Skip to main content

Thẻ: Thương hiệu

Marketing trong 2024: Top các chiến lược có thể thúc đẩy tăng trưởng

Vào năm 2024 và xa hơn nữa, để có thể xây dựng được các chiến lược marketing hiệu quả, các thương hiệu cần tập trung nhiều hơn trong dài hạn, liên tục sáng tạo, nhanh nhạy và thử nghiệm để dịch chuyển.

Marketing trong năm mới 2024: Cách các thương hiệu có thể thúc đẩy tăng trưởng
Marketing trong năm mới 2024: Cách các thương hiệu có thể thúc đẩy tăng trưởng

Vào năm 2024, những sự thay đổi lớn về kinh tế vĩ mô và hành vi mua sắm của người tiêu dùng sẽ góp phần định hình lại các quyết định liên quan đến hoạt động marketing và quảng cáo tại các doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia marketing tin rằng sự phân mảnh của người dùng kỹ thuật số (digital user), đo lường hiệu quả của marketing và mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment) sẽ là các ưu tiên hay mối quan tâm hàng đầu.

Trong một sự kiện mới đây do TikTok tổ chức về cách các thương hiệu có thể phát triển mạnh hơn vào năm 2024, nhiều chuyên gia trong ngành đã thảo luận về các xu hướng, cơ hội và thách thức mà các marketer sẽ phải đối mặt.

Mở đầu, Bà Sapna Nemani, giám đốc sản phẩm và giải pháp tại APAC của Publicis Groupe chia sẻ rằng các lựa chọn của người tiêu dùng đang thay đổi về cơ bản.

Cách người tiêu dùng xem các giỏ hàng của họ không nhất thiết phải là giá thấp hay chỉ quan tâm về giá mà đó còn là giá trị mà chính các sản phẩm đó có thể mang lại.

“Mua sắm giải trí (Shoppertainment) sẽ là xu hướng đi đầu trong cách mọi người khám phá các thương hiệu, đồng thời cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định mua hàng.

Phễu bán hàng (Sales Funnel) phù hợp trong bối cảnh mới là Nội dung (Content), Giáo dục (Education), Giải trí (Entertainment) và mua sắm (Shopping/Purchase).

Hợp nhất hành trình khách hàng (Customer Journey) trong một thế giới đa kênh phân mãnh thực sự là thách thức lớn với những người làm marketing nói chung và Digital Marketing nói riêng.

“Trong suốt thời kỳ đại dịch, mọi người đều sử dụng các nền tảng kỹ thuật số riêng của họ và đó là nơi thương hiệu có thể xuất hiện, tuy nhiên, khi người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang ngoại tuyến (offline), một sự phân mãnh lớn trong hành trình khám phá sản phẩm và mua hàng cũng bắt đầu nổi lên.

Đa kênh (Omni Channel) khi này chính là chìa khoá.”

Thương hiệu cần cân bằng giữa doanh thu trong ngắn hạn và tăng trưởng dài hạn.

Trong các bối cảnh suy thoái, những người làm marketing nói chung đang phải chịu rất nhiều áp lực để chứng minh được giá trị của các khoản đầu tư của họ.

Từ góc nhìn này, khi người tiêu dùng tỏ ra nhạy cảm hơn về giá, các marketer thường có xu hướng tập trung nhiều hơn vào việc bán hàng hơn là xây dựng thương hiệu, các khoản ngân sách marketing theo đó cũng chuyển sang chi tiêu chính cho quảng cáo hay tiếp thị hiệu suất (Performance Marketing) thay vì là tiếp thị thương hiệu (Brand Marketing).

Ông Abhinav Maheshwari, phó chủ tịch phụ trách hiệu quả marketing của Nielsen cho biết:

“Việc ưu tiên bán hàng và cắt giảm ngân sách xây dựng thương hiệu có thể là một giải pháp phù hợp trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, “sự tổn thương” về doanh số là rất lớn.”

Bước sang năm 2024, các thương hiệu cần chuyển từ “chủ nghĩa ngắn hạn” sang chiến lược tập trung xây dựng giá trị trong dài hạn và xây dựng niềm tin của khách hàng với thương hiệu để có thể có được các tác động bền vững.

Ông Pablo Gomez, trưởng bộ phận sáng tạo và truyền thông tại Kantar cho biết “có được sự cân bằng giữa các chiến lược ngắn hạn và dài hạn là ưu tiên hàng đầu.”

Ông nói: “Một trong những hiểu biết quan trọng mà chúng tôi nhận thấy là người tiêu dùng ngày càng không thích xem quảng cáo nói chung, họ không thích bị gián đoạn khi đang xem nội dung hay bị làm phiền bởi quảng cáo.

Thay vì chỉ đầu tư vào các hoạt động tiếp thị hiệu suất thuần tuý, các thương hiệu nên tập trung vào việc xây dựng thương hiệu.”

Đo lường hiệu quả của Marketing là chìa khóa để xây dựng thương hiệu.

Vào năm 2024, việc đo lường hiệu quả marketing có thể là một thách thức lớn khi có nhiều điểm dữ liệu và số liệu khác nhau cần phải xem xét trong suốt quá trình khách hàng tìm hiểu về thương hiệu.

Nhiều chuyên gia về đo lường cho rằng, thay vì phải đo lường tất cả các điểm tiếp xúc của khách hàng với thương hiệu (brand touchpoint), họ chỉ cần đánh giá một vài chỉ số quan trọng nhất.

Một lãnh đạo tại AppsFlyer cho rằng thương hiệu chỉ nên đo lường những thứ có thể giúp dẫn đến sự gia tăng về hiệu quả kinh doanh. Khi có quá nhiều thứ phải đo lường, mục tiêu này sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Về tổng thể, người làm marketing cần tách biệt rõ các mục tiêu hay KPI (Key Performance Indicator) cho từng chiến dịch khác nhau, không thể gom tất cả các mục tiêu từ độ nhận biết về thương hiệu đến chuyển đổi trong cùng một chiến dịch hay trong cùng một khoảng thời gian ngắn.

Các thương hiệu phải linh hoạt trong việc xác định cách mình có thể thành công và có kế hoạch thành công trong dài hạn chứ không phải chỉ trong vài tháng hay vài quý.

Các thương hiệu cần tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng nhận thức thương hiệu (Brand Awareness), các đội nhóm thương hiệu và hiệu suất nên làm việc sát cánh cùng nhau.

Theo số liệu của Nielsen, các chỉ số thương hiệu như mức độ nhận biết hay mức độ cân nhắc khi tăng 1 điểm sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng tăng thêm tương ứng 1%.

Nhà quảng cáo cần xác định rõ kênh nào là quan trọng đối với việc xây dựng thương hiệu và kênh nào ảnh hưởng lớn đến việc thúc đẩy doanh số bán hàng. Toàn bộ hoạt động phân bổ ngân sách cần được đầu tư vào cả việc xây dựng thương hiệu và các kênh bán hàng.

Thay vì chỉ đo lường quảng cáo dựa trên các chỉ số quảng cáo, các nhà làm quảng cáo hay marketing cần tập trung vào việc đo lường quảng cáo ở cấp độ chi tiết nhất, nơi các thương hiệu có thể xem xét tác động của hoạt động tài trợ, từ các nhà sáng tạo, người có ảnh hưởng (Influencer) hoặc các nội dung có thương hiệu.

Các giải pháp của TikTok giúp thương hiệu phát triển mạnh trên toàn bộ kênh.

Đại diện của TikTok cho biết:

“Ở Đông Nam Á, chúng tôi phát hiện ra rằng các thương hiệu đang sử dụng nhiều định dạng quảng cáo TikTok, chẳng hạn như sử dụng video hashtag, quảng cáo trong nguồn cấp dữ liệu, thử thách hashtag trong video nguồn cấp dữ liệu cũng như các nội dung có thương hiệu (Branded Content) khác.

Thương hiệu có thể đạt được ROAS cao hơn 12% so với các thương hiệu chỉ tập trung vào một định dạng quảng cáo nhất định.

Và chúng tôi cũng nhận thấy rằng các thương hiệu thực hiện chiến dịch kéo dài hơn 7 tuần có ROAS cao hơn 14% so với các thương hiệu chỉ thực hiện chiến dịch trong một khoảng thời gian ngắn.

Bài học quan trọng cho các thương hiệu.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị rằng các thương hiệu cần chuyển từ chủ nghĩa ngắn hạn sang tập trung vào việc xây dựng giá trị thương hiệu trong dài hạn, xây dựng niềm tin với thương hiệu và hơn thế nữa để có thể phát triển tốt hơn trong dài hạn.

Khi nói đến việc đo lường, các thương hiệu không thể quên rằng “Thương hiệu phải đo lường ở cấp độ chi tiết bất kể mục tiêu đó là ngắn hạn hay dài hạn.”.

Trong các bối cảnh suy thoái, mặc dù các thương hiệu thường tập trung ưu tiên nhiều hơn vào hoạt động bán hàng hay tiếp cận khách hàng ở các bước cuối cùng của phễu bán hàng, tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu chưa bao giờ mất đi.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Storytelling: Cách xây dựng một câu chuyện thương hiệu có sức ảnh hưởng

Trong một thế giới ồn ào với đầy rẫy các thông tin được cập nhật liên tục như ngày nay, kể một câu chuyện thương hiệu (Storytelling) hấp dẫn và có sức ảnh hưởng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Cùng MarketingTrips tìm hiểu chi tiết về cách xây dựng một câu chuyện thương hiệu có sức ảnh hưởng trong bài viết này.

Storytelling: Cách xây dựng một câu chuyện thương hiệu có sức ảnh hưởng
Storytelling: Cách xây dựng một câu chuyện thương hiệu có sức ảnh hưởng

Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp, việc gia nhập ngành là một hành trình đầy thử thách với nhiều thăng trầm khác nhau.

Để vượt qua những thử thách này, vấn đề của doanh nghiệp không chỉ là làm sao để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hay bằng cách nào có thể duy trì lòng trung thành của họ với thương hiệu, một vấn đề lớn khác là doanh nghiệp nên xuất hiện trong vai trò như thế nào và làm sao để trở nên khác biệt so với các đối thủ hiện có trong ngành.

Trong khi tuỳ vào từng bối cảnh cụ thể, doanh nghiệp có thể lựa chọn các cách tiếp cận khác nhau, kể một câu chuyện thương hiệu (Brand Storytelling) hấp dẫn và có sức ảnh hưởng đến khách hàng mục tiêu và cộng đồng là giải pháp mà doanh nghiệp có thể sử dụng.

Dưới đây là chi tiết cách bạn có thể làm điều này.

Hãy bắt đầu với một mô típ (Motif).

Mô típ (motif) là bất kỳ đặc điểm hoặc ý tưởng đặc biệt nào được lặp đi lặp lại trong một câu chuyện. Thông thường, Mô típ giúp phát triển các yếu tố mang tính tường thuật khác chẳng hạn như các chủ đề hoặc cảm xúc của câu chuyện (Story Mood).

Mô típ cũng đóng vai trò là yếu tố thống nhất giúp kết hợp các khía cạnh khác nhau trong câu chuyện của thương hiệu với mục tiêu cuối cùng là tạo ra những trải nghiệm gắn kết và đáng nhớ cho đối tượng mục tiêu.

Để có thể tìm ra các mô típ phù hợp, trước tiên bạn nên tìm hiểu về thị trường mục tiêu của mình, vấn đề bạn đang cố gắng giải quyết là gì, và đâu là các đề xuất giá trị của doanh nghiệp hay thương hiệu (Unique Selling Proposition).

Bạn cũng cần hiểu về các giá trị cốt lõi và sứ mệnh của doanh nghiệp, đồng thời cân nhắc cách chuyển những giá trị này thành các yếu tố có thể nhìn thấy được (trực quan) hoặc thành các chủ đề có thể tạo ra sức ảnh hưởng với đối tượng mục tiêu.

Một Mô típ tốt không chỉ giúp tạo ra một bản sắc thương hiệu mạnh mẽ mà còn hỗ trợ truyền tải các thông điệp của thương hiệu một cách hiệu quả trên các nền tảng khác nhau.

Bằng cách kết hợp nhất quán mô típ này trong toàn bộ câu chuyện, hình ảnh và các vật liệu marketing của thương hiệu, bạn có thể tạo ra những trải nghiệm thương hiệu thống nhất và đáng nhớ, thứ giúp bạn khác biệt so với các đối thủ trên thị trường.

Tận dụng tư duy lấy con người làm trọng tâm.

Nếu bạn đã tìm hiểu về khái niệm thương hiệu trong marketing, nó hoàn toàn là yếu tố cảm xúc của người tiêu dùng với một sản phẩm hay dịch vụ nào đó. Thương hiệu tồn tại một cách độc lập khỏi các suy nghĩ chủ quan của doanh nghiệp và nó cũng chính là một cách để người tiêu dùng “thể hiện chính họ”.

Từ góc nhìn này, yếu tố con người mà cụ thể là cảm xúc của con người nên được xem là nền tảng của mọi câu chuyện thương hiệu, đó chính là động lực thúc đẩy những kết nối lâu dài và nhiều ý nghĩa với người tiêu dùng.

Bằng cách thu hút yếu tố cảm xúc, các marketer có thể khai thác những khao khát và động cơ đã làm thúc đẩy hành vi của người tiêu dùng, xây dựng nên các mối liên hệ giữa thương hiệu với khách hàng và hơn thế nữa.

Việc áp dụng cách tiếp cận lấy con người hay người tiêu dùng làm trọng tâm cũng sẽ củng cố thêm các mối liên kết này, giúp đảm bảo rằng câu chuyện của thương hiệu sẽ luôn được tối ưu để giải quyết các nhu cầu, thách thức và nguyện vọng riêng biệt của các nhóm đối tượng mục tiêu.

Là người làm marketing, bạn cần hiểu rằng cảm xúc là một khía cạnh quan trọng trong việc thiết lập nên cái gọi là sắc thái của thương hiệu hay các Unique Selling Point (USP) bởi vì nó cho phép thương hiệu tự phân biệt mình khỏi các đối thủ còn lại.

Các mối liên hệ cảm xúc không chỉ giúp thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu mà còn củng cố các USP của thương hiệu.

Nhất quán vẫn là từ khoá chính.

Cũng tương tự như trong quá trình xây dựng nhận diện thương hiệu (Branding), tính nhất quán cũng đóng vai trò rất quan trọng trong các chiến thuật kể chuyện thương hiệu, đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp, khi họ còn quá mới trên thị trường và khi khách hàng cần nhiều hơn các lý do để họ tin tưởng doanh nghiệp.

Hơn ai hết với các thương hiệu mới, mục tiêu trọng tâm hàng đầu nên là xây dựng một bản sắc thương hiệu (brand identity) mạnh giúp phân biệt họ với các đối thủ cạnh tranh.

Bằng cách duy trì tính nhất quán từ các thông điệp thương hiệu, hình ảnh, giọng điệu đến những trải nghiệm tổng thể trên tất cả các kênh truyền thông (website, fanpage, quảng cáo, email…), bạn có thể tạo ra một câu chuyện thương hiệu có khả năng gắn kết và đáng nhớ, hay có sức ảnh hưởng đến các nhóm khách hàng mục tiêu khác nhau.

Tính nhất quán cũng nên được áp dụng khi nói đến các đội nhóm hay các phòng ban trong doanh nghiệp. Nó không chỉ được áp dụng trong nội bộ nhóm marketing, mà còn với các phòng ban khác như chăm sóc khách hàng, công nghệ hay bán hàng.

Khi có sự nhất quán trong nội bộ, quá trình đưa các câu chuyện của thương hiệu ra bên ngoài cũng trở nên bền vững và hiệu quả hơn.

Tóm lại, dù là bạn đang làm việc trong các công ty khởi nghiệp, các thương hiệu mới hay thậm chí là các thương hiệu đã lâu năm nhưng chưa có được sự chú ý nhất định từ cộng đồng người tiêu dùng, kể một câu chuyện thương hiệu có sức ảnh hưởng là những gì bạn có thể làm để thúc đẩy thương hiệu, xây dựng nhận thức về thương hiệu, và bán hàng.

Khách hàng của bạn không phải đơn giản là “người mua hàng” mà là “con người với nhiều cảm xúc khác nhau và không ngừng thay đổi”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Mức độ sẵn sàng chi trả là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng

Trong kinh doanh và marketing, dù doanh nghiệp hay thương hiệu của bạn đang kinh doanh sản phẩm gì và nhắm đến nhóm khách hàng mục tiêu nào, có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến cách họ ra quyết định mua hàng, đối với các phân khúc khách hàng khác nhau, điều này cũng khác nhau.

Để có thể thành công, ngoài việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ, một chiến lược định giá phù hợp cũng là chìa khoá để thương hiệu có thể chinh phục được khách hàng của mình. Nếu định giá quá thấp, doanh nghiệp để mất doanh thu, nếu định giá quá cao, doanh nghiệp có thể đẩy khách hàng vào tay đối thủ.

Với tư cách là một người làm marketing chuyên nghiệp, bạn cần hiểu và đánh giá được các yếu tố tiềm năng có thể ảnh hưởng đến cách khách hàng ra quyết định mua hàng, nói cách khác, khách hàng sẽ sẵn sàng trả tiền (mức độ sẵn sàng chi trả) khi nào, những thứ mà khách hàng có thể coi là rào cản chính là những gì mà Marketer cần giải quyết.

Mức độ sẵn sàng chi trả (sẵn lòng chi trả) là gì?

Mức độ sẵn sàng chi trả (Ý định chi trả) là gì?
Mức độ sẵn sàng chi trả (Ý định chi trả) là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng

Trong ngành marketing, có một khái niệm dù không mới nhưng không phải marketer nào cũng có thể hiểu đó là “mức độ sẵn sàng chi trả” hay “ý định chi trả” hoặc “mức sẵn lòng chi trả”, nó chính là mức giá tối đa mà khách hàng sẵn sàng chi trả cho một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó. Đối với từng phân khúc thị trường khác nhau, chỉ số này cũng sẽ khác nhau.

Mặc dù khách hàng tiềm năng có thể sẵn sàng trả ít hơn ngưỡng này nhưng điều quan trọng là marketer phải hiểu rằng, trong hầu hết các trường hợp, họ sẽ không trả ở mức giá cao hơn.

Theo nhận định từ một giáo sư kinh tế của Trường Kinh doanh Harvard, khái niệm “sẵn sàng chi trả” (Willingness to Pay – WTP) cho doanh nghiệp biết rằng dù khách hàng có sẵn lòng trả tiền cho một sản phẩm ra sao và sản phẩm đó đến từ đâu, họ sẽ không trả nhiều hơn số tiền mà họ đã định sẵn”. (số tiền họ cho là ngưỡng phù hợp).

Tuỳ thuộc vào từng nhóm khách hàng khác nhau, cái gọi là “ngưỡng” nói trên cũng sẽ khác nhau.

Danh sách các yếu tố chính ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng chi trả của khách hàng.

Khi nói đến thuật ngữ “mức độ sẵn sàng chi trả” (WTP), các yếu tố ảnh hưởng không phải là những hằng số cố định, tuỳ thuộc vào sự thay đổi của các yếu tố bên trong (ví dụ tâm lý khách hàng) và bên ngoài (ví dụ bối cảnh thị trường), mà các chỉ số này có thể khác nhau, dưới đây là các yếu tố chính ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng chi trả của khách hàng.

  • Thu nhập
  • Địa lý
  • Thời tiết
  • Tuổi tác
  • Giới tính
  • Lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu
  • Cấp độ dịch vụ
  • Quảng cáo
  • Sản phẩm cạnh tranh
  • Kỳ vọng của khách hàng
  • Tính hợp pháp
  • Bao bì
  • Tác động đến môi trường hoặc xã hội (CRS)
  • Tính cấp thiết của sản phẩm (hoặc dịch vụ)

Như bạn có thể thấy, giá cả không phải là đặc điểm duy nhất quan trọng đối với khách hàng. Ví dụ: kỳ vọng của khách hàng, thiết kế bao bì hay thương hiệu cũng ảnh hưởng lớn đến cách khách hàng sẵn sàng chi trả.

Về tổng thể, khi khách hàng có nhu cầu cấp thiết đối với sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp có thể cung cấp, họ có thể sẵn sàng trả giá cao hơn so với khi nhu cầu của họ ít khẩn cấp hơn. Tương tự, sự thiếu hụt về nguồn cung thực tế hoặc nhận thức được có thể khiến họ sẵn sàng trả giá cao hơn.

Ngược lại, mức độ sẵn sàng chi trả của khách hàng có thể giảm xuống do sự xuất hiện của một số đối thủ cạnh tranh mới có mức độ nhận diện thương hiệu (Brand Awareness) mạnh hơn hoặc nhận thức rằng sản phẩm hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp nào đó đã lỗi thời (đặc biệt đúng với các sản phẩm liên quan đến công nghệ).

Cách xác định mức độ sẵn sàng chi trả của khách hàng.

Bằng cách xác định đúng mức độ sẵn sàng (sẵn lòng) chi trả của khách hàng, doanh nghiệp có thể xây dựng nên những chiến lược giá bán phù hợp, cho phép tối đa hóa lợi nhuận và sự hài lòng của khách hàng.

Dưới đây là các phương pháp chính bạn có thể sử dụng để ước tính và tính toán mức độ sẵn sàng chi trả của khách hàng cho sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp.

1. Khảo sát và Nhóm tập trung (Focus Groups).

Một trong những cách chắc chắn nhất để xác định mức độ sẵn sàng chi trả (trả tiền) của khách hàng là hỏi chính họ. Mặc dù các cuộc khảo sát có xu hướng có chi phí tiết kiệm hơn so với các cuộc khảo sát nhóm tập trung nhưng cả hai đều là những cách thức hiệu quả để thực hiện điều đó. Các cuộc khảo sát thường thu thập một lượng lớn dữ liệu có thể định lượng được, trong khi các nhóm tập trung thường mang lại thông tin có nhiều sắc thái và chất lượng hơn.

2. Phân tích kết hợp.

Phân tích kết hợp là một loại khảo sát chuyên biệt, trong đó người trả lời được yêu cầu xếp hạng các tính năng đi kèm khác nhau. Sau đó, các phản hồi này được thương hiệu sử dụng để gán một giá trị bằng số cho từng đặc điểm (được gọi là “giá trị một phần”) nhằm xác định sở thích của người tiêu dùng.

Các giá trị này có thể được sử dụng để dự đoán cách người tiêu dùng sẽ phản ứng với một sản phẩm nhất định và giúp xác định những tính năng nào sẽ tạo nên kết quả mong đợi cuối cùng.

3. Thử nghiệm và lựa chọn dựa trên dữ liệu lịch sử.

Với sự phát triển của công nghệ, doanh nghiệp ngày càng có thể sử dụng dữ liệu về những lựa chọn trong quá khứ của người tiêu dùng để xác định mức độ sẵn sàng chi trả thực sự của họ. Đây được xem là phương pháp hiệu quả vì những hiểu biết (insights) có được hoàn toàn dựa trên những gì người tiêu dùng làm thay vì những gì họ nói.

Tầm quan trọng của việc xác định đúng mức độ sẵn sàng chi trả của người tiêu dùng ngay từ đầu.

Bằng cách ước tính mức độ sẵn sàng chi trả và thực hiện ngược lại để xác định giá, các doanh nghiệp có thể tự tin tối đa hóa tỷ suất lợi nhuận trong khi thu được càng nhiều giá trị càng tốt từ người tiêu dùng.

Trong khi định giá cao có thể khiến doanh nghiệp để mất khách hàng vào tay đối thủ, định giá thấp lại khiến doanh nghiệp không thể tồn tại được, định giá dựa trên mức độ chấp nhận của khách hàng được xem là chiến lược lý tưởng nhất cho doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp mới, chưa có thương hiệu và lợi thế trên thị trường.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Cuộc cách mạng xây dựng thương hiệu trên các nền tảng kỹ thuật số

Nếu như từng có những quan điểm cho rằng cái gọi là “Thương hiệu” không thể được xây dựng thông qua các nền tảng kỹ thuật số (Digital Platforms) thì có lẽ giờ đây là lúc họ cần suy nghĩ lại.

Cuộc cách mạng xây dựng thương hiệu trên các nền tảng kỹ thuật số
Cuộc cách mạng xây dựng thương hiệu trên các nền tảng kỹ thuật số

Trước kỷ nguyên kỹ thuật số, khi các quảng cáo truyền thống như quảng cáo ngoài trời (OOH) hay quảng cáo trên TV vẫn được xem là con đường duy nhất để xây dựng thương hiệu (Brand).

Ngay cả những thời kỳ đầu của cuộc cách mạng kỹ thuật số, nhiều quan điểm vẫn cho rằng các nền tảng hay phương tiện kỹ thuật số không thể xây dựng thương hiệu hoặc không có thương hiệu nào được xây dựng chỉ bằng mạng xã hội.

Tất nhiên, nếu như bạn quan sát trên thực tế, sẽ hiếm có thương hiệu nào được xây dựng chỉ bằng quảng cáo, thay vào đó, thương hiệu được hình thành dựa trên nhiều lực kết hợp khác nhau của marketing và hoạt động tổ chức kinh doanh.

Quảng cáo, suy cho cùng cũng chỉ là một hoạt động bắt buộc phải có của các thương hiệu yếu chứ không phải của các thương hiệu mạnh hay là “cánh tay đắc lực” của các ‘Market Leader’ trên thị trường.

Theo nghĩa này, quảng cáo trực tuyến (Online, Digital Advertising) cũng không thể tự nó xây dựng thương hiệu mà đơn giản là nó đóng góp một phần (quan trọng) vào quá trình xây dựng thương hiệu.

Trong khi có không ít các quan điểm cho rằng “Thương hiệu” (Brand) không thể được xây dựng chỉ thông qua các nền tảng kỹ thuật số, nhiều bằng chứng hay số liệu đã chứng minh điều ngược lại. Hiển nhiên, thương hiệu không thể được xây dựng từ quảng cáo, nó hoàn toàn có thể được xây dựng trên môi trường kỹ thuật số.

Khi chúng ta đang ở cái thời kỳ có thể được gọi là “chuyển giao”, khi các yếu tố công nghệ, đặc biệt là AI( trí tuệ nhân tạo) đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi và cũng thể hiện được vai trò quan trọng của nó, khi người tiêu dùng rõ ràng sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ các thương hiệu có cách tiếp cận công nghệ phù hợp, câu chuyện xây dựng thương hiệu hay xây dựng các cảm nhận của khách hàng về các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp sẽ không ngừng được chuyển đổi.

Cuộc chiến của các nền tảng.

Về tổng thể, từ thời điểm khi các nền tảng quảng cáo trực tuyến như Google hay Facebook, các nền tảng này vẫn liên tục cuộc đua giành thị phần (Market Share) quảng cáo với các nền tảng truyền thống như báo in (Print Ad), Radio hay TV.

Google và Meta (công ty mẹ của Facebook) đã tạo ra một tỷ lệ chưa từng có trong chi tiêu quảng cáo toàn cầu trong hai thập kỷ qua. Từ chỗ cạnh tranh, các nền tảng này hiện đang thống trị thị trường quảng cáo, ở nhiều thị trường khác nhau, ngân sách chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số vượt xa ngân sách chi tiêu cho các kênh quảng cáo truyền thống (Traditional Advertising).

Mức độ tăng trưởng của quảng cáo kỹ thuật số sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong những năm tới (Theo số liệu MarketingTrips cập nhật mới nhất từ Statista), bên cạnh đó là sự trỗi dậy của các nền tảng xã hội, sự phát triển vượt bậc của các mạng quảng cáo bán lẻ (retail media) và hơn thế nữa.

Về phía các nền tảng, hiển nhiên, bảo vệ thị phần hay ngân sách chi tiêu quảng cáo (của các nhà quảng cáo, của các thương hiệu) hiện có là điều bắt buộc, tuy nhiên, các nền tảng này còn không ngừng tìm cách mở rộng thị phần thông qua các tính năng hay định dạng quảng cáo mới, con đường này sẽ dường như khó có thể dừng lại khi hành vi của người tiêu dùng không ngừng thay đổi.

Việc YouTube thêm Shorts hay Instagram thêm Reels để cạnh tranh với TikTok là những minh chứng cụ thể cho điều này.

Sự trỗi dậy của video.

Theo số liệu ước tính, hiện có đến 80% lưu lượng truy cập internet toàn cầu (internet traffic) đến từ video, các video kỹ thuật số hiện đang thống trị cách người dùng trải nghiệm các nội dung trực tuyến, từ để giải trí, đến cả mua sắm.

Khi video hay các định dạng nội dung trực quan (visual content) khác vốn dĩ mang lại những tác động cảm xúc cao hơn, trải nghiệm tốt hơn (Theo số liệu của Facebook thì quảng cáo video mang lại tỷ lệ tương tác và chuyển đổi cao hơn), đây chính là con đường để các marketer bắt đầu xây dựng thương hiệu của họ trên môi trường trực tuyến.

Nhiều video hơn có nghĩa là nhiều sự chú ý hơn, nhiều kết nối hơn, nhiều tương tác hơn, nhiều ghi nhớ (mối liên kết và liên tưởng tới thương hiệu), điều cuối cùng sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ xây dựng thương hiệu tốt hơn mà còn cả doanh số bán hàng trong dài hạn (không phải chỉ trong ngắn hạn).

Vũ khí chính của Google chống lại TV (truyền thống) là YouTube. SmartTV được tích hợp sẵn YouTube nên nhiều nội dung YouTube vẫn được xem trên các màn hình lớn trong nhiều gia đình, theo YouTube có đến 45% hộ gia đình tại Mỹ xem YouTube qua SmartTV.

Trong khi Meta hay TikTok cũng đang giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế dành cho các nhà sáng tạo nội dung video.

Sự trỗi dậy của các nền tảng kỹ thuật số và video đã truyền cảm hứng cho các marketer rằng họ hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu của họ trên môi trường số.

Cuộc cách mạng xây dựng thương hiệu.

Với những gì đang diễn ra, cách thức xây dựng thương hiệu trong các doanh nghiệp đang dần được thay đổi.

Trong khi có không ít doanh nghiệp coi môi trường kỹ thuật số hay các nền tảng quảng cáo kỹ thuật số như Googe hay Facebook chỉ là kênh tiếp cận ngắn hạn, họ tích cực sử dụng các kênh này để bán hàng trực tiếp, tìm kiếm khách hàng (Performance Marketing), các doanh nghiệp khác coi đây vừa kênh ngắn hạn lẫn dài hạn, họ vừa sử dụng Performance Marketing để thúc đẩy hiệu suất trong ngắn hạn, vừa coi trọng Brand Marketing để xây dựng thương hiệu trong dài hạn.

Ở một bối cảnh khác, khi những điều luật về quyền riêng tư của dữ liệu người dùng ngày càng được áp dụng rộng rãi, khi Apple ngày càng hạn chế việc thu thập và theo dõi dữ liệu từ các nền tảng quảng cáo như Facebook, TikTok hay Google, câu chuyện xây dựng thương hiệu sẽ ngày càng được coi trọng hơn trên môi trường trực tuyến.

Các quảng cáo thương hiệu (Brand Advertising) theo đó, từ chỗ được xem là khoản chi tiêu lãng phí hay ít có sức ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh, sẽ dần chuyển sang bắt buộc dù cho doanh nghiệp không thực sự đo lường được kết quả cuối cùng.

Cũng từ đây câu chuyện đo lường kỹ thuật số cũng sẽ thay đổi, từ chỗ đo lường phân bổ trực tiếp đến các kỹ thuật đo lường dựa trên hiệu suất kinh doanh tổng thể, bao gồm cả những trải nghiệm của khách hàng với thương hiệu.

Bối cảnh mới của Performance Marketing và Brand Marketing.

xét về tổng thể thị trường, ở hầu hết các phân khúc, số lượng các doanh nghiệp hay thương hiệu sẽ ngày càng gia tăng, và khi các thương hiệu vốn tập trung vào các hoạt động marketing nhằm thúc đẩy hiệu suất trong ngắn hạn hay đẩy mạnh ngân sách vào các phần cuối cùng của phễu bán hàng (sales funnel), họ cũng sẽ dần đạt đến điểm bão hoà, điểm mà ở đó dù cho họ có gia tăng ngân sách chi tiêu đến mức nào thì doanh số của họ cũng không thể tăng lên.

Đây chính là lúc doanh nghiệp tìm đến các cách tiếp cận mới, xây dựng thương hiệu trên nhiều điểm tiếp xúc hơn và ưu tiên nhiều hơn cho chiến lược marketing toàn phễu (full funnel Marketing).

Nhà kinh tế lượng Grace Kite và Cộng đồng nghiên cứu quảng cáo (ARC) gần đây đã đưa ra các phân tích tổng hợp của mô hình kinh tế lượng về tác động của các phương tiện truyền thông (và các chiến dịch được chạy hàng ngày) đối với các thương hiệu.

Nghiên cứu cho thấy rằng các doanh nghiệp đang phải đối mặt với một ‘cuộc khủng hoảng về hiệu quả của quảng cáo’ trong đó việc coi quảng cáo hay các nền tảng kỹ thuật số chỉ nên được áp dụng cho các chiến thuật ngắn hạn là nguyên nhân chính.

Sự thật là (theo hình ảnh ở trên), các nền tảng kỹ thuật số có thể thúc đẩy sự phát triển của thương hiệu cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Tầm quan trọng của video đối với việc xây dựng thương hiệu cũng đã được chứng minh, tác động lâu dài của các kênh video cao hơn gấp đôi so với các kênh không phải video.

Xây dựng thương hiệu trong kỷ nguyên số.

Nếu như bạn vẫn hoài nghi về sức mạnh của các nền tảng kỹ thuật số hay môi trường số trong việc xây dựng thương hiệu (trong dài hạn) thì hãy xem các ví dụ dưới đây.

Prime, một thức uống thể thao do YouTuber Logan Paul và KSI thành lập với tư cách là đối thủ trực tiếp của hãng đồ uống Gatorade.

Nếu tìm hiểu, bạn sẽ thấy rằng, chiến lược mà Prime sử dụng là Influencer Marketing, thương hiệu sử dụng hình ảnh của những người nỗi tiếng và có sức ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội cùng với đó là nhữn hợp đồng tài trợ cho các đội bóng như Arsenal.

Ngoài ra, thương hiệu này cũng được phân phối rộng rãi qua Asda, một hệ thống chuỗi siêu thị bán lẻ lớn của Anh.

Ngày nay, Prime luôn nằm trong top các thương hiệu ưu tiên cùng phân khúc.

Để có được thành công như hiện tại, nhiều người thắc mắc, liệu có phải Prime nhờ vào quảng cáo không? Câu trả lời là không hoặc nếu có thì quảng cáo sẽ không xuất hiện như một “quảng cáo”.

Hay có phải Prime chỉ được xây dựng trên mạng xã hội? Câu trả lời cũng là Không, nó được xây dựng giống như tất cả các thương hiệu khác, đó là một loạt các công cụ và chiến thuật khác nhau mà marketer vẫn gọi là Marketing Mix, tuy nhiên, yếu tố đóng góp lớn nhất của Prime thì chắc chắn là mạng xã hội và các ưu tiên kỹ thuật số.

Trong khi những thương hiệu hay doanh nghiệp càng lớn và có giá trị hơn sẽ ít phụ thuộc hơn vào quảng cáo hay các nền tảng kỹ thuật số.

Thật khó để hình dung điều gì sẽ xảy ra trong tương lai nếu các doanh nghiệp này không coi trọng quảng cáo hay xây dựng thương hiệu trên các nền tảng kỹ thuật số.

Tầm quan trọng của tài sản thương hiệu.

Trong khi ngân sách chi tiêu quảng cáo cho các nền tảng kỹ thuật số vẫn không ngừng tăng trưởng, và cũng có không ít thương hiệu tiếp cận quảng cáo hay các nền tảng kỹ thuật số với mục tiêu ngắn hạn (bán hàng trực tiếp, chuyển đổi trực tiếp…), yếu tố tài sản thương hiệu chưa bao giờ hết giá trị hay mất đi tầm quan trọng xét về khía cạnh ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

Theo số liệu nghiên cứu được công bố bởi Ipsos, “thương hiệu” vẫn là yếu tố then chốt trong tâm trí người tiêu dùng khi ra quyết định mua hàng, và chỉ số này vẫn tiếp tục tăng qua các năm.

Điều này có nghĩa là, để bán được nhiều hàng hơn, trở thành Top of Mind trong tâm trí người tiêu dùng là yêu cầu gần như không thể tránh khỏi.

Dữ liệu của Ipsos cũng cho thấy rằng ‘dễ dàng mua hàng’ cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng và tiêu chí này đặc biệt tăng lên sau thời kỳ đại dịch.

Mặc dù các thương hiệu vẫn đang được xây dựng trong thời đại kỹ thuật số, nhưng các kênh kỹ thuật số cũng có thể tạo ra nhiều cơ hội hơn để bán hàng. Các nền tảng kỹ thuật số đang thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của marketing.

Với tư cách là người trong cuộc, các Marketer đang nghĩ gì?

Trong một cuộc khảo sát mới đây, có đến 86,7% marketer tin rằng các phương tiện kỹ thuật số mang lại hiệu quả trong việc xây dựng thương hiệu, cao hơn so với 80,1% marketer tin rằng các phương tiện ngoại tuyến (offline) có thể xây dựng thương hiệu.

Từ các thương hiệu thành công đã được chứng minh đến những người trong cuộc, tất cả đều đi đến kết luận về vai trò của các nền tảng trực tuyến trong việc xây dựng thương hiệu, về cách tiếp cận với các nền tảng (vừa ngắn hạn, vừa dài hạn) và hơn thế nữa.

Chính bạn giờ đây là người quyết định con đường cho doanh nghiệp của mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Sức mạnh của các quảng cáo sáng tạo với thương hiệu

Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng càng nhiều các quảng cáo sáng tạo và khác biệt, thương hiệu càng có nhiều cơ hội hơn để khác biệt hoá so với đối thủ và thiết lập vị thế trên thị trường.

Sức mạnh của các quảng cáo sáng tạo với thương hiệu
Sức mạnh của các quảng cáo sáng tạo với thương hiệu

Trong thế giới làm marketing, “Top of Mind” là từ khoá mà hiếm có marketer chuyên nghiệp nào lại không biểt đến. Ý tưởng đằng sau điều này là trong một thị trường đông đúc với vô số các đối thủ cạnh tranh, và khi người tiêu dùng chỉ có thể nhớ và lựa chọn mua hàng từ một số ít các thương hiệu (theo nghiên cứu là tối đa 5 thương hiệu trên mỗi danh mục sản phẩm, việc có được một vị trí càng cao trong tâm trí của người tiêu dùng sẽ đồng nghĩa với việc là thương hiệu càng có nhiều cơ hội hơn để bán hàng.

Cơ chế này cũng hoạt động với ngành quảng cáo hay các tác động từ quảng cáo tới tâm trí của người tiêu dùng, người tiêu dùng chỉ có thể nhớ một số ít các mẫu quảng cáo, quảng cáo càng độc đáo và khác biệt thì khả năng được ghi nhớ càng cao.

Theo số liệu mới đây từ Công ty nghiên cứu Zappi đã phân tích 2.300 mẫu quảng cáo ở Mỹ trên hệ thống quảng cáo Amplify của mình và nhận thấy rằng những mẫu quảng cáo mà người xem cho là đặc biệt có nhiều khả năng hiệu quả hơn.

Trên toàn bộ dữ liệu, người xem trung bình đánh giá quảng cáo ở mức 3,81 điểm trên thang điểm 5 về mức độ khác biệt (điểm số cao hơn biểu thị mức độ khác biệt lớn hơn).

Tuy nhiên, những điểm số đó đã thay đổi khi Zappi cắt dữ liệu theo các quảng cáo hiệu quả nhất. Cụ thể, 10% quảng cáo hàng đầu có điểm khác biệt là 4,03; đối với 5% hàng đầu, nó là 4,1. Và đối với 1% hàng đầu, nó là 4,15. Ngược lại, những quảng cáo kém hiệu quả nhất, nằm trong 5% dưới cùng, có điểm xếp hạng là 3,6.

Quảng cáo càng khác biệt và sáng tạo thì càng hiệu quả.

Ngoài ra, nhiều bằng chứng khoa học hành vi khác cũng giải thích tại sao sự khác biệt, sáng tạo hay độc đáo lại có thể có tác động lớn như vậy.

Càng nổi bật thì càng cơ nhiều cơ hội để được “ở lại” trong tâm trí.

Để quảng cáo có thể mang lại sức ảnh hưởng tốt nhất, việc quảng cáo xuất hiệu vào đúng thời điểm chính là chìa khoá. Và đây cũng chính là lúc tính khác biệt có thể phát huy sức mạnh lớn nhất của nó.

Một loạt các cuộc nghiên cứu của các nhà tâm lý học đã được thực hiện và có cùng một kết quả là con người có xu hướng ghi nhớ tốt nhất những gì khác biệt so với số còn lại.

Liên hệ đến lĩnh vực quảng cáo. Nếu các mẫu quảng cáo của thương hiệu tương tự như vô số các mẫu quảng cáo khác mà họ thấy trên thị trường, khách hàng của thương hiệu có thể khó nhớ đến thương hiệu hơn.

Ngược lại, nếu nó là một thứ gì đó khác biệt (khác biệt hoàn toàn), cơ hội thương hiệu được nhận diện và ở lại trong tâm trí của họ là rất lớn.

Ví dụ bên dưới là TVC quảng cáo của thương hiệu Doritos (chuyên sản xuất snack), đây là quảng cáo được xếp hạng trong 0,2% quảng cáo hàng đầu của Zappi.

Quảng cáo này không chỉ khác biệt trong cách thể hiện, bạn hoàn toàn có thể hiểu được thông điệp chính của thương hiệu ngay cả khi bạn tắt tiếng.

Càng kích thích sự quan tâm thì tác động mang lại càng cao.

Một cách để trở nên nổi bật hay khác biệt là tạo ra yếu tố bất ngờ cho khách hàng. Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng điều này có khả năng thu hút sự chú ý – và do đó chúng mang lại tiềm năng thuyết phục cao.

Một nghiên cứu tại Đại học California cho thấy, mọi người thường có xu hướng làm cho cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn bằng cách sử dụng cái mà họ gọi là ‘kịch bản’ (có sẵn).

Ý tưởng đằng sau điều này là khi mọi người gặp phải những tình huống thông thường, thay vì phải đánh giá hay phân tích chúng, họ chỉ cần thực hiện những phản xạ vốn được lập trình sẵn.

Trong trường hợp thứ xuất hiện không phải là thứ mà họ thường vẫn thấy, họ sẽ tiến hành nhận diện vấn đề lần đầu và chính vì điều này, nó có khả năng “ở lại” trong tâm trí của họ nhiều hơn.

Trong bối cảnh kinh doanh và marketing, hầu hết người tiêu dùng đều có sẵn một kịch bản trong đầu khi họ gặp phải những mẫu quảng cáo hay thông điệp mà họ vẫn thấy “ở đâu đó”, họ thường phớt lờ các quảng cáo này.

Đối với các thương hiệu, điều này có nghĩa là việc theo đuổi những ý tưởng hay tình huống mà khách hàng ít ngờ tới nhất có khả năng tạo ra nhiều phản hồi và tương tác nhất.

Phá vỡ các quy tắc thông thường.

Được chú ý và được nhớ đến luôn là một cái đích quan trọng của marketing, nhưng thương hiệu sẽ thành công hơn nếu họ được khách hàng tin tưởng và đánh giá cao.

Nghiên cứu cho thấy việc phá vỡ các quy tắc thông thường cũng có thể khiến cho thương hiệu trở nên khác biệt và được đánh giá cao hơn.

Được thực hiện bởi giáo sư Harvard Francesa Gino, khi một nhóm người được yêu cầu đánh giá địa vị và năng lực của một vị Giáo sư thông qua hình dáng bên ngoài, giữa một giáo sư ăn mặc chỉnh tề (mặc vét và không có râu) và một vị khác ăn mặc khác thường (áo thun đơn giản và có râu), kết quả là vị Giáo sư có râu được đánh giá là có năng lực hơn.

Khác biệt và “không tuân theo cách nghĩ thông thường” rõ ràng là có thể mang lại những tác động lớn hơn, và trong khi đây chỉ là một trong nhiều cách tiếp cận mà thương hiệu có thể sử dụng, từ góc độ sáng tạo, đây là một nơi đơn giản mà thương hiệu có thể bắt đầu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Sức ảnh hưởng của các dữ liệu mạng xã hội tới sự thành công của doanh nghiệp

Báo cáo mới đây Social Media 2023 State của Sprout Social (nền tảng Social Listening) cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng tăng của các dữ liệu trên mạng xã hội (Social Media data) đối với sự thành công của doanh nghiệp.

Sức ảnh hưởng của các dữ liệu mạng xã hội tới sự thành công của doanh nghiệp
Sức ảnh hưởng của các dữ liệu mạng xã hội tới sự thành công của doanh nghiệp

Các nghiên cứu mới đây cho thấy, các nhà lãnh đạo hay điều hành doanh nghiệp ngày càng nhận ra tầm quan trọng của các dữ liệu xã hội và sự hiểu biết sâu sắc về các dữ liệu đó (Insights) trong việc diễn giải hành vi của người tiêu dùng, dự đoán xu hướng và đưa ra các quyết định sáng suốt (dựa trên thông tin và dữ liệu).

Dữ liệu xã hội (Social Data) không chỉ dừng lại ở những con số mà còn là dùng để tạo ra các kết quả kinh doanh thực tế tại doanh nghiệp.

Việc kết hợp những hiểu biết từ các dữ liệu xã hội vào mọi khía cạnh của doanh nghiệp theo đó là vô cùng quan trọng để xác định đúng chiến lược, phân tích đối thủ cạnh tranh và hơn thế nữa.

Trong báo cáo Social Media năm 2023 của Sprout Social, các ưu tiên kinh doanh phù hợp nhất trong môi trường kinh tế ngày nay là:
  • Xây dựng danh tiếng thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu.
  • Có được những cấp độ hiểu biết sâu sắc hơn về khách hàng.
  • Nâng cao vị thế cạnh tranh.
  • Tiến về phía trước bằng cách liên tục dự đoán các xu hướng trong tương lai.

Dưới đây là một số ví dụ về cách các doanh nghiệp đã tận dụng dữ liệu và sự hiểu biết từ mạng xã hội để tạo ra những kết quả kinh doanh tích cực cho doanh nghiệp.

Cách Plaid sử dụng dữ liệu mạng xã hội để nâng cao nhận thức về thương hiệu.

Plaid là công ty fintech có trụ sở tại San Francisco, Mỹ, cho phép người tiêu dùng kết nối tài khoản tài chính của họ với các ứng dụng và dịch vụ yêu thích mà không ảnh hưởng đến yếu tố an toàn và bảo mật.

Thành công của thương hiệu hay doanh nghiệp này phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động “giáo dục và định hướng” tới các bên liên quan – bao gồm cả người tiêu dùng và những tổ chức tài chính khác, cả hai nhóm này vốn dĩ là không thành thạo hay hiểu rõ bản chất của các yếu tố công nghệ đằng sau ứng dụng.

Vì hiểu rằng các nhóm đối tượng mục tiêu trên mạng xã hội đóng vai trò quyết định trực tiếp đến sự thành công của doanh nghiệp, Plaid đặt mục tiêu trao quyền cho những người theo dõi họ mình bằng nội dung hữu ích, giàu thông tin để từ đó chính khách hàng sẽ là những “đại sứ” chia sẻ và lan truyền thông tin về thương hiệu.

Bằng cách sử dụng Sprout Social, một nền tảng lắng nghe mạng xã hội được hỗ trợ bởi AI (trí tuệ nhân tạo), Plaid đã có thể tạo ra vòng phản hồi dựa trên dữ liệu, cao nhận thức và danh tiếng về thương hiệu.

Đại diện của Plaid cho biết: “Nếu có điều gì đó không hiệu quả, chúng tôi có thể tìm hiểu nguyên nhân và điều chỉnh lại chiến lược của mình để đảm bảo rằng chúng tôi đang cung cấp cho nhiều đối tượng khán giả quyền truy cập vào thông tin họ muốn, theo cách họ muốn sử dụng thông tin đó.”

Bằng cách phân tích cả dữ liệu hiệu suất và thông tin chi tiết về sức khỏe của thương hiệu thông qua mạng xã hội, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn điều gì đang mang lại giá trị và điều gì thì không với khách hàng.

Khi mạng xã hội trở thành một điểm chạm không thể thiếu với phần lớn khách hàng, vai trò của người làm marketing trong việc có được dữ liệu và hiểu dữ liệu là hết sức cần thiết.

Cách Hudl dựa vào dữ liệu xã hội để hiểu được nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng.

Tính thời vụ là điều mà nhiều thương hiệu hiện nay phải đối mặt, bất kể các doanh nghiệp đó đang kinh doanh trong ngành nào.

Tính thời vụ trong dịch vụ khách hàng có thể tạo ra nhiều thách thức lớn cho thương hiệu khi họ phải quyết định liệu có nên tăng chi tiêu hay không.

Hudl, một công ty phần mềm chuyên cung cấp các công cụ phân tích hiệu suất khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội để làm marketing cũng đang phải đối mặt với điều này.

Tuy nhiên, bằng cách tận dụng các công cụ phân tích phù hợp để có nhiều dữ liệu và hiểu biết hơn về khách hàng của họ, doanh nghiệp này đã có thể vượt qua các thách thức đang có.

Thông qua Sprout Social, doanh nghiệp này hiện có thể dự đoán về khối lượng yêu cầu dịch vụ từ các kênh khác nhau, cho phép doanh nghiệp xác định việc khi nào cần thúc đẩy các hoạt động cung cấp dịch vụ và khi nào thì không (hoặc giảm).

Kết luận.

Khi mạng xã hội không chỉ còn là nơi để giao tiếp, các doanh nghiệp nào càng tận dụng được nó trong việc thu thập dữ liệu và thấu hiểu khách hàng thì càng có nhiều cơ hội để thành công.

Với các dữ liệu có được, doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược, xây dựng nội dung và hơn thế nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng thay đổi của khách hàng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Nam Nguyen | MarketingTrips

Thứ mà thương hiệu bảo vệ và chống lại chính là thứ hình thành nên giá trị bền vững

Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay hiểu rằng để thành công, họ và thương hiệu của họ cần phải đại diện cho điều gì đó.

Thứ mà thương hiệu bảo vệ và chống lại chính là thứ hình thành nên giá trị bền vững
Thứ mà thương hiệu bảo vệ và chống lại chính là thứ hình thành nên giá trị bền vững

Việc thương hiệu đại diện cho điều gì thường là kết quả của một quá trình xác định mục đích của doanh nghiệp. Điều này nghe qua tưởng chừng như khá đơn giản, kiểu như một lời tuyên bố chung chung nào đó của doanh nghiệp, sự thật là nó sâu xa và phức tạp hơn nhiều.

Với những người làm marketing có kinh nghiệm, câu nói “Nếu bạn thực sự muốn cho thế giới thấy những gì bạn tin tưởng và ủng hộ, hãy cho chúng tôi biết bạn đã và đang bảo vệ và đại diện cho điều gì?” đã như là một phần mang tính định hướng chiến lược cho thương hiệu và doanh nghiệp.

Điều này có nghĩa là, để xây dựng cái gọi là mục đích của doanh nghiệp hay thương hiệu, vấn đề quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp không phải là tuyên bố cho người tiêu dùng của họ thấy họ đang cố gắng truyền tải điều gì, thay vào đó, thứ thực sự nên làm đó là hãy nỗ lực để chứng minh cách thương hiệu đang bảo vệ những giá trị mang tính đại diện cho thương hiệu, đồng thời chống lại những thứ đi ngược lại với giá trị này.

Hành động là quan trọng hơn cả.

Trong khi có không ít các marketer đã bắt đầu nhận ra được điều này và cũng đã bắt đầu thực hiện nó, sự thật là đa phần họ thực hiện nó một cách miễn cưỡng hơn là đi từ sự nỗ lực từ nội tại của thương hiệu.

Hãy nghĩ đến Volkswagen khi thâm nhập thị trường ô tô Mỹ, hoặc Apple, trong những ngày đầu thành lập đã luôn chứng minh rằng họ đại diện cho sự chuẩn mực, hay cả Nike luôn đồng hành cùng ý chí vươn lên của các vận động viên.

Để có thể thực sự tạo ra sự ảnh hưởng, thương hiệu nên tìm cách tạo ra các phong trào hay làn sóng mạnh mẽ hơn chỉ là các chiến dịch quảng cáo thông thường.

Mọi người (khách hàng) luôn muốn trở thành một phần của điều gì đó lớn lao hơn và các thương hiệu có thể sử dụng các nguyên tắc của các phong trào mang tính xã hội để tạo ra một khuôn khổ trong đó mọi người cảm thấy có động lực để làm điều gì đó cùng với các thương hiệu có cùng hệ giá trị (chia sẻ giá trị).

Ở khía cạnh tổng thể, khi xem đây là chiến lược mà thương hiệu cần triển khai, các marketer không chỉ nên nỗ lực để chứng minh những giá trị họ đang hướng tới, thay vào đó, điều mà họ đang đại diện và chống lại cũng quan trọng không kém.

Có một điều quan trọng và cũng là thứ làm không ít người làm marketing phải đắn đo đó là họ hay thương hiệu của họ nên “đối xử” với các đối thủ của họ như thế nào.

Trong khi theo lối suy nghĩ thông thường, họ sẽ tìm cách để đánh đổ và nói xấu đối thủ, sự thật là hiếm có thương hiệu nào có được thành công khi cố gắng để chơi xấu đối thủ, thậm chí các nghiên cứu còn chứng minh điều ngược lại, khen ngợi đối thủ có thể làm cho khách hàng cảm thấy tin tưởng hơn về thương hiệu.

Ở khía cạnh người tiêu dùng, điều họ quan tâm nhất không phải là bạn đã đánh bại đối thủ của mình ra sao (và họ cũng sẽ phản đối các hành vi gian lận và chơi xấu của thương hiệu), mà là các giá trị mà thương hiệu của bạn luôn tìm cách xây dựng và bảo vệ, và trong đó có cả họ.

Trong khi các chiến lược marketing kiểu cũ (và dường như hiện không còn nhiều giá trị) luôn tìm cách để làm nổi bật một vấn đề (nỗi đau) mà sản phẩm hay dịch vụ của họ có thể giải quyết được (tốt hơn cả đối thủ cạnh tranh của họ), các chiến lược marketing mới ngày nay cần hướng tới một mục tiêu xa và rộng hơn, xây dựng giá trị mà thương hiệu đang đại diện (có lợi cho khách hàng và xã hội) và không ngừng chống lại những thứ làm suy giảm đi các giá trị đó.

Nói tóm lại, việc xác định thứ mà doanh nghiệp đang đại diện và tích cực chống lại sẽ mang lại lợi ích lâu dài hơn là các chiến dịch quảng cáo và marketing đơn thuần. Nhờ vào sự phát triển của mạng xã hội, và doanh nghiệp hiện có vô số cách để trò chuyện (trực tiếp) với khách hàng của mình, hãy bắt đầu hướng họ vào các kết nối liên tục của thương hiệu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

[Framework] Mô hình chiến lược Marketing Mix cho ngành FMCG

Cùng khám phá cách xây dựng mô hình chiến lược Marketing Mix (Tiếp thị hỗn hợp) cho các thương hiệu trong ngành hàng FMCG (hàng tiêu dùng nhanh).

Marketing Mix cho FMCG
Mô hình chiến lược Marketing Mix cho ngành FMCG

Để thâm nhập và cạnh tranh ở bất kỳ thị trường nào, điều căn bản là người làm marketing phải am hiểu toàn bộ chuỗi giá trị của thị trường đó dưới góc nhìn của khách hàng, bạn có thể tìm hiểu bằng cách trả lời câu hỏi:

“Ở thị trường này, khách hàng quan tâm đến điều gì trong quá trình mua hàng?”. Từ nền tảng này, marketer mới có thể thiết kế các loại hình giá trị của thương hiệu cho khách hàng (có trong Marketing Mix), thứ tác động trực tiếp đến tâm lý và hành vi khách hàng.

Mô hình chiến lược Marketing Mix hay nói cụ thể hơn là chuỗi giá trị của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) xoay quanh 9 yếu tố quan trọng, và đây cũng là cơ sở để các thương hiệu xây dựng chi tiết chiến lược Marketing Mix.

1. Định vị thương hiệu – Brand Positioning.

Định vị thương hiệu là giai đoạn mà người làm marketing gieo vào tâm trí khách hàng về giải pháp thương hiệu cho các nhu cầu quan trọng của họ (ví dụ, Heineken là bia sang, dành tiếp khách quý, tặng đối tác quan trọng, đãi đám cưới sang, thưởng thức vào dịp đặc biệt như xem giải bóng đá Ngoại Hạng Anh, nghe nhạc trong bar).

2 và 3. Chiến lược giá và danh mục sản phẩm – Portfolio & Pricing.

Đa dạng mẫu mã sản phẩm để khách hàng thoải mái chọn lựa trong bối cảnh gắn liền với chiến lược giá thành tương ứng với giá trị cảm nhận (ví dụ, Colgate ngừa sâu răng giá rẻ dành cho gia đình, Colgate Optic White làm trắng răng thẩm mỹ được định giá cao hơn).

4. Sản Phẩm – Product.

Sản phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng quyết định sự thành công của marketing. Sản phẩm phải đạt chất lượng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng và trải nghiệm.

5. Bao Bì – Packaging.

Là khi marketer thuyết phục khách hàng tin vào chất lượng sản phẩm ở giai đoạn mua hàng trên quầy kệ. Ngoài ra, bao bì còn giúp tạo ra các trải nghiệm thuận tiện (chai nước giặt Ariel có nắp để đong), hoặc thú vị trong suốt quá trình sử dụng (kiểu dáng, hoa văn của chai rượu Chivas đầy nghệ thuật tạo cảm hứng khi rót để thưởng thức).

6. Cải Tiến và Đổi Mới – Innovation & Renovation.

Thương hiệu cần tạo ra nhiều sản phẩm mới để thỏa mãn đa dạng nhu cầu khách hàng, đồng thời làm mới mẻ, kích thích sự hứng thú của khách hàng cho những dòng sản phẩm hiện tại.

7. Thiết kế kênh Phân Phối (Online và Offline) – Distribution.

Xây dựng hệ thống để hàng hóa đi từ nhà máy đến cửa hàng bán lẻ, nhằm đảm bảo đủ chủng loại hàng hóa ở những cửa hàng bán lẻ mà các tập Shopper (người mua sắm) hay lui tới trải nghiệm mua sắm.

8. Các Hoạt Động Bán Lẻ – Channel Activities.

Nằm trong phạm vi Marketing Mix, các hoạt động bán lẻ thường được tổ chức định kỳ như khuyến mại, trưng bày, hoạt náo, livestream, quảng cáo, game… để tác động đến tâm lý và kích thích mua hàng ở cửa hàng bán lẻ Online và Offline.

9. Truyền Thông – Communications.

Truyền thông là quá trình giúp khách hàng mục tiêu hiểu được thông điệp sản phẩm phù hợp với nhu cầu của họ ra sao, khơi gợi nhu cầu mua sắm ngẫu hứng, đồng thời truyền cảm hứng về các giá trị nhân văn, tốt đẹp do thương hiệu tạo ra và có tác động tích cực đến các khía cạnh xã hội.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Mỗi thương hiệu cần đại diện cho một điều gì đó thực sự có sức ảnh hưởng

Với tư cách là những người làm marketing hay người xây dựng thương hiệu, nguyên lý nền tảng là thương hiệu của bạn cần đại diện cho một điều gì đó thực sự có sức ảnh hưởng, có ý nghĩa, nếu không, sẽ chẳng có người tiêu dùng nào lắng nghe thương hiệu cả.

Mỗi thương hiệu cần đại diện cho một điều gì đó thực sự có sức ảnh hưởng
Mỗi thương hiệu cần đại diện cho một điều gì đó thực sự có sức ảnh hưởng

Hãy thử nhìn vào các thương hiệu lớn như Nike, Starbucks hay Mercedes, có một điểm chung giữa các thương hiệu này đó là “họ không chỉ bán sản phẩm” mà “bán văn hoá”, “bán thương hiệu” và hơn thế nữa.

Trong cuộc đua xây dựng thương hiệu, tính năng hay lợi ích trực tiếp của sản phẩm (yếu tố vật lý) là điều kiện cần, và những giá trị tinh thần gắn liền với thương hiệu hay những gì mà thương hiệu đại diện là điều kiện đủ.

Để làm sáng tỏ điều này, ông Marcus Collins, hiện là Giáo sư Marketing của Đại học Michigan và cũng là trưởng bộ phận chiến lược tại Wieden+Kennedy, đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu cách các thương hiệu có thể tận dụng yếu tố tinh thần mà cụ thể ở đây là giá trị văn hóa để kết nối với khách hàng.

Theo ông, văn hóa có sức ảnh hưởng lớn đến cách người tiêu dùng ra quyết định mua hàng và với tư cách là marketer, bạn có thể tận dụng nó khi xây dựng thương hiệu.

Bên dưới là chi tiết cuộc trò chuyện về chủ đề này với Giáo sư Marcus Collins.

Cụm từ “văn hóa” được sử dụng khá rộng rãi trong thế giới Marketing và Quảng cáo, vậy trong bối cảnh này, văn hoá thực chất là gì và làm thế nào để có thể tận dụng nó trong việc kết nối với các nhóm khách hàng mục tiêu?

Marcus Collins: Trong Marketing, tôi thường nghe thấy những câu kiểu như: ‘Hãy tận dụng yếu tố văn hoá’ hay ‘Hãy sử dụng văn hoá làm nền tảng khi truyền thông?’ Tuy nhiên, nếu bạn thử hỏi ai đó văn hoá là gì, chắc chắn bạn sẽ nhận được vô số các câu trả lời khác nhau, thậm chí là mỗi người có một cách định nghĩa khác nhau về cái gọi là văn hoá.

Vì vậy, điều quan trọng ở đây là làm thế nào để chúng ta có thể sử dụng chung một loại ngôn ngữ, cùng nói về nó theo cùng một góc nhìn.

Khi bạn có ngôn ngữ đó (với khách hàng của mình), thì bạn có thể vận hành nó và khai thác nó theo cách có thể khiến mọi người chấp nhận nó, bởi vì không có tác động bên ngoài nào làm ảnh hưởng đến hành vi của con người nhiều hơn yếu tố văn hóa.

Với tư cách vừa là Giáo sư Marketing, vừa là trưởng bộ phận chiến lược của một doanh nghiệp, ông hy vọng mọi người trong lĩnh vực Marketing và Quảng cáo sẽ tiếp cận chủ đề này như thế nào?

Marcus Collins: Ở cấp độ đơn giản nhất, những người làm marketing có thể tận dụng yếu tố văn hoá để khiến khách hàng của họ thay đổi quan điểm, và sau đó là khiến họ từng bước hành động.

Với tư cách là một marketer, việc tác động đến hành vi của khách hàng để bán được nhiều hơn hay có được nhiều lượng tương tác hơn là chưa đủ.

Bởi vì marketer cũng là người tiêu dùng, họ cũng cần khiến khách hàng ý thức được những gì họ đang làm, đang mua, hay nói cách khác, khách hàng cần hành động một cách có chủ đích, những hành động thực sự mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ.

Nói rộng hơn, marketer phải biết rằng họ là một phần của một cộng đồng lớn hơn mà chúng ta vẫn gọi là xã hội (society), từ góc nhìn này, họ phải có trách nhiệm với những người mà họ tương tác.

Ông từng nói, “Đó không phải là về Marketing hay công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh. Mà tất cả là về con người.

Trong khi phần lớn các agency hay marketer vẫn tự cho là họ hiểu rất rõ vấn đề này, có không ít thương hiệu hiện vẫn chạy theo các xu hướng (Trends) một cách điên cuồng. Vậy rào cản hoặc thách thức lớn nhất đang kìm hãm họ là gì?

Marcus Collins: Trong thế giới marketing và thương hiệu, việc bạn làm gì không quan trọng bằng việc hiểu rõ khách hàng của bạn là ai và họ đang quan tâm đến điều gì.

Chúng ta kết nối với khách hàng dựa trên việc thấu hiểu họ hơn là chỉ nghĩ về những gì chúng ta bán. Đó không phải là lý thuyết hay khái niệm về marketing, đó là hành trình hiểu về con người.

Đó là quá trình khám phá điều gì đã làm thúc đẩy hành vi của con người, cho dù họ có ý thức được về điều đó hay không.

Điều này vượt ra khỏi các đề xuất giá trị (USP) của các sản phẩm hay dịch vụ mà chúng ta có thể mang đến cho người tiêu dùng, mà thay vào đó là cách kết nối với mọi người dựa trên cách họ nhìn thế giới.

Khi các marketer hay thương hiệu nhìn nhận được điều này, họ sẽ không còn chỉ quan tâm đến những gì họ làm, mà là tại sao họ lại làm điều đó, cách họ nhìn thế giới hoặc niềm tin của họ với những gì họ đang làm.

Nếu tôi là Nike, tôi sẽ không đặt mình gói gọn trong phạm vi ngành giày thể thao, là những chiếc sneakers khô khan, mà tôi sẽ thuộc ngành “mỗi con người là một vận động viên”.

Vì vậy, dù tôi có thể làm gì miễn là để hỗ trợ các vận động viên trở thành một phiên bản tốt nhất của chính họ, đó là công việc kinh doanh của tôi. Đây chính là đỉnh cao của quá trình xây dựng thương hiệu để tạo ra sức mạnh thương hiệu (Brand Power).

Những người làm marketing theo đó phải vượt ra khỏi những hiểu biết thông thường về Marketing rằng nó tất cả là về sản phẩm và sự phù hợp của sản phẩm với người tiêu dùng.

Khi bạn giao tiếp với khách hàng ở góc độ mua bán (một cuộc giao dịch), bạn vẫn có thể bán được một ít. Nhưng nếu đó là về sự hoà quyện về văn hoá, thì đó là niềm tin và sự trung thành, đây mới là nền tảng của thương hiệu.

Các thương hiệu nên suy nghĩ như thế nào về việc điều hướng văn hóa?

Marcus Collins: Như tôi đã nói, bối cảnh văn hóa rất phức tạp và khá phân cực (polarization), do đó, rất nhiều thương hiệu đã chọn cách an toàn đó là cố gắng ngồi ở giữa và không dám phá vỡ bất kỳ cực nào.

Theo kinh nghiệm của tôi, tính trung lập không thực sự là một lựa chọn khả thi. Bởi vì bạn đang đi xây dựng niềm tin, bạn cần phải cho khách hàng hay đối tượng mục tiêu của bạn biết rõ bạn là ai và bạn đang (sẵn sàng) đại diện cho điều gì?

Trong khi, bạn cũng có thể nói rằng bạn không đại diện cho bất cứ điều gì cả và đơn giản chỉ là bạn muốn có mối quan hệ mua bán với khách hàng của mình.

Với những gì đang diễn ra, rõ ràng là nếu có một sản phẩm hay thương hiệu nào đó cung cấp những tính năng tốt hơn ví dụ như một chiếc xe hơi chạy nhanh hơn hay một loại dầu gội giúp làm sạch gàu hơn, bạn sẽ khó có thể giữ chân được khách hàng của mình.

Đây chính là lúc mà các giá trị về văn hoá, những gì bạn đại diện hay niềm tin của khách hàng đóng vai trò then chốt.

Bạn nhìn thế giới như thế nào và bạn sẵn sàng ủng hộ điều gì? Khách hàng của bạn cũng cần điều đó.

Thương hiệu của bạn là một thứ gì đó ẩn chứa nhiều ý nghĩa và những ý nghĩa đó vốn dĩ không do bạn kiểm soát và sở hữu. Nó thuộc về tâm trí của khách hàng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Báo cáo Kantar BrandZ 2023: Top 100 thương hiệu lớn nhất toàn cầu mất 20% giá trị trong 2023

Báo cáo mới nhất của Kantar BrandZ (Kantar BandZ 2023 Report) cho thấy Top 100 thương hiệu lớn nhất toàn cầu đã mất 20% giá trị thương hiệu trong năm 2023.

Kantar BrandZ 2023: Top 100 thương hiệu lớn nhất toàn cầu mất 20% giá trị trong 2023
Kantar BrandZ 2023: Top 100 thương hiệu lớn nhất toàn cầu mất 20% giá trị trong 2023

Kantar BrandZ vừa công bố báo cáo về các thương hiệu có giá trị nhất thế giới năm 2023, và nó thực sự đáng lo ngại. Top 100 thương hiệu toàn cầu có giá trị nhất thế giới đã mất 20% giá trị trong năm 2023, và xét trên 13 ngành dọc được theo dõi, tất cả đều giảm.

Ví dụ, các thương hiệu truyền thông và giải trí là những thương hiệu giảm mạnh nhất, giảm 32%, tiếp theo là các thương hiệu bán lẻ, giảm 32% và các thương hiệu quần áo giảm 21% giá trị kết hợp.

Các thương hiệu chăm sóc cá nhân cũng giảm mạnh, giảm 15%, trong khi các thương hiệu xa xỉ vẫn giữ được hầu hết giá trị tích lũy được kể từ khi đại dịch xảy ra, chỉ giảm 4%.

Tuy nhiên, ở một bối cảnh khác, trong hai năm qua, tổng giá trị thương hiệu của 100 thương hiệu hàng đầu đã tăng vọt, tăng 42% vào năm 2021 và 23% vào năm 2022, đánh dấu hai mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1998 khi Kantar phát hành báo cáo này.

Tiếp đó, vào năm 2023, giá trị thương hiệu đã giảm mạnh trở lại, giảm từ 8,7 nghìn tỷ USD năm 2022 xuống còn 6,9 nghìn tỷ USD năm 2023.

“Nói một cách đơn giản nhất, các thương hiệu đã giúp mọi người (người tiêu dùng) đưa ra lựa chọn. Nếu bạn có một thương hiệu mạnh, thì khả năng mọi người lựa chọn thương hiệu của bạn sẽ cao hơn, ngay cả khi họ đang phải đối mặt với áp lực kinh tế.

Các thương hiệu mạnh mang lại một cái gì đó đặc biệt, thứ quý giá nhất trong những thời điểm không chắc chắn, và đó chính là niềm tin.”

Giá trị thương hiệu suy giảm.

Phương pháp luận của Kantar tính đến những thăng trầm tài chính của một thương hiệu, vốn đã biến động trong thời gian gần đây, và kết hợp nó với quan điểm của người tiêu dùng dựa trên các cuộc khảo sát được thực hiện trên hơn 170.000 người tiêu dùng.

Kết quả là một giá trị thương hiệu sẽ phản ánh: “Một bức tranh toàn diện về giá trị thương hiệu: một bức tranh kết hợp cách thị trường định giá tài sản thương hiệu của doanh nghiệp – và cách mọi người nhìn nhận nó.”

Niềm tin là nền tảng cho giá trị thương hiệu. Nếu người tiêu dùng mất niềm tin vào một thương hiệu, họ sẽ ít có khả năng mua nó hơn.

Sự sụt giảm mạnh về giá trị thương hiệu trong năm nay là dấu hiệu của một xu hướng đáng chú ý, đặc biệt là khi xem xét rằng niềm tin của mọi người vào các doanh nghiệp lớn đang ở mức thấp nhất mọi thời đại.

Top 100 thương hiệu toàn cầu hàng đầu.

Để đạt được vị trí top 100 vào năm 2023, một thương hiệu phải có tổng giá trị thương hiệu là 17,6 tỷ USD.

Apple dẫn đầu danh sách với giá trị 880,5 tỷ USD, tiếp theo là Google (577,7 tỷ USD), Microsoft (502 tỷ USD), Amazon (469 tỷ USD) và McDonalds (191 tỷ USD).

Tuy nhiên, tất cả top 5 đều giảm giá trị. McDonald’s chỉ giảm 3% và Apple giảm 7%, trong khi Google và Amazon giảm mạnh nhất, lần lượt giảm 30% và 34%. Microsoft ở giữa, giảm 18%.

Top 20 thương hiệu bán lẻ lớn nhất.

Amazon dẫn đầu về mảng bán lẻ với giá trị thương hiệu 175 tỷ USD. Tuy nhiên, thương hiệu đã mất 38% giá trị so với năm 2022.

Vị trí thứ 2 là Home Depot đạt 75 tỷ USD, chỉ giảm 11% về giá trị thương hiệu và Walmart chiếm vị trí thứ 3 với 60 tỷ USD sau khi chỉ mất 3% giá trị thương hiệu, Target giảm 37% xuống 15 tỷ USD. Target cũng đánh mất vị trí mục tiêu trong top 100 thương hiệu toàn cầu năm 2023.

Nhiều thương hiệu bán lẻ khác cũng giảm mạnh như Taobao của Trung Quốc, giảm 51%; TMall, giảm 48%; JD giảm 37%; và Pinduoduo giảm 15%. Mercado Libre của Argentina giảm 32%.

Nền tảng trực tuyến EBay cũng giảm 33%. Shoppe có trụ sở tại Singapore, được xếp hạng trong số 20 nhà bán lẻ hàng đầu vào năm ngoái, đã bị loại khỏi danh sách trong năm nay, nhà bán lẻ Coupang của Hàn Quốc cũng không là ngoại lệ.

Trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm, Aldi vẫn giữ vị trí dẫn đầu so với Lidl, lần lượt là 21 tỷ USD và 11,7 tỷ USD. Woolworths có trụ sở tại Vương quốc Anh đã giảm 9% xuống 11 tỷ USD. Và Whole Foods, thương hiệu lọt vào top 20 nhà bán lẻ vào năm ngoái, đã bị loại khỏi danh sách này.

Sự chuyển dịch sang bán lẻ giá trị cao hơn tương phản rõ nét với phân khúc hàng xa xỉ, chỉ giảm 4% tổng giá trị thương hiệu. Các thương hiệu xa xỉ có khả năng giữ giá trị thương hiệu rất cao.

10 thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới hầu hết đều giữ được mức tăng trưởng giá trị thương hiệu ngoạn mục 45% từ năm 2021 đến năm 2022. Tổng giá trị thương hiệu đạt 344,4 tỷ USD vào năm 2022 và chỉ giảm nhẹ xuống 329,5 tỷ USD vào năm 2023.

Thương hiệu giảm mạnh nhất trong phân khúc hàng xa xỉ là Gucci, khi chứng kiến giá trị thương hiệu giảm mạnh 31%, từ 38 tỷ USD vào năm 2022 xuống 26,3 tỷ USD vào năm 2023.

Giá trị thương hiệu của Louis Vuitton (LV) vẫn dẫn đầu phân khúc hàng xa xỉ, không thay đổi ở mức 124,8 tỷ USD. Hermès giảm nhẹ, từ 80 tỷ USD vào năm ngoái xuống 76,3 tỷ USD trong năm nay.

Cartier đã có thể giữ được phần lớn mức tăng trưởng 88% ngoạn mục của mình vào năm 2022, chỉ giảm từ 10 tỷ USD vào năm ngoái xuống 9,7 tỷ USD trong năm nay.

Chanel cũng tiếp tục gây áp lực lên các thương hiệu khác, giá trị thương hiệu tăng 6% trong năm nay lên 56 tỷ USD. Dior của LVMH cũng tăng trưởng 9% lên 11,4 tỷ USD.

Bên cạnh đó cũng có một số thương hiệu giảm mạnh, Rolex (-13%), Saint-Laurent/YSL (-11%), Prada (-13%) và Tiffany (-9%).

Nhìn chung, các thương hiệu xa xỉ, ngoại trừ Gucci, chỉ giảm nhẹ về giá trị và phần lớn vẫn giữ được mức tăng giá trị đáng kể kể từ khi đại dịch xảy ra.

Top 10 thương hiệu thời trang lớn nhất.

Trong khi các thương hiệu xa xỉ thời trang phần lớn giữ được mức tăng sau đại dịch, thì các thương hiệu thời trang cấp thấp hơn lại không thể làm được điều tương tự.

10 thương hiệu thời trang toàn cầu hàng đầu giảm 21% xuống 171,7 tỷ USD sau khi tăng 20% từ năm 2021 đến năm 2022 lên 216,6 tỷ USD. Tất cả các thương hiệu có trong danh sách top 10 năm ngoái đều giảm giá trị.

Nike giữ vững vị trí số một của mình trong lĩnh vực thời trang, nhưng giá trị giảm 32%, từ 109,6 tỷ USD năm ngoái xuống 74,9 tỷ USD năm nay.

Các đối thủ cạnh tranh Adidas và Puma cũng gặp khó khăn, với Adidas giảm 50% xuống 11,9 tỷ USD và Puma giảm 42% xuống 3 tỷ USD. Các thương hiệu thể thao Anta và Li Ning của Trung Quốc giảm ít hơn, giảm 16% xuống 3,2 tỷ USD và -19% xuống 3 tỷ USD.

Lululemon, thương hiệu dẫn đầu về trang phục thể thao, giảm 19% xuống 16,6 tỷ USD.

Zara, thương hiệu dẫn đầu về thời trang nhanh, giảm 28% xuống 18,4 tỷ USD trong khi H&M giảm nhiều hơn, giảm 39% xuống 4,4 tỷ USD. Uniqlo cũng giảm, giảm 15% xuống 12,1 tỷ USD.

Top 15 thương hiệu chăm sóc cá nhân lớn nhất.

Câu chuyện ở các thương hiệu chăm sóc cá nhân cũng tương tự như ở thời trang. 15 thương hiệu chăm sóc cá nhân hàng đầu tăng trưởng 17% vào năm ngoái, nhưng chỉ giảm 15% trong năm nay xuống 175,4 tỷ USD từ 206,9 tỷ USD vào năm 2022.

Nhìn chung, các thương hiệu chăm sóc cá nhân cao cấp mất nhiều giá trị thương hiệu hơn so với các thương hiệu đại chúng, điều này rất thú vị khi xem xét rằng các thương hiệu thời trang xa xỉ đã giữ được phần lớn giá trị thương hiệu của mình.

Thương hiệu dẫn đầu L’Oréal giảm 20% xuống 38,1 tỷ USD và thương hiệu đứng thứ hai Lancôme giảm 19% xuống 19,4 tỷ USD. Estée Lauder mất 19% giá trị xuống còn 11,5 tỷ USD, và thương hiệu chị em Clinique giảm 21% xuống 9 tỷ USD. Shishedo trong lĩnh vực mỹ phẩm cao cấp giảm mạnh nhất, giảm 38% xuống 5 tỷ USD.

Colgate là thương hiệu chăm sóc cá nhân duy nhất tăng trưởng, tăng 1% lên 18,4 tỷ USD.

Các thương hiệu có giá cả bình dân khác cũng giảm giá trị ít hơn so với các thương hiệu cao cấp. Pantene Pro V chỉ giảm 3% xuống 5 tỷ USD; Gillette giảm 8% xuống 13,6 tỷ USD; Dove giảm 9% xuống 6,5 tỷ USD; và Nivea giảm 10% xuống 6,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, Garnier và Maybelline thuộc sở hữu của L’Oréal giảm giá trị mạnh nhất trong số các thương hiệu giá bình dân, giảm 18% xuống 9,6 tỷ USD và -11% xuống 5,3 tỷ USD.

Pampers thuộc sở hữu của P&G (17,4 tỷ USD) và Huggies thuộc sở hữu của Kimberly-Clark (6,2 tỷ USD) là những thương hiệu nằm trong top 15 thương hiệu chăm sóc cá nhân, và cả hai đều giảm giá trị, trong đó Pampers giảm nhiều hơn, -12% và -2%.

Cơ hội cho các thương hiệu mới.

Phân tích của Kantar nhấn mạnh tính phục hồi của các thương hiệu hàng đầu thế giới ngay cả trong những thời điểm khi nền kinh tế bất ổn.

“Các thương hiệu lớn và lâu đời hiện đang ở vị thế tốt nhất để thúc đẩy giá trị trong các lĩnh vực tương ứng của họ.

Trong vài năm tới, những thương hiệu lớn này sẽ có cơ hội mở rộng lợi thế của mình trong các lĩnh vực như đổi mới và bền vững.”

Tuy nhiên, sự suy giảm được ghi nhận trong số rất nhiều thương hiệu hàng đầu được liệt kê ở trên cũng cho thấy những vết nứt trong vị thế dẫn đầu, thứ mà các thương hiệu nhỏ hơn, mới nổi có thể tận dụng, đặc biệt nếu họ tiến lên với lợi thế về lòng tin vốn đang bị xói mòn trên các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là ở Mỹ.

Khoảng 55 trong số 100 thương hiệu hàng đầu có trụ sở tại Mỹ và kiểm soát 75% tổng giá trị thương hiệu của top 100.

Trong khi Kantar tuyên bố rằng các thương hiệu mạnh đang “ở vị trí tốt nhất để thuyết phục người tiêu dùng chấp nhận sự đổi mới,” lợi thế đổi mới trong ngành bán lẻ có xu hướng thuộc về các thương hiệu mới, thay vì là các thương hiệu lâu đời.

Người tiêu dùng ngày nay phải đưa ra những quyết định rất cẩn thận về những gì họ nghĩ là có giá trị khi họ đang phải chịu nhiều áp lực về kinh tế. Các thương hiệu cần phải củng cố nhiều hơn nữa những gì vốn khiến cho họ trở nên có giá trị.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Nghiên cứu: Reviews tiêu cực có thể thúc đẩy Sales

Theo một số nghiên cứu mới đây được công bố trên HBR, các đánh giá tiêu cực (review xấu) có thể thúc đẩy doanh số bán hàng thậm chí còn tốt hơn so với các đánh giá tích cực (review tốt).

Reviews tiêu cực có thể thúc đẩy Sales (có thể hơn cả Review tích cực)
Reviews tiêu cực có thể thúc đẩy Sales (có thể hơn cả Review tích cực)

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Dartmouth và Đại học British Columbia đã cho 300 người hâm mộ NFL (National Football League – Một giải đấu bóng bầu dục quốc gia của Mỹ) xem mô tả về chiếc áo hoodie có gắn nhãn hiệu của giải đấu và các bài đánh giá một sao (review 1 sao) và 5 sao về nó bởi những người hâm mộ của Cleveland Browns (một đội bóng bầu dục).

Những người tham gia đã trả lời các câu hỏi về sự tương đồng của họ với những người đánh giá (reviewer) và sở thích mua hàng (quần áo) của họ.

Khi mọi người nghĩ rằng họ và người đánh giá là giống nhau, thì ý định mua hàng (Buying Intent) của họ sẽ thấp hơn nếu họ xem bài đánh giá 1 sao thay vì bài đánh giá 5 sao.

Ngược lại, khi họ cảm thấy không thích những người đánh giá đó, bài đánh giá 1 sao lại tạo ra ý định mua hàng cao hơn đáng kể so với bài đánh giá 5 sao.

Kết luận ban đầu được rút ra từ nghiên cứu: Những đánh giá tiêu cực (review xấu) có thể thúc đẩy doanh số bán hàng (Sales) nhiều hơn so với những đánh giá tích cực (review tốt).

Nghiên cứu của Giáo sư Ordabayeva.

Ordabayeva: Khi mọi người hiểu rõ về một thương hiệu nào đó, giống như những người hâm mộ bóng đá đã làm với NFL, thì một bài đánh giá tiêu cực (negative review) có vẻ như là mối đe dọa đối với khả năng nhận diện hay niềm tin của họ.

Điều này thường xảy ra khi bài đánh giá đến từ một nguồn “lạ” nào đó: một cá nhân hoặc tổ chức có vị trí địa lý, tuổi tác, giới tính, đội bóng yêu thích…khác họ.

Trong trường hợp này, mọi người thường có xu hướng đặt câu hỏi về quyền chỉ trích thương hiệu của người đánh giá (Reviewer).

Do đó, họ cảm thấy bị thôi thúc là phải “bảo vệ” nó bằng cách gia tăng ý định mua nó. Về bản chất, đây là một phản ứng mang tính bản năng khi một ai đó có cảm giác rằng họ đang bị tấn công (cá nhân).

Bản ngã (Ego) của con người có thực sự mong manh hay diễn ra theo cách như vậy không?

Nếu mọi người nghĩ rằng nhận định trên là một quy tắc hay công thức cố định nào đó thì câu trả lời là không.

Sự thật là, chỉ một số loại thương hiệu nhất định mới có khả năng kích hoạt kiểu phản ứng này, những thương hiệu mà khách hàng ít nhất là nhìn thấy một vài phần (về con người) của chính họ trong đó.

Bạn có thể thực sự thích một loại xà phòng hoặc bột giặt cụ thể nào đó, nhưng có thể bạn sẽ không coi đó là một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn hay nói cách khác, thương hiệu đó không đại diện cho con người của bạn.

Với thương hiệu Apple, điều này có thể khác khi những người mua hàng từ Apple không chỉ coi việc mua hàng đó đồng nghĩa với việc là họ sở hữu một sản phẩm, thay vào đó, họ sở hữu sự sáng tạo, đổi mới, khác biệt, thời thượng và hơn thế nữa.

Tại sao sự tương đồng về mặt xã hội (social similarity) hoặc khoảng cách xã hội (social distance) lại quan trọng đến vậy?

Mọi người phân biệt giữa các mối đe dọa đến sự hiểu biết hay con người của họ. Hãy suy nghĩ về các mối quan hệ gia đình. Nếu một người thân của bạn không thích các thành viên trong gia đình bạn, bạn có thể chấp nhận rằng họ có quyền đó.

Tuy nhiên, sẽ là một câu chuyện khác nếu ai đó bên ngoài gia đình của bạn làm điều đó.

Bạn thường sẽ tìm cách phản đối, giống như những cảm xúc mà những người hâm mộ NFL đã có với những người đánh giá mà họ cho là “cách biệt”.

Ý định mua hàng đã thay đổi như thế nào?

Trong số những người hâm mộ cảm thấy là xa cách (không liên quan) với những người đánh giá, những người xem các bài đánh giá tiêu cực sẵn sàng mua áo hoodie (có gắn thương hiệu NFL) cao hơn 20% so với những người xem các bài đánh giá tích cực.

Trong một thử nghiệm khác liên quan đến áo hoodies NFL, các nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng các bài đánh giá tiêu cực chỉ có tác dụng này (giúp gia tăng ý định mua hàng) khi các thương hiệu là một phần của người hâm mộ.

Các nhà quản lý doanh nghiệp hay những người làm marketing thường cố gắng hết sức để ngăn chặn các đánh giá tiêu cực. Liệu điều này có thực sự đúng?

Như đã phân tích ở trên, điều này còn phụ thuộc vào mối quan hệ mà khách hàng có với một thương hiệu (Brand) — điều này có thể được xác định dễ dàng bằng cách xem cách mà người hâm mộ hay khách hàng phản ứng với thương hiệu (chẳng hạn từ các nền tảng mạng xã hội).

Nếu khách hàng hay các đối tượng mục tiêu (Target Audience) đồng nhất mạnh mẽ với thương hiệu, hay coi thương hiệu là một phần của chính họ, thì các đánh giá tiêu cực có thể mang lại giá trị.

Trong trường hợp đó, các nhà quản lý thương hiệu nên thu thập và hiển thị thông tin về những người đánh giá (Reviewer) mà những khách hàng có thể sử dụng nó để nhận diện sự khác biệt giữa những người đánh giá với họ.

Nhà quản lý cũng có thể đo lường những sự khác biệt bằng cách tìm kiếm trên nền tảng hoặc trong cơ sở dữ liệu khách hàng của họ những thông tin thể hiện sự khác biệt về tính cách hay đặc điểm giữa người đánh giá và khách hàng.

Điều này cũng có thể sẽ tiết lộ các phân khúc thị trường trong đó các đánh giá tiêu cực có khả năng tạo ra lợi nhuận.

Bằng cách nào các Marketer có thể làm cho thương hiệu (bản sắc của thương hiệu) của họ trở nên phù hợp hơn với khách hàng?

Đôi khi đó là vấn đề của các chiến dịch truyền thông, các hoạt động marketing, quảng cáo hay các hoạt động xây dựng nhận diện thương hiệu (Branding).

Trong những trường hợp khác, Marketer có thể đưa những yếu tố về nhận diện hay bản sắc thương hiệu (Brand Identity) vào trong sản phẩm.

Ví dụ, tại Mỹ, thương hiệu xe hơi Jeep đã bắt đầu sử dụng cờ Mỹ trên xe ô tô của mình.

Những sản phẩm như vậy thường có khả năng thu hút mức độ nhận diện của người tiêu dùng tốt hơn, hoặc khiến cho khách hàng có cảm giác họ cùng thuộc về một thứ gì đó, và kết quả cuối cùng của điều này là thương hiệu có thể tạo ra nhiều sự bảo vệ hơn trước những đánh giá tiêu cực.

Nghiên cứu cho thấy rằng, khi yếu tố nhận diện hay bản sắc chung của thương hiệu được gợi lên, những nhận xét hay đánh giá tiêu cực sẽ ít mang lại tác động tiêu cực hơn.

Với tư cách là những người làm marketing, những nhà lãnh đạo hay những người quản lý thương hiệu, nghiên cứu chứng minh rằng, xây dựng một cộng đồng thương hiệu mạnh, với khả năng nhận diện thương hiệu cao hay thương hiệu là một phần của các nhóm đối tượng mục tiêu chính là chiến lược giúp thương hiệu tự bảo vệ chính mình trước bất cứ khủng hoảng hay đánh giá tiêu cực nào.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Performance Branding: Xây dựng giá trị thương hiệu thông qua các chiến dịch hiệu suất

Bằng cách nào các nhà quảng cáo có thể vừa thúc đẩy kết quả qua các chiến dịch phản hồi trực tiếp vừa có thể xây dựng giá trị thương hiệu. Từ khoá đó chính là các chiến dịch Performance Branding hoặc Brand Performance, sự kết hợp hài hoà giữa Brand Marketing và Performance Marketing (Brandformance). Vậy thực chất Performance Branding là gì? và Marketer có thể ứng dụng nó ra sao cho thương hiệu? Hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu chi tiết trong bài viết này.

Performance Branding
Performance Branding: Xây dựng giá trị thương hiệu thông qua các chiến dịch hiệu suất

Nhiều nhà quảng cáo ngày nay phải vật lộn để cân bằng giữa doanh số bán hàng ngắn hạn với sự tăng trưởng của thương hiệu trong dài hạn.

Mặc dù cả hai mục tiêu này đều rất quan trọng đối với sự thành công của các hoạt động Marketing, nhưng thông thường, chúng được xem là những chiến lược khác biệt nhau.

Performance Branding (Brandformance) là gì?

Performance Branding là khái niệm được kết hợp từ Performance Marketing và Brand Marketing, nó chính là chiến lược Marketing trong đó doanh nghiệp hay thương hiệu kết hợp cả mục tiêu xây dựng giá trị thương hiệu và hiệu suất (thường là bán hàng) trong cùng một chiến dịch.

Trên thực tế, các đội nhóm tiếp thị hiệu suất (performance marketing) và tiếp thị ​​thương hiệu (brand marketing) hoạt động gần như tách biệt nhau, với các khoản ngân sách và mục tiêu riêng biệt – và cũng thường hay mâu thuẫn với nhau.

Ở một khía cạnh khác, với các nhà quảng cáo áp dụng chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua các chiến dịch hiệu suất (performance branding), tức vừa kết hợp yếu tố hiệu suất vừa xây dựng các giá trị thương hiệu, thiết lập sự nhất quán trong thương hiệu, có thể thúc đẩy đáng kể và thu hẹp khoảng cách giữa yếu tố thương hiệu và hiệu suất.

Để hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa tiếp thị thương hiệu và tiếp thị hiệu suất, Facebook đã thực hiện nhiều nghiên cứu khác nhau, với nhiều nhà quảng cáo trên các ngành hàng khác nhau để có thể có được những nhận định chính xác hơn.

Nghiên cứu cho thấy “có một hiệu ứng hào quang về thương hiệu” được thúc đẩy thông qua các chiến dịch hiệu suất: Các nhà quảng cáo có thể có nhiều lợi ích hơn bằng cách mở rộng chiến lược xây dựng thương hiệu trong khi hiệu suất (hoặc phản hồi trực tiếp) vẫn là mục tiêu chính của chiến dịch.

Xây dựng thương hiệu thông qua các chiến dịch hiệu suất (Brand Performance).

Nghiên cứu cho thấy rằng các nền tảng như Facebook, do có lượng người dùng lớn với mức độ tương tác cao với người dùng, nó có thể mang lại những giá trị marketing toàn diện thay vì chỉ là các mục tiêu đơn lẻ như hiệu suất.

Các nhà quảng cáo đang chạy các chiến dịch hiệu suất tập trung vào các phản hồi trực tiếp có thể vừa thúc đẩy chuyển đổi trong khi vẫn có thể xây dựng nhận thức về thương hiệu (brand awareness) trên quy mô lớn.

Ưu tiên thiết bị di động là chìa khóa chính.

Chìa khóa chính để thúc đẩy nhận thức về thương hiệu thông qua các chiến dịch phản hồi trực tiếp là tối ưu hóa các chiến dịch cho thiết bị di động.

Các nhà quảng cáo xây dựng các tài sản hay nội dung sáng tạo dành riêng cho các trải nghiệm trên thiết bị di động sẽ thấy hiệu suất tốt hơn về nhận thức về thương hiệu (brand awareness), mức độ quen thuộc với thương hiệu (brand familiarity) và khả năng ghi nhớ quảng cáo (ad recall).

  • Các quảng cáo được tối ưu cho thiết bị di động giúp tăng nhận thức về thương hiệu cao hơn gấp 2 lần so với quảng cáo không được tối ưu.

Dưới đây là một số mẹo nhỏ các nhà tiếp thị có thể sử dụng để thu hút đối tượng mục tiêu và thúc đẩy kết quả của thương hiệu trên các thiết bị di động:

  • Giữ cho video của bạn ngắn hơn (dưới 15 giây).
  • Thu hút ngay sự chú ý với thương hiệu trong vài giây đầu tiên (khoảng 3-5 giây đầu).
  • Người dùng có thể chủ động tắt hoặc bật âm thanh.
  • Hiển thị góc chụp hoặc quay tràn màn hình (full-screen).

Xây dựng thương hiệu (Brand Building) mới là yếu tố then chốt.

Trong nghiên cứu, 57% các thương hiệu nhận thấy rằng khi nhận thức về thương hiệu (Brand Awareness) của họ tăng lên thì nhận thức về đối thủ của họ cũng tăng lên tương ứng.

Một lý do chính cho điều này là vì các thương hiệu thiếu đi các hoạt động xây dựng thương hiệu (Brand Building): Thiếu đi các sự nhận diện đặc biệt, các hình ảnh đặc biệt, dễ nhận biết và dễ nhớ.

Nói cách khác, việc không thể hiện rõ bản sắc thương hiệu thường có lợi cho cả các thương hiệu khác trong cùng danh mục sản phẩm hay ngành hàng cụ thể.

Điều này nêu bật lý do tại sao các nhà quảng cáo cần thiết lập bản sắc thương hiệu trong quảng cáo của họ ngay cả khi họ đang chạy các chiến dịch hiệu suất.

Cuối cùng, nghiên cứu cho thấy rằng các chiến dịch hiệu suất hay phản hồi trực tiếp trên Facebook có thể thúc đẩy cả kết quả hiệu suất lẫn kết quả về thương hiệu (Brand Performance).

Sử dụng chiến lược Performance Branding có ý nghĩa gì đối với các nhà marketer.

  • Một khi người làm Marketing coi Performance Branding hay Brandformance là chiến lược, họ sẽ nhắm mục tiêu rộng đến phần lớn các đối tượng mục tiêu trên nền tảng: Nhắm mục tiêu rộng hơn cho phép các nhà quảng cáo linh hoạt hơn trong chiến lược giá thầu và hiệu quả cao hơn trong phạm vi tiếp cận mục tiêu (reach).
  • Sử dụng các tài sản sáng tạo ưu tiên thiết bị di động: Trong khoảng 3-5 giây đầu tiên của quảng cáo (dưới 15 giây với các video), nhà quảng cáo cần gây được sự chú ý tới các đối tượng mục tiêu.
  • Liên tục thử nghiệm và học hỏi: Để hiểu cách các chiến dịch hiệu suất hay phản hồi trực tiếp có thể thúc đẩy hiệu suất và nhận thức về thương hiệu, các nhà quảng cáo nên chạy (nhiều) các thử nghiệm và học hỏi từ các kết quả có được.

Xem thêm: Thương hiệu là gì? Các lý thuyết chính về thương hiệu

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Báo cáo: Người tiêu dùng cần gì từ thương hiệu trên mạng xã hội

Báo cáo mới đây của nền tảng lắng nghe mạng xã hội (Social Listening) Sprout Social tiết lộ nhiều dữ liệu quan trọng về cách người dùng tương tác và kỳ vọng từ thương hiệu trên các nền tảng mạng xã hội.

Báo cáo: Người tiêu dùng cần gì từ thương hiệu trên mạng xã hội
Báo cáo: Người tiêu dùng cần gì từ thương hiệu trên mạng xã hội

Sprout Social vừa công bố báo cáo mới với nhiều dữ liệu dữ liệu quan trọng cho các Social Media Marketer, từ cách người tiêu dùng tương tác với nội dung và kỳ vọng từ các thương hiệu họ theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, sự phổ biến của công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và hơn thế nữa.

Trước hết, báo cáo tiết lộ rằng, mức độ sử dụng của các nền tảng mạng xã hội đang ngày càng gia tăng, lý do người tiêu dùng chọn theo dõi và tương tác (engagement) với thương hiệu cũng không ngừng thay đổi theo thời gian.

Những lý do chính khiến người tiêu dùng chọn theo dõi thương hiệu bao gồm (theo thứ tự giảm dần):

  • Để cập nhật thông tin về sản phẩm và dịch vụ.
  • Để nhận các khuyến mãi nếu có.
  • Được giải trí thông qua các nội dung hài hước và vui vẻ.
  • Để tương tác với cộng đồng thương hiệu và khách hàng khác.
  • Để kết nối giá trị giữa thương hiệu với cá nhân họ.

Trong khi yếu tố giá trị (Value) và sứ mệnh (Mission) đóng một vai trò rất quan trọng trong cách người tiêu dùng đánh giá và nhìn nhận về thương hiệu, các marketer dường như ít chú trọng đến điều này.

Dưới đây là những gì mà người tiêu dùng cảm thấy THIẾU từ thương hiệu trên các nền tảng mạng xã hội.

  • Các nội dung phi thương mại và mang tính xác thực cao (Authentic Content).
  • Tính minh bạch trong cách doanh nghiệp kinh doanh và truyền tải giá trị.
  • Các thông tin về cách sản phẩm được sản xuất.
  • Các nội dung mang tính giáo dục liên quan đến ngành nghề của doanh nghiệp.
  • Các nội dung do người tiêu dùng tạo ra (UGC) hoặc nội dung trải nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ của khách hàng (Testimonials Content).

Về tổng thể, người tiêu dùng mong đợi ít phải xem hơn các nội dung khuyến mãi hay mang tính “quảng cáo“, thay vào đó họ muốn thấy các nội dung mà họ có thể tin tưởng được.

Tiếp đó, người tiêu dùng cũng kỳ vọng các thương hiệu có thể phản hồi lại họ một cách nhanh hơn (tăng cao hơn so với năm 2022):

  • 16% khách hàng kỳ vọng họ được phản hồi trong vòng vài phút.
  • 23% muốn được phản hồi trong 2-3 giờ.
  • 30% muốn được phản hồi cùng ngày.

Trên đây là các nội dung đáng chú ý nhất từ báo cáo, bạn có thể tải xuống báo cáo đầy đủ tại đây.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Cách xây dựng nội dung cho các mục tiêu khác nhau: Bán hàng – Thương hiệu – Giữ chân

Tuỳ vào từng mục tiêu khác nhau hay ở các giai đoạn khác nhau của phễu bán hàng, nội dung cần đạt được các mục tiêu khác nhau.

Getty Images

Trong khi phần lớn người làm marketing nói về việc xây dựng và tái sử dụng nội dung cho các kênh khác nhau như blog của doanh nghiệp hay mạng xã hội.

Một vấn đề khác ít được đề cập hơn là cách tạo các loại nội dung khác nhau cho các giai đoạn khác nhau trong phễu bán hàng hay theo hành trình của khách hàng: từ xây dựng thương hiệu và bán hàng đến giữ chân người dùng.

Tuỳ vào mỗi mục tiêu khác nhau, các loại nội dung cũng được thay đổi sao cho phù hợp.

Ví dụ: bạn có thể cần các loại nội dung khác nhau được thiết kế để đưa người dùng đến gần hơn với giai đoạn bán hàng, giúp bạn trở nên đáng nhớ hơn (khi xây dựng thương hiệu) hoặc giúp bạn giữ chân được khách hàng của mình lâu hơn.

Thông thường, ở một phễu bán hàng (sales funnel) tiêu chuẩn, đối tượng mục tiêu của thương hiệu sẽ trải qua 3 giai đoạn sau:

  • Nhận thức về thương hiệu (Awareness).
  • Cân nhắc các giải pháp (Consideration).
  • Ra quyết định (Decision making).

Vì khi ở mỗi giai đoạn khác nhau, khách hàng có nhu cầu tiêu thụ các nội dung khác nhau, điều quan trọng là thương hiệu phải nắm bắt được đâu là thứ mà khách hàng cần.

Nếu thương hiệu có thể tạo ra những nội dung hấp dẫn, có tính liên quan cao đến khách hàng của mình (customer intent), cơ hội để thúc đẩy khách hàng hành động rõ ràng là sẽ cao hơn rất nhiều.

Tuy nhiên có một thực tế là, thay vì phải “nói về khách hàng”, về lợi ích và mọi thứ liên quan đến họ, không ít các thương hiệu vẫn chọn cách “nói nhiều về mình”, điều này cuối cùng sẽ dẫn đến kết quả là khách hàng sẽ ngày càng rời xa thương hiệu bởi họ không tìm thấy bất cứ sợi dây liên kết nào ở đây cả.

Dưới đây là một số cách bạn có thể tham khảo để các nội dung của mình có liên quan nhiều hơn đến khách hàng khi họ ở các giai đoạn khác nhau trong hành trình mua hàng.

Xây dựng thương hiệu.

Bạn có thể tăng cường mức độ ghi nhớ của khách hàng với thương hiệu bằng cách sử dụng tính hài hước hoặc giải trí trong nội dung, ngoài ra sử dụng phương pháp so sánh một cách khéo léo với đối thủ cạnh tranh hay sử dụng các nội dung có tính lan truyền trên phương tiện truyền thông mạng xã hội cũng là những cách thông minh bạn có thể cân nhắc.

Một phương pháp rất đáng để thử khác đó là xây dựng các nội dung mang tính giáo dục.

Nếu bạn có thể trở thành người dẫn đầu (nhà lãnh đạo tư tưởng) trong lĩnh vực hay phạm vi kinh doanh của mình, cơ hội để khách hàng nhớ về bạn là rất cao bởi khi này khách hàng xem bạn là “người có thẩm quyền cao hay “chuyên gia” trong lĩnh vực bạn đang kinh doanh.

Một chiến lược gia khác từng nói, “Hãy cố gắng tạo ra những nội dung khác biệt. Chiến lược của bạn không phải là tạo ra một website bán hàng tốt hơn, mà là một website bán hàng khác biệt so với tất cả các đối thủ hiện có.”

Bán hàng.

Sau khi đã hoàn thành giai đoạn giáo dục đối tượng mục tiêu, khách hàng tiềm năng của bạn sẽ ở trong giai đoạn cân nhắc. Ở giai đoạn này, các nội dung nên hướng tới những lời kêu gọi hành động (CTA).

Vì là nội dung với mục đích bán hàng, bạn cần khuyến khích khách hàng nhấp chuột thông qua những thông điệp nhấn mạnh trực tiếp đến các “nỗi đau” của họ, đừng chỉ nói đến các giải pháp hay các lợi thế cạnh của sản phẩm và doanh nghiệp, hãy tập trung vào khách hàng, vào yếu tố nhu cầu và cảm xúc của chính họ.

Bởi vì khách hàng sẽ có thể đắn đo suy nghĩ hay tính toán thiệt hơn trong giai đoạn này, các câu chuyện thương hiệu hay bằng chứng xã hội (social proof) là những chiến lược thông minh bạn có thể sử dụng.

Giữ chân khách hàng.

Vì chi phí để tìm kiếm một khách hàng mới cao hơn trung bình từ 3-5 lần so với việc giữ chân khách hàng cũ, mục tiêu cuối cùng của mọi doanh nghiệp không chỉ đơn giản là dừng lại ở việc bán được hàng (một lần). Dưới đây là một số cách thương hiệu có thể áp dụng để giữ chân khách hàng lâu hơn.

  • Sử dụng cách kể chuyện trong các hoạt động marketing: Những câu chuyện tập trung vào khách hàng thay vì doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng hơn.
  • Xuất bản nội dung chất lượng một cách nhất quán: Ngày nay việc tạo một blog nội dung trên website của doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết. Ngoài việc giúp bạn xếp hạng cao hơn trên các công cụ tìm kiếm, một blog tốt còn giúp tạo ra sự uy tín, tính có thẩm quyền và lượng khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp.
  • Tiếp tục “giáo dục” đối tượng mục tiêu của bạn: Hãy thử sử dụng các định dạng nội dung khác nhau như podcast, vlog, hướng dẫn và case study.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn

TikTok chia sẻ một vài Insights mới về cách tiếp cận Marketing trên ứng dụng

Nhằm mục tiêu thúc đẩy nhiều hơn nữa các hoat động marketing của thương hiệu trên ứng dụng, TikTok vừa chia sẻ một vài insight mới.

TikTok chia sẻ một vài Insights mới về cách tiếp cận Marketing trên ứng dụng
TikTok chia sẻ một vài Insights mới về cách tiếp cận Marketing trên ứng dụng

Theo quan điểm chung của TikTok, mạng xã hội kiểu mới (Modern Social Media) là nơi người dùng không chỉ xuất hiện để xem những nội dung hay xu hướng mới nhất mà còn có cơ hội được đóng góp, sáng tạo, kết nối và tương tác với các thương hiệu cũng như cộng đồng xung quanh.

Để có thể thành công hơn với các hoạt động marketing trên ứng dụng, các thương hiệu cần khắc ghi điều này – người dùng TikTok không hề bị động mà thay vào đó còn tích cực tham gia tương tác, đó là lý do tại sao các phương pháp tiếp cận quảng cáo theo kiểu làm phiền thông thường sẽ không mấy hiệu quả hay thậm chí là còn phản tác dụng.

Theo TikTok:

“Khán giả của TikTok thích những thương hiệu có thể hiểu và sử dụng nền tảng một cách tự nhiên nhất – họ muốn các thương hiệu gặp gỡ họ theo cách họ mong đợi trên TikTok.”

Để tối đa hóa hiệu suất quảng cáo của bạn, TikTok khuyến nghị các thương hiệu nên áp dụng chiến lược ‘Luôn sẵn sàng để tương tác’, sử dụng kết hợp các nội dung tự nhiên (Organic Content) và nội dung có trả phí.

Bên cạnh đó, thương hiệu cũng nên tận dụng việc kết hợp với các nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) để đạt được mục tiêu kinh doanh của mình.

Dưới đây là một số số liệu khác.

  • 79% người dùng TikTok ưu thích các thương hiệu có thể hiểu cách sử dụng nền tảng (TikTok Marketing Study 2021).
  • Khoảng 30% người dùng cho biết họ được truyền cảm hứng mua hàng khi một nhà sáng tạo nội dung họ yêu thích chia sẻ các thông tin về sản phẩm hay thương hiệu đó.
  • Để có thể thúc đẩy cảm xúc yêu thích với thương hiệu (Brand Love), các marketer nên kết hợp 3 phương pháp bao gồm: xây dựng các nội dung và tương tác tự nhiên với người dùng, sử dụng quảng cáo để thúc đẩy khả năng tiếp cận và tận dụng các Content Creator để gia tăng mức độ cộng hưởng.
  • Mức độ ghi nhớ thương hiệu (Brand Recall) tăng lên 27% khi người dùng thấy các nội dung tự nhiên trước khi các nội dung đó được quảng cáo.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn

Chiến lược kinh doanh đặc biệt của chuỗi siêu thị Mỹ Costco

Đến tháng 7/2022, chuỗi siêu thị bán sỉ lớn nhất và được yêu thích hàng đầu ở Mỹ – Costco có tổng 847 cửa hàng với gần 120 triệu thành viên. Đặc biệt, phần lớn lợi nhuận của Costco lại đến từ chiến lược kinh doanh thu phí thẻ thành viên.

Chiến lược kinh doanh đặc biệt của chuỗi siêu thị Mỹ Costco
Chiến lược kinh doanh đặc biệt của chuỗi siêu thị Mỹ Costco

Lợi nhuận chủ yếu đến từ nguồn thu không ngờ tới.

Theo báo cáo tài chính năm 2021, chuỗi siêu thị Costco đã bán được 192 tỷ USD tiền hàng hóa và thu về 3,9 tỷ USD tiền phí thẻ thành viên. Tỷ suất lợi nhuận gộp không bao gồm phí thẻ thành viên là khoảng 11%, thấp hơn nhiều so với mức lợi nhuận mà các nhà bán lẻ truyền thống khác được hưởng.

Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận của Costco không đến từ việc bán hàng mà đến từ việc thu phí thành viên. Tính đến ngày 28/8/2022, Costco thu về 222,7 tỷ USD từ hoạt động bán hàng. Trong đó, giá vốn là 199,4 tỷ USD và chi phí bán hàng (Sales), chi phí quản trị doanh nghiệp là 19,8 tỷ USD. Như vậy, lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng của Costco là 3,6 tỷ USD.

Trong khi đó, hoạt động bán thẻ thành viên đã mang lại cho Costco 4,2 tỷ USD, đóng góp tới 54% vào khoản lợi nhuận thuần từ hoạt động của Costco.

Được biết, để sở hữu thẻ thành viên của siêu thị này, mỗi thành viên hạng Gold Star phải chi trả 60 USD/năm trong khi muốn nâng cấp lên hạng Executive thì số tiền cần chi trả là gấp đôi.

Với thẻ Gold Star, khách hàng được phép mua sắm ở tất cả cửa hàng Costco với giá ưu đãi. Trong khi đó, khách hàng sở hữu mức thẻ 120 USD/năm mỗi năm sẽ được hoàn 2% trên tổng số tiền mua sắm ở Costco cùng với rất nhiều khoản hoàn tiền khác sau khi đổ xăng,ăn uống, du lịch, mua sắm….

Costco luôn có lượng khách hàng cực kì ổn định, tỷ lệ duy trì lên tới 91,3%. Tức là, nếu có 100 khách hàng thì có tới 91 người sẵn sàng gia hạn thẻ thành viên của mình trong năm sau. Dù phải mất 1 khoản tiền mới có thể sở hữu thẻ thành viên nhưng khách hàng luôn cảm thấy hài lòng vì mức giá ở Costco thấp hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Coi việc quảng cáo là không cần thiết.

Hầu hết các doanh nghiệp sẽ chi một khoản tiền lớn cho việc quảng bá, Marketing nhằm thu hút khách hàng vào cửa hàng của họ.

Tuy nhiên, Costco chưa từng chi tiêu bất kì khoản tiền nào cho quảng cáo, bởi: “Chúng tôi coi quảng cáo là xấu xa bởi vì nó tốn tiền; bất cứ điều gì làm tăng giá hàng hóa của chúng tôi đều xấu” – Jim Sinegal, người đồng sáng lập Costco nói.

Cũng chính nhờ động thái này mà Costco đã tiết kiệm được khoảng 2% chi phí một năm, cho phép công ty tái đầu tư số tiền đó vào việc giảm giá. Chiến lược này đã giúp Costco bán ra những sản phẩm có giá thấp hơn đối thủ.

Chiến lược giá bán cạnh tranh.

Chiến lược giá bán cạnh tranh là một lợi thế khác của Costco.

Với gần 120 triệu thành viên tính đến tháng 7/2022, Costco hoàn toàn có lợi thế đàm phán giá cả đối với các nhà cung ứng bởi số lượng hàng hóa tiêu thụ cực lớn.

Costco cũng xây dựng hệ thống siêu thị đơn giản để đảm bảo chi phí thấp, dễ vận hành.

Bên cạnh đó, Costco còn xây dựng nhãn hiệu riêng Kirkland chuyên cung cấp các mặt hàng có nguồn gốc từ thiên nhiên, thực phẩm chức năng, rượu với giá thành hợp lý. Ước tính các sản phẩm mang thương kiệu Kirkland đóng góp khoảng 30% doanh số bán hàng của Costco vào năm 2019.

Lương cao tỉ lệ thuận với năng suất lao động cao.

Mức lương mà Costco trả cho nhân viên của mình cao hơn rất nhiều so với các nhà bán lẻ khác. Vào đầu năm 2019, mức lương tối thiểu theo giờ tăng lên 15 USD; vào đầu năm 2021, nó tăng lên 16 USD và tiếp tục tăng lên 17 USD vào cuối năm.

Cuối năm 2022, mức lương trung bình mỗi giờ mà Costco trả cho nhân viên là khoảng 18,04 USD, trong khi các nhà bán lẻ khác chỉ trả khoảng 13,99 USD. Nhân viên Costco cũng được nhận các gói bảo hiểm sức khỏe do công ty tài trợ.

Với mức lương như vậy, một nhân viên Costco trung bình tạo ra doanh thu gần gấp ba lần so với một nhân viên trung bình của Walmart và Target (2 đối thủ cạnh tranh). Điều này đã chứng tỏ sự thành công của việc áp dụng hiệu quả mô hình kinh doanh của Costco.

Vì được trả lương cao, nhân viên của Costco rất vui vẻ, họ nhiệt tình chăm sóc và giúp đỡ để khách hàng có trải nghiệm mua sắm tốt nhất. Đó cũng là một trong những lí do khiến khách hàng quay lại cũng như gia hạn thẻ thành viên của mình.

Chiến lược kinh doanh của Costco là chiến lược kinh doanh có 1-0-2, được xem như độc đáo nhất cho đến thời điểm hiện tại.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Twitter ra mắt giải pháp quảng cáo an toàn mới cho thương hiệu

Mạng xã hội X (Twitter cũ) vừa thông báo ra mắt giải pháp quảng cáo an toàn mới cho thương hiệu, chiến lược được cho là nhằm mục tiêu lôi kéo các nhà quảng cáo quay lại nền tảng.

Twitter ra mắt giải pháp quảng cáo an toàn mới cho thương hiệu
Twitter ra mắt giải pháp quảng cáo an toàn mới cho thương hiệu

Theo đó, mạng xã hội Twitter, hiện được gọi là X, vừa công bố về mối quan hệ đối tác mới hướng tới mục tiêu giúp mở rộng các biện pháp an toàn thương hiệu cho các nhà quảng cáo trên nền tảng.

Thông qua mối quan hệ đối tác mở rộng với một công ty công nghệ quảng cáo có tên là Integral Ad Science, X hay Twitter sẽ cung cấp nhiều công cụ quảng cáo mới cho phép các nhà quảng cáo tách những nội dung của thương hiệu ra khỏi các từ khóa không mong muốn với kết quả được cho là “hiệu quả đến 99%”.

Mối quan hệ đối tác và công cụ quảng cáo mới được ra mắt trong bối cảnh X đang đối mặt với hàng loạt các thách thức khác nhau, từ việc nhiều nhà quảng cáo rời bỏ nền tảng, lượng người dùng sụt giảm do sự cạnh tranh của các nền tảng đối thủ (ví dụ như Instagram Threads) hay nhiều nhân viên quản lý nội dung cũng bị sa thải. Doanh thu quảng cáo của X cũng báo cáo giảm đến hơn 50% từ thời điểm xảy ra các thay đổi.

Với các công cụ mới, nhà quảng cáo cũng sẽ có thể cài đặt các chế độ loại bỏ khác nhau, giúp loại bỏ hoàn toàn hoặc một phần từ các nội dung không phù hợp.

Cuối cùng, một danh sách chặn tự động (automated blocklist) cũng sẽ là một công cụ an toàn thương hiệu khác dành cho các nhà quảng cáo, cho phép người làm marketing cấm thương hiệu của mình xuất hiện kế bên các nội dung có chứa những từ khóa nhất định.

Marketer có thể xem chi tiết thông báo tại đây.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Warner Bros. Discovery mất gần 2 triệu người đăng ký giữa bối cảnh tái nhận diện thương hiệu

Tập đoàn giải trí Warner Bros. Discovery mất gần 2 triệu người đăng ký (Subscriber) giữa bối cảnh doanh nghiệp này thực hiện tái nhận diện thương hiệu từ HBO Max thành Max.

Warner Bros. Discovery mất gần 2 triệu người đăng ký khi tái nhận diện thương hiệu
Warner Bros. Discovery mất gần 2 triệu người đăng ký khi tái nhận diện thương hiệu

Theo báo cáo thu thập quý 2 năm 2023 mới đây, Warner Bros. Discovery, một Tập đoàn giải trí hàng đầu thế giới, tiết lộ rằng doanh nghiệp đã mất 1,8 triệu người đăng ký có trả phí (Subscriber) trên các nền tảng như HBO, Discovery+ và dịch vụ phát nội dung trực tuyến kết hợp mới là Max. Doanh nghiệp hiện có tổng cộng 95,8 triệu người dùng, so với con số 97,6 triệu trong quý đầu tiên cùng năm.

Max là tên gọi thương hiệu mới của HBO Max, được ra mắt vào ngày 23 tháng 5 mới đây, trong tuần đầu tiên ra mắt, 70% người đăng ký HBO Max hiện tại đã chuyển sang Max.

Trong khi vẫn chưa có thông tin cụ thể là liệu việc mất người dùng có phải là do người dùng cũ không chuyển đổi sang nền tảng mới hay không, đại diện Warner Bros. Discovery cho biết sự sụt giảm người dùng là do sự chồng chéo giữa dịch cũ và dịch vụ mới khi nền tảng mới có sự kết hợp về dịch vụ.

Tổng doanh thu trong quý 2 của Warner Bros. Discovery là 10,36 tỷ USD, so với 10,7 tỷ USD trong quý 1. Các nhà phân tích Phố Wall từng dự báo doanh thu là 10,46 tỷ USD.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Marketing 2023: Marketer cần xác định rõ sứ mệnh của nội dung và thương hiệu

Trong bối cảnh mới, để có thể tối đa hoá mức độ tương tác cũng như sức ảnh hưởng của các hoạt động marketing tới khách hàng, người làm marketing cần xác định rõ sứ mệnh của các nội dung của thương hiệu, định vị thương hiệu trong mắt người tiêu dùng và hơn thế nữa.

Marketing 2023: Marketer cần xác định rõ sứ mệnh của nội dung và thương hiệu
Marketing 2023: Marketer cần xác định rõ sứ mệnh của nội dung và thương hiệu

Trong những bối cảnh kinh tế đầy khó khăn như cả 2022 và 2023 này, hầu hết những người làm marketing nói riêng và kinh doanh nói chung đều đang tìm cách tinh chỉnh và tối ưu lại các chiến lược để có thể tối đa hóa các nỗ lực marketing của doanh nghiệp.

Từ sự ra mắt của ChatGPT đến sự nổi lên của các ứng dụng AI (Trí tuệ nhân tạo), các hoạt động marketing theo đó có thể được thay đổi đáng kể trong 2023 và xa hơn nữa.

Ở những “thời khắc mang tính chuyển giao như vậy”, sẽ là rất cần thiết để doanh nghiệp hay marketer nhìn nhận và đánh giá lại thương hiệu của mình từ những thứ nền tảng nhất, nhiệm vụ và sứ mệnh của thương hiệu cũng như các nội dung được phát triển từ những nền tảng đó là ví dụ điển hình.

Doanh nghiệp phải khiến cho mục đích của thương hiệu của họ trở nên rõ ràng hơn đối với khách hàng mục tiêu, xem đây là bản định hướng mang tính chiến lược cho cách tiếp cận của họ tới khách hàng.

Xác định mục đích của thương hiệu.

Mặc dù điều này nghe có vẻ khá cơ bản, tuy nhiên nó lại là nền móng quyết định sự tồn tại của một thương hiệu khi người tiêu dùng ngày càng nhận thức rất rõ về các thương hiệu mà họ tương tác và mua hàng, người tiêu dùng có ý thức là từ khoá mà bất cứ marketer nào cũng đều nên hiểu.

Tại sao thương hiệu của bạn tồn tại, mục đích mà nó hướng đến là gì và rốt cuộc, nó làm cho cuộc sống của khách hàng của bạn tốt hơn như thế nào.

Một khi bạn biết được điều này, bạn có thể xây dựng chiến lược nội dung của mình xoay quanh những giá trị và sứ mệnh cốt lõi của thương hiệu, đảm bảo rằng mọi thứ bạn truyền tải đều có mục đích rõ ràng (thay vì chỉ là thúc đẩy lượng tương tác một cách vô nghĩa).

Việc xây dựng mọi thứ dựa trên một chiến lược có chủ ý rõ ràng có nghĩa là từng nhiệm vụ doanh nghiệp thực thi sẽ trở thành một viên gạch để xây dựng nền móng của thương hiệu.

Nó cũng có nghĩa là thương hiệu sẽ liên tục kết nối với những người thực sự phù hợp với sứ mệnh của thương hiệu, những khách hàng tiềm năng thực sự, thay vì kết nối một cách chung chung đến “tất cả mọi người”.

Xây dựng mục đích thương hiệu và chiến lược thương hiệu xoay quanh những mục tiêu trọng tâm.

Trở lại năm 1996, các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard đã đặt những nền móng đầu tiên cho khái niệm tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp (Brand Mission & Vision), dựa trên nhiều cuộc phỏng vấn với nhiều nhà lãnh đạo trong lĩnh vực marketing.

Mục đích của nghiên cứu là thiết lập một mô hình cốt lõi cho việc xây dựng nhận diện thương hiệu (Branding), mô hình này về cơ bản là vượt ra khỏi các quảng cáo thông thường trên thị trường và đi sâu hơn vào mục đích cũng như vai trò của mỗi doanh nghiệp trong cuộc sống của người tiêu dùng.

Theo nghiên cứu:

“Các doanh nghiệp hay thương hiệu có được sự thành công bền vững khi các giá trị và mục đích cốt lõi của họ dường như không thay đổi ngay cả khi các chiến lược và hoạt động kinh doanh phải liên tục điều chỉnh để thích ứng với một thế giới mới đang thay đổi.”

Nói cách khác, trong khi các xu hướng marketing hay cách thức tiếp cận truyền thông có thể thay đổi, những thương hiệu lâu đời vẫn giữ vững một mục đích nhất định và xem đó là nền tảng để kết nối với khách hàng của họ.

  • Nike – Là để trải nghiệm những cảm xúc của sự cạnh tranh, chiến thắng và đè bẹp đối thủ.
  • 3M – Có thể giải quyết các vấn đề chưa được giải quyết một cách sáng tạo.
  • Wal-Mart – Mang đến cho khách hàng (bình thường) cơ hội mua những thứ giống như những người giàu có đã mua.
  • Walt Disney – Là để làm cho mọi người trở nên hạnh phúc hơn.

Trong khi với Nike, ‘Just Do It’, là slogan gắn liền với chiến lược marketing (công khai) của doanh ngiệp, mục đích đằng sau thương hiệu mới là lý do giải thích tại sao doanh nghiệp tồn tại, chứ không phải là những gì mà Nike bán (sản phẩm).

Thương hiệu có thể xây dựng mục đích riêng biệt cho mình như thế nào?

Một cách hiệu quả để làm điều này là thứ mà các nhà nghiên cứu gọi là “The Whys”, các câu hỏi “Tại sao” mà người làm thương hiệu, marketing hay doanh nghiệp cần trả lời.

Hiểu một cách đơn giản là, doanh nghiệp của bạn tạo ra sản phẩm hay dịch vụ và sau đó tự hỏi tại sao điều đó lại quan trọng và cuối cùng là đưa ra các câu trả lời tương ứng cho từng câu hỏi.

Ví dụ: một nhà bán lẻ đồ thể thao có thể xây dựng mục đích của thương hiệu của họ theo trình tự như sau:

Chúng tôi bán đồ thể thao.

“Tại sao điều đó lại quan trọng?” (1)

Bởi vì chúng tôi cho phép mọi người tham gia vào các hoạt động thể thao.

“Tại sao điều đó lại quan trọng?” (2)

Bởi vì việc tham gia các hoạt động thể thao lành mạnh có thể cải thiện chất lượng cuộc sống theo nhiều cách khác nhau.

“Tại sao điều đó lại quan trọng?” (3)

Bởi vì chất lượng cuộc sống là tất cả những gì mà con người cần, nó giúp chúng ta khỏe mạnh, hạnh phúc và sống lâu hơn.

“Tại sao điều đó lại quan trọng?” (4)

Bởi vì tất cả chúng ta đều muốn sống lâu, hạnh phúc và khỏe mạnh hơn.

Lý thuyết đằng sau cách tiếp cận này là thương hiệu sẽ tiến gần hơn đến việc xác định mục đích thực sự của thương hiệu, và trong trường hợp này, mục đích cuối cùng có thể là:

“Tất cả những gì chúng tôi làm là để tạo điều kiện cho cuộc sống của mọi người trở nên hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn”.

Đây chính là định hướng mang tính hướng dẫn cho tất cả những gì mà thương hiệu xây dựng và chia sẻ, dù là trên mạng xã hội hay công cụ tìm kiếm.

Một bài học có thể rút ra ở đây là vấn đề không phải là các sản phẩm bạn bán, mà là lý do tại sao doanh nghiệp của bạn tồn tại và điều đó sẽ là kim chỉ nam hành động cho tất cả các thành viên trong doanh nghiệp thay vì chỉ là các marketer.

“Khi doanh nghiệp hiểu rõ về những gì họ đang làm và tại sao họ lại làm việc đó, họ có nhiều khả năng hơn trong việc làm chủ những công việc và cảm xúc của chính họ.”

Mở rộng hơn đến các nhân viên Gen Z, những người đang tìm kiếm những mục đích thực sự trong sự nghiệp của họ, phù hợp hơn với mục tiêu và niềm đam mê cá nhân của riêng họ, điều này càng trở nên quan trọng hơn với các doanh nghiệp khi Gen Z sẽ sớm trở thành nguồn lực lao động chính trong những năm tới.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Giá trị của các thương hiệu lớn nhất thế giới giảm mạnh trong 2023

Theo số liệu được công bố mới đây trong “Top 100 thương hiệu lớn nhất toàn cầu 2023” bởi BrandZ của Kantar, giá trị của các thương hiệu lớn nhất toàn cầu đã giảm khá mạnh.

Giá trị của các thương hiệu lớn nhất thế giới giảm mạnh trong 2023
Giá trị của các thương hiệu lớn nhất thế giới giảm mạnh trong 2023

Theo bảng xếp hạng Top 100 thương hiệu lớn nhất toàn cầu 2023 của BrandZ, Kantar, Apple tiếp tục là thương hiệu có giá trị (Brand Value) nhất thế giới năm thứ hai liên tiếp.

Trong khi các thương hiệu khác đã phải vật lộn trong bối cảnh lạm phátsuy thoái kinh tế toàn cầu, Apple vẫn giữ vững vị thế trên thị trường.

Tính đến 2023, giá thị thương hiệu của Apple là 880 tỷ USD.

Về tổng thể, giá trị của toàn bộ bảng xếp hạng thương hiệu đã giảm 20% trong năm nay. Tổng giá trị của 100 thương hiệu lớn nhất thế giới theo đó đạt 6.900 tỷ USD, giảm từ mức gần 9000 tỷ USD vào năm 2022.

Trưởng bộ phận tư vấn Thương hiệuInsights tại Kantar, cho biết.

“Thành công không chỉ là việc liệu thương hiệu của bạn có giá đắt nhất trên thị trường hay không. Đây là mức giá bạn muốn có thể tính so với mức giá trung bình của các sản phẩm cùng danh mục. Nhận thức của bạn và thái độ của mọi người đối với thương hiệu của bạn phải phù hợp với điều đó.”

Google đứng ở vị trí thứ 2 trong trong bảng xếp hạng năm nay, với giá trị thương hiệu là 558 tỷ USD, giảm so với mức 820 tỷ USD của năm ngoái (giảm 30%).

Microsoft đứng thứ 4 vào năm ngoái thì nay đã vượt qua đế chế thương mại điện tử Amazon để trở thành thương hiệu có giá trị lớn thứ 3 với mức 502 tỷ USD, giảm 18% so với con số 611 tỷ vào năm 2022.

Với nhóm sản phẩm ngoài công nghệ, McDonald’s (ngành F&B) là thương hiệu có giá trị nhất thế giới năm 2023 với 191 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2022.

Tiếp theo là Visa có giá trị thương hiệu 169 tỷ USD, giảm 11% so với năm 2022, Tencent là 141 tỷ USD, giảm 34%, Louis Vuitton 125 tỷ USD, và MasterCard với 111 tỷ USD, cũng giảm khoảng 6%.

Coca-Cola đứng ở vị trí thứ 10 và đây là lần đầu tiên gã khổng lồ nước giải khát trở lại top đầu (Top 10) kể từ năm 2015 với giá trị thương hiệu là 106 tỷ USD, tăng 8% so với mức 98 tỷ USD của năm 2022.

Về cơ bản, Truyền thông và giải trí (Media, Entertainment) là lĩnh vực có mức sụt giảm giá trị thương hiệu lớn nhất vào năm 2023, với mức giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo sát là lĩnh vực bán lẻ, giảm 27%, công nghệ và dịch vụ kinh doanh, giảm 24%. May mặc giảm 21%, ô tô và rượu đều giảm 13%, trong khi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông giảm 10%.

Tiếp đó, Pepsi cũng đã trở lại Top 100 năm nay ở vị trí thứ 91 với giá trị thương hiệu là 18,8 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Colgate cũng gia nhập Top 100 ở vị trí 95 với giá trị thương hiệu là 18,3 tỷ USD, tăng 1% so với 2022, Sony ở vị trí 99 với 17,8 tỷ USD, và cuối cùng là thương hiệu tã cho trẻ em Pampers ở vị trí 100 với giá trị 17,3 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022.

Giá trị của các thương hiệu lớn nhất thế giới giảm mạnh trong 2023

Shein, nhà bán lẻ thời trang nhanh trực tuyến của Trung Quốc, cũng lần đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng, nhảy thẳng lên vị trí thứ 70.

Đại diện Kantar nói thêm:

“Từ những gì chúng tôi nhận thấy, việc xây dựng thương hiệu đang mang lại rất nhiều giá trị cho doanh nghiệp. Nó không chỉ giúp doanh nghiệp bảo vệ thị phần, gia tăng giá trị, mà còn tạo ra những tấm lá chắn giúp doanh nghiệp vượt qua những thời điểm khi nền kinh tế thực sự khó khăn.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Nổi bật hơn trên các nền tảng trực tuyến là cách để thương hiệu gia tăng lợi nhuận

Trong vô số các cách thức mà doanh nghiệp hay người làm marketing có thể thực hiện để gia tăng lợi nhuận, trở nên nổi bật hơn trên các nền tảng trực tuyến là phương thức không thể bỏ qua.

Nổi bật hơn trên các nền tảng trực tuyến là cách để thương hiệu gia tăng lợi nhuận
Nổi bật hơn trên các nền tảng trực tuyến là cách để thương hiệu gia tăng lợi nhuận

Theo số liệu mới đây của Google, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử bán lẻ (retail e-commerce) toàn cầu năm 2023 được dự báo là khoảng 10,4% với mức tăng 0,7 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng của năm 2022.

Khi thương mại điện tử (eCommerce) toàn cầu được dự báo là sẽ tiếp tục phát triển trong năm nay, việc trở nên nổi bật hơn trong một thị trường đông đúc để thúc đẩy chuyển đổi và bán hàng có lẽ là ưu tiên hàng đầu với hầu hết các nhà bán lẻ.

Với tư cách là một marketer, điều này đòi hỏi bạn phải thực sự có được những cái nhìn hay hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của khách hàng (Insights), cùng với đó là các kế hoạch đáp ứng nhằm mục tiêu tương tác với người tiêu dùng một cách nhanh chóng và linh hoạt trên nhiều nền tảng khác nhau.

Hãy luôn linh hoạt và tương tác với người tiêu dùng trên các kênh khác nhau (Multi-channel).

Với sức mạnh của công nghệ mà cụ thể hơn là của trí tuệ nhân tạo (AI), các nền tảng quảng cáo như Google có thể giúp thương hiệu tiếp cận những người mua sắm ngay cả khi họ đang trong quá trình nghiên cứu về sản phẩm, đồng thời cũng nhận thức được nhu cầu đang thay đổi nhanh chóng của họ.

Dưới đây là một số chiến thuật mà thương hiệu có thể áp dụng.

Sử dụng kiểu chiến dịch tối đa hóa hiệu suất.

Các chiến dịch Tìm kiếm (Search) và Tối đa hoá hiệu suất (Performace Max) khi được kết hợp với nhau chúng được xem là “bộ đôi quyền lực thúc đẩy hiệu suất quảng cáo” giúp nhà quảng cáo tiếp cận và tìm kiếm được nhiều khách hàng có giá trị hơn, với số lượt chuyển đổi cao hơn, trong khi chi phí trên mỗi hành động (CPA) dường như rất ít biến động.

Với chiến dịch Tối đa hoá hiệu suất (Performance max campaign), nhà quảng cáo có thể khai thác tất cả các khoảng không quảng cáo (Ad Inventory) của Google như Tìm kiếm (Search), YouTube, Hiển thị (GDN), Khám phá (Discover), Gmail và cả Google Maps, tất cả đều có trong một chiến dịch duy nhất (thay vì phải thiết lập nhiều chiến dịch riêng lẻ như trước đây).

Nếu thương hiệu sử dụng các nền tảng thương mại điện tử như Shopify, WooCommerce hay PrestaShop, bạn có thể dễ dàng đồng bộ hóa sản phẩm và khởi chạy Performance Max ngay từ các nền tảng đó.

Thúc đẩy các mối quan hệ sâu sắc với khách hàng thông qua ứng dụng (App).

Bằng cách cung cấp các tính năng như tự thanh toán hay các chương trình khách hàng thân thiết, các ứng dụng (app) được chứng minh là giúp thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu (Brand Loyalty) tốt hơn khi các trải nghiệm mua sắm trở nên liền mạch hơn.

Trên thực tế, theo số liệu từ Google, 87% nhà bán lẻ đồng ý rằng người dùng ứng dụng của họ trung thành hơn và có giá trị trọn đời cao hơn (CLV) so với những người không sử dụng.

Dưới đây là một số chiến thuật mà thương hiệu có thể ứng dụng.

Kết nối web với ứng dụng.

Đối với những khách hàng đã sử dụng ứng dụng của thương hiệu, Web to App Connect giúp tạo ra một trải nghiệm liền mạch từ web đến ứng dụng (app) bằng cách hướng người dùng đến đúng nội dung trong ứng dụng để nhanh chóng hoàn tất giao dịch mua hàng.

Tính năng này giúp người làm digital marketing thiết lập các đo lường chuyển đổi trong ứng dụng và đặt giá thầu quảng cáo một cách hiệu quả nhằm cải thiện trải nghiệm của khách hàng và tối ưu hóa hiệu suất chiến dịch.

Tính trung bình, Kết nối trực tiếp từ web đến app mang lại tỷ lệ chuyển đổi cao hơn gấp 2 lần so với việc truy cập web trên thiết bị di động (mobile web).

Tính năng này hiện đang ở giai đoạn thử nghiệm và dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2023, nhà quảng cáo có thể đăng ký trải nghiệm thử tại đây.

Người làm Marketing cần khác biệt hoá doanh nghiệp để xây dựng lòng tin và giá trị.

Trong một thị trường đông đúc như hiện nay, khi doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các nền tảng quảng cáo hơn bao giờ hết, sự khác biệt về thương hiệu (USP) lại trở nên cấp thiết và có giá trị hơn.

Các thương hiệu có khả năng củng cố những giá trị sản phẩm có nhiều ý nghĩa sẽ dễ dàng thu hút khách hàng mới và khách hàng hiện tại hơn.

Cụ thể, những người mua sắm theo khảo sát của Google cho biết chất lượng của một mặt hàng chiếm 46% và ưu đãi/khuyến mãi chiếm 45% ưu tiên mua sắm của họ.

Dưới đây là một số chiến thuật để xây dựng sự khác biệt.

Sự khác biệt của doanh nghiệp (người bán).

Hãy cho khách hàng thấy bạn có thể vận chuyển nhanh chóng hơn, chi phí vận chuyển thấp hơn (hoặc thậm chí là miễn phí), cũng như các chương trình hoàn tiền (nếu có).

Nếu có bất cứ sự khác biệt nào về khu vực bán hàng, hãy thêm mức giá theo từng khu vực và tình trạng còn hàng để khách hàng dễ dàng theo dõi.

Tận dụng các insights từ Merchant Center.

Với tính năng báo cáo cạnh tranh, thương hiệu nên tìm hiểu kỹ xu hướng thị trường và bối cảnh cạnh tranh trong ngành.

Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng API báo cáo (Reporting API) để thu thập và phân tích dữ liệu từ các báo cáo này cũng như các báo cáo khác của Merchant Center.

Các công cụ báo cáo khác.

Trang Thông tin chi tiết (Insights Page) giúp thương hiệu xác định xu hướng trong thị trường và thấu hiểu hiệu suất hiện tại. Phần này được tích hợp với các đề xuấtđiểm tối ưu hóa để cải thiện các chiến dịch quảng cáo.

Bằng cách đánh giá kỹ các thông tin này, nhà quảng cáo có nhiều cơ hội hơn để tối ưu hoá hiệu suất tổng thể, từ quảng cáo đến chuyển đổi bán hàng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Marketer cần thúc đẩy nhận thức về thương hiệu từ các khoảnh khắc khám phá

Khi người tiêu dùng ngày nay liên tục di chuyển để khám phá về thương hiệu trong suốt hành trình mua hàng (Customer Journey), người làm marketing cần tiếp cận họ dưới góc nhìn người làm thương hiệu ở nhiều khoảnh khắc khác nhau. Hãy cùng MarketingTrips khám phá chi tiết trong bài viết này.

Marketer cần thúc đẩy nhận thức về thương hiệu từ các khoảnh khắc khám phá
Marketer cần thúc đẩy nhận thức về thương hiệu từ các khoảnh khắc khám phá

Theo số liệu mới đây từ Google, 43% người tiêu dùng trên toàn cầu cho biết họ muốn tìm kiếm các thương hiệu mới ngay cả khi họ chưa có ý định mua hay chuyển đổi thương hiệu ngay thời điểm đó.

Trong bối cảnh hiện tại, khách hàng về cơ bản là không ngừng tìm kiếm các doanh nghiệp hay thương hiệu mới, nơi có thể cung cấp những giá trị và trải nghiệm mua sắm phù hợp với cá nhân (không ngừng thay đổi) của họ.

Vì họ đang dành nhiều thời gian hơn trong giai đoạn cân nhắc (Brand Consideration) trong hành trình mua sắm, việc người làm marketing giúp thương hiệu của họ xuất hiện trong những khoảnh khắc khám phá đó trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Hãy xuất hiện với hình ảnh “chính xác đó là những gì khách hàng đang tìm kiếm”.

Với tư cách là người tiêu dùng, trong khi họ tìm đến các sản phẩm thường là xuất phát từ các nhu cầu cụ thể liên quan đến tính năng và lợi ích của sản phẩm, tuy nhiên sau đó, họ lại mua hàng vì yếu tố cảm xúc.

Hiểu được điều này, Google hiện đã khiến các trải nghiệm mua sắm trên công cụ tìm kiếm trở nên trực quan và hấp dẫn hơn, mang lại cho khách hàng nhiều cảm xúc hơn.

Dưới đây là một số chiến thuật Marketer có thể làm để đẩy nhận thức về thương hiệu từ các khoảnh khắc khám phá, đó chính là cơ hội để thương hiệu tiếp cận các khách hàng tiềm năng mới.

Sử dụng đối sánh rộng và đặt giá thầu thông minh.

Đối sánh rộng giúp thương hiệu tiếp cận khách hàng mới bằng cách hiển thị quảng cáo tới những người mua sắm khi họ đang tìm kiếm những điều gì đó liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp.

Kết hợp chiến thuật này với Đặt giá thầu thông minh có thể đảm bảo rằng bạn đang đặt giá thầu phù hợp cho mỗi từ khoá tìm kiếm trong mục tiêu hiệu suất của chiến dịch.

Nhiều nhà quảng cáo cho biết, từ tỷ lệ chuyển đổi, doanh số bán hàng đến ROI (tỷ suất lợi nhuận đầu tư) đều được cải thiện rõ rệt.

Tận dụng quảng cáo tìm kiếm thích ứng.

Quảng cáo tìm kiếm thích ứng hay Responsive Search Ads là một định dạng quảng cáo có trong Google Ads cho phép nhà quảng cáo hiển thị đúng quảng cáo cho đúng người mua sắm vào đúng thời điểm, dựa trên những gì họ đang tìm kiếm.

Nhà quảng cáo có thể tiết kiệm thời gian xây dựng quảng cáo bằng cách cung cấp nhiều tùy chọn đầu vào như dòng tiêu đề và mô tả, Google Ads sau đó sẽ hiển thị các kết hợp quảng cáo phù hợp nhất cho từng người mua sắm.

Với quảng cáo tìm kiếm thích ứng, nhà quảng cáo cũng có thể thêm hình ảnh về sản phẩm và dịch vụ của mình bằng cách sử dụng tính năng thêm hình ảnh.

Biến người xem video thành khách hàng trên YouTube.

Với hơn 2 tỷ người dùng toàn cầu và khả năng mua sắm trực tiếp từ các video, YouTube đang cung cấp cho các doanh nghiệp và nhà quảng cáo rất nhiều cơ hội bán hàng.

Các video về sản phẩm từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong hành trình mua sắm của khách hàng, cung cấp cho họ thông tin cần thiết để ra quyết định theo cách trực quan và tính xác thực cao nhất (Authentic Marketing).

Thậm chí, các video giải thích cũng đang được xem là xu hướng tương lai của hình thức video marketing.

Kết hợp kiểu chiến dịch hành động video với nguồn cấp dữ liệu sản phẩm.

Cuối cùng, nhà quảng cáo cũng có thể thúc đẩy nhận thức về thương hiệu và bán hàng bằng cách kết hợp kiểu chiến dịch hành động thông qua video với nguồn cấp dữ liệu sản phẩm, quảng cáo video giờ đây đóng vai trò như là một “cửa hàng trực tuyến” của doanh nghiệp.

Theo số liệu từ Google, kiểu kết hợp này có thể giúp tăng hơn 80% số lượt chuyển đổi.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Thị trường bán lẻ xa xỉ tại Việt Nam sẽ có giá trị hơn 900 triệu USD trong 2023

Ước tính của Statista cho biết doanh thu thị trường bán lẻ xa xỉ tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt 957,20 triệu USD. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2023-2028 dự kiến là 3,23%.

Thị trường bán lẻ xa xỉ tại Việt Nam sẽ có giá trị hơn 900 triệu USD trong 2023
Thị trường bán lẻ xa xỉ tại Việt Nam sẽ có giá trị hơn 900 triệu USD trong 2023. Reuters.

Dior, Louis Vuitton, Tiffany & Co. hay Berluti – những thương hiệu xa xỉ trong làng thời trang thế giới đều đã lần lượt xuất hiện tại Việt Nam.

Đây là minh chứng cho thấy các nhãn hàng cao cấp đã thực sự bắt đầu kế hoạch đa dạng hóa thị trường tại khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam chính là một phần quan trọng của chiến lược này.

Người Việt chuộng hàng cao cấp.

Theo báo cáo của Savills, động lực thúc đẩy nhiều thương hiệu cao cấp tìm đến Việt Nam là nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng.

Ước tính của Statista cho biết doanh thu thị trường bán lẻ xa xỉ tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt 957,20 triệu USD. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2023-2028 dự kiến là 3,23%.

Cùng với Singapore và Thái Lan, Việt Nam được các chuyên gia tại Savills nhận định là thị trường được các nhãn hàng cao cấp ưu ái. Điều này xuất phát từ những chuyển biến tích cực về kinh tế, sự gia tăng số lượng cá nhân có thu nhập cao cũng như thái độ và thói quen mua sắm của tầng lớp trung lưu trẻ đối với mặt hàng xa xỉ.

“Sau dịch Covid-19 cũng như những thay đổi về địa chính trị trong thời gian qua, đặc biệt khi một số thị trường áp dụng những quy định khắt khe về đi lại và du lịch như Trung Quốc và Hong Kong, các thương hiệu cao cấp đã có xu hướng lựa chọn, tiếp cận và mở rộng tại các thị trường mới nổi khác, trong đó có Việt Nam”, bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý Cấp cao Bộ phận Cho thuê Thương mại tại Savills Hà Nội, cho biết.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các thương hiệu khách sạn cao cấp và căn hộ hạng sang hứa hẹn sẽ mang tới lượng du khách ở phân khúc tầm cao tới du lịch và mua sắm. Đây sẽ là bàn đạp để Việt Nam thu hút thêm sự chú ý của các nhãn hàng xa xỉ.

“Việc Hà Nội sắp chào đón các khách sạn hạng sang được kỳ vọng tạo thêm tổ hợp mua sắm cao cấp mới, qua đó thu hút các thương hiệu xa xỉ gia nhập thị trường đầy tiềm năng này”, bà Trang nói thêm.

Thiếu hụt mặt bằng chất lượng.

Nhận định về địa điểm mặt bằng mà những thương hiệu cao cấp lựa chọn, bà Trang cho biết các cửa hàng thường sẽ được đặt tại các trục phố đắt giá, có vị trí đắc địa, với diện tích và mặt tiền lớn, tập trung nguồn khách hàng cao cấp.

Hiện nay, khu vực quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vẫn là địa điểm lý tưởng đối với các thương hiệu xa xỉ nhờ vị trí trung tâm và đảm bảo được yêu cầu về tính nhận diện thương hiệu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy những mặt bằng đáp ứng được nhu cầu kể trên vẫn còn rất hạn chế.

Bên cạnh sự thiếu hụt về nguồn cung, hầu hết mặt bằng hiện nay vẫn chưa thực sự thỏa mãn được yêu cầu của các thương hiệu xa xỉ, bao gồm các yếu tố về kỹ thuật, tính minh bạch về pháp lý, cũng như cam kết lâu dài của dự án.

Theo bà Trang, đối với mặt bằng của trung tâm thương mại, sự thiếu định hướng của một số dự án đã làm cản trở đà phát triển lâu dài của thương hiệu.

Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận nhiều trung tâm thương mại được phát triển bởi các chủ đầu tư nước ngoài có mức độ đầu tư cao, hoạch định và phát triển lâu dài. Những nơi này thường sở hữu tỷ lệ cho thuê đạt mức tốt và được coi là điểm đến cho người tiêu dùng tại các thị trường lớn.

“Để có thể tận dụng được lợi thế và sức hút của Việt Nam đối với thị trường bán lẻ cao cấp, việc bổ sung thêm nguồn cung hợp lý chính là giải pháp sáng giá. Chủ đầu tư cần chú ý để xây dựng các mặt bằng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được các nhu cầu của nhãn hàng”, bà Trang chia sẻ thêm.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Giáo sư Đại học Stanford: Công thức thành công của Marketing

Thông qua câu chuyện thành công của các loại rượu Whiskey, Giáo sư Glenn Carroll tại Đại học Stanford tiết lộ công thức hay gia vị thành công của Marketing và thương hiệu.

Giáo sư Đại học Stanford: Công thức thành công của Marketing
Giáo sư Đại học Stanford: Công thức thành công của Marketing

Trong thế giới rượu whisky, những tuyên bố về tính xác thực của sản phẩm hay thương hiệu (Brand Authenticity) là rất phổ biến. Nhưng làm thế nào để các thương hiệu có thể chứng minh nó với người tiêu dùng của họ?

Trong một nghiên cứu mới, Giáo sư chuyên về nghiên cứu hành vi, Glenn Carroll tại Đại học Stanford, đã phân tích để hiểu rõ hơn về cách người tiêu dùng cảm nhận về tính xác thực.

Nhà nghiên cứu nhận thấy rằng trong khi các đặc điểm vô hình — như hình ảnh của những người chưng cất (rượu) bậc thầy, ngũ cốc được cào bằng tay hoặc truyền thống làm rượu của gia đình rất quan trọng đối với người tiêu dùng, các đặc điểm khác như các hoạt động chưng cất thủ công vốn được cho là tốn kém (và có thể quan sát được) hay việc canh tác tích hợp (tại chỗ) lại đóng vai trò quan trọng hơn.

Cũng từ góc nhìn này của người tiêu dùng, nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các thương hiệu thuê ngoài quá trình chưng cất rượu dường như ít mang tính xác thực hơn, nói cách khác người tiêu dùng không tin tưởng các thương hiệu này.

Giáo sư Carroll nói:

“Chúng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu điều đó không xảy ra. Khi người tiêu dùng đang tìm kiếm thứ gì đó xác thực (đích thực), họ muốn những giá trị cốt lõi của quá trình sản xuất sẽ được kiểm soát bởi doanh nghiệp, ngay cả khi điều này có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.”

Nhìn thấy là tin tưởng.

Nghiên cứu về rượu whisky đưa ra hai lý thuyết khoa học xã hội rất nổi bật về tính xác thực (Authenticity).

Lý thuyết gợi ý rằng các doanh nghiệp hay người làm marketing có thể giúp người tiêu dùng thấy được các giá trị của sản phẩm, quá trình tạo ra sản phẩm hay các khoản đầu tư khác thì họ có được tính xác thực cao hơn, các dấu hiệu này thể hiện một cam kết mạnh mẽ đối với các công việc mà họ đang làm, và đó chính là cách mà người tiêu dùng có thể tin tưởng họ được.

Trong văn hóa rượu whisky, thuyết bản chất (theory of essentialism) luận rằng các đặc điểm không thể quan sát được, như yếu tố truyền thống, tên gia đình (họ tên của những người sản xuất rượu) hoặc khí hậu, cũng có liên quan đến tính xác thực.

Để làm rõ hơn về điều này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện 4 nghiên cứu khác nhau để mô tả cách thức những ý tưởng khác nhau này đóng góp vào nhận thức của người tiêu dùng về tính xác thực của các nhà máy chưng cất rượu whisky.

Trong nghiên cứu đầu tiên, những người tham gia không phải là những người hâm mộ rượu whisky – với mục tiêu là đánh giá xem những mô tả nào về các nhà máy chưng cất rượu nghe có vẻ chân thực hơn.

Nghiên cứu thứ hai đã phân tích các bài đánh giá trực tuyến để xác định đặc điểm nào của một loại rượu whisky cụ thể tương ứng với tính xác thực.

Hai nghiên cứu cuối cùng là những thí nghiệm sử dụng các mô tả giả thuyết về các nhà máy chưng cất để tìm ra loại đặc điểm mà người uống rượu whisky thường liên tưởng đến tính xác thực.

Nhận xét tổng thể về kết quả sau nghiên cứu, các nhà nghiên cứu nói:

“Khi người tiêu dùng đang tìm kiếm thứ gì đó xác thực (đích thực), họ muốn những giá trị cốt lõi của quá trình sản xuất sẽ được kiểm soát bởi chính doanh nghiệp, ngay cả khi điều này có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.”

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các bằng chứng ủng hộ cả thuyết tín hiệu lẫn thuyết bản chất, mặc dù thuyết tín hiệu dường như được liên kết chặt chẽ hơn với nhận thức về cái gọi là tính xác thực.

Khi nói đến tính xác thực, các khoản đầu tư hữu hình tới các hoạt động sản xuất tại chỗ quan trọng hơn so với các đặc điểm vô hình như truyền thống sản xuất.

Người tiêu dùng có xu hướng phản ứng tích cực hơn với các đặc điểm mà họ có thể nhìn thấy được, chẳng hạn như nguồn gốc của các loại ngũ cốc hoặc chất lượng của các loại thùng được sử dụng để chưng cất rượu. Trên mọi phương diện, người tiêu dùng chú trọng rất nhiều vào các đặc điểm có thể nhìn, kiểm chứng hay quan sát được.

Giáo sư Carroll nói: “Đó là một trong những công thức quan trọng của Marketing. Nếu bạn có thể tập hợp một loạt các đặc điểm thể hiện sự đầu tư của mình vào một sản phẩm cụ thể nào đó, nó sẽ có tác động rất mạnh mẽ đến việc truyền tải tính xác thực.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Các thương hiệu tầm trung rơi vào bế tắc trong thời kỳ suy thoái

Có vẻ như, trong bối cảnh chi tiêu giới hạn, chi phí tăng cao và thị trường bão hòa, những thương hiệu xa xỉ độc quyền cũng như các thương hiệu thời trang nhanh giá rẻ vẫn sống khỏe. Vậy ai sẽ là người “chịu thiệt”.

Các thương hiệu tầm trung rơi vào bế tắc trong thời kỳ suy thoái
Các thương hiệu tầm trung rơi vào bế tắc trong thời kỳ suy thoái

Với việc khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng hơn, người ta vốn cho rằng ngành công nghiệp xa xỉ sẽ bị ảnh hưởng bởi rất nhiều vấn đề đang đè nặng lên nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, trên thực tế, doanh thu của Tập đoàn Kering đã tăng 15% lên 20 tỷ USD vào năm 2022; của LVMH là 23%, lên 79 tỷ USD; thậm chí Prada Group tăng 21%, lên 4,2 tỷ USD; và Chanel tăng 22,9%, lên 15,6 tỷ USD.

Ngành hàng thời trang nhanh cũng đang tăng trưởng mạnh. Lợi nhuận của Zara đã tăng lên 23 tỷ USD mặc dù giá sản phẩm tăng.

Điều tương tự cũng xảy ra với H&M, với báo cáo doanh thu hơn 19 tỷ USD, mặc dù tăng trưởng đã chậm hơn nhiều so với các năm trước. Các thương hiệu “thời trang siêu nhanh” như Shein, Temu và Primark cũng đang “khỏe mạnh” hơn bao giờ hết.

Theo Reuters, nếu các thương hiệu ở trên đỉnh và dưới đáy của tháp thời trang đều đang phát triển mạnh, thì chính các thương hiệu tầm trung hiện phải gánh chịu tác động của khủng hoảng kinh tế.

Levi Strauss & Co vừa qua đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lợi nhuận trong năm nay, vì họ sẽ phải đưa ra các chương trình khuyến mãi cao hơn so với dự đoán trước đó đồng thời phải vật lộn với chi phí cao hơn.

Công ty ước tính kết quả hàng quý nhưng vẫn duy trì dự báo doanh thu và lợi nhuận hàng năm, cho biết tỷ suất lợi nhuận gộp cả năm sẽ giảm khoảng 50 điểm cơ bản so với mức 57,5% một năm trước đó. Levi trước đây đã dự kiến ​​​​tỷ suất lợi nhuận sẽ tăng từ 20 đến 30 điểm cơ bản.

Ngay cả khi các sản phẩm của mình tăng giá nhiều lần, Levi vẫn không thể bảo vệ lợi nhuận của mình trước chi phí vận chuyển, nhân công và bông leo thang, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài.

Lượng hàng tồn kho tăng cao cũng buộc Levi phải theo chân các công ty cùng ngành trong việc tăng cường giảm giá và khuyến mại để đẩy sản phẩm ra khỏi kho, khiến biên lợi nhuận càng giảm. Tỷ suất lợi nhuận gộp đã điều chỉnh trong quý đầu tiên giảm 360 điểm cơ bản xuống 55,8%.

Giám đốc Tài chính và Tăng trưởng Harmit Singh cho biết: “Các hành động có chủ ý mà chúng tôi đã thực hiện để giảm lượng hàng tồn kho ở Mỹ, cùng với khuyến mại nhiều hơn, dẫn đến áp lực lớn hơn dự kiến ​​đối với tỷ suất lợi nhuận gộp”.

Mặc dù có nhiều chương trình khuyến mại hơn, Levi vẫn phải vật lộn để thu hút những người mua sắm quan tâm đến chi phí, đặc biệt là cảm thấy khó khăn đối với các nhãn hiệu Signature và Denizen của mình.

Giám đốc điều hành Chip Bergh cho biết: “Người tiêu dùng bình dân đang đưa ra những lựa chọn khó khăn, hoặc mua đồ giảm giá hoặc không mua denim”.

Sự suy giảm về doanh thu này cũng ảnh hưởng đến các công ty như Gap Inc., Kohl’s, Abercrombie & Fitch, Nordstrom và Macy’s, và các nhà bán lẻ như Zalando và SSENSE… Thương hiệu Vans dự kiến ​​sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn trong năm nay.

Guess cũng đã phải duy trì “một cách tiếp cận thận trọng” cho dự báo tài chính của mình, đặc biệt là khi xét đến mức tăng trưởng kém cỏi trong năm qua mà CEO của hãng cho là do “sự gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng, tình trạng thiếu thốn các sản phẩm sáng tạo và chi phí tăng chóng mặt”.

Gap Inc. gần đây đã công bố báo cáo quý 4/2022, cho thấy công ty đang bị suy giảm thị phần. Tính đến cuối quý 4/2022, doanh thu ròng 4,24 tỷ USD đã giảm 6% so với năm trước trong khi doanh thu tương đương giảm 5% so với năm trước.

Doanh số bán lẻ (Retail Sales) cũng giảm 3% và doanh số bán hàng trực tuyến thậm chí còn giảm 10%. Doanh số bán hàng trực tuyến hiện chiếm 41% tổng doanh số bán hàng tại Gap.

Bob Martin, chủ tịch điều hành kiêm giám đốc điều hành tạm thời của Gap Inc. cho biết trong một tuyên bố:

“Để bước vào năm tài chính 2023 với vị thế cạnh tranh hơn, chúng tôi đã hành động nhanh chóng và hiệu quả để giải phóng hàng tồn kho dư thừa, cải thiện cân bằng phân loại, đặc biệt là tại Old Navy và để tối ưu hóa một cách có ý nghĩa cấu trúc chi phí của chúng tôi, dẫn đến khoản tiết kiệm hàng năm là 550 triệu đô la được xác định cho đến nay”.

Bất chấp sự hợp tác liên tục với những tên tuổi nổi tiếng bao gồm Dapper Dan và The Brooklyn Circus , Gap vẫn đang chịu tổn thất lớn trên tất cả các bộ phận.

Trong quý 4, Old Navy cũng công bố doanh thu thuần giảm 6% xuống còn 2,2 triệu USD. Đối với doanh thu thuần trong quý 4 của Banana Republic, nhãn hiệu này đạt 578 triệu USD, giảm 6% so với năm trước.

Athleta cũng chứng kiến sự sụt giảm xuống còn 436 triệu USD. Hiện tại, công ty đang dự đoán doanh thu thuần trong năm tài chính 2023 sẽ đạt mức từ thấp đến trung bình một chữ số. Đối với toàn bộ Gap Inc. vào năm 2022, công ty đã báo cáo doanh thu 15,6 tỷ USD, so với doanh thu 16,7 tỷ USD vào năm 2021 và lỗ ròng 202 triệu USD.

Trong khi đó, theo Vogue Business, các cửa hàng bán lẻ đa thương hiệu độc lập đang gặp khó khăn ở Anh, với trung bình 47 cửa hàng đóng cửa mỗi ngày trong năm qua.

Đối với các thương hiệu, điều này có nghĩa là sẽ có thêm một cuộc đại tu lớn về cách họ vận hành kho hàng tồn kho, sau các vấn đề về chuỗi cung ứng xảy ra vào năm ngoái.

Kho hàng giờ đây chứa đầy hàng hóa chất đống, rất khó di chuyển, tạo ra một phản ứng dây chuyền của các đơn đặt hàng bị hủy bỏ, giảm giá, dẫn đến lợi nhuận sụt giảm, gây tác động ngược trở lại trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có những thị trường ổn định mà ngành thời trang cần quan tâm. Tại Trung Quốc, khả năng phục hồi kinh tế trong năm nay là 5,4% theo dự báo của Morgan Stanley. Trung Đông cũng không kém cạnh với thế mạnh về nguồn tài nguyên dầu khí.

Theo số liệu của McKinsey State, thị trường ngành hàng xa xỉ của các nước khối GCC có trị giá 10 triệu USD trong năm 2021, tăng 23% so với trước dịch và dự kiến sẽ tăng lên đến 11 triệu USD trong năm nay.

Ngoài ra, thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang phục hồi và phát triển tích cực nhờ các chính sách mở cửa nhằm thúc đẩy du lịch lẫn kinh tế, được dự báo sẽ tăng 14% so với năm ngoái.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Content Strategy: Cách xây dựng một chiến lược nội dung mạnh để thúc đẩy thương hiệu

Cùng khám phá cách xây dựng một chiến lược nội dung (content strategy) mạnh, thứ có thể thúc đẩy sự hiện diện của thương hiệu trên các nền tảng.

Content Strategy: Cách xây dựng một chiến lược nội dung mạnh để thúc đẩy thương hiệu
Content Strategy: Cách xây dựng một chiến lược nội dung mạnh để thúc đẩy thương hiệu

Có thể nói trong những năm trở lại đây, “Nội dung” hay Content là một trong những thứ được nhắc đến nhiều nhất trên các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là trên mạng xã hội.

Từ các nội dung xấu, nội dung độc hại đến các nội dung video ngắn (từ TikTok, Instagram…), nội dung không chỉ là thứ mà người dùng tương tác với các nền tảng, nó còn là cách để các doanh nghiệp kết nối với khách hàng mục tiêu.

Nhiều thương hiệu và doanh nghiệp ngày nay bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của các mẫu nội dung mà họ truyền tải tới khách hàng, cá nhân hoá nội dung tới từng tệp khách hàng khác nhau và hơn thế nữa.

Một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể xây dựng một chiến lược nội dung vừa phù hợp với nhu cầu “tiêu thụ” của người dùng vừa có thể thúc đẩy sự hiện diện của thương hiệu, bài viết dưới đây sẽ trả lời chi tiết cho câu hỏi này.

Một chiến lược nội dung tốt cần phải tập trung vào yếu tố nền tảng.

Với bất cứ chiến lược nào, mọi chiến thuật hay hành động đều cần phải dựa trên một nền tảng vũng chắc, đó chính là cơ sở để quyết định sự phù hợp và thành công của chiến lược — điều này cũng áp dụng cho việc xây dựng chiến lược nội dung.

Cụ thể, trước khi đi sâu vào hoạt động viết nội dung, thiết kế hình ảnh hoặc xây dựng các tài sản nội dung có liên quan, bạn cần đặt ra những câu hỏi thứ có thể giúp đảm bảo rằng nội dung bạn được xây dựng dựa trên các nền tảng là đối tượng người xem và thương hiệu.

Đối tượng mục tiêu của bạn là ai, họ là nam hay nữ, họ ở đâu và cần những thông tin gì liên quan đến chủ đề mà bạn đang viết.

Bạn có thể phân khúc khách hàng của mình theo nhiều tiêu chí khác nhau như nhân khẩu học, địa lý, quan điểm xã hội hay tâm lý học hành vi.

Một nền tảng tiếp theo của bất cứ chiến lược nội dung nào đó là thương hiệu. Dù cho bạn viết nội dung là gì hay định dạng nào, những nội dung đó không thể tách rời các tài sản liên quan đến thương hiệu như định vị thương hiệu, giá trị của thương hiệu và hơn thế nữa.

Thúc đẩy khả năng tương tác và lòng trung thành thông qua sự kết nối.

Khi bắt tay xây dựng các chiến lược nội dung, bạn cần hiểu rằng, đầu ra của quá trình này không phải là một chiến lược hay các mẫu nội dung, mà sự tương tác của khách hàng với các nội dung đó.

Sự tương tác của khách hàng đến từ những cảm xúc mà họ có được từ thương hiệu, điều này một phần đến từ việc thương hiệu thường xuyên tương tác lại với họ, chia sẻ những nội dung mà khách hàng tương tác cao.

Một khi có được mức độ tương tác cao với nội dung, thương hiệu có thể dễ dàng nâng cao tỷ lệ chuyển đổi từ các nội dung chất lượng được chia sẻ.

Khi nghĩ đến chiến lược xây dựng nội dung, người làm chiến lược cần nghĩ đến các định dạng nội dung khác nhau như nội dung web, nội dung trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội, trên các ấn phẩm, nội dung quảng cáo, — Về bản chất mức độ ưu tiên về chất lượng cho tất cả nội dung này là như nhau.

Tính nhất quán và tối ưu phân phối trong các chiến lược nội dung.

Một điểm quan trọng tiếp theo quyết định sự thành công của các chiến lược nội dung đó là tính nhất quán. Tính nhất quán đề cập đến tần suất hay tính liên tục của việc xuất bản nội dung trên các nền tảng.

Một chiến lược nội dung thành công không chỉ đến từ một nền tảng chiến lược đúng mà còn đến từ khả năng duy trì chiến lược đó trong dài hạn.

Xuất phát từ góc nhìn này, việc xây dựng nội dung và lên lịch xuất bản (thường xuyên) sẽ giúp thương hiệu tránh bỏ lỡ các cơ hội để duy trì kết nối với khách hàng của mình.

Tính nhất quan cũng áp dụng ở khía cạnh thương hiệu, bạn cần nhất quán trong giọng điệu thương hiệu, nhận diện thương hiệu, các nội dung được chia sẻ cần gắn liền với cái gọi là bản sắc thương hiệu (Brand Identity).

Một thương hiệu luôn xuất hiện theo cách mà nó muốn khách hàng cảm nhận và nhớ về sẽ là chìa khoá để duy trì hình ảnh và giá trị bền vững của thương hiệu.

Để một chiến lược nội dung thành công, nó cũng cần được đo lường và tối ưu.

Với hầu hết các marketer, đặc biệt là với những ai làm Digital Marketing, khái niệm Data driven Marketing có lẽ không còn mấy xa lạ, người làm marketing trong bối cảnh mới không thể dựa trên các cảm nhận hay ý kiến chủ quan để đánh giá mức độ hiệu của của bất cứ hoạt động marketing nào, với chiến lược nội dung cũng vậy.

Dựa trên các dữ liệu có được như tỷ lệ nhấp chuột, tỷ lệ like, share, comment trên các nền tảng mạng xã hội, thời gian ở lại trên trang (time on site), hay thậm chí là tỷ lệ chuyển đổi từ các mẫu nội dung, bạn cần phải tự rút ra cho mình các chiến thuật tối ưu mới, cần giảm bớt các nội dung nào, cần thêm mới các nội dung nào, hay các nội dung nào cần được xoá bỏ.

Bạn có thể sử dụng nhiều công cụ khác nhau để làm điều này, từ các tính năng báo cáo trực tiếp trên các nền tảng, đến các công cụ miễn phí như Google Analytics hay các công cụ có trả phí như Screaming Frog, Crazy Eggs, hay Heat Map.

Tóm lại, nội dung luôn là tài sản để bạn có thể đảm bảo rằng thương hiệu của bạn đang có một sự hiện diện mạnh mẽ trong mắt khách hàng, để thúc đẩy tương tác, phát triển thương hiệu hay xây dựng lòng trung thành.

Hy vọng các hướng dẫn nói trên sẽ giúp bạn xây dựng và phát triển chiến lược nội dung của mình một cách hiệu quả hơn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Thương hiệu là khái niệm của thị trường và không chỉ là tên tuổi

Không nên đặt vấn đề thương hiệu dùng để cạnh tranh hay để bán. Bất cứ cái gì khi tham gia vào quá trình thương mại đều để bán. Cái gì không bán được thì không có giá trị trong nền kinh tế thị trường.

Thương hiệu là khái niệm của thị trường và không chỉ là tên tuổi
Thương hiệu là khái niệm của thị trường và không chỉ là tên tuổi

Không nên đặt vấn đề thương hiệu dùng để cạnh tranh hay để bán. Bất cứ cái gì khi tham gia vào quá trình thương mại đều để bán. Cái gì không bán được thì không có giá trị trong nền kinh tế thị trường. Ví dụ, nhượng quyền thương hiệu hiện nay là một loại thương mại để bán tên tuổi và các giá trị (ví dụ như thị trường) gắn liền với tên tuổi, bán các quyền sản xuất hoặc các quyền thị trường.

Thị trường là những vùng đất mà mỗi một sản phẩm phải chiếm lĩnh được, thắng được và đứng vững được. Một trong các công thức chủ yếu để chiếm lĩnh thị trường là người ta mở rộng sản xuất bằng cách bán giá trị của tên tuổi. Chính vì thế mới có gần hai chục ngàn cửa hàng Starbucks ở trên thế giới.

Gia đình Starbucks không có cách gì cử ra hàng chục ngàn người quản lý bằng ấy cửa hàng, cho nên phải dùng hình thức nhượng quyền thương hiệu.

Những người được quyền đặt cửa hàng của mình tên là Starbucks phải thỏa mãn hai điều kiện cơ bản nhất: một là duy trì và phát triển trạng thái giá trị sản phẩm, chất lượng hàng hóa và hai là trả tiền cho việc tích lũy uy tín của Starbucks.

Thương hiệu là khái niệm của thị trường.

Về khái niệm, thương hiệu là kết quả của quá trình đầu tư, là hệ thống giá trị có thể quy ra tiền. Chưa nói đến việc sáng tạo ra sản phẩm, thương hiệu là kết quả của việc chi hàng triệu USD đối với một công ty vừa, hàng tỷ USD đối với một công ty khổng lồ cho việc đầu tư, quảng cáo để có thị trường.

Thương hiệu là tiền, thương hiệu không phải là một khái niệm tinh thần thuần túy, dù đôi khi nó được thể hiện dưới dạng khái niệm tinh thần. Do lạm dụng khái niệm tinh thần mà tên doanh nghiệp hay sản phẩm người ta đều gắn chữ “Vina” lên trước. Nhiều người quan niệm thương hiệu là tên tuổi.

Không phải thế, thương hiệu là chất lượng. Lấy ví dụ, các đơn vị thành viên của Vinashin nếu muốn gia nhập Tập đoàn phải chấp nhận 30% vốn góp của Tập đoàn bằng cái tên Vinashin. Đấy là sự hiểu nhầm.

Vinashin là một tập đoàn kinh tế nhà nước, rất được Nhà nước tin cậy. Nhưng Nhà nước tin cậy và thị trường tin cậy là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Thương hiệu là khái niệm của thị trường chứ không phải khái niệm của một cá nhân hay tổ chức nhất định nào đó.

Thương hiệu là giá trị, là chất lượng, bởi nó có thị trường, tên tuổi, hàng hóa và ngành công nghiệp riêng. Việt Nam chưa có những thứ như thế nên chưa thể nói đến chuyện thâu tóm thương hiệu Việt. Tôi không thể gọi đích danh tên “bệnh” này, nhưng chắc chắn không có chuyện thâu tóm.

Nhưng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp những năm gần đây là chuyện khác. Người ta mua bán những cái không liên quan đến thương hiệu, không loại trừ có chuyện thâu tóm cơ sở vật chất của một số doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không thể nói rằng tất cả các vụ mua bán, sáp nhập đều có vấn đề. Bởi thực tế, có nhiều vụ mua bán chính đáng, nghiêm túc, đúng pháp luật ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa và một vài công ty lớn. Vì vậy, phải đánh giá kỹ từng trường hợp và thận trọng khi nói về nó.

Vấn đề là nhiều người chưa ý thức được về giá trị của những khái niệm đó. Ví dụ, thành lập công ty được vài ba tháng, sau đó sắm sửa tên tuổi rồi hợp tác với một công ty tư vấn nào đó, đưa ra một thỏa thuận là cái này mà “thổi” lên sàn chứng khoán thì hệ số là bao nhiêu.

Mới bắt đầu thì đôi khi buộc phải làm như thế, nhưng hàng chục năm trôi qua rồi mà vẫn tiếp tục làm như thế thì nước ta không thể có một nền thương nghiệp hiện đại được.

Doanh nhân: Con người hay công dân?

Nói đến doanh nghiệp và thương hiệu thì cũng phải nói đến các ông, bà chủ của nó. Năm qua có không ít doanh nhân rơi vào vòng lao lý. Những sai lầm của họ là hệ quả tất yếu của việc vượt qua các rào cản có tính chất chính sách, pháp luật.

Họ là những người tích cực khi cố gắng vượt qua những rào cản đó nếu đánh giá họ như là một con người. Còn nếu đánh giá họ như một công dân thì họ là những công dân có các hành vi sai lầm. Cho nên, vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để phát huy các mặt tích cực của họ.

Sai lầm là các trạng thái nhất thời của con người. Cần xây dựng thể chế một cách minh bạch, quản lý xã hội nhất quán về mặt nhà nước.

Xã hội chỉ có thể yên tâm khi các phẩm hạnh của con người được phát hiện và được ca ngợi, hoặc các thói xấu được phát hiện và xử lý với thái độ nhân văn phù hợp với chất lượng của thời đại. Kinh tế Việt Nam chỉ có thể phát triển tích cực nếu tồn tại, phát triển được những điều quý giá đó.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | Theo DNSG

Accenture: Top 5 xu hướng thương hiệu và công nghệ 2023

Accenture vừa công bố báo cáo mới, phân tích các xu hướng công nghệ, tiêu dùng, và thương hiệu hàng đầu trong năm 2023 và xa hơn nữa.

xu hướng công nghệ và thương hiệu 2023
Accenture: Top 5 xu hướng công nghệ và thương hiệu trong 2023

Với những gì đang diễn ra, cho dù bạn không phải là người làm công nghệ, bạn cũng dễ dàng nhận ra rằng các công nghệ mới nổi đang trao quyền cho mọi người nhiều hơn, với những kết quả tạo ra chưa từng thấy như trước đây, dù là với các doanh nghiệp hay cá nhân người dùng.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang cho phép mọi người thể hiện khả năng sáng tạo tự nhiên của mình, Web3 mang đến những cơ hội mới giúp định hình các thương hiệu mà họ yêu thích và các mã thông báo (mã hoá) có thể sớm trao cho người dùng toàn quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân của họ.

Trong bối cảnh này, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải tự hỏi: khách hàng sẽ tương tác như thế nào với thương hiệu? hay thương hiệu sẽ sử dụng các công nghệ mới để xây dựng niềm tin và phát triển doanh nghiệp của họ ra sao?

Vốn lấy con người làm trung tâm và nguồn cảm hứng, dựa trên cách thức mà mọi người đang thích nghi với cuộc sống mới, hay cách mọi người sử dụng công nghệ để đáp ứng những nhu cầu không ngừng thay đổi, báo cáo phân tích từ Fjord của Accenture ra đời.

Dưới đây là 5 xu hướng được phân tích trong báo cáo.

XU HƯỚNG THƯƠNG HIỆU VÀ CÔNG NGHỆ SỐ 1 NĂM 2023: Thế giới đang trong tình trạng “khủng hoảng vĩnh viễn”, nhưng chúng ta sẽ sớm thích nghi.

Thế giới đang phải chịu đựng liên tiếp các làn sóng khó khăn. Từ đại dịch, lạm phát, biến đổi khí hiệu đến các cuộc khủng hoảng kinh tế, thách thức đang đến từ mọi hướng.

Tuy nhiên, như những gì đã diễn ra trong hàng thiên niên kỷ, con người sẽ sớm thích nghi.

Cách mọi người thích nghi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những gì họ mua sắm, cách họ nhìn nhận và đánh giá các thương hiệu và hơn thế nữa.

Đứng trước cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt, mọi người đang hủy bỏ các gói tập trong các phòng gym, tạm dừng đóng góp lương hưu hay từ bỏ các ưu tiên khác về việc bảo vệ sức khoẻ chẳng hạn như bảo hiểm.

Khi phải trải qua và chịu đựng quá nhiều sự bất ổn, như một cách tự nhiên, mọi người sẽ sớm trở thành một phiên bản mới của chính họ. Các sản phẩm và dịch vụ theo đó sẽ được định nghĩa lại bởi sự lựa chọn của họ.

Mọi người đang phản ứng như thế nào:

  • Đấu tranh: Mọi người ngày càng chủ động lên tiếng để chống lại sự bất công và kêu gọi sự bình đẳng xã hội.
  • Mọi người sẽ tìm kiếm các lựa chọn thay thế.
  • Mọi người sẽ đối phó với bối cảnh mới bằng cách tập trung vào những gì họ có thể kiểm soát.
  • Mọi người sẽ dừng mọi tương tác.

XU HƯỚNG 2: Xây dựng cộng đồng sẽ là nền tảng cho các thương hiệu.

Trong một thế giới bất ổn, mọi người sẽ tìm kiếm những nơi mà họ cảm thấy mình thuộc về. Do đó, các thương hiệu thế hệ mới sẽ được xây dựng dưới hình thức cộng đồng, người làm marketing cần định hình lại cái gọi là lòng trung thành khách hàng cũng như cách thương hiệu sẽ tương tác với khách hàng của mình.

Mô hình này sẽ được kích hoạt bởi một số yếu tố chính như: cộng đồng (nơi người dùng cảm thấy thuộc về), trải nghiệm nội dung và bộ sưu tập kỹ thuật số.

Tuy nhiên, với tư cách là một người tiêu dùng hay khách hàng, điều quan trọng mà các thương hiệu cần tập trung vào cuối cùng không là công nghệ mà đó là những lợi ích mà yếu tố công nghệ có thể mang lại.

Hãy nhìn vào trường hợp của gã khổng lồ ngành F&B, Starbucks, thương hiệu này đã tận dụng công nghệ Web3 và mã thông báo để xây dựng Starbucks Odyssey, một chương trình tặng thưởng và gắn kết với thương hiệu.

CMO của Starbucks, Brady Brewer đã nhận xét: “Mặc dù chương trình được xây dựng trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và Web3, khách hàng thậm chí còn không biết rằng những gì họ đang làm đó là tương tác với công nghệ chuỗi khối, một trong những công nghệ đáng chú ý nhất ở thời điểm hiện tại.”

Web3 và những công nghệ mới sẽ mang lại cho các thương hiệu khả năng tiếp xúc trực tiếp và ảnh hưởng đáng kể đến cộng đồng của họ, thương hiệu cần coi mỗi cá nhân trong cộng đồng là một phần của thương hiệu, đó là cách thương hiệu được xây dựng và tồn tại.

XU HƯỚNG THƯƠNG HIỆU VÀ CÔNG NGHỆ SỐ 3 NĂM 2023: Trong khi việc trở lại văn phòng vẫn là một rào cản, nó sẽ cần được thích nghi.

Khi đại dịch buộc nhiều doanh nghiệp phải để nhân viên của họ làm việc tại nhà, nhiều người đang cảm thấy mất đi những lợi ích vô hình vốn gắn liền với văn phòng như cơ hội gặp gỡ, niềm vui trực tiếp hay sự thăng tiến.

Giờ đây, những hậu quả đang trở nên rõ ràng hơn, bao gồm cả những thỏa hiệp không mong muốn về sự đổi mới, văn hóa và cả sự hòa nhập.

Thay vì tiếp tục cố gắng cải thiện những gì đang tồn tại, các doanh nghiệp nên mô phỏng lại hoàn toàn về công việc và cách nhân viên của họ có thể hoàn thành công việc.

Trong khi mọi người cần làm việc với mục đích rõ ràng, doanh nghiệp cần ưu tiên các yếu tố như niềm vui, sự công nhận, động lực làm việc và kết quả của đội nhóm.

Đây là về việc định hình lại một sự trao đổi giá trị mới giữa người sử dụng lao động và người lao động ngoài tiền lương và kết quả tạo ra.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cần tạo ra các kế hoạch mới, cùng có lợi, với cách tiếp cận chính là lấy con người làm trọng tâm.

Để quá trình quay trở lại văn phòng đạt được nhiều kết quả tích cực hơn, các doanh nghiệp cần:

  • Xác định rõ mục đích, sau đó cụ thể hoá bằng các chính sách.
  • Có được tình cảm của mọi người bằng cách quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng.
  • Suy nghĩ lại về không gian và môi trường làm việc trong đó tập trung vào các yếu tố vô hình.

XU HƯỚNG 4: AI đang trở thành trợ lý sáng tạo.

Cho đến hiện tại, các công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn chủ yếu được các doanh nghiệp sử dụng để tự động hóa các quy trình làm việc hoặc làm thay một số công việc đơn giản nào đó cho con người.

Tuy nhiên, mọi thứ đang ngày càng thay đổi, vì các công nghệ mới có thể giúp con người tạo ra nội dung, hình ảnh, video hay cả âm nhạc, AI hay các công nghệ mới khác đang đóng vai trò như là một trợ thủ đắc lực cho việc sáng tạo.

Như với tất cả các công nghệ mới nổi khác, các câu hỏi vẫn xoay quanh vấn đề về đạo đức.

Nếu một tác phẩm gốc của một nghệ sĩ nào đó được nhúng vào nội dung do AI tạo ra (AI-generated content), vấn đề bản quyền sẽ được giải quyết như thế nào?

Các nhà sáng tạo nội dung sẽ cần nâng cao kỹ năng sử dụng các công cụ đồng thời phải chú ý đến kỹ năng nhận xét và đánh giá của họ để đảm bảo chất lượng nội dung đầu ra.

XU HƯỚNG THƯƠNG HIỆU VÀ CÔNG NGHỆ SỐ 5 NĂM 2023: Ví kỹ thuật số (Digital Wallets) có thể giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng nhận diện kỹ thuật số (digital identity).

Trong khi các dữ liệu cá nhân hiện đang bị lạm dụng quá mức, quyền kiểm soát có thể sớm được chuyển giao.

Ví kỹ thuật số chứa mã thông báo (đại diện cho các phương thức thanh toán, ID, thẻ khách hàng thân thiết, v.v.) sẽ cho phép mọi người lưu trữ dữ liệu của chính họ. Họ sẽ là người có quyền đưa ra các quyết định chính xác về những gì họ muốn chia sẻ với thương hiệu.

Khi cookies sẽ sớm bị loại bỏ dần, những dữ liệu mà mọi người chủ động chia sẻ thậm chí còn mang lại nhiều giá trị hơn. Nó sẽ chính xác và được chia sẻ một cách tự nguyện, đây chính là nền tảng để các thương hiệu hay nhà quảng cáo nâng cao tỷ lệ chuyển đổi bán hàng (nhờ việc nhắm đúng mục tiêu – targeting).

Trong bối cảnh này, nhiệm vụ hàng đầu của các thương hiệu là:

  • Nhanh chóng thích nghi với các công nghệ kỹ thuật số (bao gồm cả ví kỹ thuật số).
  • Hãy cho mọi người thấy rằng việc kiểm soát dữ liệu thực sự đáng giá.
  • Giúp mọi người hiểu được chức năng của các ví điện tử, ngoài việc thanh toán.
  • Hiểu các cấp độ về quyền mà mọi người có thể cấp cho doanh nghiệp.

Bức tranh mới trong 2023.

Những công nghệ mới sẽ sớm tạo ra nhiều sự thay đổi đáng kinh ngạc trong 2023.

Để có được lòng trung thành của khách hàng và sự ủng hộ từ họ, doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi với mọi thứ, ngoài ra, khả năng sáng tạo sẽ ở ngưỡng không giới hạn.

Mọi thứ giờ đây thuộc về bạn!

Bạn có thể xem bản đầy đủ của báo cáo tại đây.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Sức mạnh thương hiệu là gì? Cách đo lường và Đánh giá

Một thương hiệu mạnh là nền tảng của bất kỳ doanh nghiệp thành công nào. Sức mạnh thương hiệu có thể là chìa khóa để thu hút nhiều khách hàng hơn, xây dựng lòng trung thành tốt hơn và tăng trưởng bền vững hơn. Vậy Sức mạnh thương hiệu là gì? Cách đo lường sức mạnh thương hiệu ra sao? và đâu là những chỉ số đánh giá quan trọng mà thương hiệu cần theo dõi?Tất cả sẽ được phân tích trong bài viết này.

Sức mạnh thương hiệu là gì
Sức mạnh thương hiệu là gì?

Với tư cách là một người làm marketing nói chung, nếu bạn đang muốn xây dựng nên một thương hiệu mạnh nổi bật trên thị trường hay tách biệt khỏi các đối thủ cạnh tranh, làm thế nào để bạn theo dõi sức mạnh thương hiệu và đo lường nó trong suốt hành trình?

Câu trả lời cho bạn xoay quanh khái niệm sức mạnh thương hiệu, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu sâu hơn về thuật ngữ này.

Sức mạnh thương hiệu là gì?

Sức mạnh thương hiệu hay thương hiệu mạnh được định nghĩa là mức độ nhận biết và tin tưởng của khách hàng tới một thương hiệu cụ thể nào đó của doanh nghiệp.

Kết quả của thương hiệu mạnh là lòng trung thành của khách hàng, độ nhận diện thương hiệu cao và thị phần lớn. Ngày nay, thương hiệu là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của một doanh nghiệp.

Tầm quan trọng của sức mạnh thương hiệu trong kinh doanh và marketing.

Nếu bạn có dữ liệu hoặc quan sát thị trường, các thương hiệu mạnh luôn đứng ở vị trí cao trong thị trường của chính nó.

Chúng dễ dàng được nhận diện, được đánh giá cao và gần như là sẵn có một tệp khách hàng trung thành luôn ủng hộ và tán dương. Hiển nhiên, đằng sau những dấu hiệu này chính là doanh số bán hàng và hơn thế nữa.

Dưới đây là những gì mà các thương hiệu mạnh có thể mang lại (hay thường làm):

  • Thiết lập một kết nối cảm xúc mạnh mẽ với khách hàng và khách hàng mục tiêu.
  • Luôn nổi bật giữa đám đông (thương hiệu đối thủ) và được ghi nhớ.
  • Sở hữu một chuỗi cung ứng và mối quan hệ bền chặt với các nhà cung cấp hoặc đối tác.
  • Truyền tải những thông điệp và hình ảnh thương hiệu một cách nhất quán.
  • Xây dựng niềm tin, lòng trung thành và các mối quan hệ có ý nghĩa với khách hàng (điểm mấu chốt để thúc đẩy hành vi mua hàng).
  • Khác biệt hóa so với các đối thủ cạnh tranh (dựa trên các USP).
  • Có bản sắc và giọng điệu thương hiệu riêng biệt.
  • Các sản phẩm và dịch vụ được sản xuất và cung cấp dựa trên các mục đích rõ ràng.

Đo lường sức mạnh thương hiệu: Theo phương pháp truyền thống.

Tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp khác nhau, theo từng mục tiêu chiến lược khác nhau hay mô hình kinh doanh khác nhau, sức mạnh thương hiệu (độ mạnh của thương hiệu) được đo lường theo nhiều cách khác nhau; doanh nghiệp có thể tự làm, hoặc thông qua một đơn vị thứ ba nào đó.

Dưới đây là một số phương pháp bạn có thể tham khảo khi đo lường sức mạnh thương hiệu.

1. Mô hình đo lường sức mạnh của thương hiệu.

Nhiều công ty nghiên cứu thị trường như Brand Finance, GFK, Nielsen và BrandTrust cung cấp dịch vụ đo lường độ mạnh thương hiệu cho các doanh nghiệp (thường là các thương hiệu lớn). Các báo cáo hiệu suất sau đó được gọi là Chỉ số sức mạnh thương hiệu (BSI – Brand Strength Index).

Chỉ số sức mạnh thương hiệu (BSI) là thước đo khách quan đánh giá hiệu suất của một thương hiệu (Brand Performance) dựa trên nhiều yếu tố, chẳng hạn như nhận thức về thương hiệu (Brand Awareness), lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu (Brand Loyalty) hay thị phần (Market Share).

BSI được thiết kế để cung cấp một báo cáo toàn diện về hiệu suất của một thương hiệu so với các đối thủ cạnh tranh hiện có trên thị trường.

BSI thường được sử dụng để theo dõi tiến trình phát triển của một thương hiệu theo thời gian và đây cũng chính là nền tảng để thiết lập các chiến lược marketing và xây dựng thương hiệu.

2. Chiến dịch lắng nghe mạng xã hội.

Một cách khác để đo lường sức mạnh thương hiệu đó là theo dõi các cuộc trò chuyện xung quanh thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok.

Các thương hiệu có thể sử dụng dữ liệu có được để phân tích tình cảm của khách hàng với thương hiệu (Consumer Sentiment) và theo dõi hiệu quả của các nỗ lực marketing cũng như xây dựng thương hiệu.

Bằng cách sử dụng các công cụ lắng nghe mạng xã hội (Social Listening), doanh nghiệp có thể xác định những thông điệp nào là phù hợp với đối tượng mục tiêu, xác định các xu hướng, các vấn đề hay nỗi đau mà khách hàng đang gặp phải và hơn thế nữa. Các thông tin có được cũng giúp ích không nhỏ cho quá trình đổi mới và phát triển sản phẩm.

Mặc dù đây là một trong những công cụ hết sức hiệu quả để thu thập dữ liệu trong bối cảnh khi người dùng đang ở lâu hơn bao giờ hết trên các nền tảng mạng xã hội, hạn chế của phương thức này là doanh nghiệp chỉ đo lường được vị thế trên mạng xã hội thay vì là toàn bộ các kênh mà thương hiệu đó đã triển khai.

3. Khảo sát.

Ngoài các cách thức phổ biến nói trên, khảo sát là một con đường khác để đo lường sức mạnh thương hiệu vì chúng có thể cung cấp gần như là trực tiếp về những nhận thức và trải nghiệm của khách hàng với một thương hiệu cụ thể.

Doanh nghiệp có thể sử dụng khảo sát để đo lường mức độ nhận biết thương hiệu, lòng trung thành với thương hiệu hay sự hài lòng của khách hàng.

Điểm hạn chế thường thấy của phương pháp này đó là tốn kém về thời gian và ngân sách, sự thiên vị khi chọn mẫu khảo sát quá hẹp và nhỏ, bên cạnh đó là không phải khách hàng nào cũng sẵn sàng chia sẻ trực tiếp với doanh nghiệp về cảm nhận của họ với thương hiệu.

Đo lường sức mạnh thương hiệu: Theo cách tiếp cận kỹ thuật số.

Trong bối cảnh hiện tại, khi người người và nhà nhà chuyển đổi số, có không ít các công cụ cho phép thương hiệu đo lường sức mạnh của thương hiệu trên môi trường trực tuyến một cách linh hoạt và ít tốn kém, một trong số đó là Similarweb.

Bằng cách xem xét và đánh giá các hành vi thực tế của khách hàng thông qua các chỉ số cụ thể, những người làm digital marketing sẽ hiểu rõ hơn về nhu cầu và sở thích của khách hàng để từ đó có thể đưa ra các quyết định sáng suốt và hiệu quả hơn.

Với Similarweb Digital Research Intelligence, các thương hiệu có thể phân tích hiệu suất và thực hiện theo dõi thương hiệu một cách nhanh chóng chỉ trong vài phút.

Các Marketer cần một phương thức theo dõi tức thời và dễ dàng.

Khi hành vi của người tiêu dùng đang ngày càng thay đổi nhanh chóng hơn, những người làm marketing cần một giải pháp có khả năng phân tích dữ liệu một cách nhanh chóng hơn và dễ sử dụng hơn. Để làm được điều này, các phương thức truyền thống như khảo sát hay phỏng vấn rõ ràng là không thể đáp ứng được yêu cầu.

Dưới đây là cách mà các công cụ như Similarweb đang thay đổi cách các thương hiệu đo lường hiệu suất của họ và cách thương hiệu có thể theo dõi sức mạnh thương hiệu của các đối thủ hiện có trên thị trường.

Theo dõi sức mạnh thương hiệu: Các số liệu chính.

Doanh nghiệp có thể đo lường sức mạnh của thương hiệu dựa trên các chỉ số dưới đây.

Khối lượng tìm kiếm các từ khoá có thương hiệu.

  • Từ khoá có thương hiệu là gì: Từ khoá có thương hiệu hay từ khoá thương hiệu là các từ khoá hay truy vấn tìm kiếm gắn liền với tên gọi của thương hiệu, đó có thể chính là tên của thương hiệu hoặc tên thương hiệu kèm với các tiền tố hay hậu tố khác. Ví dụ: Starbucks, MarketingTrips hay mua Starbucks chính là các từ khoá có thương hiệu.
  • Tại sao từ khoá thương hiệu lại liên quan đến sức mạnh thương hiệu: Cũng tương tự như bất cứ từ khoá nào khác, lượng tìm kiếm cao hơn cho thấy nhu cầu cao hơn. Với từ khoá có thương hiệu cũng vậy, người dùng sẽ tìm kiếm thương hiệu nếu họ quan tâm đến thương hiệu.

Trừ các trường hợp đặc biệt, hầu hết các thương hiệu nổi tiếng đều có lượng tìm kiếm thương hiệu rất cao.

Lưu lượng truy cập tự nhiên (Organic Traffic).

  • Lưu lượng truy cập tự nhiên là gì: Chính là số lượng người dùng truy cập vào một website từ các nguồn không phải do quảng cáo (Paid Media). Lượng truy cập tự nhiên có thể bao gồm lượng truy cập miễn phí đến từ công cụ tìm kiếm (SEO), truy cập trực tiếp, các lượt giới thiệu (Referral), từ email hay từ mạng xã hội…
  • Tại sao lượng truy cập tự nhiên lại liên quan đến sức mạnh của thương hiệu: Lượng truy cập tự nhiên thể hiện mức độ phổ biến của thương hiệu và mức độ quan tâm tìm hiểu của khách hàng ngay cả khi thương hiệu không hiển thị quảng cáo tới họ.

Lưu lượng truy cập trực tiếp (Direct Traffic).

  • Lượng truy cập trực tiếp là gì: Lưu lượng truy cập trực tiếp được tính khi người dùng nhập trực tiếp địa chỉ (URL) của website lên thanh trình duyệt. Những người này thường đã biết đến thương hiệu do đó họ không cần tìm kiếm thương hiệu trên công cụ tìm kiếm mà truy cập thẳng vào website để cập nhật thông tin hay tìm một thứ gì đó.
  • Tại sao nó lại liên quan đến khái niệm sức mạnh thương hiệu: Như định nghĩa của chính nó, chỉ có những khách hàng trung thành, đã biết về thương hiệu mới truy cập trực tiếp vào website của thương hiệu, đây chính là dấu hiệu cho thấy thương hiệu hiện đang là một lựa chọn hay địa chỉ yêu thích của họ.

Hành vi duyệt chéo (cross-browsing) hay lòng trung thành khi truy cập của người dùng.

  • Duyệt chéo là gì: Là chỉ số về lòng trung thành của người dùng cho biết số lượng người truy cập (dưới dạng phần trăm) chỉ truy cập vào một website so với những người truy cập hai hoặc nhiều website trong cùng một phiên (session). Tỷ lệ người truy cập vào một website càng cao thì lòng trung thành của họ càng lớn.
  • Tại sao nó liên quan đến sức mạnh thương hiệu: Mức độ trung thành (khi truy cập) của khách hàng cao cho thấy thương hiệu hiện đang có mối quan hệ bền chặt với họ.

Số liệu ứng dụng dành cho thiết bị di động: Lượt cài đặt và tải xuống.

  • Lượt cài đặt và lượt tải xuống hiển thị dữ liệu về cách người dùng tương tác với ứng dụng.
  • Lượt tải xuống: Tổng ước tính của tất cả những lượt tải xuống ứng dụng từ cửa hàng ứng dụng. Một thiết bị hay tài khoản người dùng có thể tải xuống nhiều lần
  • Số lượt cài đặt duy nhất: những lượt cài đặt này chỉ được tính một lần, dựa trên tài khoản Google Play duy nhất của người dùng, số liệu này thường ít hơn nhiều so với số lượt tải xuống vì chỉ tính 1 lần trên mỗi người dùng.
  • Tại sao số liệu này lại liên quan đến giá trị hay độ mạnh của thương hiệu: Mức độ cài đặt cao hơn báo hiệu mức độ quan tâm nhiều hơn so với các ứng dụng khác trong cùng một thị trường. Tương tự, số lượt cài đặt duy nhất cho biết có bao nhiêu khách hàng mới đang chọn sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.

Số liệu ứng dụng dành cho thiết bị di động: Tỷ lệ giữ chân người dùng (User Retention).

  • Tỷ lệ giữ chân người dùng của ứng dụng dành cho thiết bị di động cho biết tỷ lệ phần trăm người dùng tiếp tục tương tác với một ứng dụng trong 30 ngày sau khi ứng dụng được mở lần đầu tiên.
  • Tại sao điều này lại liên quan đến sức mạnh của thương hiệu: Mức độ giữ chân người dùng cao phản ánh tỷ lệ những người dùng hay khách hàng đã tìm thấy đủ giá trị (so với mức kỳ vọng) trong các sản phẩm của doanh nghiệp. Nó cũng cho biết mức độ gắn bó của khách hàng với thương hiệu, trải nghiệm của khách hàng và mức độ phù hợp giữa giá cả và giá trị.

Tận dụng sức mạnh của thương hiệu.

Như đã đề cập ở trên, thị trường ngày nay đang phát triển với một tốc độ chóng mặt và hành vi của người tiêu dùng cũng vận hành theo cách tương tự.

Bằng cách tận dụng các thông tin chi tiết dựa trên dữ liệu (data-driven insights), các doanh nghiệp có thể nắm bắt chính xác sức khoẻ của thương hiệu, những điểm mạnh và yếu của thương hiệu, đây chính là nền tảng giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định nhanh chóng và hiệu quả hơn, những lợi thế cạnh tranh cũng sẽ được xây dựng nên từ đây.

FAQs – Những câu hỏi thường gặp xoay quanh thuật ngữ sức mạnh thương hiệu.

  • Sức mạnh thương hiệu được đo lường như thế nào?

Sức mạnh thương hiệu thường được đo lường thông qua khảo sát khách hàng, nghiên cứu thị trường và các số liệu thương hiệu như nhận thức về thương hiệu hay lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu.

  • Tại sao sức mạnh thương hiệu lại quan trọng?

Sức mạnh thương hiệu rất quan trọng vì nó giúp doanh nghiệp nổi bật hơn so với các đối thủ cạnh tranh và tạo niềm tin với khách hàng.

  • 4 yếu tố của một thương hiệu mạnh là gì?

Bốn yếu tố của một thương hiệu mạnh là: rõ ràng, nhất quán, cộng hưởng và tác động (gây ảnh hưởng).

  • Sức mạnh thương hiệu và tài sản thương hiệu có giống nhau không?

Sức mạnh thương hiệu và tài sản thương hiệu là 2 khái niệm khác nhau. Sức mạnh thương hiệu đo lường mức độ mà thương hiệu được khách hàng công nhận và đánh giá (từ góc nhìn của khách hàng), trong khi tài sản thương hiệu là giá trị của thương hiệu trên thị trường (bao gồm nhiều tài sản hữu hình và vô hình khác nhau).

Kết luận.

Trên đây là toàn bộ các giải đáp của MarketingTrips cho câu hỏi sức mạnh thương hiệu là gì. Ngoài phân tích khái niệm, MarketingTrips cũng đã cung cấp nhiều chỉ số quan trọng mà doanh nghiệp nên sử dụng khi đo lường và đánh giá thương hiệu của mình. Hy vọng với những kiến thức có được, doanh nghiệp giờ đây có thể dễ dàng đánh giá và liên tục theo dõi giá thị thương hiệu của mình.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

PepsiCo: Đầu tư mạnh vào thương hiệu để thúc đẩy tăng trưởng

Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn trong 2022, PepsiCo vẫn tự tin rằng sẽ tăng trưởng trong 2023 ít nhất là 6%.

PepsiCo: Đầu tư mạnh vào thương hiệu để thúc đẩy tăng trưởng
PepsiCo: Đầu tư mạnh vào thương hiệu để thúc đẩy tăng trưởng

Theo đó, đại diện của gã khổng lồ ngành F&B, PepsiCo cho biết đầu tư vào thương hiệu sẽ vẫn là chiến lược quan trọng để thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng ngay cả trong những thời điểm khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Trong khi PepsiCo sở hữu nhiều thương hiệu đình đám như Pepsi, Walkers và Doritos, hiện doanh nghiệp này không đưa ra con số cụ thể mà họ sẽ đầu tư vào năm 2023, tuy nhiên, công ty đã xác nhận rằng họ đã tăng khoản chi tiêu cho marketingquảng cáo lên mức “hai con số” vào năm 2022.

Giám đốc tài chính (CFO) Hugh Johnston của PepsiCo cho biết:

“Chúng tôi đang tìm cách để tiếp tục đưa các khoản đầu tư trở lại vào hoạt động kinh doanh, bởi vì chúng tôi nghĩ rằng đó là yếu tố đang thúc đẩy doanh thu, và người tiêu dùng cũng đang phản ứng tích cực với điều đó.”

Vào năm 2022, mức doanh thu thuần của PepsiCo tăng 8,7% lên 86,39 tỷ USD (71,1 tỷ bảng Anh), trong khi lợi nhuận hoạt động cốt lõi (core operating profit) của công ty tăng 7% lên mức 11,51 tỷ USD (9,5 tỷ bảng Anh).

Vương quốc Anh, cùng với các thị trường khác như Mỹ, Brazil và Ấn Độ là những nơi PepsiCo hiện đang duy trì hoặc giành được thị phần.

Bởi chiến lược luôn tập trung vào thương hiệu, Giám đốc điều hành PepsiCo, Ông Ramon Laguarta tin tưởng rằng bất kể môi trường kinh tế như thế nào, các thương hiệu của PepsiCo sẽ tiếp tục là “lựa chọn ưa thích của nhiều người tiêu dùng”.

Nói về chiến lược ưu tiên trong năm 2023, PepsiCo cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Pep+ (chiến lược chuyển đổi khép kín lấy tính bền vững làm trọng tâm của PepsiCo), coi đây là chìa khoá chính để doanh nghiệp trở thành ‘Market Leader’ trong thị trường thực phẩm tiện lợi và đồ uống (F&B).

Bất chấp sự bất ổn về kinh tế ở nhiều thị trường, PepsiCo vẫn có kế hoạch tăng năng suất vào năm 2023 và vẫn cam kết đầu tư mạnh vào các thương hiệu của mình.

Thúc đẩy thông qua các thương hiệu mạnh.

Một trong những dòng sản phẩm đang được thị trường chấp nhận mạnh mẽ của PepsiCo đó là Pepsi Max, dòng sản phẩm không đường và ít calo.

CEO Laguarta cho biết:

“Không đường là phân khúc thị trường hiện đang phát triển nhanh hơn nhiều so với các phân khúc khác trên toàn thế giới, có nghĩa là Pepsi Max sẽ là ‘trung tâm’ trong chiến lược của thương hiệu trong tương lai.”

Pepsi Max còn được gọi là Pepsi Zero Sugar tại các thị trường bên ngoài Châu Âu, báo cáo kinh doanh của PepsiCo cho thấy doanh thu của Pepsi Zero Sugar đã tăng 26% trong quý 4 năm 2022.

Laguarta cũng cho biết các thương hiệu như Lay’s và Doritos, hiện là “viên ngọc quý của PepsiCo”, doanh thu của đơn vị kinh doanh này tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái và có tỷ suất lợi nhuận hoạt động là 27%.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Cathy Nhung | MarketingTrips   

10 bước đơn giản để bắt đầu xây dựng một thương hiệu

Trong bối cảnh mới dưới sự ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội, người làm marketing cần suy nghĩ lại về cách xây dựng thương hiệu hay độ nhận diện của một thương hiệu (Branding).

10 bước đơn giản để bắt đầu xây dựng một thương hiệu
10 bước đơn giản để bắt đầu xây dựng một thương hiệu

Khi nói đến khái niệm Branding, không ít người vẫn thường gắn liền nó với logo, slogan, tên thương hiệu hay những bộ nhận diện thương hiệu khác, tuy nhiên trong bối cảnh kỹ thuật số mới, người làm marketing cần phải có những góc nhìn mới.

Người tiêu dùng ngày nay là những người tiêu dùng luôn được kết nối (Connected Consumer), nghĩa là để xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp phải tìm ra những cách thức mới sâu sắc hơn và có ý nghĩa hơn để kết nối với họ.

Dưới đây là 10 bước đơn giản mà bạn có thể tham khảo để bắt đầu xây dựng thương hiệu của mình trong kỹ nguyên số.

Bước 1 – Đặt nền móng.

Cũng tương tự như bất cứ hoạt động marketing hay kinh doanh nào, để có thể xây dựng một thương hiệu thành công trong một thị trường nào đó, trước tiên bạn cần phải hiểu về ngành của mình.

Nghiên cứu các thương hiệu đối thủ trong lĩnh vực mà bạn đang kinh doanh là bước quyết định đầu tiên trong hành trình xây dựng thương hiệu của bạn.

Bạn cần so sánh các dịch vụ hay điểm khác biệt (USP) của đối thủ, từ các hoạt động xây dựng thương hiệu đến các nỗ lực marketing và bán hàng của họ.

Trong khi việc nhìn vào các thương hiệu lớn hiện đã thành công (nếu có) trong ngành có thể giúp bạn hình dung về những gì bạn cần làm và hướng tới, khả năng quan sát các thương hiệu nhỏ hơn có thể giúp bạn định vị mình tốt hơn trong thị trường hay phân khúc thị trường hiện tại.

Nghiên cứu thị trường tiếp đó là một phần không thể thiếu trong quá trình xây dựng thương hiệu và sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các chiến lược trong tương lai.

Trong giai đoạn này, có một lời khuyên cho tất cả các marketer đó là đừng chỉ quan tâm đến các câu chuyện thành công, thay vào đó cần phân tích và học hỏi nhiều hơn từ các thương hiệu đã thất bại hoặc chưa làm tốt vai trò của mình.

Việc nhìn ra từ sớm những sai lầm của người khác có thể giúp bạn hạn chế mắc phải những sai lầm tương tự trong tương lai.

Bước 2 — Xác định và khác biệt hoá.

Bước tiếp theo, để có thể trở thành một thương hiệu thành công, bạn cần có khả năng phân biệt mình so với đối thủ cạnh tranh.

Và một trong những cách để làm điều đó là thông qua việc xác định giá trị của thương hiệu của bạn. Điều gì làm cho bạn khác biệt với các đối thủ còn lại trên thị trường.

Bạn cung cấp những dịch vụ hay lợi ích nào mà các công ty khác không có? Sứ mệnh và giá trị của bạn so với các doanh nghiệp khác trong ngành của bạn là gì và hơn thế nữa, việc đặt ra nhiều câu hỏi tương tự và đi tìm câu trả lời là chìa khoá chính ở giai đoạn này.

Sự khác biệt giữa một ý tưởng hay và sự thành công trong kinh doanh (thương mại hoá) là bối cảnh, nó chính là sự hiểu biết về cách một sản phẩm được sản xuất cho một nhóm người nhất định, hiểu xem khách hàng thực sự muốn gì, tại sao họ sẽ quan tâm đến những gì mà thương hiệu cung cấp và hơn thế nữa.

Bước 3 – Xác định đối tượng mục tiêu cần tiếp cận.

Đối tượng mục tiêu (Target Audience) là khái niệm căn bản và hết sức quen thuộc của hầu hết người làm marketing, và ở bước 3 này, bạn cần bắt đầu với nó.

Hãy xác định xem đâu là nhóm đối tượng hay khách hàng mục tiêu chính của thương hiệu, họ bao nhiêu tuổi? giới tính của họ là gì? thu nhập của họ như thế nào, họ có gia đình chưa, họ thường mua sắm ở đâu (và vì sao)? Hay hiện có bất cứ đối thủ nào đang nhắm mục tiêu (Targeting) đến nhóm đối tượng này hay chưa?

Về bản chất, bạn càng có thể xác định đối tượng của mình cụ thể và chính xác bao nhiêu thì càng dễ dàng tạo ra một thương hiệu có liên quan bấy nhiêu.

Hãy nhớ rằng, một trong những điểm mấu chốt thành công của bất cứ thương hiệu nào đó là yếu tố cộng đồng, bạn cần kết nối từng cá nhân hay đối tượng mục tiêu đến một cộng đồng, nơi họ có thể tìm thấy chính họ thông qua việc kết nối với những người khác.

Bước 4 – Tìm kiếm tiếng nói của thương hiệu (Brand Voice).

Một khi bạn đã tìm thấy được đối tượng khách hàng mục tiêu của mình và bắt đầu tìm hiểu về họ, bạn cần xây dựng tiếng nói hay giọng điệu mà bạn sẽ dùng để đối thoại với họ.

Bạn muốn thương hiệu của mình đối thoại với khách hàng qua những kênh nào và bạn muốn giao tiếp với những khách hàng đó ra sao?

Có thể, bạn sẽ cần xây dựng một giọng điệu chuyên nghiệp nếu bạn muốn tiếp cận các chuyên gia hoặc nếu bạn muốn tiếp cận những người trẻ, chẳng hạn như Gen Z, những ngôn ngữ gần gủi hay “hợp xu hướng” có thể là chìa khoá.

Tiếng nói thương hiệu hiệu quả là tiếng nói gắn liền với từng nhóm đối tượng mục tiêu của thương hiệu, thứ có thể giúp họ tiếp tục tương tác và kết nối với thương hiệu.

Bước 5 – Xây dựng tính cách cho thương hiệu (Brand Personality).

Thương hiệu cũng giống như con người, chúng cũng có những tính cách cụ thể.

Bên cạnh các yếu tố căn bản của một thương hiệu như lợi ích, tính năng hay công dụng, những giá trị tinh thần xoay quanh thương hiệu cũng vô cùng quan trọng.

Người tiêu dùng ngày nay không chỉ đơn giản là cần một sản phẩm và họ cũng không muốn các thương hiệu tiếp cận họ với mục tiêu bán hàng, cái mà họ thực sự cần là một “thương hiệu” có đầy đủ các yếu tố cảm xúc mà họ có thể cảm nhận được mỗi khi sử dụng hay sở hữu.

Trong khi người tiêu dùng mong muốn các sản phẩm hay dịch vụ có thể đáp ứng được nhu cầu (vượt kỳ vọng) của họ, họ cũng mong muốn tương tác với thương hiệu ở cấp độ con người thay vì là thương mại.

Bạn phải quyết định xem thương hiệu của bạn mong muốn trở thành một người như thế nào, bạn muốn thương hiệu của mình tỏa ra năng lượng vui vẻ, tích cực hay trầm tính.

Bạn đang muốn trở nên hiện đại và tiên tiến, hay cổ điển và truyền thống.

Bước 6 – Chia sẻ câu chuyện.

Bước tiếp theo trong quá trình xây dựng thương hiệu là không ngừng nỗ lực chia sẻ các câu chuyện của thương hiệu.

Người tiêu dùng là những người thực và họ cũng muốn có thể liên hệ chính bản thân họ với những câu chuyện hay con người thực khác.

Có một sai lầm thường thấy đối với các doanh nghiệp đó là cố tình chỉnh sửa các thông điệp (Content Marketing) theo từng chiến dịch khác nhau mà không tuân theo bất cứ một câu chuyện gốc, tính cách hay giọng điệu nào của thương hiệu.

Đối tượng mục tiêu một khi không thể hiểu câu chuyện của bạn, họ không thể kết nối sâu hơn với thương hiệu của bạn.

Bước 7 – Kiểm tra và tinh chỉnh.

Là một marketer, bạn phải thừa nhận rằng, sẽ không có bất cứ một công thức xây dựng thương hiệu thành công nào được áp dụng cho các thương hiệu khác nhau.

Nhiệm vụ của bạn khi này là không ngừng thu thập phản hồi từ phía khách hàng để xem liệu họ đang cảm nhận được những gì mà thương hiệu đang truyền tải hay không, việc trao đổi thương xuyên với khách hàng cũng giúp thương hiệu tìm thấy những cơ hội hay cách thức xây dựng thương hiệu mới mà doanh nghiệp có thể là chưa từng nghĩ đến trước đó.

Bước 8 — Sáng tạo, tích hợp và tái tạo một cách chuyên nghiệp.

Khi bắt đầu xây dựng các tài sản cụ thể cho thương hiệu, từ logo, bộ nhận diện thương hiệu hay các hình ảnh trên website, hãy cố gắng giữ cho các tài sản này chuyên nghiệp nhất có thể khi nó là một phần thể hiện giá trị của thương hiệu.

Mọi tài sản bạn cung cấp cho người tiêu dùng đều phải đại diện cho thương hiệu và để gia tăng sức ảnh hưởng, những tài sản này nên được nhân rộng, sáng tạo, quảng bá và chia sẻ một cách thường xuyên.

Bước 9 – Nhất quán là từ khoá không thể thiếu khi xây dựng thương hiệu.

Ngay từ đầu — mọi tài sản liên quan đến hình ảnh của thương hiệu như logo, hình ảnh quảng cáo hay các bài đăng trên các nền tảng mạng xã hội đều cần phải được thể hiện một cách nhất quán.

Mục tiêu cuối cùng của bạn với điều này là khiến mọi người nhận ra thương hiệu ngay từ những ánh nhìn đầu tiên. Thương hiệu của bạn càng dễ được nhận biết thì sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn càng dễ được nhận ra và bạn càng tiến gần hơn với mục tiêu “khiến cho mọi thứ dần trở nên quen thuộc”.

Bước 10 – Tận hưởng từng thành công nhỏ.

Vậy là bạn đã hoàn tất những bước căn bản nhất để bắt đầu xây dựng một thương hiệu.

Đây chính là khoảng thời gian bạn nhìn lại toàn bộ những gì mình đã làm và có được, dù là thuận lợi hay chưa thuận lợi, thứ mà bạn đã có lúc bấy giờ chính là kinh nghiệm, là những bài học, hay ít nhất là bạn đã chọn cách làm đúng ngay từ đầu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Content is King sẽ tiếp tục là hướng đi đúng đắn trong Marketing

Trong thế giới kỹ thuật số quá ồn ào, xây dựng và phát triển nội dung (content) sẽ tiếp tục là chiến lược đúng đắn để thương hiệu trở nên nổi bật hơn, và xây dựng nhiều giá trị hơn.

Content is King sẽ tiếp tục là chiến lược đúng đắn trong Marketing
Content is King sẽ tiếp tục là chiến lược đúng đắn trong Marketing

Content is King, câu nói không hề mới đối với hầu hết những người làm marketing nói chung và làm content marketing nói riêng.

Content chính là “nền móng” của mọi thứ, từ các thuật toán đến hình ảnh của thương hiệu. Nó chính là thứ có thể thu hút sự chú ý của các đối tượng mục tiêu và cũng là thứ giúp họ tìm kiếm và khám phá thương hiệu.

Trong khi nội dung xấu có thể nhanh chóng “hạ gục” một thương hiệu, nội dung tốt lại là phao cứu sinh giúp thương hiệu khác biệt hơn trong mắt khách hàng.

Dưới đây là một số minh chứng cho điều này.

1. Thời gian tương tác.

Trung bình, mỗi người dùng trên toàn cầu sử dụng khoảng 3 giờ mỗi ngày trên các nền tảng mạng xã hội. Với những người trẻ tuổi hơn, chẳng hạn như Gen Z, thời gian này còn cao hơn nhiều.

Mọi người có xu hướng dành nhiều thời gian hơn để xem nội dung do người khác tạo ra hơn là dành thời gian để nói chuyện với nhau.

Khi mọi người càng dành phần lớn thời gian trong ngày của họ trên các nền tảng này để xem nội dung (Content), nội dung chính là thứ mà các thương hiệu cần tập trung xây dựng và kết nối với người dùng mục tiêu của mình.

Xây dựng những nội dung có ý nghĩa gắn liền với các chân dung khác nhau của người tiêu dùng chính là chìa khoá.

2. Content là thứ giúp thương hiệu nổi bật hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Dù cho doanh nghiệp của bạn đang bán gì, dù đó là ngành hàng FMCG hay F&B, thứ mà khách hàng của bạn nhìn thấy đầu tiên vẫn là nội dung, đó có thể nội dung quảng cáo, nội dung giới thiệu về sản phẩm hay nội dung họ tìm thấy trên các công cụ tìm kiếm.

Trong khi thương hiệu có nhiều cách khác nhau để xây dựng lợi thế cạnh tranh, từ việc đổi mới sản phẩm, gia tăng chất lượng sản phẩm, định vị thương hiệu khác biệt, hay là chiến lược giá bán linh hoạt, xây dựng nội dung là chiến lược không thể thiếu khi nó chính là thứ xuất hiện trên mọi điểm chạm của khách hàng với thương hiệu.

Bạn cứ thử hình dung, liệu chất lượng sản phẩm có ích gì nếu từ những điểm chạm nội dung trên website hay fanpage của thương hiệu đã khiến họ không muốn tương tác.

Khi nói đến việc xây dựng nội dung và sử dụng nội dung làm chìa khoá, kể chuyện thương hiệu hay storytelling là chiến thuật mà các marketer không thể bỏ qua.

Khách hàng không chỉ đơn giản là xem nội dung, họ xem những câu chuyện, những thứ có ý nghĩa với chính con người và cuộc sống của họ.

Tính xác thực hay chân thực của nội dung (Authentic Marketing) là một điểm khác mà các doanh nghiệp cũng nên chú ý.

Trong bối cảnh ngày nay, khi khách hàng ngày càng ít quan tâm hơn đến các nội dung mang đậm tính quảng cáo, và họ cũng không muốn bị bán hàng, những nội dung chân thực mô tả “tính cách thật” của doanh nghiệp là chiến lược khôn ngoan.

Đừng chỉ tập trung phát triển các nội dung quá trau chuốt hay sử dụng nhiều hiệu ứng chỉnh sửa, trong nhiều trường hợp, những nội dung “hậu trường” lại là thứ mà khách hàng thực sự quan tâm.

3. Nội dung trực quan (Visual Content) tốt hơn là nội dung có thể đọc (Text).

Với sự phát triển nhanh chóng của TikTok, cùng với đó là xu hướng video ngắn ở khắp các nền tảng, điều này minh chứng rằng, nhiều người hơn, đặc biệt là người dùng trẻ đang ngày càng thích tiêu thụ các nội dung trực quan và ngắn.

Theo một số nghiên cứu khác nhau, người 25-34 tuổi trung bình chỉ đọc 7,2 phút mỗi ngày và con số này thậm chí còn nhỏ hơn với những người trẻ hơn.

Là một marketer, khi mục tiêu của bạn là cung cấp những kiểu nội dung mà người dùng mục tiêu mong muốn được tiêu thụ nhất, điều này có nghĩa là, hoặc là những nội dung có thể đọc phải được viết một cách kỹ lưỡng, hoặc là đa dạng hoá định dạng sang video hay hình ảnh để thu hút khách hàng của mình.

4. Nội dung dễ tạo và ít tốn kém.

Khác với các hình thức khác như quảng cáo hay PR, việc xây dựng và phát triển nội dung lại không khiến doanh nghiệp phải đầu tư quá nhiều tiền bạc.

Những gì doanh nghiệp cần là những người phát triển nội dung, các Content Creator hay Content Marketer, những người có khả năng sáng tạo và am hiểu về khách hàng, thị trường, đối thủ hay chính thương hiệu của họ.

Trong thời đại internet, nội dung chính là thứ duy trì mức độ liên quan của một thương hiệu nào đó tới một ngành nghề nhất định, và như đã đề cập ở các phần đầu, nội dung cần phải được sản xuất theo từng giai đoạn khác nhau trong hành trình của khách hàng.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng, dù bạn làm gì, hãy cố gắng sản xuất và thử nghiệm nhiều hơn trong suốt quá trình. Với tư cách là một thương hiệu và được bao quanh bởi hàng tá đối thủ, làm tốt là chưa đủ mà cần phải tốt hơn nữa (và liên tục hơn nữa).

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Ha Anh | MarketingTrips

Data Storytelling: Xây dựng sự khác biệt cho thương hiệu bằng dữ liệu

Khi các nền tảng mạng xã hội trở nên đông đúc hơn, nhiều thương hiệu hơn đang ngày đêm thúc đẩy quảng cáo với mục tiêu tiếp cận khách hàng tiềm năng, điều gì khiến thương hiệu của bạn trở nên khác biệt so với số còn lại, Data Storytelling có thể là giải pháp bạn nên thử.

Data Storytelling: Xây dựng sự khác biệt cho thương hiệu bằng dữ liệu
Data Storytelling: Xây dựng sự khác biệt cho thương hiệu bằng dữ liệu

Trong thế giới làm marketing nói chung, các phương thức tiếp cận khách hàng sẽ luôn luôn thay đổi, sẽ không có một giải pháp nào là đúng mãi mãi hay cũng không có một chiến lược nào là có thể áp dụng nhiều doanh nghiệp.

Tuỳ vào từng bối cảnh khác nhau, marketer cần xây dựng cho mình những cách tiếp cận riêng và Data Storytelling là một trong số đó.

Data Storytelling là gì?

Data Storytelling có nghĩa là kể chuyện bằng dữ liệu. Về mặt tổng thể, Data Storytelling là một chiến thuật Storytelling vốn có rất nhiều cách thức tiếp cận khác nhau, bạn có thể xem storytelling là gì để hiểu toàn diện về khái niệm này.

Nói một cách dễ hiểu, Data Storytelling là hình thức kể chuyện trực quan theo lối tường thuật và dẫn dắt thông qua dữ liệu (Data) từ đó giúp đối tượng mục tiêu có thể hiểu về chủ đề nội dung hay thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải một cách dễ và sâu nhất.

Dữ liệu được sử dụng trong các câu chuyện (Story) có thể là các dữ liệu mà thương hiệu có được hoặc cũng sắp xếp lại các dữ liệu có sẵn từ các công ty nghiên cứu thị trường như Nielsen, Gartner Research hay Kantar.

Dưới đây là một số bước đơn giản để bạn có thể bắt đầu xây dựng các câu chuyện thương hiệu cho riêng mình bằng cách sử dụng dữ liệu.

Nghiên cứu một chủ đề nội dung cụ thể.

Dù cho thương hiệu của bạn đang kinh doanh trong lĩnh vực gì, bạn cũng phải bắt đầu xây dựng câu chuyện với một chủ đề nội dung cụ thể.

Hiện có rất nhiều công cụ khác nhau giúp bạn tìm ra các chủ đề nội dung (Content Topic) này chẳng hạn như Google Trends, Google Keyword Planner, Google News, kiểm tra các thẻ hashtag trên các nền tảng mạng xã hội, hay thậm chí đơn giản là kiểm tra từ chính tài khoản Google Anaytics của bạn.

Mục tiêu của bạn trong giai đoạn này là xác định các xu hướng, các chủ đề hay các từ khoá đang được nhiều nhiều người quan tâm nhất.

Vì thông thường, mỗi chủ đề hay xu hướng chỉ nổi lên trong một khoảng thời gian ngắn nhất định, bạn cần chọn đúng thời điểm khi mọi thứ vừa mới bắt đầu.

Hình thành một giả thuyết nào đó.

Sau khi bạn tổng hợp được các chủ đề hay ý tưởng cho câu chuyện của mình, bạn cần ghi chú lại những điểm chính, những dữ liệu hay quan điểm từ các nội dung hiện có.

Sau đó, nhiệm vụ của bạn là mở rộng chủ đề này bằng các nội dung liên quan hay nói cách khác, bạn giúp lấp đầy những khoảng trống nội dung còn chưa được thoả mãn.

Một giả thuyết độc đáo và thú vị sẽ được hình thành và bạn cần phải tiến hành kiểm chứng nó bằng một cuộc thăm dò ý kiến hay nghiên cứu thị trường nào đó.

Tạo một cuộc khảo sát.

Tiếp theo, bạn cần lập danh sách các câu hỏi và câu trả lời, những thứ sẽ giúp khẳng định hoặc bác bỏ các giả thuyết ban đầu mà bạn đã có. Bạn cũng có thể bổ sung thêm các câu hỏi mới để làm rõ chủ đề chính.

Thông qua các hình thức khảo sát khác nhau từ các công cụ trực tuyến hoặc ngoại tuyến, bạn sẽ hướng dẫn những người tham gia khảo sát để lại các nội dung hay phản hồi với các câu hỏi tương ứng.

Để cho dữ liệu được khách quan, bạn cũng cần đa dạng nhóm đối tượng (mẫu) và mở rộng số lượng người tham dự trả lời khảo sát.

Trong khi 100 hay 200 kết quả có thể chưa đánh giá được vấn đề, 500 đến 1000 người khảo sát có thể khiến dữ liệu của bạn đáng tin hơn.

Phân tích dữ liệu.

Sau khi đã có được dữ liệu, bạn sẽ bắt đầu phân tích các dữ liệu này.

Cũng như vô số cách thức phân tích dữ liệu nghiên cứu thị trường khác, bạn cũng nên phân loại câu trả lời theo những trường khác nhau chẳng hạn như độ tuổi, khu vực hay giới tính…để xem liệu các phản hồi có khác nhau từ những nhóm người khác nhau hay không.

Vẽ biểu đồ trực quan hoá cho dữ liệu.

Một câu chuyện dữ liệu hay chiến thuật Data Storytelling sẽ không hoàn chỉnh nếu không có biểu đồ hay đồ thị để trực quan hóa các thông tin được đưa ra.

Bạn có thể sử dụng các công cụ như Google Charts hoặc Infogram để nhanh chóng tạo ra các hình ảnh trực quan hấp dẫn, sau đó nhúng chúng vào câu chuyện của mình.

Viết nội dung và xuất bản câu chuyện.

Bước cuối cùng, cũng là bước quyết định đó là bạn bắt đầu viết chi tiết về những gì dữ liệu đã tiết lộ – và tại sao dữ liệu đó lại quan trọng (với đối tượng mục tiêu hoặc cộng đồng).

Xuất bản câu chuyện và tìm cách phân phối nó.

Cũng như các cách thức marketing khác, trừ khi bạn đang là một thương hiệu lớn (Top of Mind) câu chuyện của bạn sẽ khó tiếp cận được đối tượng mục tiêu hay ít có sức ảnh hưởng nếu nó không được quảng cáo hay PR.

Bạn có thể đăng lên các nền tảng sẵn có của thương hiệu và bắt đầu đẩy nó đi hoặc bạn cũng có thể hợp tác với các đơn vị báo chí khác để lan truyền câu chuyện.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh  | MarketingTrips   

Chiến lược thương hiệu: Trước khi làm Branding hãy đầu tư vào những khía cạnh này

Trong khi có không ít các thương hiệu tập trung rất nhiều nguồn lực để xây dựng độ nhận diện thương hiệu (Branding), điều này sẽ gây lãng phí nếu thương hiệu không chuẩn bị trước các thành phần khác quan trọng hơn.

Chiến lược thương hiệu: Trước khi tiến hành Branding hãy đầu tư vào những khía cạnh này
Chiến lược thương hiệu: Trước khi tiến hành Branding hãy đầu tư vào những khía cạnh này

Có một sai lầm thường thấy ở các doanh nghiệp hay với những người làm marketing đó là  đầu tư rất nhiều nguồn lực vào hoạt động xây dựng nhận diện thương hiệu (Branding, Brand Identity) trong khi chưa chuẩn bị những nền tảng căn bản nhất của thương hiệu.

Những hình ảnh đẹp hay đồ hoạ bắt mắt về bản chất sẽ không có ý nghĩa gì nếu khách hàng mục tiêu không hiểu được ý nghĩa thực sự đằng sau của nó là gì, hay nếu thương hiệu của bạn tập trung vào Gen Z, điều này lại càng thất bại hơn.

Mặc dù bạn có thể tạo ra những logo đẹp, những bảng màu hấp dẫn người xem, tuy nhiên, cũng sẽ không mang lại cho thương hiệu giá trị gì nếu người dùng mục tiêu không thể “thấy” hay cảm nhận được những giá trị mà thương hiệu cung cấp, hay các thông điệp của thương hiệu không thể giúp cộng hưởng giá trị của thương hiệu tới người dùng.

Từ những góc nhìn này, bạn không nên đầu tư vào các hoạt động xây dựng nhận diện nếu chưa xây dựng được 3 nền tảng căn bản nhất của thương hiệu là: Chiến lược thương hiệu, Khách hàng lý tưởng của thương hiệu và Tiếng nói hay Giọng điệu của thương hiệu.

Chiến lược thương hiệu (Brand Strategy).

Ở cấp độ cao nhất và cũng là nền tảng quan trọng nhất của bất cứ thương hiệu nào là có một chiến lược thương hiệu hoàn chỉnh bao gồm các nội dung sau:

Các đề xuất giá trị riêng biệt (USP): Trong bối cảnh thị trường đầy sự cạnh tranh, đề xuất giá trị là chưa đủ mà giá trị đó khác biệt với đối thủ như thế nào và có lợi cho khách hàng mục tiêu ra sao.

Cũng tương tự như cách xây dựng USP hay ma trận SWOT cho doanh nghiệp, điểm giá trị khác biệt không chỉ là “khác” so với đối thủ mà cái khác hay cái điểm mạnh đó phải có lợi cho khách hàng mục tiêu, rất nhiều thương hiệu hiểu sai điều này.

Tầm nhìn và Sứ mệnh của thương hiệu (Brand Mission & Brand Vision): Đây là một trong những điều mạnh mẽ nhất mà thương hiệu có thể truyển tải đến khách hàng, nó chính là lý do hay mục đích thương hiệu được ra đời và tồn tại.

Giá trị cốt lõi (Brand Core Values): Thương hiệu của bạn đại diện cho điều gì và không đại diện cho điều gì? Khi bạn có các giá trị thương hiệu của riêng mình, tất cả các quyết định còn lại của thương hiệu hay doanh nghiệp – từ Marketing, trải nghiệm khách hàng đến bộ phận tuyển dụng đều phải được kết nối lẫn nhau.

Câu chuyện thương hiệu (Brand Story): Kể chuyện thương hiệu từ lâu đã là một trong những cách thức xây dựng thương hiệu mà các thương hiệu lớn như Apple hay Starbucks theo đuổi. Để kể chuyện (Storytelling), bạn cần có các câu chuyện hấp dẫn.

Tính cách thương hiệu (Brand Personality): Tính cách thương hiệu hay Brand Personality xác định hay định hình cách mà thương hiệu muốn khách hàng nghĩ về mình khi được nhắc đến.

Thương hiệu của bạn đại diện cho sự mạnh mẽ, sáng tạo, bí ẩn hay bất cứ gì điều gì khác, hãy truyền tải nó đến với khách hàng.

Khách hàng lý tưởng (Key Customer).

Một nền tảng cốt lõi tiếp theo mà các thương hiệu cần xây dựng đó là xác định tệp khách hàng lý tưởng của mình.

Trong khi nghe có vẻ như là điều hiển nhiên, không ít các thương hiệu hiểu sai khái niệm này khi cho rằng nó chính là khách hàng tiềm năng hay đơn giản là khách hàng.

Khách hàng lý tưởng đề cập đến những khách hàng sẵn sàng chi trả để có được sản phẩm hay dịch vụ của thương hiệu (dựa trên số liệu nghiên cứu), trong khi khách hàng tiềm năng chỉ là những người có thể mua hàng (thích chứ không mua).

Khi nói đến việc tạo ra các thông điệp marketing để thu hút khách hàng, dưới đây là một số điểm mà thương hiệu có thể tiếp cận:

  • Nỗi đau của khách hàng: Khách hàng của bạn đang đấu tranh với điều gì? Họ nhận thức như thế nào về cuộc đấu tranh đó? Và đâu thực sự là giải pháp họ cần?
  • Chuyển đổi mong muốn sau sử dụng sản phẩm: Theo cách nghĩ của khách hàng, Họ muốn nhận được điều gì hay muốn trở thành “hình ảnh” như thế nào?
  • Các giải pháp thay thế: Khách hàng của bạn đã thử những giải pháp nào hay sử dụng các sản phẩm của đối thủ hay chưa? Điều gì khiến họ hài lòng và không hài lòng với các sản phẩm đó.

Tiếng nói thương hiệu (Brand Voice).

Thông điệp thương hiệu (Brand Message) và tiếng nói thương hiệu là 2 khái niệm khác nhau.

Trong khi thuật ngữ thông điệp đề cập đến nội dung (Content) hay những thứ mà khách hàng sẽ nghe hoặc thấy, Tiếng nói lại thể hiện cách thức mà thương hiệu truyền tải các nội dung đó.

Tiếng nói thương hiệu có thể bao gồm các thành phần như:

Câu nói về thương hiệu: Thương hiệu của bạn thường lặp đi lặp lại những cụm từ hoặc thuật ngữ nào? Từ vựng mà thương hiệu của bạn phát đi lặp lại phải nhằm mục đích củng cố sứ mệnh và giá trị của thương hiệu.

Giọng điệu: Những kiểu cảm xúc nào sẽ có thể kết nối tốt nhất giữa khách hàng lý tưởng với thương hiệu. Thương hiệu mô tả nỗi đau đau và mong muốn của họ như thế nào? Giọng điệu thay đổi ra sao khi thương hiệu kể về các câu chuyện của mình và của khách hàng.

Kỹ thuật và phong cách thể hiện nội dung: Là khái niệm đề cập đến cách thương hiệu làm nổi bật nội dung như cách sử dụng dấu chấm câu, biểu tượng cảm xúc (emojis) và các biểu tượng tượng hình khác.

Nhịp điệu: Nhịp điệu của ngôn ngữ đề cập đến mức độ dài hay ngắn của câu chữ. Nó cao hay thấp, nhanh hay chậm, dồn dập hay từ tốn…

Tóm lại, nhận diện thương hiệu nên là hành động đến sau, khi mà thương hiệu đã hoàn thiện các nền tảng căn bản khác của thương hiệu.

Xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu trực quan tốt có thể giúp cho hoạt động marketing trở nên thuận lợi và cộng hưởng hơn, nhưng nếu không có thông điệp thương hiệu hay các giá trị khác của thương hiệu, khách hàng sẽ khó có thể chấp nhận thương hiệu.

Các thành viên trong các đội nhóm khác nhau, đặc biệt là nhóm bán hàng và marketing, tất cả đều phải ở trên cùng một chiến tuyến, phải cùng hướng tới mục tiêu cuối cùng là khách hàng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh  | MarketingTrips   

Tầm quan trọng của tài sản thương hiệu (Brand Equity) trong thế giới số

Trong thế giới kỹ thuật số siêu cạnh tranh như ngày nay, tài sản thương hiệu (Brand Equity) nên là chiến lược ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp.

Tầm quan trọng của tài sản thương hiệu (Brand Equity) trong thế giới số
Tầm quan trọng của tài sản thương hiệu (Brand Equity) trong thế giới số

Brand Equity hay Tài sản thương hiệu là tất cả những tài sản hay giá trị xoay quanh một thương hiệu chẳng hạn như độ nhận biết thương hiệu (Brand Awareness), giá trị thương hiệu (Brand Value) hay lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu (Brand Loyalty).

Về bản chất, tài sản thương hiệu cũng giống như thương hiệu, nó được nhìn nhận và đánh giá từ góc nhìn của khách hàng mục tiêu hơn là từ ý muốn chủ quan của doanh nghiệp.

Để có thể hiểu sâu hơn về thuật ngữ thương hiệu, bạn có thể xem tại: Thương hiệu là gì

Ngày nay, tài sản thương hiệu được xây dựng không chỉ thông qua các nỗ lực MarketingQuảng cáo mà còn thông qua những trải nghiệm khách hàng tích cực.

Để có thể giữ chân khách hàng về lâu dài, các doanh nghiệp cần phải thực thi các chiến lược ưu tiên người tiêu dùng, luôn mang đến những trải nghiệm liền mạch, đáp ứng nhu cầu và sở thích của họ.

Sức mạnh của việc đầu tư vào tài sản thương hiệu.

Vào năm 2022, khi nhiều nơi trên thế giới bước vào thời kỳ lạm phátsuy thoái, tài sản thương hiệu ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Người tiêu dùng giờ đây phải thắt chặt chi tiêu, hạn chế hoặc loại bỏ các mặt hàng không thiết yếu và lựa chọn các thương hiệu đáng tin cậy và nổi tiếng hơn.

Theo một nghiên cứu, có đến 80% khách hàng tỏ ra thờ ơ với các thương hiệu mà họ không tin tưởng, do đó niềm tin về thương hiệu tiếp tục là nơi mà các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn.

Các doanh nghiệp sở hữu những thương hiệu đáng tin cậy và tích cực hơn thường chỉ cần chi ít ngân sách quảng cáo hơn so với các đối thủ cạnh tranh của họ.

Xây dựng tài sản thương hiệu thông qua những thông điệp thương hiệu có ý nghĩa.

Để cải thiện giá trị hay tài sản thương hiệu, doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao là chưa đủ. Người tiêu dùng ngày nay không chỉ quan tâm đến những gì một thương hiệu nói hay những gì mà thương hiệu cung cấp, họ cũng quan tâm đến những gì mà thương hiệu đang đại diện.

Theo một nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Gartner, 70% khách hàng mong đợi các doanh nghiệp đối xử tốt với khách hàng, cộng đồng, nhân viên và môi trường và sẽ đưa ra quyết định mua hàng dựa trên các giá trị của thương hiệu.

Từ đây, việc đảm bảo các thông điệp thương hiệu được rõ ràng, thể hiện mục đích kinh doanh hướng tới cộng đồng và người tiêu dùng mục tiêu chính là chìa khóa để nâng cao nhận thức về thương hiệu và thúc đẩy doanh thu.

Xây dựng tài sản thương hiệu thông qua các trải nghiệm kỹ thuật số.

Trong bối cảnh kinh doanh hiện đại ngày nay, khi hầu hết các hoạt động mua bán đã được chuyển sang trực tuyến, phần lớn sự khác biệt và hoạt động xây dựng thương hiệu hiện được thực hiện thông qua các nền tảng trực tuyến.

Bằng cách mang đến những trải nghiệm liền mạch từ chiến lược toàn kênh (Omni Channel), thương hiệu đang giúp khách hàng mang lại những cảm xúc tốt hơn và tiết kiệm nhiều thời gian hơn.

Một nghiên cứu từ Glassbox cho thấy, hơn 80% người tiêu dùng tin rằng trải nghiệm của họ đóng vai trò trung tâm trong mọi quyết định mua hàng trong suốt hành trình khách hàng (Customer Journey Map).

Họ cũng tin rằng có rất ít thương hiệu hay doanh nghiệp hiện có thể đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của họ. Để xây dựng những giá trị thương hiệu tích cực, các doanh nghiệp cần phải nỗ lực không ngừng để thu hẹp khoảng cách hay mức độ kỳ vọng này.

Mỗi trải nghiệm kỹ thuật số tiêu cực và khó chịu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức thương hiệu và tình cảm của khách hàng đối với toàn bộ doanh nghiệp.

Tận dụng dữ liệu khách hàng để tạo sự khác biệt.

Trong vô số các cách mà doanh nghiệp có thể làm để xây dựng nên những điểm bán hàng riêng biệt, hay còn được gọi là USP, tận dụng các dữ liệu có được để tạo ra sự khác biệt là chiến lược ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh kỹ thuật số.

Một trong những cách hiệu quả nhất để làm điều này là đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu bằng cách sử dụng dữ liệu từ khách hàng (Data driven Marketing).

Việc gia tăng sự tiện lợi và cung cấp khả năng cá nhân hóa cao hơn trong cách tương tác sẽ nâng cao lòng trung thành của khách hàng cũng như mang lại các tác động tích cực đến giá trị của thương hiệu.

Theo một nghiên cứu, 90% khách hàng nói rằng khi họ tương tác với một thương hiệu nào đó trực tuyến, họ muốn có những trải nghiệm thuận tiện.

Khoảng 80% nói rằng “Tôi sẽ trung thành hơn với một thương hiệu cho thấy họ thực sự hiểu tôi và những gì tôi đang tìm kiếm từ họ” (và từ các thương hiệu khác).

Dữ liệu khách hàng là yếu tố cần thiết để tạo ra những trải nghiệm được cá nhân hóa.

Làm thế nào để đo lường tài sản thương hiệu.

Trong khi việc thực hiện nhiều hoạt động với mục tiêu xây dựng tài sản thương hiệu vốn đã rất khó khăn, việc đo lường mức độ ảnh hưởng của nó cũng là một vấn đề mà các doanh nghệp cần quan tâm.

Các chỉ số định lượng có thể được đo lường bao gồm biên độ lợi nhuận, độ nhạy về giá, tỷ lệ chuyển đổi, tỷ lệ bỏ giỏ hàng, tốc độ tăng trưởng, thị phần và tần suất mua hàng lặp lại của khách hàng.

Các chỉ số định tính có thể là tình cảm của khách hàng với thương hiệu (Brand Love), phản ứng của khách hàng trên mạng xã hội, VOC và hơn thế nữa.

Các chiến lược phát triển tài sản thương hiệu nên được điều chỉnh thường xuyên dựa trên các bài học và dữ liệu có được.

Xây dựng mối quan hệ với khách hàng cũng là chiến lược khôn ngoan khi xây dựng tài sản thương hiệu.

Về bản chất, xây dựng tài thương hiệu hay xây dựng thương hiệu là xây dựng mối quan hệ với khách hàng và công chúng mục tiêu.

Khái niệm hành trình của khách hàng (Customer Journey) nên được nhìn nhận một cách tổng thể. Các doanh nghiệp nên cố gắng kết nối với khách hàng thông qua tất cả các điểm tiếp xúc với khách hàng (Brand Touchpoints) trong suốt quá trình khám phá và mua hàng.

Vào năm 2022, tài sản thương hiệu có thể tạo ra hoặc phá vỡ một doanh nghiệp. Để thành công, các thương hiệu cần không ngừng nỗ lực để hiểu khách hàng, hiểu thị trường và hiểu điều gì khiến doanh nghiệp trở nên nổi bật giữa các đối thủ cạnh tranh còn lại.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Nam Nguyen | MarketingTrips