm thu phát cơ sở và vệ tinh.
“ƯU TIÊN HÀNG TRONG NƯỚC, HẠN CHẾ HÀNG NGOẠI”.
Lo ngại về tình trạng “ế ẩm” dài ngày của ngành sản xuất nội địa, Tổng thống Widodo đã kêu gọi người tiêu dùng Indonesia hạn chế mua các sản phẩm nhập khẩu và ủng hộ thương hiệu địa phương.
Khi được thăm dò về Project S, đại diện văn phòng TikTok chia sẻ với Tech in Asia rằng tính năng mới này không có sẵn ở Indonesia, nhấn mạnh công ty không hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.
Trong bối cảnh thị trường phát triển, các bên liên quan háo hức chờ đợi kết quả của nỗ lực điều tiết từ chính phủ. Những năm gần đây, một số quốc gia như Ấn Độ đã ban hành luật và quy định nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, bộ quy định này vẫn là một chủ đề thảo luận quan trọng, khi những tác động tiềm tàng của các doanh nghiệp xuyên biên giới đối với nền kinh tế chưa hoàn toàn rõ ràng.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Nhằm mục tiêu thúc đẩy nhiều hơn nữa các hoat động marketing của thương hiệu trên ứng dụng, TikTok vừa chia sẻ một vài insight mới.
TikTok chia sẻ một vài Insights mới về cách tiếp cận Marketing trên ứng dụng
Theo quan điểm chung của TikTok, mạng xã hội kiểu mới (Modern Social Media) là nơi người dùng không chỉ xuất hiện để xem những nội dung hay xu hướng mới nhất mà còn có cơ hội được đóng góp, sáng tạo, kết nối và tương tác với các thương hiệu cũng như cộng đồng xung quanh.
Để có thể thành công hơn với các hoạt động marketing trên ứng dụng, các thương hiệu cần khắc ghi điều này – người dùng TikTok không hề bị động mà thay vào đó còn tích cực tham gia tương tác, đó là lý do tại sao các phương pháp tiếp cận quảng cáo theo kiểu làm phiền thông thường sẽ không mấy hiệu quả hay thậm chí là còn phản tác dụng.
Theo TikTok:
“Khán giả của TikTok thích những thương hiệu có thể hiểu và sử dụng nền tảng một cách tự nhiên nhất – họ muốn các thương hiệu gặp gỡ họ theo cách họ mong đợi trên TikTok.”
Để tối đa hóa hiệu suất quảng cáo của bạn, TikTok khuyến nghị các thương hiệu nên áp dụng chiến lược ‘Luôn sẵn sàng để tương tác’, sử dụng kết hợp các nội dung tự nhiên (Organic Content) và nội dung có trả phí.
Bên cạnh đó, thương hiệu cũng nên tận dụng việc kết hợp với các nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) để đạt được mục tiêu kinh doanh của mình.
Dưới đây là một số số liệu khác.
79% người dùng TikTok ưu thích các thương hiệu có thể hiểu cách sử dụng nền tảng (TikTok Marketing Study 2021).
Khoảng 30% người dùng cho biết họ được truyền cảm hứng mua hàng khi một nhà sáng tạo nội dung họ yêu thích chia sẻ các thông tin về sản phẩm hay thương hiệu đó.
Để có thể thúc đẩy cảm xúc yêu thích với thương hiệu (Brand Love), các marketer nên kết hợp 3 phương pháp bao gồm: xây dựng các nội dung và tương tác tự nhiên với người dùng, sử dụng quảng cáo để thúc đẩy khả năng tiếp cận và tận dụng các Content Creator để gia tăng mức độ cộng hưởng.
Mức độ ghi nhớ thương hiệu (Brand Recall) tăng lên 27% khi người dùng thấy các nội dung tự nhiên trước khi các nội dung đó được quảng cáo.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
TikTok vừa thông báo chính thức ra mắt dịch vụ đóng gói và chuyển hàng hay còn được gọi là trung tâm thực hiện đơn hàng (TikTok Fulfillment) thương mại điện tử mới tại thị trường Anh.
Fulfilled by TikTok Shop: TikTok ra mắt dịch vụ đóng gói và chuyển hàng mới
Sau nhiều thành công với mô hình mua sắm trong luồng (in-stream shopping) từ cả phiên bản Douyin tại thị trường Trung Quốc lẫn TikTok ở các thị trường ngoài Trung Quốc, TikTok đang tiếp tục mở rộng phạm vi thương mại điện tử tại châu Âu.
Cụ thể, mạng xã hội video ngắn này vừa thông báo ra mắt Fulfilled by TikTok Shop (TikTok Fulfillment) mới tại Vương quốc Anh, trong đó chính TikTok sẽ đóng vai trò trung gian để đảm bảo rằng các sản phẩm sẽ được vận chuyển nhanh hơn đến người mua hàng ở Vương quốc Anh.
Theo giải thích của TikTok:
“Fulfilled by TikTok Shop là một dịch vụ hậu cần (logistics) hiện đã có sẵn ở Vương quốc Anh, thông qua hệ thống mới này, TikTok Shop sẽ lưu trữ, lấy hàng, đóng gói và sau đó vận chuyển sản phẩm của người bán (TikTok Seller) đến cộng đồng người dùng TikTok.
Thay vì phải tập trung vào những công việc không cần thiết, người bán hàng trên TikTok chỉ cần tập trung vào các khía cạnh quan trọng trong hoạt động kinh doanh của họ như Marketing, nội dung (Content) và phát triển sản phẩm.”
tiktok fulfillment
TikTok giờ đây đóng vai trò như một cửa hàng trung gian, những người bán hàng sẽ cung cấp sản phẩm của họ cho Fulfilled by TikTok Shop (Trung tâm thực hiện đơn hàng của TikTok), TikTok sau đó sẽ thực hiện giao hàng và thu tiền.
“Những người bán sau khi đăng ký Fulfilled by TikTok Shop (TikTok Fulfillment) sẽ bàn giao một lượng hàng trong kho của họ, sau đó số hàng này sẽ được lưu trữ tại một nhà kho khác. Người bán không phải lưu trữ tất cả SKU (các đơn vị sản phẩm) của họ tại kho hoặc sử dụng Fulfilled by TikTok Shop cho tất cả các sản phẩm của họ; họ có thể chọn các mặt hàng cụ thể mà họ muốn lưu trữ và vận chuyển qua Fulfilled by TikTok Shop.”
Sau đó, TikTok sẽ thực hiện các công việc còn lại như lưu kho, vận chuyển, và các dịch vụ khác (như gắn nhãn mác, đóng gói…) với một khoản phí bổ sung đi kèm.
Như đã đề cập, không chỉ là mạng xã hội, TikTok đang tỏ ra rất tích cực với thương mại điện tử. Douyin, phiên bản của TikTok tại Trung Quốc đã báo cáo doanh số bán sản phẩm tăng 320% vào năm 2022, khi nền tảng này tiếp tục chiếm thị phần của những gã khổng lồ thương mại điện tử châu Á như Alibaba, JD và Pinduoduo.
Ở một khía cạnh khác, khi các sàn thương mại điện tử (eCommerce) như Temu và Shein đang không ngừng mở rộng thị trường sang các khu vực khác ngoài Trung Quốc, TikTok dường như cũng đang đi theo chiến lược tương tự.
Hiện TikTok chưa thông báo cụ thể về thị trường nào tiếp theo sẽ được ra mắt dịch vụ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Việc định danh tài khoản mạng xã hội như Facebook, TikTok qua số điện thoại được cho là biện pháp phù hợp với người dùng và đơn vị quản lý Việt Nam.
Bộ TT&TT: Cần định danh người dùng mạng xã hội như Facebook hay TikTok qua số điện thoại
Tại họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 8/8, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho biết tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đang có xu hướng gia tăng và xảy ra ở khắp các tỉnh thành.
Do đó, việc bổ sung quy định xác thực người dùng trên mạng xã hội bằng số điện thoại sẽ thuận lợi cho cá nhân tham gia, đồng thời hỗ trợ cơ quan chức năng giám sát, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm.
Theo bà Huyền, mạng xã hội phổ biến ba hình thức xác thực người dùng gồm email, số điện thoại và chứng minh nhân dân. Tại Việt Nam, mạng xã hội trong nước đã thực hiện xác thực bằng email (30%), số điện thoại (30%), chọn một trong hai hình thức email hoặc số điện thoại (40%).
Đối với mạng xã hội xuyên biên giới, Twitter định danh người dùng bằng email, Facebook chọn một trong hai hình thức email và số điện thoại. Trong khi đó, TikTok cho phép đăng ký bằng hình thức nào sẽ xác thực qua hình thức đó.
“Mạng xã hội hiện có sức ảnh hưởng lớn, lan tỏa nhanh và rộng nên cần xác thực người dùng để nâng cao ý thức, trách nhiệm khi cung cấp thông tin trên mạng”, bà Huyền nói. “Nếu nội dung đăng tải gắn với một cá nhân cụ thể, họ sẽ lưu ý về trách nhiệm, ý thức khi cung cấp thông tin hơn”.
Ngoài ra, Luật An ninh mạng của Việt Nam cũng có quy định yêu cầu xác thực thông tin người dùng, số tài khoản đăng ký, bảo mật thông tin người dùng, cung cấp thông tin cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng của Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản.
Bên cạnh đó, người dùng có xu hướng chuyển từ sử dụng máy tính sang điện thoại di động. Trước đây, việc xác thực chủ yếu thông qua email, còn hiện nay đã chuyển sang số điện thoại. Do đó, cách làm này phù hợp tình hình thực tế và thuận tiện cho người dùng.
Theo đại diện Cục, đề xuất định danh người dùng bằng số điện thoại là dựa trên thực tiễn và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế.
Hiện Trung Quốc yêu cầu mạng xã hội xác thực bằng ID người dùng, Nga quản lý qua số điện thoại, trong khi Ấn Độ cũng quy định các nền tảng phải xây dựng cơ chế để xác minh danh tính người tham gia.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo báo cáo hằng quý công bố tháng 7/2023 của công ty tư vấn kỹ thuật số Kepios, gần 5 tỷ người, tương đương hơn 60% dân số thế giới, hoạt động trên mạng xã hội (Social Network).
Hơn 60% dân số thế giới đang hoạt động trên mạng xã hội
Theo Kepios, số người dùng mạng xã hội đã tăng tới 3,7% trong một năm qua. Tuy nhiên, có sự chênh lệch về tỷ lệ sử dụng giữa các khu vực. Ở Đông và Trung Phi, tỷ lệ hoạt động trên mạng xã hội chiếm 9%, trong khi ở Ấn Độ, hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới, tỷ lệ sử dụng mạng xã hội là 33%.
Thời lượng dành cho mạng xã hội trong năm qua đã tăng 2 phút mỗi ngày, lên 2 giờ 26 phút. Thời gian sử dụng mạng xã hội có sự khác biệt lớn giữa các nước.
Cụ thể, mỗi ngày người dân Brazil dành trung bình 3 giờ 49 phút trên mạng xã hội, trong khi con số này ở Nhật Bản là chưa đầy 1 giờ.
Cũng theo báo cáo của Kepios, người dùng mạng xã hội chủ yếu tập trung trên 7 nền tảng.
Meta có 3 ứng dụng được yêu thích gồm WhatsApp, Instagram và Facebook, trong khi Trung Quốc có 3 ứng dụng gồm WeChat, TikTok và Douyin phiên bản địa phương.
Twitter (X), Messenger và Telegram là những nền tảng mạng xã hội phổ biến khác.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Khác với các nền tảng khác, các xu hướng diễn ra trên TikTok với tốc độ nhanh hơn và kéo dài ngắn hơn, tham khảo ngay một vài xu hướng Marketing trên TikTok trong 2023.
Một vài xu hướng Marketing trên TikTok trong 2023 cho Marketers
Kể từ lúc được ra mắt, TikTok là một trong những nền tảng mạng xã hội có tốc độ phát triển nhanh nhất về cả lượng người dùng lẫn thời gian trên trang (trong ứng dụng).
Trong khi trong những năm gần đây, TikTok gắn liền với nhiều tín hiệu tiêu cực như nội dung bẩn tràn lan, nội dung độc hại trở thành xu hướng, đây vẫn là nền tảng với nhiều hứa hẹn tiềm năng cho người làm marketing trong năm 2023.
Mặc dù các xu hướng trên mạng xã hội TikTok thường diễn ra với tốc độ nhanh hơn, bằng cách tận dụng sớm các xu hướng này, thương hiệu có nhiều cách hơn để nổi bật với khách hàng và khác biệt với đối thủ.
Kết thúc năm 2022, TikTok không chỉ là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất mà cả trẻ em cũng dành thời gian để xem video TikTok nhiều nhất, nhiều hơn đến 62% so với YouTube.
Ngoài ra, nếu Gen Z là nhóm đối tượng mục tiêu của thương hiệu, với khoảng trên 60% người dùng trong độ tuổi này truy cập TikTok mỗi ngày, đó thực sự là cơ hội lớn.
Dưới đây là một số xu hướng marketing mà bạn có thể theo dõi và ứng dụng trên TikTok trong 2023.
1. TikTok đang trở thành trung tâm bán hàng cho cả thương hiệu và người có ảnh hưởng.
Theo một Nghiên cứu từ ConvertSocial, số liệu cho thấy rằng tổng giao dịch bán hàng (GMV) thông qua nền tảng của TikTok đã tăng gần 400%.
Một phần của sự gia tăng doanh số lớn này là do những người có ảnh hưởng (influencer) đang tận dụng tối đa các cơ hội quảng cáo và bán hàng trên nền tảng, tiếp thị liên kết và mối quan hệ đối tác trả phí là những phương thức phổ biến nhất.
Đối với các thương hiệu vốn tập trung vào nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi, bên cạnh việc sử dụng TikTok để gia tăng mức độ tiếp cận và xây dựng thương hiệu, đây còn là nơi họ có thể mở rộng các tệp khách hàng tiềm năng và thúc đẩy doanh số bán hàng trực tiếp.
Theo số liệu mới đây, người dùng trong độ tuổi từ 10-19 hiện đang chiếm khoảng 32,5% người dùng TikTok, trong khi đó những người ở độ tuổi từ 20-39 chỉ chiếm dưới 46%. Điều này có nghĩa là với các sản phẩm hay dịch vụ có giá trị thấp hơn thì dễ thành công hơn TikTok và ngược lại, với các sản phẩm có giá trị cao sẽ khó khăn hơn.
2. Đa phần người dùng TikTok là nữ và cũng là người trực tiếp ra quyết định mua hàng.
Trong một cuộc khảo sát của Statista vào tháng 1 năm 2023, khoảng 54% người dùng TikTok toàn cầu được xác định là nữ.
Với hơn 1 tỷ người dùng và 670 triệu lượt tải xuống vào năm 2022, đây là một thị trường khổng lồ mà hầu hết các thương hiệu dường như chưa thể khai thác hết.
Theo một nghiên cứu khác, chỉ có khoảng 18% những người làm marketing coi TikTok như là một kênh quảng cáo.
Tuy nhiên, với một lượng đông đảo những người có ảnh hưởng trên nền tảng (Social Media Influencer) sẵn sàng hợp tác với các thương hiệu trong các chiến dịch marketing hay truyền thông tích hợp, các marketer nên chú trọng hơn đến TikTok trong 2023.
3. Những người có ảnh hưởng đang tìm cách phát triển thu nhập trên nền tảng và điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng Marketing trên TikTok trong 2023.
Bởi một lý do đơn giản là vì doanh số quảng cáo trên TikTok khá thấp (khoảng 10 tỷ USD so với con số hơn 100 tỷ USD của Facebook) nên mặc dù TikTok cũng có ra mắt một số quỹ sáng tạo để hỗ trợ các nhà sáng tạo nội dung, các nhà sáng tạo TikTok không mấy hài lòng với nguồn thu của mình nếu so sánh với các nhà sáng tạo trên YouTube.
Với các nền tảng mạng xã hội, ngoài việc sử dụng quảng cáo trực tiếp từ thương hiệu, hay đơn giản là tận dụng các bài đăng tự nhiên, những người có ảnh hưởng đóng một vai trò khá lớn trong việc kết nối giữa thương hiệu với người tiêu dùng, tuy nhiên, điều này hiện vẫn chưa đúng với TikTok.
Dữ liệu gần đây của ConvertSocial cho thấy thu nhập của các TikToker từ mối quan hệ đối tác thương hiệu (brand partnerships) đã tăng khoảng 58% trong năm 2022, điều này có nghĩa là các nhà sáng tạo sẽ sớm nhận ra rằng đây là cách mà họ có thể thúc đẩy nguồn thu nhập của mình.
Triển vọng tiềm năng Marketing của TikTok trong 2023.
Vào năm 2023, một trong những điều quan trọng nhất mà thương hiệu nên cân nhắc đó là tiềm năng chi tiêu trên TikTok sẽ có thể tăng mạnh hơn.
Một lượng lớn người dùng TikTok có thể thanh toán cho các sản phẩm và dịch vụ mà họ nhìn thấy trên nền tảng, vì vậy các thương hiệu có thể và nên tận dụng điều này như một kênh bán hàng thay vì chỉ là marketing thương hiệu (Brand Marketing).
Trong khi vẫn còn nhiều rủi ro với TikTok ở phía trước khi ngày càng nhiều quốc gia cấm TikTok trước những lo ngại về an toàn dữ liệu, bằng cách nghiên cứu, thử nghiệm và tận dụng sớm các xu hướng marketing mới, thương hiệu có khả năng tạo ra nhiều lợi thế hơn trong 2023 và xa hơn nữa.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Công ty mẹ của TikTok là ByteDance đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể cáo buộc rằng ứng dụng chỉnh sửa video CapCut của ByteDance đang thu thập dữ liệu từ hơn 200 triệu người dùng đang hoạt động mà không có sự đồng ý.
Công ty mẹ của TikTok bị kiện vì thu thập dữ liệu trái phép
Theo đó, vụ kiện được đệ trình ở Illinois, Mỹ, tuyên bố rằng CapCut thuộc ByteDance vi phạm Đạo luật bảo mật thông tin sinh trắc học (BIPA) khi ứng dụng chỉnh sửa video này thu thập các dữ liệu của người dùng bằng cách quét qua khuôn mặt và dấu vân tay mà không thông báo cho người dùng hoặc được người dùng chấp thuận.
Ứng dụng này cũng bị cáo buộc thu thập thông tin chi tiết về vị trí, ngày sinh và giới tính của người dùng cũng như hình ảnh và video cá nhân của họ. Phần lớn dữ liệu trong số này được cho là phục vụ cho việc phân phối các quảng cáo được nhắm mục tiêu (ad targeting).
Hơn nữa, vụ kiện chỉ ra rằng, vì ByteDance có trụ sở chính tại Bắc Kinh nên nền tảng có thể buộc phải chia sẻ dữ liệu CapCut với chính phủ Trung Quốc, điều này một lần nữa lại dấy lên những lo ngại khác về bảo mật dữ liệu.
Mặc dù kể từ năm ngoái, TikTok đã bắt đầu chuyển tất cả các dữ liệu của người dùng Mỹ đến các máy chủ của Oracle tại Mỹ, tuy nhiên, một số tiểu Bang tại Mỹ ví dụ như Montana cũng đã ra quyết định cấm TikTok vĩnh viễn.
Các nguyên đơn đã yêu cầu tòa án buộc ByteDance phải xóa mọi dữ liệu người dùng và nội dung mà ứng dụng đã thu thập được một cách bất hợp pháp thông qua CapCut.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo báo cáo thương mại điện tử nửa đầu năm 2023 vừa được Metric công bố, doanh thu (NMV) của TikTok Shop chính thức vượt Lazada và trở thành sàn thương mại điện tử lớn thứ 2 Việt Nam.
Quý 2 năm 2023: TikTok Shop vượt Lazada về doanh thu thương mại điện tử
Theo báo cáo thương mại điện tử (eCommerce) nửa đầu năm 2023 vừa được Metric công bố, doanh thu NMV (Net Merchandised Value/Tổng giá trị của tất cả các đơn hàng giao thành công) toàn thị trường đạt khoảng 93.000 tỷ đồng, tăng trưởng tới 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, doanh thu NMV Quý 1 và Quý 2/2023 lần lượt ghi nhận 43.000 và 50.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, bảng xếp hạng thị phần doanh thu NMV sau nửa đầu năm 2023 đã chứng kiến cuộc đổi ngôi giữa Lazada và TikTok Shop của TikTok. Theo Metric, ở Quý 4/2022, thời điểm TikTok Shop mới ra mắt được 4 tháng đã có doanh thu bằng 80% doanh thu của Lazada.
Đến Quý 1/2023, TikTok Shop chỉ kém Lazada 3,5% doanh thu và nhanh chóng vượt qua Lazada vào Quý 2.
Bloomberg dẫn nguồn tin nội bộ rằng ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đang đặt mục tiêu tăng gấp 4 lần quy mô tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) trên toàn cầu của TikTok Shop, lên mức 20 tỷ USD riêng trong năm 2023.
Điều này đồng nghĩa vơi việc TikTok Shop đã vươn lên là sàn thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Việt Nam chỉ sau Shopee. Trong khi thị phần của Shopee từ đầu năm tới nay gần như không thay đổi, điều này có nghĩa là TikTok Shop đang thực sự lấy đi thị phần từ các sàn thương mại điện tử còn lại như Tiki và Sendo (thuộc FPT).
Cụ thể, Shopee ghi nhận tổng giá trị của tất cả các đơn hàng giao thành công đạt 59.000 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2023, với 667 triệu sản phẩm được bán ra.
TikTok Shop đạt doanh thu 16.300 tỷ đồng – bằng 27% so với thành tích của Shopee, với 117 triệu sản phẩm bán ra. Trong khi đó, Lazada đạt 15.700 tỷ đồng doanh thu NMV với 117,5 triệu sản phẩm.
Trong khi đó, Tiki và Sendo vẫn chưa thể tạo được bất ngờ khi tiếp tục đuối sức trước các đối thủ, NMV lần lượt chỉ đạt 1.600 tỷ đồng và 112,3 tỷ đồng.
Nửa đầu năm 2023, thị trường thương mại điện tử vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các ngành hàng như nhà cửa – đời sống, làm đẹp, hay ngành bán lẻ như thời trang nữ, mẹ & bé, bách hóa. Các phân khúc giá được ưa chuộng nhất trên thương mại điện tử bao gồm 100.000 – 150.000 đồng, 150.000 – 200.000 đồng, 200.000₫ – 350.000 đồng.
Bên cạnh đó, Shopping livestreams hay Shoppertainment là loại hình phổ biến được các nền tảng thương mại điện tử chú trọng phát triển. Đây cũng là lợi thế của TikTok Shop khi xuất phát từ nền tảng giải trí video ngắn, sở hữu sẵn lượng người dùng khổng lồ.
Hầu hết người tiêu dùng dành tối đa 3 giờ hàng tuần để xem các buổi phát trực tiếp, hầu hết các phiên đều dưới 1 giờ.
Theo công ty Nghiên cứu thị trường Coresight Research, hình thức mua sắm qua livestream đã phát triển thần tốc thành thị trường có giá trị 512 tỷ đô la Mỹ. Chỉ tính riêng tại Mỹ, doanh thu bán hàng livestreaming có thể dễ dàng đạt 50 tỷ USD trong năm 2023 này.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo thông báo mới đây từ TikTok, mạng xã hội viddeo ngắn này bắt đầu cho phép người dùng đăng bài bằng văn bản (text), động thái nhằm đối đầu trực tiếp với Twitter và Instagram Threads của Meta.
TikTok cho phép người dùng đăng bài bằng văn bản để đối đầu với Twitter và Threads
Trong một thông cáo báo chí (PR) mới đây, TikTok cho biết người dùng hiện có thể đăng bài bằng văn bản (text) thay vì chỉ là video ngắn như trước đây. Kiểu bài đăng mới này về cơ bản là tương tự như phần ‘Câu chuyện’ trên Instagram của Meta.
Với định dạng mới, người dùng TikTok có thể thay đổi phông chữ (Font), màu nền và hơn thế nữa để khiến cho bài đăng của họ trở nên thu hút hơn.
Động thái mới của TikTok được thực hiện trong bối cảnh mạng xã hội văn bản Twitter đang đối mặt với vô số thách thức, Instagram Threads mới của Meta thì nhanh chóng đạt mốc hơn 100 triệu người dùng chỉ sau hơn 5 ngày ra mắt tại Mỹ.
Về phần TikTok, tính đến tháng 3 năm 2023, TikTok có hơn 150 triệu người dùng tại Mỹ và Mỹ cũng là một trong những thị trường trọng tâm của TikTok.
Mặc dù là thị trường lớn, TikTok đang đối mặt với khá nhiều thách thức tại đây liên quan đến các vấn đề về bảo mật dữ liệu khi chính phủ Mỹ lo ngại việc TikTok chuyển dữ liệu của người dùng Mỹ về công ty mẹ là ByteDance tại Trung Quốc, một số bang của Mỹ như Montana cũng đã cấm TikTok.
Ở một khía cạnh khác, theo ghi nhận của MarketingTrips, Twitter mới đây cũng đã thay đổi logo mang tính biểu tượng là “chú chim màu xanh” thành ‘X’, hướng tới mục tiêu đưa mạng xã hội này trở thành một siêu ứng dụng (super app) được tích hợp các tính năng như thanh toán, thương mại điện tử (eCommerce) hay đặt xe.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
TikTok vừa thông báo ra mắt thư viện quảng cáo (Ads Library) mới tại Châu Âu, thư viện quảng cáo của TikTok là nơi nhà quảng cáo có thể theo dõi tất cả các mẫu quảng cáo của các thương hiệu đang chạy trên nền tảng.
TikTok ra mắt thư viện quảng cáo (Ads Library) mới tại Châu Âu
Theo đó, mạng xã hội video ngắn TikTok đã phát hành một phiên bản thư viện quảng cáo mới nhằm mục tiêu cung cấp nhiều thông tin chi tiết về tất cả các chiến dịch quảng cáo đang chạy trong ứng dụng, dữ liệu bao gồm hoạt động nhắm mục tiêu quảng cáo (targeting), phạm vi tiếp cận theo khu vực, tên nhà quảng cáo, v.v.
Thư viện quảng cáo là gì?
Thư viện quảng cáo (Ads Library) là công cụ thường được sử dụng và giới thiệu bởi các nền tảng quảng cáo như Facebook, TikTok, YouTube, Google hay LinkedIn, nơi những người làm digital marketing hay các nhà quảng cáo có thể kiểm tra các mẫu quảng cáo đang chạy của các đối thủ hay thương hiệu khác trên nền tảng.
Dựa vào Ad Library, các nhà quảng cáo có thể học hỏi, tìm hiểu, phân tích hay tối ưu hoá các mẫu quảng cáo, cách tiếp cận quảng cáo của thương hiệu của mình.
Bạn có thể xem Ads Library là gì để tìm hiểu chi tiết hơn về công cụ này.
Thư viện quảng cáo mới của TikTok có gì?
Thư viện quảng cáo mới của TikTok có gì?
Cũng tương tự như các thư viện quảng cáo của các nền tảng khác, thư viện quảng cáo của TikTok (TikTok Ads Library) là nơi nhà quảng cáo có thể tìm kiếm và học hỏi từ các mẫu quảng cáo của các thương hiệu khác đang chạy trên nền tảng.
Với thư viện quảng cáo mới, nhà quảng cáo TikTok có thể nhập quốc gia mục tiêu của mình, loại hình quảng cáo, phạm vi ngày, v.v. và TikTok sau đó sẽ cung cấp những thông tin tổng quan về tất cả các mẫu quảng cáo đang được chạy với các thông số được chọn.
Khi nhấp vào bất kỳ chiến dịch nào được liệt kê, nền tảng sẽ cung cấp cho nhà quảng cáo một bản tóm tắt chi tiết về các chi tiết cụ thể liên quan đến mẫu quảng cáo.
Bạn có thể truy cập Thư viện quảng cáo mới của TikTok (hiện đang khả dụng tại Châu Âu) tại đây.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
TikTok đang là kênh được nhiều người dùng trẻ như Gen Z sử dụng để khám phá thông tin trên Internet thay vì Google như trước.
Gen Z tìm kiếm trên mạng xã hội TikTok thay vì công cụ tìm kiếm Google
Đối với đa số người dùng Internet, Google vẫn là điểm đến đầu tiên trong việc tìm kiếm thông tin gì. Công cụ này phổ biến đến mức tên của nó đồng nghĩa với hành động tìm thông tin trực tuyến.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy đang có sự thay đổi.
“Cảm nhận của tôi về Google đang thay đổi sâu sắc. Khi mới tiếp cận Internet, tôi coi Google là công cụ để tra cứu mọi thứ. Nhưng hiện nó không còn là trung tâm về tìm kiếm nữa”, Clint Choi, một nhà tiếp thị 26 tuổi ở London, nói.
Thực tế, Google vẫn thống trị thị trường tìm kiếm với hơn 90% thị phần, theo thống kê của công ty phân tích dữ liệu trực tuyến SimilarWeb, và điều này sẽ khó thay đổi một sớm một chiều. Tuy nhiên, người dùng Gen Z (sinh từ 1997 đến 2012) đang tìm đến những nền tảng có thể tra cứu thông tin khác.
Theo Cloudflare – công ty dịch vụ DNS và chuyên theo dõi lưu lượng toàn cầu, mạng xã hội TikTok đã soán ngôi Google để trở thành tên miền phổ biến được truy cập nhiều nhất thế giới từ cuối 2021.
Trong khi đó, theo một khảo sát do Google thực hiện đầu năm ngoái, 40% người dùng thuộc thế hệ Gen Z nói họ đã truy cập TikTok hoặc Instagram, không phải Google, khi muốn tìm kiếm các điểm ăn trưa gần đó.
Hồi tháng 9/2022, Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết một phần ba số người xem TikTok ở Mỹ thường dùng ứng dụng để tìm thông tin về các sự kiện.
Theo Washington Post, Google dường như nhận thức được vấn đề này và đang bổ sung một số chức năng AI cho công cụ của mình. Tuy nhiên, những thay đổi đó có thể không giải quyết được vấn đề cơ bản đằng sau sự suy giảm.
Theo các chuyên gia, nền tảng đang xuất hiện hàng loạt vấn đề. Ví dụ, việc đẩy quảng cáo ưu tiên lên vị trí cao trong thời gian dài đã khiến những kết quả tìm kiếm hữu ích bị tụt xuống phía dưới.
Nền tảng cũng bị ảnh hưởng bởi nội dung SEO (tối ưu công cụ tìm kiếm) rác – những thứ thường do AI tạo ra hoặc thông tin kém chất lượng nhưng được thiết kế phù hợp với thuật toán xếp hạng của Google.
“Kết quả tra cứu từ Google chủ yếu là những gì Google muốn bạn nhìn thấy hơn là nội dung phù hợp với bạn”, Ed Zitron, CEO EZPR, công ty quan hệ truyền thông, nhận xét. “Google đã thất bại trong vai trò quản lý web trong 10-15 năm qua. Gần như bạn phải ‘lừa’ công cụ này cung cấp những gì bạn mong muốn”.
“Bạn phải dành nhiều thời gian hơn cho Google. Nó từng giúp bạn có thông tin cần thiết, sau đó bạn rời đi nhanh chóng. Nhưng giờ đây, bạn cần chọn lọc từ khóa, phải cuộn nhiều hơn bởi các kết quả hiển thị đầu tiên đều là spam”, Will Linker, cộng tác viên của một tổ chức phi lợi nhuận ở Baltimore, nói.
Người dùng tìm đến các lựa chọn thay thế.
Trải nghiệm không liền mạch là lý do của những người rời bỏ Google. Trong đó, Wikipedia và TikTok đang được nhiều người nhắm tới.
“Wikipedia là một trong những điều kỳ diệu của Internet”, James Vincent, biên tập viên của The Verge, bình luận. Còn Annie Rauwerda, một nhà sáng tạo nội dung, cho rằng Wikipedia đã đáp ứng yếu tố tra cứu và tham khảo như Google Search.
“Wikipedia được cập nhật liên tục và có tiêu chuẩn về nguồn tin, nên hiếm khi nội dung SEO chất lượng thấp được trích dẫn trên đó”, Rauwerda nói. “Google đáng lẽ phải đơn giản, nhưng đã bị SEO và những thứ ngẫu nhiên được viết bởi AI tiêu diệt dần”.
Trong khi đó, Sid Raskind, người sáng tạo nội dung ở Los Angeles, nói không còn thói quen truy cập Google như trước.
“Giờ đây, khi tìm nội dung nào đó, tôi có xu hướng vào TikTok hơn. Xem nhanh một điều gì đó đang diễn ra bằng TikTok sẽ dễ dàng và dễ hiểu hơn so với sàng lọc nhiều thông tin để tìm ra câu trả lời bằng Google”, Raskind cho hay.
Alex Stevens, giáo viên lịch sử tại một trường trung học ở Wisconsin, cho biết ngày càng nhiều học sinh của ông không thể tìm kiếm thứ gì đó hiệu quả trên Google nữa.
“Thay vào đó, học sinh tìm thông tin dưới dạng video, thường là trên YouTube hoặc TikTok”, Stevens nói. “Học sinh ít khi phân biệt được nguồn đáng tin cậy hoặc hữu ích, và cũng không sẵn sàng phân tích thông tin hay tham gia vào quá trình tổng hợp thông tin”.
Washington Post đã phỏng vấn những người từ bỏ Google và đa phần cho biết không có kế hoạch quay lại nền tảng. “Tất nhiên, ở đâu cũng có đúng sai và việc của người dùng là chọn lọc. Nhưng trên Google, mọi thứ đang bị thao túng”, Elan Ullendorff tại Đại học Pennsylvania nói.
Trong khi đó, một số chuyên gia đánh giá xu hướng người dùng rời Google đến nay vẫn chỉ diễn ra ở một bộ phận nhỏ. Nhưng nếu như không thay đổi, công cụ tìm kiếm này sẽ càng mất nhiều người dùng hơn.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer