Đầu tháng 8/2020, việc GoViet đổi thành Gojek Việt Nam và app Gojek chính thức hoạt động khiến nhiều người quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều hãng xe công nghệ luôn phải chạy đua cạnh tranh, nhiều người càng “tò mò” hơn về Tổng giám đốc mới của Gojek Việt Nam – Phùng Tuấn Đức.
* Từng điều hành ba công ty khởi nghiệp và là Tổng giám đốc quốc gia của Công ty Gojek có trụ sở tại Indonesia, nền tảng đó đủ để ông cảm thấy ít áp lực hơn trong vị trí mới?
– Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và các hãng xe công nghệ luôn biến động, cạnh tranh trên thị trường khá gay gắt, kể cả GoViet cũng không ít thăng trầm, nhiều người cho rằng tôi sẽ bị rất nhiều áp lực khi đảm nhiệm vị trí điều hành Gojek Việt Nam ở thời điểm này. Nhưng với tôi, điều này là may mắn nhiều hơn áp lực.
Tôi đã có thời gian làm việc với GoViet từ những ngày đầu, học hỏi được những điều tốt nhất ở Tập đoàn Gojek ở Indonesia. Đặc biệt, do đã xây dựng được mối quan hệ mật thiết với nhân viên nên tôi hiểu được tâm tư, điểm mạnh và yếu của mỗi người để xây dựng và phát triển đội ngũ, cùng nhau đi về phía trước.
Đây cũng là một trong những điều tôi đã làm tốt trong thời gian qua. Về phía nhân viên, các bạn cũng hỗ trợ tôi rất nhiều. Họ đã thể hiện được tố chất cực kỳ quan trọng cho một công ty startup, đó là tính bền bỉ.
* Nhưng phải có “bí quyết” gì để nhân viên bền bỉ và gắn bó ngay cả lúc công ty khó khăn?
– Trong giai đoạn vừa qua, GoViet (nay là Gojek) cũng có những lúc thăng trầm nhưng mọi người vẫn ở lại, chấp nhận thử thách, khó khăn. Tất cả vì mục tiêu và sứ mệnh mà công ty đang hướng đến là trở thành một siêu ứng dụng tại Việt Nam.
Ngoài ra, tất cả nhân viên đều yêu mến tài xế, xem họ không chỉ là đối tác mà còn là những người bạn.
Thấu hiểu nghề chạy xe của các bác tài đôi lúc cũng đơn độc, ngày qua ngày cứ một mình mải miết, hết đơn hàng này đến đơn hàng khác, nên các bạn đã cố gắng tạo cho các tài xế một môi trường làm việc thân thiện, một cộng đồng, hội nhóm để kết nối với nhau, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, hoặc giúp đỡ nhau trên đường.
Trong đợt Covid-19 vừa rồi, có một nhóm tài xế tự nguyện bỏ tiền mua lượng lớn khẩu trang và đi phát miễn phí. Điều đó cho thấy, các tài xế của Gojek đã cảm nhận được tinh thần sẻ chia từ cộng đồng đối tác và họ tiếp tục lan tỏa tinh thần tốt đẹp đó ra cộng đồng lớn bên ngoài.
Với cộng đồng 80.000 người kinh doanh nhà hàng cũng tương tự – chúng tôi đưa lên nền tảng cả những nhà hàng nhỏ và siêu nhỏ, những người vốn dĩ không có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng vì không thành thạo về marketing, về công nghệ, thậm chí có những người còn không biết sử dụng smartphone.
Đó chính là niềm tự hào và cũng là động lực để nhân viên Gojek đi làm mỗi ngày. Họ nhận thấy việc mình làm mang lại cho người khác niềm vui, nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng.
* Không áp lực nhưng không có nghĩa ông không gặp thách thức?
– Với hơn 20 dịch vụ khác nhau mà Gojek đang cung cấp tại Indonesia, chúng tôi “tha hồ” lựa chọn “kho” dịch vụ đó hoặc điều chỉnh, thay đổi để phù hợp văn hóa và thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam. Các sản phẩm của Gojek sẽ xoay quanh “tam giác vàng” là gọi xe, đặt đồ ăn và thanh toán.
Ở Việt Nam, chúng tôi chọn triển khai ba dịch vụ trong hai năm đầu là GoBike, GoFood và GoSend, hướng mọi người cùng đi chung một hướng chứ không phát triển dàn trải. Đây cũng là bài học thành công của Gojek tại Indonesia trong những năm đầu.
Giờ đây, thách thức của chúng tôi là làm sao phát triển được thêm nhiều hơn sản phẩm mới cho người dùng Việt Nam.
* Theo ông, có sự khập khiễng nào trong quản trị đội ngũ giữa Việt Nam và Indonesia mà ông phải thay đổi để thích nghi không?
– Khoảng cách là có, nhưng không nhiều. Ở Indonesia, nhân viên giỏi hơn về mặt công nghệ và hệ thống vì họ là những người xây dựng nên nền tảng công nghệ Gojek và có bề dày kinh nghiệm gần 10 năm. Nhưng ở Việt Nam, nhân viên lại nắm bắt thị trường nhạy bén hơn và am hiểu thị trường bản địa hơn.
Tại Gojek Việt Nam, chúng tôi cũng có một sự cân bằng của các anh chị hàng chục năm kinh nghiệm ở các tập đoàn lớn như Nestle, IBM, HSBC, cùng các bạn trẻ đã được tuyển vào các công ty có tiếng như Samsung, Uber, McKinsey, Unilever, và cả những bạn đã lăn lộn nhiều loại hình doanh nghiệp, bao gồm startup.
Thế nên, khi làm việc, chúng tôi luôn phải dung hòa những thế mạnh cũng như các ý kiến để phù hợp.
* Ông có thể chia sẻ bài học startup đã trải nghiệm?
– Hồi còn đi học ở Mỹ, tôi nhìn thấy mô hình đấu giá xu, nhiều người khi tham gia sàn đấu giá sẽ mua được những sản phẩm với giá chỉ bằng 1/5 hay 1/10 giá trị thực. Tôi nghĩ mô hình này sẽ tạo ra sự khác biệt ở Việt Nam, nên về nước tôi khởi nghiệp với Công ty Dynabyte, sàn đấu giá xu trực tuyến đầu tiên.
Thời điểm đó, thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam vẫn còn chưa phát triển, nên triển khai với một quy mô lớn là không thể. Tôi nhận ra, tạo ra sự khác biệt thôi chưa đủ mà phải thực sự mang lại giá trị cho người dùng.
Tôi tiếp tục dự án startup thứ hai là một trang TMĐT về thời trang. Tuy nhiên, do website phát triển nhanh nên các nhà đầu tư muốn tôi chuyển từ mô hình kinh doanh online sang quản lý bán lẻ và marketing.
Điều này đi ngược lại hoài bão của tôi là phát triển công nghệ sáng tạo nên tôi đầu quân cho Adayroi của Vingroup, sau đó làm giám đốc vận hành chuỗi cửa hàng một thương hiệu cà phê.
Một điểm chung cho tất cả dự án tôi trải qua là đều trong giai đoạn khởi nghiệp hoặc giai đoạn thềm trước tăng trưởng.
Tôi đúc kết được hai bài học lớn về khởi nghiệp. Thứ nhất, một người lãnh đạo phải xây dựng được một đội ngũ gồm những người còn giỏi hơn mình và người quản lý cấp dưới lại tiếp tục tìm kiếm những cá nhân giỏi hơn họ.
Có như vậy, tổ chức mới luôn có những người rất giỏi và dễ dàng truyền cảm hứng cho nhau. Và quan trọng nhất là người lãnh đạo phải làm thế nào để những người giỏi thay vì đối đầu, mâu thuẫn nhau với chính kiến riêng thì đều nhìn về một hướng và cùng nhau vì mục tiêu chung của tập thể.
Thứ hai, một startup muốn thành công cần phải hiểu được mong mỏi của khách hàng, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp. Như vậy sản phẩm sẽ được đón nhận trên thị trường. Một quan niệm phổ biến khác của nhiều startup là không có tiền thì sẽ không thể làm được gì và luôn phụ thuộc vào việc gọi vốn.
Thực tế, nếu startup có sản phẩm tạo được giá trị sử dụng cho thị trường thì sẽ tạo ra được vị trí riêng của mình. Có thể có nhiều lý do để một startup không thành công nhưng giá trị bạn nghĩ ra cho thị trường sẽ luôn được ghi nhận.
* Trong thành công của doanh nghiệp, theo ông bao nhiêu phần trăm do giá trị của người dẫn dắt mang lại?
– Một thành công được làm nên bởi rất nhiều yếu tố và nguồn lực. Vì vậy, giá trị của một người lãnh đạo không thể đo đếm một cách cụ thể. Song có một cách đơn giản để đánh giá người lãnh đạo, đó là nhìn những gì người đó mang lại cho những người xung quanh, những tác động mà họ đã mang lại cho đội ngũ.
Và giá trị của người lãnh đạo chính là xây dựng được đội ngũ mạnh. Tôi cho rằng, nếu công ty là một con thuyền, người lãnh đạo không nhất thiết là người chèo thuyền giỏi nhất nhưng là người biết định hướng và truyền cảm hứng để mọi người cùng chèo về một hướng.
* Việc xây dựng “đội ngũ” được phát huy thế nào tại Gojek, thưa ông?
– Trong một môi trường cạnh tranh với lộ trình tăng tốc khá nhanh, dù chúng ta có một xuất phát tốt thế nào nhưng nếu không liên tục trau dồi, không phát triển bản thân thì sẽ bị tụt hậu.
Vậy nên, một trong những kế hoạch trọng tâm của Gojek Việt Nam là phát triển năng lực của đội ngũ nhân viên, làm sao để xây dựng các chương trình đào tạo, các khóa học cả online cũng như học trực tiếp để mà mọi người có thể thường xuyên trau dồi những kỹ năng, tiếp đón những cơ hội mới, thị trường mới mà họ vẫn có thể phát huy được năng lực của mình.
* Giá trị mà Gojek muốn hướng tới lâu dài tại Việt Nam là gì, thưa ông?
– Mục tiêu của Gojek tại Việt Nam không chỉ cạnh tranh về gọi xe, đồ ăn, hay thanh toán mà còn nhiều dịch vụ khác. Nếu xét về cuộc đua trở thành siêu ứng dụng tại Việt Nam của các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực thì còn khá xa về thành tích. Hiện cũng còn quá sớm để nhìn thấy ai là người dẫn dắt thị trường và có thể duy trì được vị trí trong nhiều năm tới.
Xác định đây là cuộc đua dài hơi nên đích đến của chúng tôi là phải trở thành siêu ứng dụng chứ không chỉ tập trung vào ba mảng đang có tại Việt Nam. Trong suốt thời gian vừa qua cũng như những năm về sau, chúng tôi luôn đề cao hai sứ mệnh.
Thứ nhất, mang lại cuộc sống tiện nghi, tiện ích hơn cho người tiêu dùng thông qua ứng dụng sát với cuộc sống hằng ngày của họ, giúp cho cuộc sống hằng ngày thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian và có một cuộc sống tiện ích hơn.
Thứ hai, mang lại thu nhập cho cộng đồng doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ tại Việt Nam. Đây là một cộng đồng với số lượng tài xế xe hai bánh rất lớn, số lượng các nhà hàng, quán ăn rất đông nhưng hầu hết lại nằm trong các con đường nhỏ hoặc ngõ, hẻm, ít được các nền tảng công nghệ, các công ty TMĐT tập trung phát triển.
Với hai sứ mệnh đó, Gojek quyết định thay đổi thương hiệu, thay đổi nền tảng công nghệ ứng dụng để có thể triển khai thêm dịch vụ mới với những tính năng, trải nghiệm mới tốt hơn.
* Từ khi hoạt động, GoViet rất ít tiết lộ về con số tăng trưởng, phải chăng kết quả chưa như kỳ vọng?
– Hai năm qua, GoViet đạt được tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, điều đó giúp chúng tôi có thêm tự tin về mức độ am hiểu thị trường, đội ngũ lãnh đạo và nhân viên để có thể triển khai những dịch vụ phù hợp với thị trường và các đối tác tại Việt Nam.
Song điều quan trọng hơn là từ những con số tăng trưởng này, chúng tôi tin rằng các dịch vụ mình đang mang lại có giá trị và được sự tin yêu của khách hàng, đối tác.
Chính vì vậy khi đổi thương hiệu từ GoViet sang Gojek, giá trị của chúng tôi không mất đi, ngược lại giúp chúng tôi có được những khách hàng, đối tác cũ.
Thực tế, sau khi thông báo GoViet sẽ chuyển đổi sang thành Gojek, hàng trăm nghìn khách hàng đã chuyển sang ứng dụng mới để chờ Gojek ra mắt, hàng chục nghìn đối tác đã lên nhận lại bộ áo và mũ bảo hiểm mới để tiếp tục hoạt động với ứng dụng (app) mới.
* Người dùng đang “tò mò” về ứng dụng mới của Gojek có gì mới?
– Sự khác biệt rõ nhất là giao diện gọn gàng hơn, dễ sử dụng hơn. Đặc biệt, nút sử dụng để đặt dịch vụ GoBike, GoFood, GoSend được chuyển xuống cuối màn hình, giúp thao tác nhanh hơn. Chúng tôi cũng sẽ triển khai một số tính năng hỗ trợ trải nghiệm khách hàng như “Chia sẻ hình ảnh” để khách hàng và tài xế trao đổi dễ hơn về chi tiết đơn hàng.
Song thay đổi lớn nhất là nền tảng công nghệ mới giúp chúng tôi có thể triển khai được những dịch vụ mới, triển khai một số tính năng và dịch vụ ở bất kỳ quốc gia nào, cũng như tùy chỉnh các tính năng và dịch vụ để đáp ứng thị hiếu của từng khu vực.
* Với ứng dụng mới có rất nhiều tính năng, tại sao Gojek không phát triển ở mảng xe bốn bánh?
– Đối với một doanh nghiệp, việc lựa chọn dịch vụ để không làm hay chưa làm cũng quan trọng như việc chọn những dịch vụ mình sẽ làm và đang làm. Lý do là mảng xe hai bánh trong thời gian đầu giúp chúng tôi mở ra được thị trường rất nhanh.
Bên cạnh đó, nhu cầu di chuyển bằng xe hai bánh tại Việt Nam vẫn nhiều hơn, nhanh hơn rất nhiều so với xe bốn bánh, lại thuận tiện tiết kiệm thời gian, mảng giao đồ ăn cũng là mảng phát triển rất là nóng.
* Từ câu chuyện khởi nghiệp của Gojek, ông ngẫm ra bài học gì trong kinh doanh?
– Khởi nghiệp từ Jarkata – một trong những thành phố kẹt xe nhất Đông Nam Á, trong bối cảnh tất cả mảng xe công nghệ khác đều tập trung vào mảng xe bốn bánh thì người sáng lập Gojek lại nhận ra, dù có ra mắt mảng gọi xe bốn bánh cũng không giải quyết được nhu cầu di chuyển nhanh chóng, tránh kẹt xe của người dùng ở Jarkata lúc đó.
Vì vậy, Gojek đưa ra thị trường sản phẩm GoBike hai bánh đầu tiên và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ tích cực của cả người dùng và tài xế, giúp những người chạy xe hai bánh có thu nhập ổn định. Thay vì họ phải ngồi ở ngã tư, vỉa hè đợi khách thì chỉ cần sử dụng ứng dụng của Gojek là có thể đặt được các chuyến xe.
Để tiếp tục mang lại thu nhập thêm cho tài xế, Gojek đưa ra hàng loạt dịch vụ xoay quanh tài xế hai bánh là GoBike, GoFood, GoSend, GoShop, GoMart… Tất cả dịch vụ này đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp hỗ trợ cho nhau, tăng thu nhập cho tài xế, giúp Gojek thu hút được 150.000 tài xế trong thời điểm rất nhanh.
Từ thành công này, ngẫm ra công nghệ, sự nhạy bén và sản phẩm giải quyết đúng nhu cầu người dùng đang cần là ba yếu tố đủ cho một startup thành công ở những bước đi đầu tiên.
* Ông có thể tiết lộ… yếu tố nào khiến ông gắn bó nhiều năm qua với Gojek?
– Ngoài thế mạnh của Gojek là nền tảng công nghệ – là một trong những siêu ứng dụng thực thụ ở trong khu vực Đông Nam Á, mang lại rất nhiều dịch vụ để có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng cũng như là đơn vị tiên phong trong việc ra mắt các dịch vụ mới, ứng dụng mới thì Gojek còn là một công ty có quan điểm về sứ mệnh xã hội rất cao, trong tất cả những việc họ làm, trong mọi suy nghĩ đều có tư duy mang lại những giá trị gì cho đối tác chứ không chỉ là phát triển doanh thu, phát triển lực lượng.
Đó chính là lý do tôi gắn bó cũng như Gojek đã thu hút được sự đầu tư của những tên tuổi kỳ cựu trong công nghệ. Gojek cũng có hai lần đoạt giải thưởng “Những công ty thay đổi thế giới” và là công ty duy nhất Đông Nam Á được vào danh sách này.
* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện ! (Theo DNSG).
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips